6. Cấu trúc luận văn
1.3.2. Những chặng đường sáng tác thơ củaVăn Công Hùng
Ở phần này, chúng tôi sẽ khảo lược quá trình sáng tác thơ của Văn Công Hùng thông qua các tập thơ. Đây là cái nhìn bước đầu để nhận diện sự phát triển phong cách thơ ông.
Bến đợi là tập thơ đầu tiên của Văn Công Hùng. Tập thơ ra mắt đã chiếm được sự xúc động của người đọc. Cảm xúc chung của tập thơ này là tâm sự của một người nặng lòng với quê cũ, trầm ngâm về quê hương với một nỗi niềm đau đáu và với quê hương mới thì đã ám vào Văn Công Hùng để thổ lộ cái cốt cách nghệ sĩ phát sáng rất tiềm tàng, sung mãn.
Hát rong là tập thơ đánh dấu sự góp mặt của một nhà thơ mang tên Văn Công Hùng trên thi đàn. Đến với tập thơ, độc giả như đang được sống giữa cuộc đời, trải nghiệm cuộc đời qua từng câu chữ. Mọi cung bậc của cảm xúc, thế giới muôn màu của cuộc sống hiển hiện trong thơ ông sinh động. Nếu ai đó cho rằng thơ ca chỉ là thứ làm cho tâm hồn con người thoát ly khỏi hiện thực cuộc sống, đắm chìm trong những mơ mộng viển vông, bay bổng và lãng mạn trên đôi cánh thần tiên và sẽ thấy thất vọng khi đặt thơ đối sánh với cuộc đời, thì Văn Công Hùng lại cho rằng thơ chính là đời, cuộc đời sẽ giúp cho thi sĩ thăng hoa cảm xúc để làm thơ.
Đọc Hát rong, ta cảm được hơi thở và nhịp đập của một trái tim giàu men say cuộc đời, đa tình với thơ ca. Đó cũng chính là khúc hát rong mang dầy dấu ấn của một trái tim nồng nàn nhựa sống. Ở đó, ta cũng trông thấy một gương mặt rất hiền mà cũng đầy bụi trần - một gương mặt lắm men say dành cho cõi đời mà cũng khắc khoải, hoài nghi và cô đơn giữa thế gian. Nói chung càng đi sâu vào thế giới Hát rong, người đọc càng khám phá thêm những miền tâm trạng mới, làm phong phú thêm chất lượng tâm hồn người.
Đến với Hoa tường vi trong mưa, thơ của Văn Công Hùng bắt đầu có sự trăn trở, vật vã với mình để tìm tòi, tránh con đường mòn, luôn luôn ý thức mình phải đổi mới mình trong thơ. Ở hai tập thơ trước, tứ thơ của ông có phần hơi khô thì sang chặng thơ này nó đã có sự nung nấu, tứ và cảm xúc đã có sự hòa quyện tạo nên những câu thơ sâu lắng làm rung động trái tim bạn đọc.
Hoa tường vi trong mưa là tập thơ của những ngày bình thường, của những con người bình thường, cũng là của những điều bình thường trong cuộc sống. Những người, những việc thường ngày, giản dị đó được Văn Công Hùng soi chiếu dưới lăng kính của sự đối nghịch để người đọc nhận ra rằng: chúng bình thường nhưng cao quý. Cảm giác về sự trầm tĩnh, lý trí, chiêm nghiệm xuất hiện nhiều ở các trang thơ. Tất cả những cái ngày thường đơn giản là thế nhưng để có được nó nhiều khi con người ta phải đánh đổi thật nhiều, phải nỗ lực thật lớn, phải khát khao thật mãnh liệt. Đến tập thơ này, yếu tố triết luận trong thơ của Văn Công Hùng dường như sâu sắc hơn cả. Nhiều bài thơ đòi hỏi sự tập trung cao độ của người đọc để nhận ra khuôn mặt thật, giấu kín tận sâu bên trong của cái hằng thường. Với Hoa tường vi trong mưa chúng ta cũng nhận diện rõ ràng hơn sự " tiết chế " trong câu chữ của Văn Công Hùng.
Cuộc sống con người luôn từng giờ, từng ngày đổi thay và để bắt nhịp với cuộc sống ấy, thơ ca cũng phải luôn tìm tòi, đổi mới. Thơ không thể mãi là sự nhàm chán cũ kỹ, sáo mòn đến vô cảm, nhà thơ cũng cần phải có tâm huyết,
niềm đam mê khao khát cái mới, khao khát sự đổi thay, làm phong phú hơn cho đời sống cũng chính là làm phong phú thêm cho tâm hồn của con người thời đại. Ta bắt gặp một Văn Công Hùng hiện đại trong Gõ chiều vào bàn phím. Ngôn ngữ của tập thơ này mang đậm dấu ấn của " cuộc sống số ” với những @, những email, những enter… và mang lại cho người đọc một cảm giác muốn được khám phá ngôn ngữ để đi đến tận cùng vẻ đẹp của văn chương.
Đối với Văn Công Hùng, thơ phải phản ảnh được những cái đời thường của cuộc sống: Những nhà thơ ở trong nhà tập thể, con bao cấp tiếng cười vợ tem phiếu cơm ăn và nước mắt (Tự bạch của một thời). Nhiều lúc ông lặng lẽ đem bản thân mình ra làm đối tượng cho mình chiêm cảm, thổn thức cùng nỗi đau của bản thân, nhặt nhạnh từng mảnh mình rơi vãi. Ông không né tránh cái tôi thực của mình, tự tâm để nó bơi giữa dòng nước ngược, thoải mái thốt lên những điều đang dày vò nó với những cảm xúc lạ nhưng rất đỗi đời thường hay là những cảm xúc dồn nén, kìm kẹp giữa hai bờ trái tim nóng hổi. Từ Bến đợi cho đến Gõ chiều vào bàn phím là một sự cách tân về nhận thức, tư tưởng và thi pháp. Không còn sự nhận đường hay dò đường mà là sự khẳng định. Khẳng định một con đường mới, một lối đi riêng để vào thế giới thơ giàu màu sắc và lắm chông gai. Đặt trong hệ thống thơ đương thời, thơ Văn Công Hùng vượt lên bởi sự chững chạc, điềm đạm mà tinh tế. Không đa ngôn mà “kiệm lời”, không ào ạt mà “tiết chế" không “duy cảm” mà “duy lý”... Văn Công Hùng tạo ra một khuôn thước mới để nhìn nhận cái đẹp của thơ. Lý thuyết về cách đọc thơ dần thay đổi. Biên độ nhận thức về thơ được nới rộng hơn. Nó tạo ra những dư chấn mạnh mẽ và mới lạ trên thi đàn đang đòi “đổi mới”.
Khát khao đổi mới cùng với đam mê sáng tạo đã thôi thúc nhà thơ tiếp tục viết Đêm không màu. Bằng cái tôi chiêm nghiệm, chất vấn, Văn Công Hùng độc thoại trước hết với chính mình và hướng đến được cùng giãi bày với người đọc qua những ảnh hình của cuộc sống. Bởi vậy, thơ ông đi vào lòng người nhẹ nhàng mà sâu lắng. Nó như thuộc về bản năng của người nghệ
sĩ có trái tim lớn, chứa đựng nhiều tâm trạng, cảm xúc, nhà thơ phải phân thân thành nhiều người để bộc lộ các sắc thái, tình cảm, niềm vui, nỗi buồn của càng nhiều số phận, càng hay.
Không chịu dừng lại ở những cảm xúc bề ngoài, nhà thơ đi sâu vào đối tượng bên trong để khám phá, phát hiện bản chất của mỗi vấn đề. Ông đã mở ra bước chuyển về thi pháp, đưa thơ đến chất giọng triết lý sau vẻ hài hước nửa như đùa nửa như thật của mình. Tăng cường tính triết luận vào thơ đã tạo được nét riêng biệt làm nên phong cách thơ của Văn Công Hùng. Ông cảm nhận được sự ngắn ngủi của đời người trong dòng chảy không cùng của thời gian. Sự sống con người ngỡ ra là thoáng chênh vênh, mơ hồ. Cũng từ đó, nhà thơ ngộ được giới hạn của đời người. Đêm không màu đã thể hiện sự đằm thắm và độ chín của tác giả. Chứng tỏ ông đã đi qua sự bồng bột và sôi nổi của thời trai trẻ.
Đến với thơ Lục bát Văn Công Hùng, ta nhận thấy rõ sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại đã tạo cho lục bát của ông một nét riêng, một sự phá cách “Nỗi lòng anh trải ra với thiên nhiên, với nắng trời tim tím Huế". "Bài thơ theo thể lục bát, nhịp điệu quen thuộc, có vài chỗ phải thất cách để tránh đơn điệu; có ngắt, xuống dòng, chỗ dùng (cesur), có đồng hiện, có hoài vãng, có hiện thực... để tạo ra những phức điệu, phức cảm làm đẹp hồn thơ và hấp dẫn quá trình tiếp nhận thẩm mĩ của người đọc” [49, 181 - 182].
Thơ đã trở thành một thứ vũ trụ tâm linh không những của nhà thơ mà của cả người tiếp nhận. Hiện thực phản ánh trong thơ là một hiện thực đa phương, đa chiều. Với Vòm trời khác, Văn Công Hùng hiện lên như một “phù thủy" câu chữ khi ông mang đến sự mới lạ cho thơ từ những chất liệu quen thuộc.
Sau thành công của các tập thơ trước, năm 2016 tập Cầm nhau mà đi ra đời đã gặt hái nhiều thành công và sự trân trọng. Tập thơ vương vít nỗi buồn của con người đã đi qua và quay đầu nhìn lại quãng đường đời khá dài của
mình. Nhiều lời cũng không nói được nhiều hơn những gì muốn nói. Và năm 2019 nhà thơ đã công bố tập Trong cơn mơ có thực, đây là tập thơ gây nhiều tiếng vang. Ở bài thơ này, Văn Công Hùng đã sử dụng một cách tối đa các nét nghĩa của ngôn ngữ để phác hoạ sự khắc khoải dặt dìu, day dứt trên mỗi trang thơ. Những bài thơ được viết bằng ngôn ngữ thơ chắt lọc, giàu suy tưởng. Những câu thơ đứt quãng, ngắt dòng liên tục vừa là sự cách tân vừa giúp diễn tả nhịp điệu tâm hồn đầy trắc ẩn của người đã đi đến kết cục của tình yêu nhưng vẫn còn nhiều khát khao trong lặng lẽ.
Đối với nhà thơ, con đường sáng tạo thơ là cả một hành trình lao động thực thụ, Văn Công Hùng không ngừng tìm tòi, khám phá và sáng tạo, luôn ý thức đổi mới trong thơ mình. Sự luôn đổi mới thơ mình ở nhà thơ đem đến cho ông sự tin cậy của bạn đọc. Qua thơ, chúng ta có thể hiểu thêm, hiểu sâu hơn một điều mà có thể nhà thơ đã gián tiếp nhắn gửi một cách âm thầm lặng lẽ qua những trang viết. Văn Công Hùng lặng lẽ làm nên những giá trị tinh thần đóng góp cho thi đàn những tập thơ giá trị, những bài thơ sâu sắc, giàu triết lí, giàu trí tuệ và yêu thương.
Tiểu kết Chương 1
Hệ thống từ vựng trong ngôn ngữ thơ của một thời đại, một cá nhân đều là sự tích hợp của các thành phần cụ thể và được xem xét từ các góc độ, cấp độ cụ thể như cấu tạo, ngữ nghĩa, nguồn gốc. Sự vận dụng linh hoạt sáng tạo và kế thừa, tiếp biến từ thế hệ trước sẽ làm cơ sở đều tạo nên những đột phá về phương diện thẩm mĩ trong thế giới nghệ thuật của một thời đại, nhà thơ cụ thể. Phong cách ngôn ngữ trong thơ của Văn Công Hùng là sự tích hợp một cách nhuần nhuyễn và sâu sắc giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại. Tư duy thơ ông đã thể hiện sự phản ứng nhanh khi nắm bắt được cái mới nhưng luôn “bảo thủ" trước những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc. Đó là một tư duy tích hợp, đa chiều cạnh, đã tìm được sự hài hoà thống nhất trong
khối đa dạng và mâu thuẫn. Văn Công Hùng đã đi vào cuộc hành trình văn học dân tộc đem theo khí cốt mới mẻ, tạo nên một bản lĩnh nghệ thuật vững vàng, một vị thế riêng trên con đường hiện đại hoá thi ca.
Chương 2. HỆ THỐNG TỪ VỰNG TRONG THƠ CỦA VĂN CÔNG HÙNG - NHÌN TỪ BÌNH DIỆN CẤU TẠO, NGỮ
NGHĨA VÀ NGUỒN GỐC