Điều chỉnh lợi nhuận là một chủđềthu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trên thế giới. Các nghiên cứu này đa dạng và bao trùm các lĩnh vực liên quan tới kỹ thuật thực hiện điều chỉnh lợi nhuận xung quanh các sự kiện đặc biệt như IPO, SEO, niêm yết, mua bán, sáp nhập, phân chia cổ phiếu… Kết quả các nghiên cứu về hành vi điều chỉnh lợi nhuận xung quanh các sự kiện nêu trên cho thấy sựtương phản về mức độ điều chỉnh lợi nhuận, từđiều chỉnh mạnh mẽcho đến không tìm thấy bằng chứng thực nghiệm về hành vi này. Trong phạm vi luận án, phần tổng quan nghiên cứu này chỉ tập trung đến các nghiên cứu vềđiều chỉnh lợi nhuận tại các sự kiện phát hành IPO, SEO và niêm yết cổ phiếu. Các sự kiện này được cho rằng, các nhà quản lý có các
động cơ và cơ hội để thao túng lợi nhuận nhằm đạt được mục tiêu khác nhau như huy động được vốn, đẩy giá cổ phiếu lên cao, đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, đáp ứng các quy định của thị trường chứng khoán, để được niêm yết trên sàn... Động cơ và cơ hội được coi là khá mạnh mẽ tại các sự kiện này, vì tồn tại sự bất cân xứng thông tin - các nhà quản lý có kiến thức vượt trội và nhiều thông tin về hoạt động của nội bộ công ty so với những đối tượng bên ngoài (nhà đầu tư, nhà phân tích). Dưới đây là các nghiên cứu được thực hiện tại các thị trường khác nhau, và các kết quả cho thấy sự khác biệt nhất định về mối quan hệ này:
Sự kiện IPO: IPO là một trong các sự kiện phổ biến nhất, tạo cơ hội cho các nhà quản lý điều chỉnh tăng lợi nhuận thông qua các khoản dồn tích. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra thực nghiệm về sự tồn tại của điều chỉnh lợi nhuận xung quanh thời điểm IPO bao gồm cảnăm trước và tại năm IPO, tuy nhiên kết quả còn nhiều tranh cãi.
Nhóm các học giả cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho thấy các công ty điều chỉnh lợi nhuận mạnh mẽ:
Trong nghiên cứu của Friedlan (1994) bằng việc sử dụng dữ liệu của 277 công ty IPO tại Mỹ trong khoảng thời gian từ 1981-1984, tác giảđưa ra bằng chứng cho thấy các nhà quản lý đã tạo ra các khoản dồn tích làm tăng lợi nhuận trên báo cáo tài chính trước năm IPO. Đặc biệt, trong nghiên cứu giả tìm thấy bằng chứng của các công ty trong việc sử dụng các khoản dồn tích đã biến lợi nhuận từ lỗthành lãi. Theo sau đó là một nghiên cứu về điều chỉnh lợi nhuận xung quanh sự kiện IPO tại một quốc gia Châu Âu, Roosenboom & cộng sự (2003) đã sử dụng mẫu gồm 64 công ty IPO tại Hà Lan, đo lường điều chỉnh lợi nhuận thông qua các khoản dồn tích có thể điều chỉnh ngắn hạn. Kết quả nghiên cứu cho thấy các khoản dồn tích có thểđiều chỉnh được tìm thấy trong năm IPO, nhưng không tìm thấy trước năm IPO. Tương tự, tại một quốc gia Châu Âu khác, Spohr (2004) sử dụng dữ liệu 56 công ty IPO cho giai đoạn từ 1994-2000 tại Phần Lan, tuy nhiên thay vì tìm thấy điều chỉnh lợi nhuận vào năm IPO, tác giả tìm thấy sự hiện diện của điều chỉnh lợi nhuận trước IPO. Tác giả Spohr lập luận rằng các công ty được nắm giữ bởi các cá nhân sẽ thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận mạnh mẽ trước IPO hơn so với các công ty được nắm giữ bởi các tổ chức.
Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho kết quả tương tự, Trần Thị Thanh Quý (2012), nghiên cứu điều chỉnh lợi nhuận của công ty trong 2 năm đầu niêm yết (sau IPO 2 năm) tại HOSE từ 2004-2006. Nghiên cứu sử dụng mô hình Friedlan (1994) được sử dụng để đo lường điều chỉnh lợi nhuận, tại mẫu 25 công ty. Kết quả cho thấy 22/25 công ty đều điều chỉnh tăng lợi nhuận trong 2 năm đầu, 3 công ty cho thấy
điều chỉnh tăng trong năm đầu nhưng giảm trong năm tiếp sau đó. Sau này, Phạm Quỳnh Anh (2017) đã thực hiện nghiên cứu vềđiều chỉnh lợi nhuận của các công ty phi tài chính phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng IPO. Nghiên cứu cho thấy tồn tại điều chỉnh lợi nhuận trong năm liền trước năm phát hành cổ phiếu lần đầu trong năm 2015.
Trong khi một số nghiên cứu đã ghi nhận việc sử dụng rộng rãi điều chỉnh lợi nhuận của các nhà quản lý xung quanh sự kiện IPO, thì có một số các nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng về hành vi này. Beaver & cộng sự (2000), dựa trên mẫu 80 công ty thực hiện IPO và 116 công ty thực hiện SEO từnăm 1985-1997. Nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng các nhà quản lý thực hiện điều chỉnh lợi nhuận (đo lường bằng các khoản dồn tích có thể điều chỉnh) trước khi phát hành cổ phiếu. Hay tại Trung Quốc, Kimbro (2005) sử dụng dữ liệu của 691 công ty IPO Trung Quốc, Kimbro (2005) cho thấy rằng các công ty thận trọng hơn trong giai đoạn IPO, sử dụng các khoản dồn tích giảm lợi nhuận trong bản cáo bạch của họ. Nghiên cứu cho thấy các công ty đó có thể tiết kiệm lợi nhuận trong giai đoạn trước IPO để cho phép một số linh hoạt kế toán trong tương lai. Venkataraman & cộng sự (2008) sử dụng dữ liệu của 142 công ty IPO của Mỹ, các tác giả kết luận rằng các khoản dồn tích trước IPO là âm và thậm chí còn nhỏ hơn các dồn tích sau IPO, điều này cho thấy không có bằng chứng về tín hiệu điều chỉnh lợi nhuận xung quanh sự kiện IPO. Một bằng chứng khác khá thuyết phục, được thực hiện bởi Ball và Shivakumar (2008), các tác giả cho rằng các công ty thận trọng hơn trong số liệu kếtoán trước IPO. Ball và Shivakumar (2008) lý giải rằng các công ty trở lên thận trong hơn trước khi IPO vì tránh các hình phạt pháp lý và do vậy không tham gia thực hiện điều chỉnh lợi nhuận. Tương tự Armstrong & cộng sự (2008) không tìm thấy bằng chứng vềđiều chỉnh lợi nhuận trong 2 năm trước IPO. Với sự kiện chào bán cổ phần riêng lẻ, Chou & cộng sự (2009) cho thấy không tìm thấy bằng chứng vềđiều chỉnh lợi nhuận đối với toàn bộ mẫu các công ty phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Một bằng chứng thực nghiệm từ 28 quốc gia, Premti (2013) cũng cho thấy các công ty không thực hiện điều chỉnh lợi nhuận xung quanh sự kiện IPO.
Sự kiện SEO: Sự kiện này, các công ty thường tìm kiếm các nhà đầu tư mới, với mục đích tăng vốn và cổ phiếu bán được giá cao nên các nhà quản lýthường điều chỉnh lợi nhuận tăng. Rangan (1998) thực hiện nghiên cứu tại 230 công ty Mỹ phát hành thêm cổ phiếu trong giai đoạn 1987- 1990, Rangan đã tìm thấy bằng chứng cho rằng những công ty này điều chỉnh tăng lợi nhuận trước năm phát hành. Hay trong nghiên cứu của Teoh & cộng sự (1998ª), với dữ liệu từ 1248 công ty phát hành thêm cổ phiếu của Mỹ, các tác giảđã tìm thấy bằng chứng cho thấy do sự khan hiếm thông tin công khai về các
công ty trong thời gian xảy ra sự kiện, các nhà quản lý đã tận dụng thông tin bất cân xứng và đã thực hiện điều chỉnh tăng lợi nhuận cao bất thường trên báo cáo tài chính trước khi phát hành. Theo sau đó là các nghiên cứu trên thế giới có kết quả nghiên cứu tương tự như Kinnunen & cộng sự (2000) tại Phần Lan; Shivakumar (2000); Ken & cộng sự (2002) tại HongKong; Zhou và Elder (2004) tại Mỹ; Ducharme & cộng sự (2004) tại Mỹ; Pastor và Poveda (2005) tại Tây Ban Nha; Cohen và Zarowin (2008) tại Mỹ; Iqbal & cộng sự (2009) tại Anh, đều cung cấp bằng chứng thực nghiệm cho thấy các khoản dồn tích có thểđiều chỉnh cao bất thường xung quanh thời điểm phát hành thêm cổ phiếu.
Tại Việt Nam, Phạm Thị Bích Vân (2017) đã nghiên cứu vềđiều chỉnh lợi nhuận khi phát hành thêm cổ phiếu tại các công ty niêm yết trên thịtrường chứng khoán thời gian từ 2007-2015. Kết quả nghiên cứu đồng nhất với hầu hết nghiên cứu trên, cho thấy tồn tại hành vi điều chỉnh tăng lợi nhuận trước phát hành thêm cổ phiếu ở các công ty niêm yết trên thịtrường.
Sự kiện niêm yết mới: Sự kiện này diễn ra khi một công ty niêm yết trên một sở giao dịch (có thể niêm yết lần đầu hoặc chuyển sàn giao dịch). Niêm yết là một cách thức phổ biến để các công ty tăng vốn và tăng cường năng lực cũng như danh tiếng trên thị trường. Bất kỳ một công ty nào khi niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán đều phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt các điều kiện và quy định do cơ quan quản lý ban hành trong đó cóđiều kiện về lợi nhuận. Do đó, đểđược niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán, các công ty có thể thực hiện hành vi điều chỉnh tăng lợi nhuận. Sử dụng dữ liệu của 68 công ty niêm yết trên KSE từ 1997 đến 2007, Eiman (2013) phát hiện ra rằng các công ty có động cơ tăng lợi nhuận trong năm trước khi niêm yết đểđáp ứng các mục tiêu lợi nhuận. Ngược lại, trong bối cảnh cải cách điều kiện niêm yết để tăng cường thực tiễn và tăng chất lượng báo cáo tài chính ở Malaysia, Sahlan (2011) đã nghiên cứu ảnh hưởng của cải cách điều kiện niêm yết đối với điều chỉnh lợi nhuận. Nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho thấy cải cách có tác động làm giảm mức độđiều chỉnh lợi nhuận.
Trong trường hợp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán ở một quốc gia khác, Charitou và Louca (2003) đã sử dụng dữ liệu của 165 công ty Canada trong giai đoạn 1983-2001, các tác giả thấy rằng các công ty có xu hướng tăng lợi nhuận thông qua các khoản dồn tích trước khi niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Tương tự, Lin (2003), đã nghiên cứu 584 công ty chuyển từ NASDAQ sang NYSE và AMEX và từ AMEX đến NYSE, nhận thấy rằng các nhà quản lý điều chỉnh lợi nhuận trong năm trước khi chuyển đổi niêm yết. Bằng chứng này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Lang &
cộng sự(2006); Ndubizu (2007). Một quan điểm khác được tìm thấy trong nghiên cứu của Jia và Zhou (2019), nghiên cứu đã sử dụng mẫu của các công ty niêm yết trong cả hai sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc đại lục và sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông (niêm yết chéo). Các tác giả nhận thấy rằng niêm yết chéo với các điều kiện chặt chẽhơn đã làm giảm điều chỉnh lợi nhuận. Điều đó có nghĩa là các công ty được niêm yết trên cả hai sở giao dịch có mức điều chỉnh lợi nhuận thấp hơn so với các công ty chỉ niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc đại lục.
Tóm lại, thông qua tổng quan nghiên cứu vềđiều chỉnh lợi nhuận được đề cập ở trên tác giả nhận thấy trong khi điều chỉnh lợi nhuận xung quanh sự kiện IPO và SEO được nghiên cứu khá đầy đủ ở các thị trường, thì nghiên cứu về điều chỉnh lợi nhuận xung quanh thời điểm niêm yết còn chưa nhiều. Đồng thời, tổng quan nghiên cứu còn nhiều tranh cãi trong việc điều chỉnh lợi nhuận được thực hiện tại năm trước sự kiện hay tại năm sự kiện. Hơn nữa, đối với thịtrường Việt Nam cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào được thực hiện để kiểm tra điều chỉnh lợi nhuận xung quanh sự kiện niêm yết, đặc biệt xem xét trong phạm vi cửa sổ sự kiện trước niêm yết, niêm yết và sau niêm yết. Do vậy, điều này thực sự là cần thiết để thực hiện nghiên cứu về hiện tượng này tại thị trường Việt Nam.