6. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Giọng điệu ngợi ca
Văn học 1945- 1975 mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Dù sáng tác Y Điêng nói chung và tiểu thuyết nói riêng đa phần sáng tác sau 1975 nhưng mạch sử thi vẫn in đậm trong tiểu thuyết của ông. Điều đó có thể giải thích được vì Y Điêng là người sớm giác ngộ cách mạng và tập kết ra Bắc nên lý tưởng cách mạng đã in sâu trong từng nếp cảm, nếp nghĩ và chi phối các sáng tác của ông. Mặt khác ông là “người giữ lửa cho văn hóa Tây Nguyên” vì ông trực tiếp dịch các sử thi Ê Đê như Đăm Săn, Khinh Dú… ra
tiếng Kinh nên âm hưởng, nhân vật sử thi ít nhiều để lại ấn tượng nhất định trong ông. Do đó, dù các tiểu thuyết viết sau 1975 nhưng cảm hứng, đề tài, cốt truyện trong các tiểu thuyết của ông đều viết về giai đoạn trước 1975. Ông viết về những con người đã góp phần làm nên lịch sử như Y Thoa, Hờ Linh, Trần Được, Ma Đoan, Hờ Giang, Siu Nay, Phi Ôm… Họ đã trở thành những biểu tượng cho vẻ đẹp của người Tây Nguyên bên cạnh Đinh Núp, Tnú, Nơ Trang Lơng… và sống mãi trong tâm thức, đời sống của cộng đồng người Tây Nguyên.
Trong Chuyện trên bờ Sông Hinh, Y Điêng ca ngợi Việt Minh- tổ chức đã mang lại bình đẳng, độc lập cho dân tộc: “Cái mừng của cái năm sẽ được mùa không bằng với cái vui nào hơn với cái ở Củng Sơn, ở Tuy Hòa, ở Buôn Ma Thuột đã có phong trào gia nhập vào tổ chức mặt trận Việt Minh. Ai ai cũng nói chỉ có ở trong tổ chức này con người mới có quyền bình đẳng, đoàn kết và đất nước độc lập” [20, 96].
Y Thoa đã ca ngợi Việt Minh:
Trên đất nước ta có một tổ chức Việt Minh là một tổ chức của người Việt Nam mới muốn cho đất nước này được độc lập, tuốt khỏi tay kẻ thù xâm lược như lũ thực dân Pháp, bọn phát xít Nhật là một tổ chức có luật, mọi thành viên phải tuân thủ. Không những chỉ
riêng cho đồng bào người kinh mà cả đồng bào các dân tộc trong cả nước cũng tham gia [20, 97].
Đặc biệt, tác giả dành những lời ngợi ca đẹp nhất cho chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ông Hồ, không phải ông chỉ lo cho một người, một làng đâu mà ông
lo cho mọi người trong cả nước” [20, 107]. Qua lời của ông phó bí thư: “Họ giỏi quá... Ở đó mỗi gia đình có cờ đỏ sao vàng, có ảnh Nguyễn Ái Quốc. Họ coi ông như người cha, chỉ có người cha mới thương con, dạy dỗ cho con. Họ quí lắm” [20, 108]. Hay qua lời anh Trần Được: “Ảnh ông Nguyễn Ái Quốc đấy. Người làm lớn nhất nước ta vừa Việt Minh, vừa Chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam- Người lãnh đạo cao nhất đó. Ai cũng phải phục ông về nhiều mặt lắm. Thấy ông rồi, nghe ông nói là ai cũng thấy mình lớn thêm, tâm trí đầu óc minh mẫn thoải mái hơn” [20, 109].
Giọng ngợi ca và đầy lạc quan, tin tưởng qua lời của bác Đinh Kơn– người của Mặt trận dân tộc giải phóng Tỉnh:
Nay con cháu đã khôn lớn khỏe mạnh. Chúng nó bây giờ được sống trong mùa mới của cách mạng miền Nam, của thời đại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không những chúng nó giữ được truyền thống của cha ông, giỏi tay ná, bắn súng cũng cừ. Bây giờ chúng nó là người con núi rừng Tây Nguyên, người con của đất nước Việt Nam có nhiều dân tộc sinh sống là chiến sĩ giải phóng quân miền Nam Việt Nam anh hùng bất khuất [22, 79].
Như vậy có thể thấy, dù chiến tranh đã lùi về quá khứ nhưng dư âm của nó vẫn vang vọng trong lòng những người đã đi qua nó. Là người đã trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt của dân tộc, Y Điêng thấm thía những khổ đau và cái giá phải trả để đất nước có những ngày hòa bình, độc lập. Vì vậy, hòa chung trong dàn đồng ca của dân tộc, tác giả ngợi ca những người con anh dũng đã làm nên chiến thắng là điều dễ hiểu.