6. Cấu trúc của luận văn
1.2.1. Miêu tả ngoại hình nhân vật
Để miêu tả nhân vật, thủ pháp mang tính truyền thống và tạo ấn tượng trước hết đó là ngoại hình nhân vật. Do đó không phải ngẫu nhiên các tác phẩm văn xuôi nói chung và tiểu thuyết Y Điêng nói riêng, nhân vật thường được trau chuốt kĩ về mặt ngoại hình.
Ở đâu và khi nào người phụ nữ cũng luôn là tâm điểm của cuộc sống. Trong các tiểu thuyết của mình, Y Điêng đã dành tất cả tình yêu, sự trân trọng của mình đối với người phụ nữ. Chính ông kể rằng: “Con gái quê ông đẹp lắm, đẹp đến nỗi đi nhiều nơi, ông vẫn thấy không nơi nào hơn, ông vẫn thấy con gái quê ông là nhất… con gái Tây Nguyên khi còn trẻ đều để ngực trần, cái đẹp lồ lộ tự nhiên như trời đất, như núi như đồi như bầu như bí” [28]. Phải chăng vì vậy mà trong tất cả các tiểu thuyết của ông, ta không thấy có người phụ nữ nào xấu cả, họ đẹp từ ngoại hình đến tính cách, tâm hồn.
Trong Chuyện trên bờ Sông Hinh, Hơ Linh là người phụ nữ được tác giả miêu tả kĩ nhất: “Khuôn mặt của Hơ Linh chị trăng cũng phải nghẹn, đôi mắt đón nắng sớm như đóa hoa aring. Mỗi lần cô nói, cô cười hai dấu “cua bấm” trên má như dòng nước xoáy tròn trịa rung rinh. Cái tròn trịa rung rinh gây sóng sánh trong lòng các chàng trai” [19, 43], “cái mặt Hơ Linh hoa kơ tinh cũng phải thua” [19, 47], “ánh trăng vẫn rọi vào khuôn mặt của Hơ Linh, cặp lông mày của cô như đôi chim én liệng xa, đôi môi mím lại như hoa
sắp nở, bộ tóc dài trải xuống như một tấm chăn mát mẻ” [19, 87]. Hay miêu
tả Hơ Ninh, cô gái xấu số bị chết trong trận bom của giặc nhưng vẻ đẹp vẫn sóng sánh trong lòng người đọc: “thân hình nhỏ nhắn, nước da như trái cơ- chin chín vàng sẫm, đôi mắt tròn, cái ngực chim Kơ- Trâu phải ghen, cái lưng kiến vàng nhường cho” [20, 244].
Trong Hờ Giang, nhân vật nữ anh hùng càng được mô tả kĩ lưỡng, tạo ấn tượng từ nụ cười với “hai hàm răng đều dặn như hoa dăm ké” [24, 586- 587] đến đôi mắt, làn da “chỉ thấy đôi mắt của em mới còn sắc sảo, nước da
màu trái ê mau của em làm cho thân hình em rắn rỏi. Đôi môi khô lúc này đã biến đâu rồi, giờ đây là nụ hoa dăm ké” [24, 592], và mái tóc “dài tha thướt như một lớp mây giăng qua đỉnh núi xanh. Con suối chảy từ trên đỉnh núi Chú- giang- sin cũng thua, con mắt của nó, con hông sai có đôi mắt tinh nhất làng vẫn còn bỏ sót nhụy hoa trên cành. Cái răng của nó, hoa dăm dé không đều bằng. Nước da trái ê mau của nó mịn màng và hồng hào” [24, 633- 634].
Ngoài Hơ Linh, Hơ Giang trong tiểu thuyết của Y Điêng ta còn bắt gặp rất nhiều những người phụ nữ có ngoại hình đẹp, làm xao xuyến lòng người. Đó là cô Hơ Nhao trong Chuyện trên bờ Sông Hinh, cô Hơ Yông, Hơ Tang trong Hờ Giang, nàng Hơ Nhí, Hơ Ban, Hơ Bia Rế trong Ba anh em, Cô Xuân, H’Guê trong Trung đội người Bah Nar… Quả thực, Y Điêng đã dành cả tình yêu của mình cho những cô gái Tây Nguyên nên mới chắt chiu tạc nên những câu văn gợi cảm như vậy về những người con gái quê mình. Nếu như thiên nhiên Tây Nguyên làm nên những thắng cảnh hoang sơ, kì vĩ thì những cô gái Tây Nguyên như những bông hoa aring, kơ tinh làm đẹp cho núi rừng, say đắm lòng người.
Bên cạnh những người phụ nữ, ta bắt gặp những chàng trai Tây Nguyên mang vẻ đẹp như bước ra từ những trường ca huyền thoại. Nếu như trong tác phẩm của mình Nguyên Ngọc tập trung miêu tả hình dáng nhân vật ở vầng
trán rộng, đôi mắt sáng, cánh tay vững chãi và đặc biệt là khuôn ngực vạm vỡ, vóc dáng quắc thước để qua đó làm toát lên tính cách mạnh mẽ, cương nghị của nhân vật thì Y Điêng lại chú ý nhiều đến làn da nâu, ngăm đen, rám nắng của những con người quanh năm đầu tắt mặt tối với cái nắng, cái gió khắc nghiệt của Tây Nguyên. Đó là những chàng trai như Y Thoa trong Chuyện trên bờ Sông Hinh: “Y Thoa ở trần, nước da trái ê- nâu của anh bị nắng
rám, mồ hôi nhễ nhại làm cho đen láng đi” [19, 124- 125], Y Nguyên và Y
Khăm trong Ba anh em với “cái làn da rắn chắc của người làm nương rẫy” [21, 63], hay anh Huyện đội trưởng trong Trung đội người Bah Nar: “Người
anh to bề ngang, khỏe cứng như một khúc gỗ cà te lõi, nhìn phía trước như anh mang cả một chòi lúa rất nhẹ nhàng. Nước da ngăm đen, chắc” [22, 30].
Nếu hình ảnh làn da nâu, đen chắc gợi lên những chàng trai lao động vất vả thì hình ảnh cánh tay, bắp chân to khỏe cho ta thấy những chàng trai với sức khỏe hơn người, dũng mãnh như những anh hùng trong sử thi. Y Thoa trong Chuyện trên bờ Sông Hinh được miêu tả: “Bắp thịt của các cánh tay
nở phồng mạnh khỏe” [19, 119]; Y Nguyên, Y Khăm và Y Rin trong Ba anh
em: “Hình dáng của ba người cao thấp như chọn lựa, chiều ngang tròn lẳn
khỏe mạnh. Chỉ có Y Rin nước da bánh mật. Đi đầu trần đội nắng mưa, chân đi không, đạp núi, lội sông. Họ ra đi chưa hẹn ngày trở về” [21, 90- 91].
Miêu tả ngoại hình không chỉ giúp người đọc hình dung chân dung các nhân vật mà qua đó còn góp phần thể hiện tính cách nhân vật. Nếu các nhân vật chính diện được Y Điêng miêu tả bằng những câu văn đẹp, gợi cảm thì các nhân vật phản diện hiện lên với ngoại hình dị dạng, méo mó thậm chí bị vật hóa để trùng khít với “tâm địa quỷ” của những kẻ tàn bạo, gây bao tội ác cho nhân dân. Đó là những nhân vật như Y Sô trong Chuyện trên bờ Sông Hinh; Ma Sa, Ma Lóa, Y Soa, Y La trong Hờ Giang.
Trong toàn bộ sáng tác Y Điêng và tiểu thuyết nói riêng, không có nhân vật phản diện, tha hóa nào được khắc họa kĩ lưỡng và tỉ mỉ như Y Sô. Chỉ qua ngoại hình hắn thôi, ta cũng phần nào thấy được bản chất, tâm tính của hắn:
“Hắn cao dong dỏng như một cây tre. Mình trần chỉ đóng một cái khố mới còn thơm mùi nước chàm... Ánh lửa cũng làm cho nước da của hắn cũng như da của cây tre khô hơi mông mốc. Mặt choắt, trán nhỏ hẹp mấy sợi tóc trùm kín lại” [19, 16], “cái trán nhỏ hẹp bằng lá lúa ít hiểu biết của mình” [19, 96]. Y Điêng đặc biệt chú trọng vào chi tiết “cái trán” để tố cáo cái bản chất ít học của Y Sô và có lẽ đó là nguyên nhân chính đã gây ra nhiều đau khổ cho buôn làng. Đặc biệt người đọc ám ảnh và ấn tượng với hình ảnh: “cái cười
của hắn cũng khác với mọi người, hàm răng bị cưa tận lợi đỏ, khi cười không
thấy một cái răng nào, nhìn cái cười của hắn mà sợ hãi” [19, 70], “mỗi lần
hắn nói, từ trong miệng phả ra một mùi rượu chua pha với mùi thối khó chịu”
[19, 87]. Ngoại hình đó giúp người đọc phần nào nhận diện bản chất đê tiện, tàn độc và hèn hạ của Y Sô.
Ma Lóa, người từng đi lính cho Pháp, nay lại làm tình báo cho Ngụy được miêu tả: “Ma Lóa không mặc áo, cái da của ông đỏ như mểnh đứng ăn
lá giang” [24, 815]. Còn Y La, tên chỉ huy bọn biệt kích được khắc họa khá
kĩ từ ngoại hình dị dạng đến giọng nói đầy mê hoặc để lung lạc những người dân nhẹ dạ: “Hắn to béo, trên mặt đầy những vết sẹo chằng chịt, hắn đi đến
đâu mọi người đều tránh cả… Hắn nói chỉ có ồn ào như con phượng hoàng đập cánh… Tiếng nói của hắn khi trầm, khi bổng, giọng nói rất dẻo, như những sợi dây mây đã lột vỏ… có lúc lời nói của hắn lọt hẳn vào tai của những người nhẹ dạ” [24, 652- 653].
Có thể nói, nếu như các nhân vật chính diện được Y Điêng ngợi ca như những cánh hoa aring, hoa dăm ké làm đẹp cho đời hay những cây lim, cây cà te vững chãi làm chỗ dựa cho buôn làng thì điểm chung khi miêu tả các nhân
vật phản diện, tha hóa là chúng mang hình hài méo mó, dị dạng của con vật, thậm chí là quỷ dữ. Vì trong suy nghĩ của Y Điêng, những kẻ gieo tai vạ, đau khổ cho bà con, buôn làng mình thì khác nào quỷ dữ.
Nhân vật trong tiểu thuyết Y Điêng không chỉ là con người mà còn có cả lũ quỷ. Lũ chim Gơ- rứ trong Ba anh em là hiện thân của cái ác, cái xấu được tác giả miêu tả rất chi tiết: “Từ con quỷ đầu đàn đến lũ quỷ lính cũng không
khác gì mấy. Lông lá toàn thân, kẻ đen, con thì mốc nâu… cũng hai mắt, mũi hố phủ, hai tay, hai chân, tay hơi dài và gầy hơn một tí” [21, 148- 149].
Nói đến người Tây Nguyên người ta thường ấn tượng bởi sự thật thà, chất phác, họ là những con người thâm trầm, sâu lắng, ít nói mà thiên về hành động. Do đó, trong việc khắc họa nhân vật Y Điêng cũng như các nhà văn khác viết về Tây Nguyên cũng tập trung nhiều hơn cho việc miêu tả hành động nhân vật. Dù ngoại hình miêu tả chưa nhiều, ít tạo được sự khác biệt, cá tính hóa giữa các nhân vật bởi sự so sánh mang tính chung chung như cách nói của người Tây Nguyên nhưng ít nhiều giúp người đọc nhận diện được tính cách của các nhân vật, đặc biệt là thấy được vẻ đẹp đặc trưng của người Tây Nguyên và bản tính xấu xa, đê hèn của các nhân vật phản diện.