Về vị trí địa lý huyện Gia Lâm nằm ở phía Đông của Thủ đô Hà Nội. Phía Bắc của Huyện là quận Long Biên; phía Tây Nam có địa giới là dòng sông Hồng, bên kia bờ là huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai; phía Đông Bắc và Đông giáp với các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành của tỉnh Bắc Ninh; phía Nam giáp với huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Diện tích: 114,79 km2; Dân số: khoảng 243.957 người (năm 2011).
Huyện Gia Lâm ngày nay gồm 20 xã, 2 thị trấn. Đó là các xã: Bát Tràng, Cổ Bi, Dương Hà, Dương Quang, Dương Xá, Đặng Xá, Đa Tốn, Đình Xuyên, Đông Dư, Kiêu Kỵ, Kim Lan, Kim Sơn, Lệ Chi, Ninh Hiệp, Phù Đổng, Phú Thị, Trung Màu, Yên Viên, Yên Thường, Văn Đức và 2 thị trấn: Yên Viên, Trâu Quỳ.
Gia Lâm được xác định là vùng kinh tế trọng điểm, là địa bàn quân sự chiến lược ở phía Đông của Thủ đô Hà Nội. Năm 2013, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do Huyện quản lý tăng 9,22% so với năm 2012; cơ cấu giá trị sản xuất của Huyện: Công nghiệp, xây dựng 54,05%; Dịch vụ 30,95%; Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 15,00%. Tổng số thu ngân sách nhà nước đạt 1.136,6 tỷ đồng; loại trừ kết dư, thu chuyển nguồn, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.017,5 tỷ đồng bằng 68,6% dự toán Thành phố giao, bằng 67,8% dự toán Huyện giao và bằng 93,9% so với năm trước (đã loại trừ các khoản thu thuế giãn, hoãn theo quy định); trong đó thu ngân sách nhà nước trên địa
bàn đạt 453,3 tỷ đồng, bằng 49,2% dự toán Thành phố giao, bằng 48,4% dự toán Huyện giao và bằng 78% so với năm trước. Công tác đầu tư, thực hiện các dự án trọng điểm, công tác giải phóng mặt bằng được chỉ đạo quyết liệt, thúc đẩy tiến độ thực hiện; công tác xây dựng nông thôn mới, công tác quản lý trật tự đô thị, tài nguyên, môi trường được tập trung chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện tích cực.
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, công tác Dân số - Gia đình & Trẻ em được quan tâm. Năm học 2012-2013, chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng lên, ngành giáo dục và đào tạo huyện Gia Lâm đứng đầu khối Huyện, được UBND Thành phố tặng cờ thi đua; có thêm 3 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia (nâng tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia lên 42/70 trường, đạt tỷ lệ 59,2%). Đã khám bệnh cho 201,217 lượt người, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi 37,784 lượt; kiểm tra vệ sinh ATTP 1.585 lượt cơ sở, xử phạt 11 cơ sở với tổng kinh phí 15,7 trệu đồng, cảnh cáo 85 cơ sở, phê bình, nhắc nhở 95 cơ sở và tiêu hủy sản phẩm của 12 cơ sở. Thực hiện tốt chính sách xã hội; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 69.796 lượt người có công và các đối tượng xã hội với tổng kinh phí rên 17,3 tỷ đồng. Triển khai xây dựng 12 và sửa chữa 6 nhà ở cho gia đình chính sách với tổng kinh phí 1 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp 5 công trình ghi công liệt sỹ với kinh phí 85,5 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa 31 nhà đại đoàn kết với kinh phí 925 trệu đồng. Triển khai chương trình cho vay giải quyết việc làm với tổng kinh phí trên 23,2 tỷ đồng; cho 996 hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế với kinh phí trên 22,6 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 8.055 người (đạt 100,7% kế hoạch); giảm 357 hộ nghèo (đạt 119% kế hoạch), tỷ lệ hộ nghèo còn 1,75%; đưa 82 đối tượng đi cai nghiện tại các trung tâm của Thành phố đạt 115,5% chỉ tiêu.