Xét về nguồn gốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm từ vựng trong thơ của văn công hùng (Trang 31 - 33)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.2. Xét về nguồn gốc

Trong tiến trình phát triển từ vựng, hầu như không có từ vựng của ngôn ngữ nào lại chỉ hình thành, xây dựng bằng con đường tự thân phát sinh. Trong hầu hết tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, người ta vẫn có thể thấy hàng loạt từ ngữ mà chúng vay mượn, hoặc vốn có nguồn gốc từ ngôn ngữ khác. Tiếng Việt của chúng ta cũng vậy. Như thế, điều mà người ta có thể dễ thấy nhất ở

đây là nổi lên đường phân giới giữa hai lớp từ ngữ: lớp từ thuần Việt và lớp từ có nguồn gốc ngoại lai. Ở từ vựng tiếng Việt, lớp từ ngoại lai được phân thành hai lớp nhỏ hơn: lớp các từ ngữ gốc Hán và lớp các từ ngữ gốc Ấn - Âu (chủ yếu là gốc Pháp). Theo kết quả nghiên cứu và thống kê của Vũ Thị Ân về hệ thống từ vựng trong thơ Nôm và Thơ mới từ góc độ nguồn gốc, tác giả đã đưa ra một kết quả đánh giá như sau:

Bảng 1.2. Từ vựng trong thơ Nôm và Thơ mới từ bình diện nguồn gốc

Loại thơ Tổng lượt từ ngữ được khảo sát Từ thuần Việt Từ Hán Việt Từ khác Thơ Nôm trung

đại 24.171 19.350 (80,05%) 4.815 (19,92%) 6 (0,02%) Thơ mới 1932 - 1945 73.409 63.721 (86,8%) 7.211 (9,82%) 35 (0,05%) [Nguồn 4, tr.21]

Từ bảng thống kê trên, xét từ góc độ nguồn gốc, chúng ta vẫn có thể nhận thấy trong hệ thống từ vựng trong thơ Nôm cũng như trong Thơ mới thì từ có nguồn gốc thuần Việt vẫn chiếm ưu thế. Số lượng từ Hán Việt trong ngôn ngữ Thơ mới chiếm tỷ lệ thấp hơn so với thơ Nôm. Thêm vào đó, từ ngữ có nguồn gốc Ấn - Âu trong Thơ mới có số lượng nhiều hơn trong thơ Nôm.

Điều này có thể lý giải được từ đặc trưng vốn từ trong thơ Nôm và Thơ mới thuộc hai phạm trù khác nhau. Trong thơ Nôm, số lượng từ Hán Việt chiếm tỉ lệ nhiều vì ngôn ngữ thơ ở giai đoạn này chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi địa vị độc tôn của chữ Hán, ngôn ngữ Hán. Ở giai đoạn này, tỷ lệ từ thuần Việt tuy có chiếm một số lượng cũng đáng kể nhưng vẫn chưa thực sự đảm nhận được vai trò chính trong việc thể hiện những vấn đề phản ánh của nội dung văn học thời kì này. Tuy nhiên, càng về sau, thì vai trò của từ thuần Việt là có sự gia tăng.

Hành trình thơ Nôm từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến và Tú Xương là hành trình mà vai trò của từ Hán Việt dần mất đi vai trò độc tôn và nhường lại cho hệ thống từ thuần Việt.

Đối với thời kì Thơ mới phát triển và thịnh hành, lớp từ Hán Việt đã giảm dần, lớp từ thuần Việt gia tăng, đặc biệt là lớp từ vay mượn trong văn hoá Ấn Âu như xi nê, ô tô, ban công, (mũ) bê rê... đã xuất hiện và đảm trách vai trò ngôn từ nghệ thuật. Điều này chứng tỏ một quá trình Việt hoá cao độ lớp từ ngoại lai trong việc kiến tạo bầu không khí diễn ngôn đặc sắc của thế giới nghệ thuật phong trào Thơ mới 1932 – 1945. Bên cạnh đó, trong thế giới từ vựng của ngôn ngữ Thơ mới, chúng ta có thể cảm nhận được sự thay đổi phương thức cảm thụ thẩm mĩ của các thi sĩ hiện đại, đưa ý thức thẩm mĩ của Thơ mới đi ra khỏi quỹ đạo của thơ trung đại và đi vào quỹ đạo của thơ hiện đại. Mặc dù vẫn còn những nhà thơ sáng tác mang hơi hướng của ý thức cũ như Quách Tấn, Huy Cận, Thái Can... nhưng đó chỉ là hồn cốt thi nhân còn vương lại của những phong cách Đường thi chịu sự tác động mạnh mẽ của văn hoá Hán sau một thời gian dài ảnh hưởng sâu đậm đến văn hoá Việt.

Nhìn chung, nguồn gốc của hệ thống từ vựng trong ngôn ngữ thơ Nôm và Thơ mới có sự tương đồng với nhau. Song, tỷ lệ và vai trò của các tiểu hệ thống của nó có sự chênh lệch khá phức tạp và có những lý do văn hoá của nó. Với chức năng và vai trò của mình, hệ thống từ ngữ này đã góp phần tạo nên những sắc thái, phong cách và những điểm đặc thù của hai hệ thống ngôn ngữ thơ Nôm và Thơ mới. Khảo sát về nguồn gốc của từ vựng trong ngôn ngữ nghệ thuật thơ Nôm và Thơ mới cũng là một trong những cơ sở căn bản để chúng tôi đi sâu tìm hiểu những đặc trưng từ vựng trong ngôn ngữ của các nhà thơ hiện đại, đương đại nói chung và phong cách ngôn từ nghệ thuật thơ Văn Công Hùng nói riêng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm từ vựng trong thơ của văn công hùng (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)