6. Bố cục luận văn
2.3. Lý lẽ theo tiêu chuẩn thực dụng
Lý lẽ theo tiêu chuẩn thực dụng là cách nhìn nhận, đánh giá sự việc, hiện tượng có lợi hay không, có phù hợp, có hiệu quả, có tiện ích hay không. Chẳng hạn như ví dụ sau:
“Trong quá trình tranh cử, ông Đô-nan Trăm đã từng đặt kiểu cấu trúc câu chứa từ để hỏi: “Hàn Quốc, Nhật Bản … là những nước giàu có, sao họ không trả tiền để đổi lại sự bảo vệ của Mỹ”. Theo ông Đô-nan Trăm, thế giới ngày nay đang dựa dẫm quá nhiều vào ảnh hưởng và tiền bạc của Mỹ. Ông Đô-nan Trăm cảnh báo đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc …) rằng, phải đóng góp nhiều hơn cho chi phí triển khai lực lượng quân đội Mỹ và các biện pháp phòng thủ khác ở các nước này. Ông thậm chí còn khuyến khích hai đồng minh Nhật, Hàn phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe, trong trường hợp quân đội Mỹ rút khỏi những nước này.
Ông Đô-nan Trăm tuyên bố, ông có thể rũ bỏ trách nhiệm bảo vệ
các đồng minh, nếu họ không đóng góp nhiều hơn” [tr.56, số 6-2017].
Rõ ràng, ông Đô-nan Trăm đã dựa trên lợi ích của quốc gia để lý lẽ “thế giới ngày nay đang dựa dẫm quá nhiều vào ảnh hưởng và tiền bạc của Mỹ” ,
từ đó, ông yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc phải “đóng góp nhiều hơn cho chi phí triển khai lực lượng quân đội Mỹ và các biện pháp phòng thủ khác ở các nước này” và phải “phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe, trong trường hợp quân đội Mỹ rút khỏi những nước này”. Nếu như Nhật Bản và Hàn Quốc không thực hiện thì Mỹ “có thể rũ bỏ trách nhiệm bảo vệ các đồng minh”.
“Bất cứ người nào ra ứng cử Tổng thống Mỹ đều phải thỏa mãn những tiêu chuẩn cơ sở bắt buộc do Hiến pháp quy định: “không dưới 35 tuổi, đã sống ở Mỹ (nội cư) trên 14 năm, là công dân Mỹ và được sinh ra tại Mỹ. Mức tuổi 35 bị đánh giá là thấp so với tuổi quy định của ứng cử viên nguyên thủ quốc gia các nước Dân chủ trên thế giới hiện nay (không dưới 40 tuổi). Tuy nhiên, thực tế lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ cũng cho thấy chưa ai đắc cử Tổng thống Mỹ mà đang ở tuổi dưới 43. Cử tri Mỹ không thích những ứng viên trẻ vì cho rằng họ chưa thực sự chín chắn, thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh lãnh tụ. Nhìn chung, những ứng cử viên Tổng thống Mỹ được ưa thích ở độ tuổi 45-60. Tính đến nay, trung bình mức tuổi khi nhậm chức của các Tổng thống Mỹ là 55”
[tr.28, số 11-2016].
Lý lẽ theo tiêu chuẩn thực dụng ở lập luận trên là sự đánh giá con người có phù hợp với công việc được giao hay không, cụ thể là đánh giá các ứng viên tổng thống Mỹ qua độ tuổi. Qua đó, cử tri Mỹ đánh giá những ứng viên độ tuổi 45-60 “là độ tuổi chín chắn, nhiều kinh nghiệm và có bản lĩnh lãnh tụ” và có khả năng “sẽ đem lại cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Chính vì vậy, cử tri Mỹ đã bầu các Tổng thống Mỹ ở độ tuổi trung bình là 55.
Lý lẽ theo tiêu chuẩn thực dụng còn là kiểu lý lẽ: muốn đạt được mục tiêu nào đó thì phải thực hiện một hoặc nhiều hành động cụ thể, kiểu như: “muốn A thì B”. Các ví dụ sau đây sẽ là những minh chứng:
(1) “Muốn công cuộc đổi mới sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại cần phải xây dựng Đảng trong sạch,
vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên trên nền tảng
chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh” [tr.8, số 4-2018].
(2)“Để đạt được mục tiêu lấy lại vị thế và cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ với những tham vọng lớn của nước này, Nhật Bản càng quyết tâm tăng cường sức mạnh của mình. Thủ tướng đương nhiệm Sin-dô Abê nhiều lần bày tỏ sự lo ngại về môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản và quyết tâm xây dựng một Nhật Bản tự chủ hơn trong việc ứng phó với những thay đổi của môi trường an ninh xung quanh. Và trên thực tế Nhật Bản đã có những bước đi nhằm gia tăng sức mạnh
quân sự, điều chỉnh chính sách quốc phòng” [tr.50, số 3-2016].
Ở ví dụ (1), Phó Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Quang Vinh lập luận rằng: muốn sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì cần phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Ở ví dụ (2), Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Nghiệp lại lập luận rằng: Nhật Bản muốn lấy lại vị thế và cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc thì phải tăng cường sức mạnh quân sự, quốc phòng.
Lý lẽ theo tiêu chuẩn thực dụng cũng là kiểu lý lẽ dựa trên số đông, liên quan tới những tiêu chuẩn về số lượng. Chẳng hạn như số lượng phiếu bầu mà các ứng viên đạt được trong các cuộc bầu cử, cụ thể là số phiếu bầu Tổng thống Nga đối với ông V. Pu-tin vào năm 2018. Đại tá Lê Thế Mẫu đã viết:
“Tuy nhiên, hoàn toàn trái với toan tính của giới chính trị Mỹ và phương Tây, V.Pu - tin đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử lần này với tỷ lệ phiếu ủng hộ cao kỷ lục trên 76%. Sở dĩ V.Pu - tin giành được tín nhiệm và sự ủng hộ cao như vậy là bởi những công lao
và đóng góp của ông đã mở ra một kỷ nguyên mới của nước Nga”
[tr.52, số 4-2018].
Ngoài ra, biểu hiện của lý lẽ theo tiêu chuẩn thực dụng có thể kể đến là sự thức thời, nắm bắt cơ hội, xu hướng phát triển chung. Đoạn viết sau đây lập luận: để tăng năng suất, gia tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông sản, giải phóng đáng kể sức lao động của người dân thì ngành nông nghiệp Việt Nam phải hòa mình vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - xu thế phát triển hiện nay:
“Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống số hóa với sự đột phá trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi nền sản xuất, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Tại các nước phát triển, ngành nông nghiệp đang dần chuyển sang mô hình nông nghiệp chính xác hoặc canh tác chính xác đã đạt được những thành tựu to lớn thông qua cách mạng công nghiệp 4.0 trên các mặt như: tăng năng suất, gia tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông sản, giải phóng đáng kể sức lao động của người nông dân. Trong bối cảnh chung ấy, ngành nông nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế phát triển đó, mặc dù hiện tại ngành nông nghiệp Việt Nam còn nhiều trở ngại về trình độ công nghệ, lao động, diện tích sản xuất … nhưng đã hội tụ được một số tiềm năng nhất định để có thể triển khai nông nghiệp chính xác trong thưc tiễn như: người lao động Việt Nam có tinh thần chịu khó học tập; dân số trẻ ngày càng tiếp xúc với công nghệ thông tin, vị trí địa lý chiến lược, an ninh ổn định, Chính phủ ngày càng
quan tâm hơn đến khoa học công nghệ …” [tr.28, số 6-2018].
Có thể nói, lý lẽ theo tiêu chuẩn thực dụng cũng giống như lý lẽ ngoại tại và lý lẽ nội tại, là có những biểu hiện phong phú, đa dạng. Trong phạm vi luận văn này, chúng tôi không thể mô tả hết tất cả mà chỉ minh họa một số ví dụ điển hình, còn lại sẽ thống kê trong phần phụ lục.