6. Bố cục luận văn
2.8. Chuỗi lý lẽ
Mỗi loại lý lẽ trong từng lập luận cụ thể sẽ mang lại hiệu quả cụ thể và mỗi loại lý lẽ mang tới hiệu quả lập luận khác nhau. Tuy nhiên, trong nhiều hoàn cảnh, lập luận sử dụng cùng một lúc nhiều loại lý lẽ khác nhau để tăng thêm tính thuyết phục và đạt hiệu quả cao cho lập luận, từ đó sẽ tạo ra một chuỗi lý lẽ trong lập luận.
Trong đoạn viết sau đây, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng đã sử dụng chuỗi lý lẽ bất hợp lý trong dạy - học và thi cử hiện nay để thuyết phục quan điểm đổi mới việc dạy học và thi cử, hướng đến chất lượng thực sự. Đó là những lý lẽ về sự không cần thiết về việc buộc người học toán phải nhớ quá nhiều công thức, trong khi cần là tư duy sáng tạo, hình thành logic trong tư duy và biết vận dụng; về buộc người học lịch sử phải nhớ ngày tháng, sự kiện quá nhiều,
trong khi cần là việc hiểu bản chất của lịch sử, những vấn đề có tính quy luật, chi phối các sự kiện và hình thành nhân cách; về buộc người học văn phải đúng theo ý thầy mới được điểm cao, trong khi cần là sự sáng tạo, mới mẻ của người học … Các lý lẽ trong đoạn viết được tác giả đưa ra đều dựa trên cơ sở thực tế của giáo dục nước ta hiện nay là nặng về bằng cấp và ứng thí.
“Giáo dục chúng ta bắt học trò phải học thuộc, phải ghi nhớ máy móc nhiều công thức quá, mà các công thức ấy sau này khi làm việc cả đời hầu hết mọi người không dùng đến, vậy bắt người học nhớ làm gì cho tốn công sức, cần giành năng lượng ấy để tập trung cho tư duy sáng tạo. Việc học toán, đương nhiên là cần học, cần hiểu các công thức ấy để hình thành logic trong tư duy, quan trọng là hiểu và biết vận dụng chứ không nhất thiết bắt người học phải nhớ. Học lịch sử, quan trọng là hiểu bản chất của lịch sử, những vấn đề có tính quy luật, chi phối các sự kiện, và hình thành nhân cách, còn bắt người học phải thuộc, phải nhớ ngày tháng, sự kiện quá nhiều làm cho môn học đáng lý hấp dẫn lại trở thành nặng nề, khô khan. Học văn lại chấm điểm theo barem, phải đúng 4 -5 ý như thầy mới đạt điểm cao là chưa phù hợp đặc điểm của môn học này. Học sinh có thể có những phát hiện mới, có thêm ý mới, hoặc chỉ nói một vài ý thôi nhưng rất sâu, có cảm xúc thật sự thì vẫn tốt chứ sao lại không. Ngày nay công nghệ thông tin đã giúp con người rất nhiều ở bộ nhớ, chỉ cần nhấp con trỏ máy tính vào vị trí quy định thì sẽ được cung cấp rất nhiều kiến thức. Thi để kiểm tra kiến thức thì đạt điểm cao nhất khi nói giống y thầy. Thi để kiểm tra năng lực thì nói đúng như thầy mới đạt điểm trung bình hoặc trên trung bình, còn điểm cao sẽ giành cho những học sinh có duy độc lập sáng tạo, có phát hiện mới, ý kiến mới, có thể khác thầy mà có lý lẽ khoa học. Không phải học để thi mà là thi để học. Cần làm cho việc thi cử trở nên nhẹ nhàng và thực chất hơn, không nặng nề
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Bính cũng sử dụng chuỗi lý lẽ để đánh giá tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa; từ lý lẽ về sự đổi mới, hiện đại của nền kinh tế, lý lẽ về sự đẩy mạnh đô thị hóa, mở rộng quan hệ xã hội với các quốc gia, châu lục và lý lẽ về sự tác động đến đời sống tinh thần của toàn xã hội, tác giả đã đi đến thuyết phục phải hiện đại hóa con người và văn hóa để phù hợp, thích nghi với toàn cầu hóa như là một xu thế tất yếu của sự phát triển:
“Toàn cầu hóa kinh tế đang trở thành “cú hích” lớn làm thay đổi phương thức sống của dân tộc. Từ một nền kinh tế lạc hậu, phân tán và rời rạc, chúng ta đang bước sang một xã hội với những cơ sở sản xuất hiện đại, với mạng lưới thương nghiệp và dịch vụ rộng khắp. Từ chỗ chỉ sản xuất và tiêu dùng những hàng hóa đơn điệu, rẻ tiền, được sản xuất trong nước, chúng ta đã sản xuất và tiêu thụ nhiều sản phẩm hiện đại, đủ các chủng loại. Từ một xã hội mang tính khép kín, với các tổ chức làng xã rời rạc, chúng ta đã đẩy mạnh đô thị hóa, và mở rộng quan hệ với các quốc gia và châu lục. Luồng gió của toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường đã thổi tới mọi địa bàn cư dân, kể cả vùng cao, vùng sâu của Tổ quốc, thông qua việc trao đổi hàng hóa, qua công nghệ thông tin viễn thông, qua các hoạt động du lịch quốc tế, qua các dự án và công trình có vốn đầu tư nước ngoài. Những biến động về kinh tế - xã hội đó tác động trực tiếp đến đời sống vật chất của mỗi con người, và qua đó tác động tới đời sống tinh thần của toàn xã hội. Con người buộc phải soát xét lại toàn bộ những hiểu biết trước đây của mình, soát xét lại cách cảm nhận, cách suy nghĩ, cách sống … cả đến thói quen, tập quán, sở thích trước đây, để có thể thích nghi với điều kiện tồn tại mới. Hiện đại hóa con người và văn hóa đã trở thành xu thế tất yếu” [tr.6, số 02-2013].
Chuỗi lý lẽ rất đa dạng và phong phú. Tất cả các lý lẽ trong chuỗi lý lẽ đều hướng đến kết luận cuối cùng nên chúng đóng vai trò là tiền đề, là luận cứ cho lập luận, làm cho lập luận có tính thuyết phục cao. Trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi chỉ minh họa một vài ví dụ điển hình, còn lại sẽ được thống kê trong phần phụ lục.
Tiểu kết chương 2
Lý lẽ trong tạp chí “Báo cáo viên” rất đa dạng và phong phú với nhiều kiểu lý lẽ khác nhau, tạo nên một bức tranh đa sắc cho lập luận. Qua khảo sát 325 lập luận trong tạp chí, chúng tôi nhận thấy các kiểu lý lẽ được sử dụng với tần số khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh sử dụng của từng tác giả. Trong đó, lý lẽ ngoại tại được sử dụng với tần số nhiều nhất (chiếm tỷ lệ 26,46% trong tổng số các kiểu lý lẽ mà luận văn khảo sát), thể hiện những vấn đề được lập luận thường dựa vào thực tế khách quan, những điều hiển nhiên, có cơ sở chứng minh chứ không phải theo chủ ý của người viết; tiếp đến là lý lẽ thực dụng (chiếm 16%); lý lẽ nội tại đứng thứ ba (chiếm 14,77%); lý lẽ pháp lý đứng thứ tư (chiếm 11,69%); lý lẽ niềm tin đứng thứ năm (chiếm 10,46%); lý lẽ đạo đức đứng thứ sáu (chiếm 9,55%); đứng thứ bảy là lý lẽ thang độ (chiếm 6,77%) và cuối cùng là chuỗi lý lẽ (chiếm 4,30%).
Qua việc tìm kiếm và phân loại các kiểu lý lẽ trong tạp chí mà chúng tôi khảo sát, chúng tôi nhận thấy đây là công việc khó khăn nhưng góp phần quan trọng để nghiên cứu lập luận nói riêng và ngữ dụng học nói chung. Trong giới hạn kiến thức của mình, chúng tôi chỉ có thể tìm ra một số dạng lý lẽ điển hình và mô tả một vài ví dụ tiêu biểu để minh họa. Mặc dù vậy, việc khảo sát các kiểu lý lẽ trong tạp chí cũng giúp chúng tôi có những kiến giải quan trọng về đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về những vấn đề, sự kiện xảy ra ở trong nước và thế giới.
Bảng: Thống kê tần số xuất hiện của kiểu lý lẽ
Số TT Các loại lý lẽ Tổng số Tỷ lệ %
1 Lý lẽ nội tại 48 14,77
2 Lý lẽ ngoại tại 86 26,46
3 Lý lẽ theo tiêu chuẩn thực dụng 52 16,00
4 Lý lẽ đạo đức 31 9,55
5 Lý lẽ pháp lý 38 11,69
6 Lý lẽ thang độ 22 6,77
7 Lý lẽ niềm tin 34 10,46
CHƯƠNG 3
MỘT SỐ CẤU TRÚC CÂU VÀ MỘT SỐ
BIỆN PHÁP NGHỆ THUẬT SỬ DỤNG TRONG LẬP LUẬN
Trong chương 2, chúng tôi đã nghiên cứu các kiểu lý lẽ được sử dụng để lập luận trong tạp chí Báo cáo viên. Ở chương này, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu một số cấu trúc câu và một số biện pháp nghệ thuật sử dụng trong lập luận.
Như đã đề cập ở chương 1, lập luận là một thao tác không thể thiếu trong mọi hoạt động hàng ngày và trong mọi lĩnh vực hoạt động. Lập luận càng chặt chẽ, càng logic thì hiệu quả sử dụng ngôn ngữ càng cao. Hiệu quả sử dụng ngôn ngữ tỷ lệ thuận với hiệu quả giao tiếp và hiệu quả công việc. Hay nói cách khác, lập luận hiệu quả quyết định sự thành công trong cuộc sống của mỗi người. Vậy, người ta thường sử dụng các kiểu cấu trúc câu gì và biện pháp nghệ thuật gì để lập luận có hiệu quả ? Câu trả lời sẽ có ở phần tiếp theo.