6. Bố cục luận văn
1.1.3. Các biện pháp lập luận hiệu quả
Để lập luận đạt được hiệu quả như mong muốn, người nói (người viết) dùng nhiều biện pháp khác nhau để tác động đến nhận thức, tư duy, tình cảm của người nghe (người đọc). Có thể kể đến các biện pháp sau đây:
1.1.3.1. Biện pháp giải thích
Giải thích là biện pháp dùng lý lẽ để lý giải, giải thích, làm rõ về vấn đề cần lập luận.
Ví dụ 21:
“Xung đột hiểu theo nghĩa phổ biến nhất là sự đối lập về nhu cầu, giá trị và lợi ích giữa các cá nhân, tổ chức hay giữa các cộng đồng, quốc gia. Đó là tình trạng xã hội nảy sinh khi hai hay nhiều chủ thể cùng theo đuổi những mục đích riêng biệt hay trái ngược nhau; là sự bùng nổ mâu thuẫn nội tại sự vật, xuất phát từ sự tương tác giữa các
cá nhân và các yếu tố trong tổ chức sự vật đó” [tr.14, số 11-2018].
Tác giả đã giải thích “xung đột” là: “sự đối lập về nhu cầu, giá trị và lợi ích giữa các cá nhân, tổ chức hay giữa các cộng đồng, quốc gia”, “tình trạng xã hội nảy sinh khi hai hay nhiều chủ thể cùng theo đuổi những mục đích riêng biệt hay trái ngược nhau”, “sự bùng nổ mâu thuẫn nội tại sự vật, xuất phát từ sự tương tác giữa các cá nhân và các yếu tố trong tổ chức sự vật đó”.
1.1.3.2. Biện pháp chứng minh
Chứng minh là biện pháp dùng lý lẽ để làm sáng tỏ tính đúng đắn, tính hợp lý của kết luận trong lập luận.
Ví dụ 22:
“Luật pháp của các nước khác, về nguyên tắc cũng công nhận quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhưng không coi quyền này là “tự do tuyệt đối”. Điều 36 Hiến pháp Cộng hòa Kyrgyzstan mặc dù tuyên bố “truyền thông tự do”, nhưng đã cụ thể hóa tuyên bố này trong Điều 17: “Hiến pháp và Luật của nước Cộng hòa Kyrgyzstan hạn chế đối với việc thực hiện các quyền và quyền tự do được cho phép chỉ trong trường hợp nhằm đảm bảo quyền và tự do của người khác, đảm bảo an toàn và trật tự xã hội, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ trật tự hiến
pháp. Nhưng trong quá trình thực hiện, tinh thần về các quyền và quyền tự do hợp hiến không được phép bị ảnh hưởng”. Điều 8 Hiến pháp Senegal thừa nhận việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí song cũng coi các quyền này là “đối tượng điều chỉnh và bị
hạn chế bởi luật và các quy định pháp luật” [tr.15, số 6-2013].
Trong ví dụ trên, để chứng minh cho kết luận “Luật pháp của các nước khác, về nguyên tắc cũng công nhận quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhưng không coi quyền này là “tự do tuyệt đối”, tác giả đã sử dụng lý lẽ từ Điều 36, Điều 17 của Hiến pháp Cộng hòa Kyrgyzstan và Điều 8 Hiến pháp Senegal.
1.1.3.3. Biện pháp so sánh
So sánh là biện pháp lập luận được thực hiện bằng cách đối chiếu sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác để từ đó làm nổi bật sự vật, hiện tượng cần quan tâm.
Ví dụ 23:
“Sự cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc ở Biển Đông sẽ diễn ra trong tình trạng “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, nhưng mặt
cạnh tranh, đấu tranh sẽ mạnh hơn nhiều, thậm chí gay gắt” [tr.46, Số
5-2017].
Lập luận trên đã dùng biện pháp so sánh để so sánh hai khả năng: “hợp tác” và “đấu tranh”, qua đó đã làm nổi bật mặt “đấu tranh” sẽ “mạnh hơn nhiều, thậm chí gay gắt hơn”.
1.1.3.4. Biện pháp miêu tả
Miêu tả là biện pháp lập luận dùng các luận cứ để tăng cường thêm những chứng cứ, lý lẽ nhằm mô tả, tường thuật về một sự vật, hiện tượng nào đó.
Ví dụ 24:
“Nói đến chuẩn mực phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” là nói đến những chuẩn mực giá trị về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách
của người quân nhân cách mạng. Đó là lý tưởng chiến đấu cao đẹp, yêu nước, yêu chế độ, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, sự gan dạ, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu và công tác; tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn; tình đoàn kết quân với dân như cá với nước; tính kỷ luật tự giác, nghiêm
minh, thủy chung son sắt với bạn bè quốc tế, … [tr.6, số 12-2016].
Trong ví dụ trên, tác giả đã lập luận để miêu tả chuẩn mực giá trị về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách của người “Bộ đội cụ Hồ”. Đó là một chuẩn mực rất riêng, rất đặc biệt của người quân nhân cách mạng mà không có một lực lượng nào có thể có được.
1.1.3.5. Biện pháp định nghĩa
Định nghĩa là biện pháp lập luận bằng cách nêu lên đặc điểm, tính chất, bản chất, thuộc tính của sự vật có sự phân biệt với sự vật khác nhằm làm nổi bật lên sự vật cần nhấn mạnh đến. Định nghĩa trong khoa học mang tính chính xác phổ biến; định nghĩa trong lập luận có thể không chính xác đối với từng thời điểm, từng quốc gia dân tộc, cộng đồng người … nhưng có thể chấp nhận được.
Ví dụ 25:
“ Theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu nước là sẵn sàng phấn đấu, hy sinh cho lợi ích chung, việc gì có lợi cho dân, cho nước, cho tập thể thì quyết chí làm, việc gì có hại thì quyết chí không làm. Làm việc gì trước hết phải vì tập thể, vì đất nước, vì nhân dân, phải nêu cao trách nhiệm của người lãnh đạo, không tham lam, vụ lợi, vun vén cá
nhân…” [tr.7, số 5-2016].
Ở lập luận trên đây, tác giả đã đưa ra nhiều lý lẽ để định nghĩa “yêu nước” theo gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là định nghĩa mà chúng ta ai ai cũng có thể chấp nhận đó là đúng, là phù hợp với yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong mọi hoàn cảnh.
1.1.3.6. Biện pháp hỏi
Hỏi là biện pháp lập luận dùng các kiểu cấu trúc câu chứa từ để hỏi để khẳng định vấn đề cần lập luận, tạo nên sự thuyết phục và hiệu quả lập luận cao. Có nhiều cách hỏi để lập luận: hỏi về một luận đề, hỏi về một sự việc để nhấn mạnh một lập luận, hỏi để nhấn mạnh một sự việc, hỏi để kiểm tra nhận thức hoặc kiểm tra thông tin.
Ví dụ 26:
“EU có sẵn sàng tự mình giải quyết những vấn đề sát sườn như quan hệ với Nga, I-ran, Trung Quốc, Ấn Độ, từ đó mở ra cơ hội xây dựng những quan hệ đối tác chiến lược với các nước khác nhau khi phù hợp ? EU có thể ngăn chặn và khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu, chặn đứng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan hoặc đạt được thống nhất nội khối về đón nhận người di cư từ Trung Quốc, Bắc Phi, Tây Á … đang ồ ạt đổ về biên giới, đất liền hoặc dồn về bờ biển châu Âu, trong khi chủ nghĩa dân túy ở lục địa già có xu hướng bùng phát, tuy đã tạm lắng nhưng chưa dừng lại, trong khi khó khăn kinh tế chưa hẳn đã vượt qua? Đây là những vấn đề nan giải nhưng cũng là những lợi ích thôi thúc EU quyết tâm triển khai xây dựng Liên minh an ninh và Quốc phòng châu Âu, trong đó có Lực lượng Can thiệp châu Âu, để tạo thế tạo chủ về quân sự, không phụ thuộc vào Mỹ và NATO về an ninh và quân sự, nhằm trở thành một chủ thể toàn cầu mạnh mẽ, xác lập những
lợi ích của EU một cách tự chủ.” [tr.45-46, số 01-2018].
Các kiểu cấu trúc câu chứa từ để hỏi trong lập luận trên là nhằm để dự đoán khả năng của EU trong giải quyết các vấn đề đặt ra để EU củng cố các thể chế toàn cầu. Vì lợi ích của mình, chắc chắn EU sẽ có những giải pháp phù hợp để trở thành một chủ thể toàn cầu.
1.1.3.7. Biện pháp trích dẫn
Trích dẫn là biện pháp trích lại lời nói, câu viết, sự kiện hoặc tri thức thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm nâng cao hiệu quả lập luận. Trích dẫn càng chính xác, phù hợp thì lập luận càng hiệu quả, tính thuyết phục càng cao.
Ví dụ 27:
“Vấn đề quan trọng nhất trong công tác xây dựng Đảng của bất kỳ một Đảng cầm quyền nào cũng là vấn đề chú trọng tổng kết thực tiễn và sáng tạo lý luận. Đối với Đảng Cộng sản, không những không ngoại lệ mà cần phải tăng cường. Sinh thời, Mao Trạch Đông đã từng nói “Quản lý đất nước, quản lý đảng phải nắm vững điều then chốt, mấu chốt của công tác xây dựng đảng là ở chỗ sáng tạo tư tưởng lý luận”. Nhưng sáng tạo và phát triển lý luận của đảng đều không tách
rời thực tiễn lãnh đạo của đảng [tr.58, số 5-2013].
Để làm sáng tỏ vai trò của tổng kết thực tiễn và sáng tạo lý luận trong công tác lãnh đạo của đảng cầm quyền, tác giả đã trích dẫn lời nói của Mao Trạch Đông - Nguyên Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, người đã lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc giành thắng lợi trong cuộc nội chiến với Quốc dân Đảng, lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949 và trở thành đảng cầm quyền ở Trung Quốc. Chính nhờ trích dẫn này mà lập luận có tính thuyết phục rất cao.