Thời gian tâm trạng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật tiểu thuyết y điêng (Trang 63 - 70)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Thời gian tâm trạng

Nhân vật trong tiểu thuyết là những con người rất giàu tâm trạng. Vì vậy để giúp nhân vật thể hiện được điều đó ngoài không gian còn có thời gian tâm

trạng. Đó là thời gian thể hiện những suy tưởng, thời gian hồi tưởng và thời gian của những ước mơ.

Trong Chuyện trên bờ Sông Hinh, Y Điêng tả thời gian đêm mí Hơ

Linh nghe chồng bị bọn cai đánh phải nằm viện, đêm đối với bà như dài hơn bình thường vì bà lo lắng không biết chồng bà bị đánh như thế nào, nặng ra sao mà phải nhập viện: “Đêm trăng vành vạnh, nhìn ra ngoài càng thấy mông

lung... Trong cái đêm mông lung, dai dẳng này, nằm mà nghĩ ra đủ thứ chuyện… Ngọn gió bắc thổi vào các khe phên kêu vi vu buồn buồn... Đêm càng dài càng thao thức. Cái nhớ cái thương, cái lạnh chiếm lấy không gian”

[19, 32- 33].

Mỗi người khi có điều gì lo lắng, trăn trở thì thời gian dường như ngưng đọng, đêm như dài hơn, có lúc tưởng chừng như vô tận. Đó cũng là cảm giác của Hơ Linh khi biết mẹ lỡ nhận mấy hào của chánh tổng Y Sô vì cô biết hắn không cho ai cái gì bao giờ, đã cho ai cái gì nhất định phải lấy lại cái quí giá hơn. Nhà Hơ Linh lại quá nghèo thì cái gì có giá đây? Phải chăng Y Sô đang nhắm vào mình? Vì vậy mà Hơ Linh sợ hãi, mệt mỏi: “Đêm nay đối với Hơ Linh đêm dài quá chừng. Cô thấy mệt hơn cả những ngày vật lộn với nương rẫy ngày mùa. Chiếc nhà nhỏ cuối làng lại càng lặng lẽ vào đêm này” [19, 80].

Trong Hờ Giang, thời gian tâm trạng cũng được tác giả miêu tả rất đặc sắc. Đó là cảm giác hồi hộp của Hờ Giang khi cô còn chưa chuẩn bị đủ tâm lí để lấy chồng vì vậy mà cô thấy thời gian sao mà trôi nhanh thế. Mới ngày nào nhà Hờ Giang định ngày rước Y Soa về bây giờ ngày đó đã đến. Dù rất yêu Y Soa nhưng thực lòng cô chưa muốn lấy chồng nhanh như vậy:

Ngày chờ đợi nay đã đến rồi. Cô thấy thời gian chạy nhanh quá, mới đã sáng đây mà nay đã trưa rồi. Còn chuyện một chặp toi nữa cô và Y Soa sẽ ngồi chung trước ché rượu cắm hai cần và người người thầy cúng giao duyên, trước trai gái làng nữa chứ. Hai

người lại đạp chung chân vào cái rìu (theo ý của các cụ đó là mong cho hai đứa sống chung hiền hòa khỏe mạnh và rắn rỏi như cục sắt ấy) [24, 787- 788].

Nếu trước đây Hơ Giang thấy việc lấy Y Soa sao diễn ra nhanh vậy thì bây giờ khi biết chồng theo bọn biệt kích Mỹ chỉ chờ một đêm cho trời sáng thôi mà sao đêm lại dài đến vậy :

Suốt đêm Hờ Giang không tài nào chợp mắt... Nhìn con côi cút chị lại khóc... Càng nghĩ về con chị lại càng khóc, từ khi biết tin chồng chị làm biệt kích Mỹ mới có một hôm mà người chị gầy đi nhiều. Cái mặt tròn trĩnh của hôm qua nay không còn, nó hốc hác hẳn, chị già đi nhiều. Bây giờ chị chỉ mong làm thế nào cho trời mau sáng mà về Huyện ủy gặp anh Ma Đoan, nhờ anh Ma Đoan và các đồng chí trong Huyện ủy giúp đỡ. Đêm mỗi lúc lại càng tối và vắng vẻ lạ lùng [24, 843].

Không chỉ các nhân vật chính diện mà ngay cả nhân vật phản diện cũng được khắc họa tâm trạng rất rõ nét. Y Sô khi nghe Nhật đảo chính Pháp dù mới biết tin thôi nhưng với hắn như đã lâu lắm rồi vì hắn sợ Pháp đầu hàng Nhật. Hắn sẽ không còn ai để dựa dẫm, buôn làng sẽ hỏi tội hắn. Họ đòi con của họ hắn lấy gì trả vì chính Y Sô bắt con họ đi học bây giờ chưa thấy về: “Thời gian thật quá ngắn ngủi, thế mà Y Sô thấy nó dài ghê. Về đêm nằm ngủ

được một giấc, khi mở mắt tưởng tụi Tây trở lại. Y Sô ngủ đâu có yên giấc, cây cột nhà, cây xà ngang, xà dọc, rùi mè và các tấm lợp bằng tranh không thể nào đếm được” [20, 53].

Bên cạnh thời gian suy tưởng, Y Điêng còn khắc họa nhiều khoảng thời gian hồi tưởng. Dù người Tây Nguyên họ sống với hiện tại nhiều hơn nhưng trước nỗi đau, nỗi buồn, sự chia xa thì kí ức thường đưa họ về với quá khứ xa xưa để tìm lại những gì đẹp đẽ đã mất đi. Trong Chuyện trên bờ Sông Hinh,

mí Hơ Linh khi nghe chồng bị đánh chưa biết sống chết ra sao suốt đêm bà không ngủ được và hồi tưởng những kỉ niệm về chồng mình: “Trong cái đêm

mông lung, dai dẳng này, nằm mà nghĩ ra đủ thứ chuyện. Bà có thể đếm lại từng ngày. Cái ngày gặp ban đầu nghĩ lại mà thấy xấu hổ. Rồi những ngày thành vợ thành chồng, có nhiều lúc bà làm ông không hài lòng” [19, 32- 33].

Còn Y Thoa, anh nhớ lại cách đây năm năm anh theo lệnh chánh tổng Y Sô đuổi bắt đám người Kinh đến buôn Thu trong đó có anh Trần Được. Năm năm vậy mà với anh như đã lâu lắm vì năm năm trước anh và Trần Được là kẻ thù còn bây giờ họ là đồng chí của nhau: “Cách đây hơn năm năm trước họ là

kẻ thù của nhau. Chàng Y Thoa chính là chàng dũng sĩ của làng Buôn Thu thi hành lệnh của chánh Tổng đuổi bắt một đoàn người Kinh đang đi tìm dấu bò của mình bị kẻ trộm lùa đi, trong đó có anh Trần Được” [20, 56].

Sau khi Y Thoa đi bộ đội, ngoài những lúc chăm con, làm rẫy, Hơ Linh lại nhớ về Y Thoa, nhớ kỉ vật tình yêu mà Y Thoa tặng mình: “Hơ Linh nhớ lại cái hồi nhà bác Ma Lý làm lễ đâm trâu. Con trâu đực có bộ sừng rất đẹp vừa dày lại vừa đen. Sau nửa tháng thì Y Thoa xin một bên sừng để làm cái lược phía đặc anh làm cán ống điếu hút thuốc. Sau khi anh chẻ ra một miếng

đẹp nhất để làm cái lược. Năm ấy gia đình cô đã đưa vòng kết duyên hai người” [20, 162].

Thời gian hồi tưởng thường dùng khi nhớ về những người đã mất như một cách giữ gìn những hình ảnh còn sót lại của người quá cố. Trước sự ra đi của Hơ Ninh- cô gái ngây thơ, xinh đẹp, là người mình thầm yêu trộm nhớ bị chết trong trận bom của địch khiến Y Sai không khỏi quặn lòng: “Y Sai vừa cầm cái rựa ông trên tay đi bên cạnh ông nhớ lại mới hôm nào gặp Hơ Ninh nói chuyện với Hơ Linh. Nó ngây thơ quá, ai hỏi chi nó chỉ há miệng cười. Cái cười của nó cứ khuấy mãi trong lòng anh” [20, 243].

Không chỉ những người giàu cảm xúc mới hay chạnh lòng nghĩ về quá khứ mà ngay cả những người lính tưởng chừng rất khô khan cũng rất chạnh lòng khi nhớ về những kỉ niệm thân thương. Trong Trung đội người Bah Nar, anh Phi Ôm- trung đội trưởng dù chưa tới ngày phải xa làng Đê Ka đi chiến đấu nơi xa nhưng lòng anh đã bâng khuâng, hồi tưởng kỉ niệm về buôn làng, con người làng Đê Ka: “Những hình ảnh của buôn làng, con suối, người

thân nó lại hiện lên trước mặt anh. Mới năm nào, anh còn tung tăng chạy theo chân cha mẹ lên nương, anh tập đánh đàn t’rưng trên chòi cao. Chính tiếng đàn t’rưng làm cho cô Hơ Ninh dòm ngó lắng nghe” [22, 6- 87]. Còn

bác Đinh Kơn thì rất hào hứng hồi tưởng những ngày đánh Pháp để kể cho cả trung đội nghe: “Bác Đinh Kơn hồi tưởng lại, năm xưa cầm ná bắn vào đoàn xe của thực dân Pháp trên trục đường này. Lúc đó các chiến sĩ còn chưa biết đóng khố, có em tròn trùng trục như củ khoai thật” [22, 79].

Bên cạnh thời gian hồi tưởng, Y Điêng còn viết về thời gian tương lai, thời gian của những ước mơ. Người Tây Nguyên sống thật thà, chân chất nên ước mơ của họ cũng thật giản dị không cao xa mà chỉ là cuộc sống ấm no, làm ăn khấm khá hơn và nhất là mọi người sống với nhau sao cho thật tình cảm- đó mới là ước mơ lớn nhất của những người xứ đồi cỏ Sông Hinh: “Ai

cũng ước chỉ có một lối nghĩ làm sao mọi người trong buôn sống với nhau thật êm ấm hơn, mỗi năm làm ăn có nhích hơn và ngày ăn năm uống tháng lớn hơn cha ông ta trước” [20, 5].

Những con người bé nhỏ với ước mơ giản dị nhưng mấy khi thực hiện được. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Tây Nguyên, chúng dồn dân vào các ấp chiến lược để dễ cai trị. Giữa lúc cuộc sống tưởng chừng như bế tắc ấy, Việt Minh đến với họ. Họ như mảnh đất khô cằn đón cơn mưa đầu mùa để thỏa khát khao nên tràn đầy niềm tin, lạc quan vào tương lai, vào cuộc sống mới tự do: “Con người ở trong trại nhưng cái tâm hồn thoải mái, lòng tin ở

sự lãnh đạo, dìu dắt của Việt Minh sẽ thoát khỏi cảnh ngộ này. Bộ mặt của người dân tươi tỉnh hẳn, họ đi đâu, gặp nhau trước hết nở nụ cười vui vẻ, nhưng không dám cười to nói lớn, không vỗ tay mừng thắng lợi” [20, 255].

Người Tây Nguyên thường sống với hiện tại, vì vậy thời gian tương lai ít xuất hiện. Tuy vậy thời gian tương lai cũng góp phần tạo điểm nhấn đáng chú ý trong tác phẩm Y Điêng. Trong Trung đội người Bah Nar, Siu Nay mong

ước về một ngày hòa bình được trở về làng Đê Ka đầy tình nghĩa, nơi đã cưu mang cả trung đội anh trong những ngày đầy khó khăn vất vả: “Ước ao sau này khi đất nước hết kẻ xâm lược, anh sẽ ở lại làng Đê Ka này, cùng với dân làng, cùng cô Xuân sẽ đi thăm một số vùng đất xa xôi ấy” [22, 52].

Trong Hờ Giang, khi bị dồn vào ấp chiến lược, mọi người vẫn lạc quan sau mùa lũ dữ, sự sống sẽ hồi sinh: “Mỗi một làng bị nhốt vào ấp chiến lược

là một cái buồn đối với cán bộ. Mọi công việc phải làm lại từ đầu... Nhưng ai nấy đều tin tưởng rằng, mùa mưa lũ chỉ trong một thời gian ngắn cây hai bên bờ sẽ trỗi dậy” [24, 695].

Hờ Giang đã cùng đồng bào đấu tranh chống giặc đến giây phút cuối cùng. Trước khi ngã xuống trên mảnh đất quê hương cô vẫn tin vào một ngày mai con cô và những đứa trẻ của vùng đất đỏ này sẽ tiếp tục đấu tranh để đưa cuộc cách mạng đến thắng lợi cuối cùng: “Thời đại sau sẽ sinh ra những

người tài giỏi hơn chúng tôi, thì họ sẽ đánh bại chúng bay đem lại cho xứ sở này của của chúng tôi tốt đẹp hơn” [24, 244].

Tiểu kết

Y Điêng là người thông thạo cả tiếng Ê Đê và tiếng Việt lại là người trực tiếp biên soạn, dịch sử thi Ê Đê. Do vậy, không gian và thời gian trong tiểu thuyết của ông ít nhiều chịu ảnh hưởng sử thi và văn hóa Tây Nguyên. Vì Y Điêng đã dành gần trọn cả đời mình để gắn bó với mảnh đất này nên không gian trong tiểu thuyết của ông trước hết là không gian thiên nhiên đa sắc thái

có lúc dữ dội, ghê sợ nhưng bao trùm lên tất cả là một thiên nhiên mỹ lệ, dịu dàng làm say đắm lòng người. Bên cạnh không gian thiên nhiên, độc giả còn bắt gặp không gian sinh hoạt đời thường và nhất là không gian sinh hoạt cộng đồng với những nét văn hóa đặc trưng của Tây Nguyên.

Ngoài ra, Y Điêng còn tạo dựng thời gian nghệ thuật mang đậm dấu ấn riêng của ông. Dù tiểu thuyết của ông vẫn mang những nét chung của giai đoạn văn học 1945- 1975 là kiểu thời gian lịch sử tuyến tính nhưng Y Điêng sử dụng khá nhiều kiểu thời gian tâm trạng: có thể là thời gian suy tưởng về chuyện cá nhân hay suy nghĩ về những vấn đề hệ trọng của buôn làng, của dân tộc; bâng khuâng về những kỉ niệm của quá khứ xa xưa. Người Tây Nguyên thường sống với hiện tại nhưng tác giả dùng nhiều thời gian tương lai qua những ước mơ, khát vọng về cuộc sống, về ngày mai thanh bình, tươi đẹp, ấm no để con cháu được sống trong hạnh phúc, tự do. Với kiểu thời gian tương lai, đồng hiện, Y Điêng đã cho thấy sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của ông về văn học và sự tìm tòi thay đổi cách viết để phù hợp với xu thế vận động và phát triển của văn học Việt Nam hiện đại.

Chương 3

NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT Y ĐIÊNG

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật tiểu thuyết y điêng (Trang 63 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)