Không gian thiên nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật tiểu thuyết y điêng (Trang 44 - 50)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Không gian thiên nhiên

Nhắc đến Tây Nguyên người ta liền nhớ ngay đến vẻ đẹp của những cánh rừng “bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê”, những rừng thông u tịch hay

những dòng suối trong xanh, mát lành… nhưng cũng đầy khắc nghiệt bởi “cái

nắng, cái gió” làm nên đặc trưng không lẫn vào đâu của xứ sở “cao nguyên huyền thoại, cao nguyên cỏ dại” này.

2.1.1.1. Không gian thiên nhiên khắc nghiệt

Nhạc sĩ Nguyễn Cường- người viết nhiều ca khúc hay nhất về Tây Nguyên đã từng viết về cái nắng, cái gió của xứ sở này “Gió thế đấy, nắng

thế đấy, không vơi đầy”. Vì vậy, khi nói đến thiên nhiên khắc nghiệt của Tây

Nguyên trước hết phải nói đến nắng và gió.

Nắng Tây Nguyên- cái nắng như thiêu như đốt: “cái nắng tháng ba cứ

dội xuống nắng hừng hực như một lò lửa… cát Sông Ba như ai rang mà nóng cháy da chân” [20, 54]. Có lẽ chính cái nắng này đã nhuộm cho các chàng trai, cô gái Tây Nguyên làn da rám nắng và đây cũng là làn da đặc trưng của con người vùng cao nguyên đồng cỏ.

Nếu khi đọc thơ Xuân Quỳnh người ta cứ nhớ mãi hình ảnh “Ngọn gió lào cát trắng của đời tôi. Tôi của cát của gió Lào khắc nghiệt” của mảnh đất

miền Trung thì đọc tiểu thuyết Y Điêng ta bắt gặp cái gió “Xi ăng”- thứ gió dường như chỉ được sinh ra ở xứ cao nguyên cỏ dại này:

Gió thở càng lạnh và khô, không khốc… Người địa phương gọi

là “Gió Xi ăng”. Gió thổi vun vút. Gió thổi như người cắm đầu chạy, như con hổ giật mình cố chạy bán sống bán chết. Gió...thả ra những hơi thở dài... Nó lượn sát bờ suối... hò lên đồi tranh làm cho cỏ tranh hết đứng lại nằm xuống, từng đợt sóng nối tiếp nhau nhảy múa. Đột ngột, nó quay về làng dìu dịu, vào các khe hở của phên nhà nghe như ai thổi sáo vi vu, như ai đánh đàn môi và rồi lại ào lên mái nhà reo ầm ầm, nâng tấm tranh lên soàn soạt [19, 5- 6].

Có khi gió và nắng hùa cùng với nhau để thiêu đốt buôn làng: “gió và nắng quyện vào nhau, nóng hừng hực. Chỉ trong mấy ngày cỏ cây xơ xác, nước không còn trông thấy. Buôn làng như cái trống căng để gần lửa.” [19, 6]

Thiên nhiên khắc nghiệt không chỉ có nắng, gió mà còn có cả thú dữ đe dọa cuộc sống con người:

Hết mùa nắng lại đến mùa gió. Từ các rặng núi chung quanh vùng đồi cỏ này, ngay từ lúc mặt trời chưa mọc đã thở ra một thứ gió kì lạ, khô cằn… Mùa gió về thì mưa cũng bắt đầu vài đợt

nhưng không sao đủ cho gió uống. Cỏ tranh chung quanh làng cháy sém lại. Chỉ cần một mồi lửa nhỏ bằng hạt gạo thôi khi ngọn gió đến nó cũng liếm gọn cả một ngọn đồi. Những lá cây còn dính trên cành cũng vàng úa, khô queo. Mới ngày nào thợ rừng đi qua còn thấy trong khe suối nước chảy nay đã khô nứt rạn hết. Con Sông Hinh cũng vơi đi một nửa… Rặng núi này lâu nay có tiếng là có thần, nuôi nhiều thú dữ như hổ, gấu, lại có cả rắn bay trên ngọn cây nữa [19, 59].

Tuy những trang viết về thiên nhiên khắc nghiệt trong tiểu thuyết Y Điêng chiếm tỉ lệ ít ỏi nhưng đã giúp người đọc hình dung và cảm nhận trọn vẹn hơn về Tây Nguyên để hiểu con người nơi đây đã sống và vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt ấy như thế nào để viết nên những bản trường ca bất tử.

2.1.1.2. Không gian thiên nhiên thơ mộng, lãng mạn

Nếu thiên nhiên khắc nghiệt làm toát lên vẻ đẹp can trường, chịu thương chịu khó, bất khuất của người Tây Nguyên thì những bức tranh thiên nhiên thơ mộng, lãng mạn lại làm nền cho vẻ đẹp đậm chất nghệ sĩ và khát khao tự do của con người vùng cao nguyên đồng cỏ.

Không gian thiên nhiên thơ mộng, lãng mạn trong tiểu thuyết Y Điêng thường gắn liền với những cánh rừng, dòng sông, con suối, nương rẫy... Trong Chuyện trên bờ Sông Hinh, người đọc ấn tượng bởi những dòng viết về thiên nhiên diễm lệ đến nỗi có anh lính xa nhà muốn khiêng cả sông nước này về quê anh:

Một sáng ngày mới, trời trong xanh nước trong vắt, dưới

dòng cá lội, hai bên bờ đầy cây xanh hoa mai vàng, hoa cây dủng đỏ lợt trải trên mặt nước, khi có gió những bông hoa làm mồi cho cá sóc, cá phá giành nhau đớp làm cho mặt nước như có người tát nước lên trời. Có anh chiến sĩ rất trẻ, lần đầu đến với một miền đất

nước của mình. Anh chàng cứ nghĩ hoài cứ ngắm hoài mà không chán mắt. Anh ta nghĩ rằng một ngày nào sẽ khiêng sông nước này về tận quê anh. Gió, hoa, sông nước không có chút ngừng nghỉ và bài hát khi bước chân vào quân ngũ [20, 221- 222].

Đó là thiên nhiên tĩnh lặng đến nỗi như nghe cả tiếng thác nước rì rầm nói chuyện, tiếng cá đớp mồi: “Thác nước Sông Hinh lại rì rầm như lúc

đầu hôm. Trăng đã lặn từ lúc nẫy rồi. Khu rừng nơi đóng quân im phăng phắc, lòng sông hiện lên bàng bạc, nghe tiếng cá đớp mồi, nước bắn lên. Con đường xuống bến nước đất cứ trăng trắng như con trăn đang lượn xuống” [20, 214].

Hay một không gian nương rẫy tràn đầy sức sống bởi màu xanh của lúa, của bắp, của bầu bí:

Quê hương của Sông Hinh không còn cái gió tây khó chịu khô không khốc nữa. Cái mùa của lúa hoa màu và cây rừng trở lại màu xanh. Cây lúa lên nhanh và xanh mượt mà của cái tuổi làm duyên, cây bắp lá vàng cõng những đứa con bụ bẫm. Dưới gốc cây lúa bắp là những dây bí bầu, dưa hấu nở hoa và đẻ con nằm trên mặt đất cứ lăn lóc như cục đá vậy, lớn lên từng ngày [20, 96].

Trong Trung đội người Bah Bar, người đọc cũng bắt gặp bức tranh thiên nhiên đẹp đến mê hồn. Đó là những cảnh đẹp những người lính bắt gặp trên đường hành quân:

“Rừng cây sau đợt mưa đầu nay cây cối đâm chồi nảy lộc non. Cây rơ mui, cây bơ lang(blang) nở hoa đầy ắp các đồi tranh chen lẫn với cây khác. Chung quanh làng có các loại hoa như hoa rơ đáp (vồng), hoa cây gạo nở rộ những hoa là hoa. Ở vỉa rừng thấp, dọc hai bên bờ suối mọc lên lùm lá đỏ, như một cô gái thẹn thùng vừa trốn người bạn trai lại vừa như muốn ngó người bạn trai

Thiên nhiên không chỉ đẹp mà hùng vĩ, mang khí thế của cả đất nước, của Tây Nguyên những năm chống Mỹ: “Có tàu lá non đâm thẳng lên bầu trời như những giáo mác của quân một tù trưởng ra trận xưa kia. Có tàu lá mở ra tròn như chiếc nong phơi lúa, cái lá hứng hết cái nắng trưa, còn những cành lá già đung đưa từng thanh vào nhau như cười giỡn ròn tan” [22, 115].

Tuy nhiên Y Điêng miêu tả thiên nhiên không chỉ đơn thuần để tô đẹp mảnh đất và con người Tây Nguyên mà thiên nhiên còn nhuốm màu tâm trạng. Có thể là thiên nhiên chung niềm hân hoan với buôn làng trong ngày tiễn những đứa con ra trận: “Xuôi theo dòng suối những cây cỏ mùa mưa vừa

rồi ngã xuống nay đã đứng dậy nẩy lộc nở hoa... Sau mùa gặt hái, trời xanh cao vời vợi, đất khô ráo, khu rừng nhẹ nhõm hẳn, nước suối trong veo, cây hoa a rinh cánh vàng lòng đỏ rập ràng bay nhảy với nắng mới tiễn đưa những người con của xứ này đi làm việc lớn” [24, 588- 589].

Khi trung đội Bah Nar đã rời làng Đê Ka đến tỉnh Quảng Đức, cả doanh trại, khu rừng như cũng buồn theo: “Cả doanh trại vắng vẻ, hoa rơ- mưi cứ lả

chả rơi từng bông đã lột màu xuống sân đất. Khu rừng đìu hiu” [22, 99].

Thiên nhiên như hồi sinh khi Y Nguyên và Y Khăm đánh thắng lũ chim Gơ- rứ: “Trời rạng sáng. Bầu trời trong lành yên ả. Nhà nhà như được tắm gội. Một chiếc nhà dài giữa làng nổi lên một cơn khói. Một cơn khói mảnh mai, uốn khúc uyển chuyển bay lên mãi” [21, 252].

Cũng có thể là một thiên nhiên tĩnh lặng, như tức tưởi trước cái chết còn quá trẻ của con trai Ma Thin: “Dòng thác Sông Hinh mới lúc nãy còn thở phì

phào, từ khi có tiếng trống con sông như nằm im... Thác con Sông Hinh dội lên phì phò như khó thở” [19, 153].

Trong đêm mí Hơ Linh mất vì nỗi oan ức bị nghi có ma lai thì không gian như tràn ngập một màu đen mênh mông, không trăng, không một ánh lửa: “Đêm đã khuya, không có ánh trăng, bầu trời rộng mênh mông. Không

trăng nên bầu trời càng xa vời. Ngọn lửa đang cháy vụt tắt đột ngột... mí cô

đã tắt thở” [19, 268]. Không gian này khiến ta nhớ đến không gian trong Tắt

đèn lúc chị Dậu bỏ chạy ra khỏi nhà quan cụ “trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị”.

Hoặc trong Ba anh em khi Y Rin về làng gặp Hơ Bia Rế và được biết cả làng bị lũ chim Gơ- rứ bắt hết thì không gian cũng trĩu nặng một nỗi buồn:

“Ngọn cây gạo, lá nặng như sương ốp lấy nhau, tròn trĩnh trở thành một khối xanh rờn. Nhà nhà đứng ủ rũ, không có ngọn lửa, không mở cửa như ai đang ngủ chưa mở mắt” [21, 123].

Không gian thiên nhiên như đầy tâm trạng, cả mặt trăng cũng muốn ngấn lệ trong những thời khắc lịch sử không thể nào quên khi buôn làng bị bắt dồn vào ấp chiến lược: “Trời trong veo nhưng chị trăng lại không tỏ như mọi hôm.

Gốc cây mờ mờ nặng nề nhích từng chút lá một. Tròng của mặt trăng như có nước mọng lên. Buôn làng cũng căng dần, hàng rào ấp chiến lược chỉ còn một đoạn nữa là khép kín rồi” [24, 691].

Thiên nhiên không chỉ là người bạn chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của buôn làng mà qua miêu tả không gian thiên nhiên, tác giả còn dự cảm cả về số phận của con người. Ngày mí Hơ Linh phải uống rượu để chứng minh mình không có ma lai, thiên nhiên mang đầy dự cảm không may và như sẻ chia cho người đàn bà tội nghiệp:

Một buổi chiều tháng năm. Mấy ngày trước trời trong veo. Hôm nay vừa xế chiều, đám mây từ đâu kéo đến mà nhanh thế? Buôn Doan như tối lại, cơn mưa như sắp đổ xuống. Ông mặt trời không biết giận ai, giận kẻ nghèo hay người giàu có. Cả buôn Doan này người ta đang thương một người đàn bà nghèo bị kẻ khác ức hiếp [19, 239].

Một buổi sáng bầu trời trong vắt. Mặt trời nhô lên khỏi đỉnh đồi, ánh nắng tràn xuống buôn làng. Mọi mái nhà phía đông nắng in lên loang loáng. Buôn làng thoáng đãng, nhẹ tênh.

Ngay đêm đó, sau cuộc uống rượu, trời đổ một cơn mưa. Nước mưa rửa sạch bụi trên lá, nó rửa mặt mày cho Hơ Linh, cho họ Kơ Sơ sạch [19, 246].

Trong Hờ Giang, Hờ Giang lo lắng khi mẹ đến nhà mí Y Soa hỏi Y Soa cho cô. Dù Hờ Giang biết Y Soa từ nhỏ và cũng rất quý Y Soa nhưng dường như cô có linh cảm không tốt về cuộc hôn nhân này. Vì vậy thiên nhiên cũng đầy tâm trạng như dự cảm về một điều không lành sắp diễn ra: “Bây giờ chị trăng mới chênh chếch đầu non, non nước mang một màu xanh thẳm và rộng mênh mang vô tận. Chị buồn, như báo hiệu cho một cái gì ngày mai xảy ra đây?” [24, 615]. Và quả như vậy, linh cảm đã thành sự thật. Y Soa vì ghen tuông đã bỏ Hờ Giang theo bọn biệt kích Mỹ và chính hắn kéo bọn biệt kích về giết chết Hờ Giang trên mảnh đất của quê mình.

Mỗi nhân vật trong tiểu thuyết Y Điêng gắn liền với một số phận, hoàn cảnh khác nhau. Trong từng niềm vui, nỗi buồn dường như đều có bóng dáng của thiên nhiên. Miêu tả không gian thiên nhiên đa sắc thái đã góp phần đáng kể vào việc khắc họa tâm trạng nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật tiểu thuyết y điêng (Trang 44 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)