Trong bài báo Mùa xuân sinh thái và văn chương, tác giả Huỳnh Như Phương đã thể hiện ý thức trách nhiệm của nhà văn đối với các vấn đề sinh thái: “Trong cuộc đấu tranh vì một môi trường sống hòa hợp với con người, văn học đã làm được gì? Phải chăng văn học vẫn còn bàng quan với chuyện sống còn này? Hình như văn học cho đây là một đề tài tầm thường hay ít ra chưa phải là ưu tiên số một so với những vấn đề cao siêu đáng để tâm hơn nhiều?” [64, tr.318]. Có một khoảng cách khá lớn giữa văn học và thực tiễn trong bối cảnh khủng hoảng môi trường hiện nay. Dòng văn học sinh thái cũng đang còn những khoảng trống, cần sự có mặt của nhiều cây bút về các vấn đề và nguy cơ sinh thái. Trong bối cảnh đó, bên cạnh Trần Duy Phiên, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khắc Phê… Sương Nguyệt Minh cũng đã có sự chuyển hướng đề tài để thể hiện ý thức trách nhiệm của nhà văn đối với môi trường. Điều này được thể hiện trong sáng tác của nhà văn.
Nỗi đau da cam dai dẳng được thể hiện trong nhiều tác phẩm của nhà văn Sương Nguyệt Minh (Tiếng lục lạc trong đêm, Mười ba bến nước…).
Chiến tranh không chỉ hủy diệt sự sống của con người, phá hủy môi trường lúc đang diễn ra mà theo bước chân những người lính ngay cả ở thời bình. Cuộc kháng chiến của dân tộc ngày hôm qua không chỉ được nhìn ở góc độ ngợi ca lãng mạn, mà cả những mất mát đau thương của hiện thực chiến tranh cũng được phơi bày lên những trang giấy. Nhiều tác phẩm của nhà văn thể hiện bi kịch của người lính khi trở về từ chiến trường (Người ở bến sông Châu, Đêm làng Trọng Nhân, Cha tôi, Tháng ngày đã qua…). Dưới góc nhìn sinh thái, nhà văn Sương Nguyệt Minh giúp người đọc nhận ra rằng, chính chiến tranh đã làm ô nhiễm nguồn nước, đất đai khi kẻ thù gieo rắc chất độc
hóa học lên những dòng sông, con suối, làm những cánh rừng trụi lá. Bom mìn – nỗi ám ảnh của những người lính vẫn còn nằm sâu trong lòng đất có thể phát nổ bất cứ lúc nào, cướp đi sinh mệnh con người ngay cả trong thời bình. Vì vậy, vấn đề sinh thái trong tác phẩm của nhà văn Sương Nguyệt Minh mang tính hiện thực và thời sự sâu sắc.
Bằng dự cảm của một nghệ sĩ tài hoa, Sương Nguyệt Minh còn thể hiện những trăn trở trước hiện thực: con người chạy theo sự xa hoa của vật chất, bỏ lại những tình nghĩa sâu nặng truyền thống (Chuyến đi săn cuối cùng, Giếng cạn, Sao băng lúc mờ tối…). Đó còn là tình cảnh dở dang của nhiều cô gái trẻ khi người yêu phụ tình (Mây bay cuối đường, Động làng…). Những bi kịch về cuộc đời vẫn ẩn hiện trên những trang văn của nhà văn Sương Nguyệt Minh mà càng đọc ta càng thấy nhói buốt trong lòng. Không có nỗi đau nào giống nỗi đau nào, chỉ có những dư vị đắng chát, những đổ vỡ trong hành trình đi tìm hạnh phúc là giống nhau.
Trong tác phẩm của Sương Nguyệt Minh còn có những con người chạy trốn khỏi nông thôn để thoát khỏi nghèo đói, cơ cực. Mỗi người với hoàn cảnh khác nhau đều gặp nhau ở ước mơ về cuộc sống hào nhoáng chốn thành thị (Mây bay cuối đường, Cái nón mê thủng chóp, Giếng cạn…). Trên hành trình chạy trốn khỏi nông thôn, có người phủ nhận hết gốc tích của mình, hòa nhập đến hòa tan vào những lối sống ở thành thị. Có người ra đi không hẹn ngày về hay có về cũng chỉ thoáng qua rồi lại cuốn vào nhịp sống hối hả ấy. Có người lại quay về trong tình huống dở khóc dở cười như vợ anh Sang trong Mây bay cuối đường… Đọc những tác phẩm này, người đọc thường có nỗi niềm xót xa đến cay đắng, và nhận ra tấm lòng của nhà văn. Đó là nỗi niềm trăn trở trước những vấn đề xã hội và ý thức về trách nhiệm nghề văn của mình. Bởi vậy, những thông điệp mà nhà văn gửi gắm qua tác phẩm đi vào lòng độc giả một cách tự nhiên không gượng ép. Đây cũng là một nội dung quan trọng của văn
học sinh thái, cái nhìn phản lãng mạn về nông thôn. Nông thôn không còn yên bình mà chứa đựng nhiều điều bất ổn: nghèo đói, thất học, còn nhiều hủ tục lạc hậu, những tư tưởng bảo thủ chưa vượt thoát ra được.
Những thảm họa thiên nhiên khiến cuộc sống con người điêu linh, khốn khổ trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của nhà văn (Khi chúng tôi là lính, Chuyến tàu đêm, Khi cơn lũ đi qua, Người trong mưa lũ…). Nguyên nhân của những thảm họa này chính là những hành vi phá hoại môi trường của con người. Những trang viết về cơn đại hồng thủy này đã chuyển tải vấn đề liên quan đến thời sự về môi trường đang diễn ra hằng ngày ở nước ta. Biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán, động đất… đang diễn ra khắp nơi trên trái đất. Sáng tác của Sương Nguyệt Minh truyền tải những thông điệp ý nghĩa: Hãy giữ lấy màu xanh của trái đất, hãy cứu những cánh rừng xanh đang ngày càng bị thu hẹp!
Sương Nguyệt Minh cũng chú trọng đến ứng xử với tự nhiên và đạo đức con người. Khi nói đến đạo đức, chúng ta thường chỉ chú trọng quan hệ giữa con người với con người mà ít chú trọng mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Con người cần phải giao tiếp với cái phi nhân (nonhuman) để làm phong phú và tươi mát tâm hồn mình. Nếu con người chỉ coi tự nhiên là giới vô tri, bóc lột tự nhiên phục vụ cho lợi ích thực dụng của mình thì tâm hồn con người sẽ trở nên khô cằn, con người sẽ cảm thấy cô đơn. Nhìn từ góc độ lý luận, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã đưa ra quan niệm về đạo đức môi trường như sau: “Đạo đức môi trường là một phương diện đạo đức nói chung, là sự thể hiện và thực hiện đạo đức xã hội trong lĩnh vực mối quan hệ giữa con người với tự nhiên”. Trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh, có những nhân vật sẵn sàng lợi dụng, giết chết, hủy hoại tự nhiên như ông chủ lò mổ heo trong Ánh trăng trong lò mổ, bố Chương trong Chim sâm cầm lại về, Hoan trong Một trò đời… Những nhân vật tàn phá tự nhiên đều nhận lấy những “quả báo” nhất định. Khi đối xử với tự nhiên, con người đã giữ địa vị thống trị, tự coi mình là chúa tể nên khai thác tự nhiên một cách ồ ạt, đối xử
bất công đối với tự nhiên. Khi con người phá hủy tự nhiên cũng có nghĩa là con người phá hoại chính ngôi nhà chung của mình. Điều đó trước hết thể hiện qua các thảm họa của tự nhiên. Chỉ cần cái lắc đầu nhẹ của bà mẹ thiên nhiên, con người cũng trở nên nhỏ bé, mong manh. Vì vậy, con người cần ý thức về thân phận “con người nạn nhân” trong mối quan hệ với tự nhiên.
Trước áp lực của toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, văn xuôi sinh thái cần nhận thức sâu sắc về sự tổn thương của tự nhiên mà nguyện nhân chính là do con người gây ra. Do vậy, cảm quan đạo đức sinh thái mới của thế kỉ XXI hình thành những mẫu nhân cách mới, những người biết cúi xuống những số phận tự nhiên bị thương tổn, biết chia sẻ cảm giác bị đau của muôn loài, biết lắng nghe tiếng nói từ vạn vật, biết chia sẻ và tôn trọng thế giới tự nhiên [44, trang 237]. Trong sáng tác của nhà văn Sương Nguyệt Minh, ta có thể bắt gặp nhiều nhân vật biết yêu quý, bảo vệ tự nhiên như người cha trong Chim sâm cầm lại về, Lài trong Nơi hoang dã đồng vọng, cô bé Sẻ Núi trong Hoàng hôn màu cỏ biếc, Trang trong Một trò đời… Chủ nghĩa nhân văn sinh thái đề xuất không phải là ca ngợi con người như chúa tể chinh phục tự nhiên, như những “kiểu mẫu của muôn loài” mà là một thái độ sống mà con người biết tự thu nhỏ mình lại… Do vậy, trở về với tự nhiên là học cách tôn trọng vạn vật, tôn trọng tự nhiên, điều chỉnh chính thái độ, hành vi của con người để hướng tới một cuộc sống bền vững, yên ổn, hạnh phúc [44, trang 237]. Những thay đổi về tư tưởng, hành vi của con người đối với tự nhiên là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa trong thời đại con người đang đối mặt với các vấn đề về cạn kiệt tự nhiên, mất cân bằng sinh thái. Đó là nguyên tắc đạo đức tất nhiên, phổ biến, tuyệt đối. Sáng tác của nhà văn Sương Nguyệt Minh không chỉ gióng lên những hồi chuông cảnh báo mà còn chứa đựng những thông điệp sinh thái đầy ý nghĩa. Đó cũng chính là ý thức trách nhiệm của nhà văn trước những vấn đề diễn ra hằng ngày và mang tính toàn cầu.
Tiểu kết chƣơng 1
Phê bình sinh thái với tư cách là một khuynh hướng phê bình văn học mới, ra đời trong bối cảnh giới học thuật phản ứng trước nguy cơ môi sinh bị hủy hoại do chính con người, với mục đích thông qua văn học để thẩm định lại toàn bộ văn hóa nhân loại, tiến hành phê phán tư tưởng, chính sách, mô hình xã hội… đã ảnh hưởng như thế nào đến thái độ đối với tự nhiên, khiến cho môi trường lâm vào tình trạng suy thoái như hiện nay [44, trang 26]. Ở Việt Nam, hoạt động nghiên cứu văn học theo khuynh hướng phê bình sinh thái cũng đang đi vào chiều sâu với nhiều công trình nghiên cứu có nhiều đóng góp. Điều này thể hiện sự phát triển, vận động của văn học trong xu thế toàn cầu hóa. Đặc biệt, sau 1975 đã hình thành khuynh hướng văn xuôi sinh thái, lúc đầu còn tản mác chìm lấp trong nhiều chủ đề khác nhưng càng về sau, các tác phẩm càng thể hiện các triết lí sâu sắc và đề cập đến nhiều khía cạnh của môi trường và con người.
Sương Nguyệt Minh là một nhà văn quân đội. Với quan niệm “nhà văn ngừng sáng tạo là nhà văn rơi vào lãng quên trong lòng bạn đọc”, Sương Nguyệt Minh không ngừng đổi mới chính mình. Đề tài sáng tác của nhà văn khá phong phú. Đặc biệt, văn xuôi Sương Nguyệt Minh thể hiện ý thức trách nhiệm về các vấn đề sinh thái. Trong thời đại môi trường sống của nhân loại ngày càng ô nhiễm, sáng tác của nhà văn đã rung lên những hồi chuông cảnh báo về hành vi của con người với tự nhiên. Quan trọng hơn, nhà văn đã đem đến một quan niệm sống hài hòa với tự nhiên, biết lắng nghe tiếng nói của tự nhiên, tôn trọng sinh mệnh. Sáng tác của nhà văn góp phần khỏa lấp những khoảng trống của văn học sinh thái, tạo nên diện mạo mới của văn xuôi Việt Nam sau năm 1975.
Chƣơng 2