6. Cấu trúc của luận văn
1.2.3. Miêu tả ngôn ngữ nhân vật
Có thể nói, Y Điêng đã rất thành công khi khắc họa tính cách nhân vật bằng chính lời nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật của Y Điêng không chỉ là công cụ, phương tiện của sự miêu tả mà đã trở thành đối tượng miêu tả. So với
nhiều nhà văn cùng thời, Y Điêng sử dụng ngôn ngữ đối thoại với mật độ dày hơn trong tác phẩm của mình:
Tên tác phẩm Số cuộc
đối thoại
Độc thoại
Chuyện trên bờ Sông Hinh 204 32
Hờ Giang 137 21
Trung đội người Bah Nar 85 17
Ba anh em 60 16
Ngôn ngữ đối thoại của ông có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cốt truyện phát triển, thể hiện rõ ở chủ đề của tác phẩm và đặc biệt khắc họa tính cách của nhân vật. Qua đối thoại, vẻ đẹp con người Tây Nguyên có dịp bộc lộ rõ hơn.
Vẻ chất phác, thật thà của người Tây Nguyên thể hiện rõ qua đoạn đối thoại của Y Thoa và anh Trần Được khi nói chuyện về tổ chức Việt Minh:
- Việt Minh anh Y Thoa ạ. - Việt Minh nghe lạ quá. - Phải rồi.
- Hiện nay người đó ở đâu? - Tổ chức đấy.
- Tổ chức? - Phải.
- Vậy là họ đông người? [20, 59- 60].
Đối với những nhân vật chính diện, ngôn ngữ được miêu tả chuẩn mực với giọng điệu ngợi ca. Nhất là đối với các nhân vật anh hùng, cùng với hành động, ngôn ngữ là tuyên ngôn về lẽ sống của họ. Vì vậy, khi tên chỉ huy bọn biệt kích Mỹ hỏi Hờ Giang về chuyện tái hợp với Y Soa, cô đã rắn rỏi trả lời:
- Hai người có muốn tái hợp không?
- Ông cũng là người Ê Đê, chắc ông còn nhớ lời người xưa thường
nói: “Lấy chồng ở với chồng cho đến chết. Người chia rượu cho đến khi rượu lạt, đánh chiêng cho đến khi người ta giật tay mới thôi”. Vợ chồng chúng tôi cũng bị người ta cướp giật như kẻ đánh chiêng đó ông ạ! [24, 856].
Câu trả lời cho thấy lòng thủy chung của Hờ Giang nhưng bọn biệt kích Mỹ đã dùng tiền bạc, những lời xuyên tạc, bịa đặt để chia rẽ vợ chồng cô. Hờ Giang trước họng súng của kẻ thù đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi sẽ không đi
đâu, tôi không thể bỏ buôn làng. Nếu hôm nay tôi có chết đã có buôn làng làm chứng. Tôi có tội, các ông bảo tôi làm Việt Cộng, tôi tin rằng các ông chưa hiểu Việt Cộng. Các ông hiểu thì tôi đoán chắc rằng các ông sẽ làm như tôi. Hôm nay đạn từ nòng súng các ông đi ra nhằm vào ai, bây giờ chỉ vào thân thể người Ê Đê chúng mình thôi, đau lắm chứ” [24, 858].
Từng lời nói của Hờ Giang như những giọt mưa rừng giữa mùa hạ thấm vào lòng đất mẹ, xé lòng của những người Ê Đê còn ở lại, làm thức tỉnh chút lương tri còn sót lại của những kẻ ôm bả vinh hoa của đế quốc Mỹ đã chĩa mũi súng về phía đồng bào mình. Lời nói của Hờ Giang cũng là tiếng lòng của những người Ê Đê, người Tây Nguyên yêu nước bấy giờ.
Trong Ba anh em, lời nói của Y Nguyên khi nói chuyện với chim Gơ- rứ chúa- kẻ đã bắt hết cả làng của Y Rin được coi như tuyên ngôn và cũng là niềm tự hào về truyền thống bất khuất của người Ê Đê: “Chúng tôi là người
chủ của xứ sở này, có văn hiến, có lịch sử, có truyền thống đấu tranh bất khuất để gìn giữ và xây dựng đất nước này. Nếu mà trong cuộc đánh nhau lần này vì lí do nào đó chúng tôi thua trận, đó chỉ là tạm thời. Thời đại sau sẽ sinh ra những người tài giỏi hơn chúng tôi, thì họ sẽ đánh bại chúng bay đem lại cho xứ sở này của chúng tôi tốt đẹp hơn” [21, 244].
Nếu ở các nhân vật chính diện, ngôn ngữ đã góp phần làm đẹp thêm tâm hồn, nhân cách của họ thì ở các nhân vật phản diện, Y Điêng đã bóc trần bộ mặt xảo trá, bản tính xấu xa qua ngôn ngữ của chúng. Trong đó, lời nói của nhân vật Y Sô được Y Điêng khắc họa thành công nhất. Ngôn ngữ Y Sô biến đổi qua từng hoàn cảnh, nhân vật mà hắn tiếp xúc. Nếu trước kia khi Pháp còn là ông chủ của xứ sở này, hắn đã vênh váo, trịch thượng bằng thứ ngôn ngữ của kẻ nắm quyền sinh quyền sát trong tay, hắn từ chối lời van xin của ma Y Thoa khi hắn cho người bắt Y Thoa giải lên huyện: “Ông đừng nói nữa.
Muộn rồi đó. Mấy tháng, mấy năm trước sao không dạy nó. Việc đến chân rồi, và lại việc quan trên, tôi không có quyền nhúng vào” [19, 147].
Chính Y Sô là người xúi Ma Thin kiện mí con Hơ Linh nhưng khi Ma Thin thua kiện, hắn lật lọng nhằm vơ vét tài sản nhà Ma Thin: “Sao đây ông
Ma Thin?”; “Bởi ông đụng đến cái họ lớn này mà. Phải không ông Ây Lứ? Hôm trước nhiều người đã nhắc là tùy ông mà” [19, 255], “Bên đó bàn gì mà lâu thế? Đã xếp đủ hai mươi lăm con bò chưa? Thế bao giờ bên ấy cho chúng tôi đến dắt đây?, “Thế còn cái ché ba cổ và bộ chiêng nữa” [19, 260].
Thế nhưng khi thực dân Pháp bị Nhật đảo chính, Y Sô lo sợ cho số phận của mình nhỡ khi bọn Nhật hỏi sổ sách và số thóc hắn đã thu của dân giờ ở đâu, hắn không trả lời được. Vì vậy, hắn nhờ Y Thoa làm giả sổ sách cho mình thì lời lẽ ngọt như đường: “Em Y Thoa hả?”; “Em này”; “Em ạ” [20, 67- 68].
Bản chất xu nịnh của Y Sô thể hiện rõ nhất khi hắn nói chuyện với lũ Tây, mặc dù lúc này người Pháp đang bị Nhật lùng bắt không chốn nương thân nhưng hắn vẫn dạ dạ vâng vâng: “Ông lớn đến sao không báo trước”; “Ông lớn cho phép tôi đánh trống gọi dân làng về”; “Bẩm quan lớn”; “Mời ông lớn lên nhà” [20, 74- 75].
Bên cạnh ngôn ngữ đối thoại, Y Điêng đã khéo léo xây dựng những màn độc thoại tinh tế để qua đó nhân vật tự bộc lộ tâm trạng, tính cách của mình.
Trong Chuyện trên bờ Sông Hinh, Hơ Linh là cô gái sớm chịu nhiều bất hạnh, nên cô có cách nghĩ và nhạy cảm hơn các cô gái khác. Vì quá xinh đẹp, giỏi giang nên cô trở thành đối tượng thèm khát nhất của chánh tổng Y Sô. Hắn đã tìm mọi cách để tiếp cận và chiếm đoạt cô. Vì vậy, Hơ Linh đã trằn trọc suốt đêm khi mẹ cô nhẹ dạ đã nhận mấy hào bạc của Y Sô cho: “Anh Y thoa ơi, sao đêm nay em khó ngủ quá, anh bỏ cây sáo đến ngồi cạnh em đi!... Anh Y Thoa ơi, anh đừng bỏ em, cứu em ra khỏi chốn này” [19, 80].
Hơ Linh càng lo sợ khi Y Sô nhân lúc mẹ con cô đang ngủ hắn đã lên nhà sờ soạng mình và cô sợ Y Thoa biết chuyện này liệu anh có hiểu và cảm thông cho cô không: “Anh Y Thoa ơi! Anh có hiểu cho chăng, em
không hề dính líu một chút gì. Mọi tai họa không phải do em đâu, họ đem tới họ gắn cho em như vậy đó: Anh cứ ngủ ngon đi đừng có chiêm bao gì về em. Trời sáng rồi em sẽ nói cho anh rõ về điều xảy ra trong nhà em. Đừng giận em và khi nghe việc này anh đừng có để hai tai, tin thì tin đừng có yếu đuối đó” [19, 91].
Đoạn độc thoại cho thấy đức tính vị tha, chân thành của người con gái Ê Đê luôn một lòng lo nghĩ cho người mình yêu.
Nếu độc thoại nội tâm thường dùng để diễn tả cảm xúc của các nhân vật chính diện, những người vốn giàu tình cảm, cảm xúc thì ở đây Y Điêng còn dùng diễn tả tâm trạng lo lắng của Y Sô- kẻ làm biết bao chuyện ác nên luôn phải sống trong tâm lý lo sợ, bất an. Y Sô lo lắng khi lộ chuyện hắn sàm sỡ Hơ Linh và chuyện Cộng sản xuất hiện ở làng mình, hai cái lo cộng vào nhau khiến hắn không sao yên được:
Cái chuyện thằng Tây nói hôm trước, làng mình có Cộng sản thật rồi. Bị lây, chưa có cách gì ngăn lại. Hắn gục đầu xuống hai
cái đầu gối, hai tay ôm lấy cái trán nhỏ hẹp bằng lá lúa ít hiểu biết của mình. Giá như cái đầu này có thể lấy ra được rồi lại gắn lên hẳn là hắn không để dính ở cổ nữa... Ngay trong người hắn, trong cái đầu hắn đầy những thứ gì vừa ngứa ngấy vừa đau, đứng, ngồi và ngay cả ăn uống cũng không yên, không ngon [19, 96].
Trong đám ma con trai ông chủ bến nước, bản chất của Y Sô càng bộc lộ rõ hơn. Nếu là một người bình thường người ta sẽ dành sự xót xa cho người quá cố và chia buồn cùng tang gia nhưng trong đầu Y Sô lúc này lại đầy ắp những toan tính nhỏ nhen để ám hại mẹ con Hơ Linh: “Y Thoa đi tù rồi, nếu
có về nó cũng không dám làm gì nữa. Nhưng còn hai mí con Hơ Linh... Không. Không được đâu Y Sô ạ. Trai gái với người cùng họ cùng làng sẽ cho mình ăn cơm trong máng lợn, đi bằng bốn chân. Khủng khiếp quá… Tốt nhất là ta thủ tiêu hai mí con Hơ Linh” [19, 156].
Nếu những dòng độc thoại của Hơ Linh trong Chuyện trên bờ Sông Hinh chủ yếu xuất phát từ những suy nghĩ mang tính cá nhân thì trong Hờ Giang, những dòng độc thoại của Hờ Giang xuất phát từ con người cộng đồng luôn lo nghĩ cho mọi người. Hờ Giang lo cho chú Ma Đoan và các anh bộ đội trong rừng: “Chú và các anh không đi đâu xa, chú sẽ về ngay mà, ta ngồi đợi
ở đây... Con chim gõ kiến ơi, hôm trước mày đuổi tao đi, chú và các anh của tao đâu rồi. Sao mày không nói cho tao biết, bao giờ chú và các anh về?”
[24, 627].
Vẻ đẹp của nữ chiến sĩ anh hùng Hờ Giang càng hiện lên rõ nét hơn khi nghe tiếng súng của giặc trong đêm chị nghĩ đến tương lai của đứa con bé nhỏ của mình: “Hờ Giang còn nghĩ, không biết khi con mình ra đời có còn những
tiếng nổ này không? Cô chỉ mong muốn làm thế nào khi nó ra đời, không còn những tiếng súng đạn nữa lớn lên, sáng sáng đến trường, rồi trở thành người
tốt, biết được sấm sét không phải là thần linh mà là do những hiện tượng tự nhiên thôi... Như vậy là nó có phúc hơn đời mình rồi” [24, 809].
Nỗi đau và nỗi lo lớn nhất của cô là đứa con gái duy nhất của mình. Vì vậy, khi bị bọn biệt kích Mỹ bắt, cô không lo cho mình mà chỉ nghĩ và thương cho con gái Hờ Lê của mình: “Tội nghiệp cho con gái đầu lòng của tôi phải
mang suốt đời là con gái người cha phản động, nhưng vì cả nước bị đế quốc Mỹ xâm lược, tôi và nó không thể nào tránh được cái đau thương” [24, 855].
Như vậy, ngôn ngữ không chỉ là công cụ của tư duy, ngôn ngữ trong tiểu thuyết Y Điêng còn là một thứ bột màu vẽ nên tính cách, bản chất nhân vật một cách rõ nét.