Chiến tranh hủy hoại môi trường và cuộc sống của con ngườ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề sinh thái trong văn xuôi sương nguyệt minh (Trang 44 - 54)

Hơn ai hết, là người lính từng đi qua chiến tranh, Sương Nguyệt Minh luôn nặng lòng với đề tài này. Sương Nguyệt Minh đã đưa ra nhiều vấn đề, khía cạnh rất mới, đặc biệt là khía cạnh về môi trường. Dưới sự tàn phá của chiến tranh, môi trường cũng bị biến dạng, cũng gánh chịu những nỗi đau. Điều này thể hiện rất rõ trong một số tác phẩm: Tiếng lục lạc trong đêm, Bên dòng Tonle Sap, Người ở bến sông Châu, Mười ba bến nước, Tiếng bìm bịp

đêm nước nổi, Hòn đá cháy màu lửa, Tiếng sét trên triền núi… Và đặc biệt là tiểu thuyết Miền hoang đạt giải sách hay năm 2015.

Có thể nhận thấy, để phục vụ cho những mục đích về chiến tranh, con người không ngại ra tay với thiên nhiên. Trong truyện ngắn Tiếng sét trên triền núi, bọn giặc sẵn sàng phóng hỏa, đốt rừng phục vụ cho mục đích xâm lược của mình. “Bọn Tây sau một hồi định thần bắt đầu phóng hỏa. Thằng nào cũng cởi trần, da đỏ như gà chọi, khùng như trâu điên, huơ đuốc. Lửa đỏ rực, khói ngút trời xanh. Bọn Pháp đốt rừng, đốt cả bản Phú Nhung” (tập Chợ Tình, tr.185 -186). Thông qua lời trần thuật của nhà văn, giọng điệu có vẻ rất bình thản nhưng ta cảm nhận thái độ căm giận đối với hành động vô nhân đạo của chúng. Con người, những kẻ “cởi trần, da đỏ như gà chọi, khùng như trâu điên” ấy đang ra sức hủy diệt môi trường. Rừng núi là nơi cư trú của bản Phú Nhung, là nơi làm nương rẫy của dân làng, là nơi hoạt động cách mạng của du kích. Chúng đốt rừng, mục đích hướng tới là đe dọa con người nhưng thiên nhiên cũng đang oằn lưng gánh chịu thảm họa hủy diệt này. Bản thân điều ấy đã nói lên được tính chất tàn bạo của chiến tranh.

Trong truyện ngắn Tiếng bìm bịp đêm nước nổi, chiến tranh đã đem đến sự không bình yên cho cả thiên nhiên và con người “Một dạo, tàu lính đi lại trên sông nhiều sục sóng xô tới tấp vào bờ trùm lên cả bụi trâm bầu. Rồi chúng xả súng bắn vào các lùm cây, bãi rậm hai bên bờ sông. Tiếng bìm bịp mất hẳn. Chẳng biết nó bị bắn chết hay sợ bỏ đi nơi khác” (tập Mười ba bến nước, tr.177). Chiến tranh đã phá hủy sự yên bình của thiên nhiên. Tiếng súng đã xua đuổi và thậm chí là hủy diệt sự sống của giống loài bìm bịp. Tiếng bìm bịp vốn là đặc trưng của vùng miền thì lại bị bom đạn giết chết và đuổi đi nơi khác.

Hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ với mức độ tối tân của vũ khí hiện đại và chất độc hóa học đã gieo cái chết đến cho môi trường. Đất, cây

cối, nguồn nước… bị nhiễm độc và không biết đến khi nào mới có thể phục hồi được và mất bao lâu để phục hồi? Trong tác phẩm Mười ba bến nước, Sương Nguyệt Minh đã thể hiện điều ấy rất rõ “Lại có lần, đơn vị đóng quân trong rừng già, thấy những chiếc máy bay Mỹ bay rất chậm phun ra chất gì đó như sương mù trắng đục. Vài ngày lá ngả màu đồng loạt, gió rất nhẹ, lá cũng rụng lả tả. Cây trụi lá, chỉ còn trơ thân cành. Cả cánh rừng một màu chết chóc” (tập Mười ba bến nước, tr.165-167). Sự tàn phá của chất độc xuống cánh rừng thật ghê rợn, từng là màu xanh mơn mởn của biết bao loài thực vật, bao lớp cây từ cây non đến cây lâu năm thì bây giờ hiện lên màu của chết chóc “những cánh rừng trụi lá”. Hậu quả này không phải chỉ khắc phục trong vài giờ, vài năm mà có lẽ từ thế hệ này sang thế hệ khác không biết đến bao giờ. Thật vậy, “Chiến tranh không được trả giá trong thời chiến, hóa đơn sẽ đến sau đó” (Theo Benjamin Franklin).

Chiến tranh đi qua, nhưng vẫn còn những hiểm nguy đang rình rập. Biết bao bom đạn tối tân đã găm vào trong lòng đất mẹ, kể cả khi con người cố quên đi để hòa nhập cuộc sống thời bình thì chiến tranh vẫn in hằn dấu vết. Trong truyện Người ở bến sông Châu, nhân vật Thím Ba đun te vướng bom bi vì vậy mà “bom bi nổ găm đầy người lỗ chỗ. Máu ở ngực thím vẫn còn rỉ ra. Duới sông te lưới nổi lập lờ, lập lờ” (tập Người ở bến sông Châu, tr.43). Điều ấy có nghĩa rằng, bom đạn vẫn còn trong lòng đât, chiến tranh vẫn còn hủy diệt môi trường và con người ngay trong thời bình. Chiến tranh đã qua đi nhưng “cỗ máy hủy diệt của nó” vẫn còn. “Chiến tranh là khoa học của sự hủy diệt” (John Abbott).

Trong tiểu thuyết Miền hoang, sự tàn phá của chiến tranh thật sự ghê rợn, người ta tận dụng rừng làm căn cứ quân sự. Rồi nhiều trận đánh đi qua, căn cứ đó trở nên hoang phế, cỗi cằn và chứa đầy hiểm nguy của bom mìn. “Những ụ lô cốt dã chiến tiền tiêu nhô ra cũng bị sập, vỏ bao đất đắp công sự

đã bạc trắng trơ khấc các sợi ni lông dệt ngang dọc, sởn rách lòi cả đất. Một khu nhà đổ nát, cỏ mọc và dây leo rùm ròa. Thỉnh thoảng đang đi đá phải vỏ đạn 12ly7 hoen gỉ bị cỏ mọc trùm lên. Những quả mìn gài chống đột nhập bị mưa gió bào mòn đất, vỏ xanh nhợt trồi ra lạnh lùng vênh váo thách thức con người cứ đạp chân lên thử coi” (Miền hoang, tr.328). Và cánh rừng đầy rẫy những hình ảnh “Những cái sọ hình quả thốt nốt, và các khúc xương người cũng chòi ra khỏi đất, có cái bị phong hóa, chỉ chạm mũi giầy là mủn, vỡ rụp không còn hình dạng. Vài hố sâu mới, vương vãi xung quanh là các mảnh thịt xương hoặc cả con chó sói khô bốc mùi khăn khẳn. Chắc là chúng chạy và đạp trúng mìn KP2, hoặc mìn ba râu, con thì tan xác, con thì bị thương lết một đoạn rồi chết” (Miền hoang, tr.329). Rừng đại ngàn chứa đầy bom mìn, dây kẽm gai… phục vụ cho chiến tranh. Những con vật hoang dã… cũng không thoát được những hố bom mìn của chiến tranh ấy. Rừng mang vết thương, muôn thú cũng chịu chung những bi kịch ấy. Mùa khô kết hợp với những quả bom trong lòng đất gây cháy rừng nặng nề. “Rừng bỗng trống trơn, quang đãng, nhìn xa cả mấy cây số chỉ thấy tàn tro quện theo gió bay tung lên trời, rồi lại rải xuống đất cũng đang ngổn ngang tro than… Những quả mìn KP2 gài trước đó nhô lên mặt đất chưa nổ bị chảy ra, nhựa màu xanh quắn thun lại. Cánh rừng chết chóc hiện lên những âm bản đen trắng như trong phim ma” (Miền hoang, tr.349). Chiến tranh sử dụng vũ khí đã chặt phá cây cối, thiêu rụi tất cả. Cách miêu tả của Sương Nguyệt Minh thật dữ dội. Các gam màu chết chóc hiện lên với những hình ảnh đứt, nối tạo ấn tượng mạnh cho người đọc. Không chỉ gim đầy bom đạn xuống cánh rừng, nhiều vùng đất trù phú trước kia trở nên hoang tàn bởi sự tàn phá của chiến tranh “Cánh đồng khô nẻ thì đúng hơn, nhưng là cánh đồng chết… Những cây mọc hoang. Lá úa. Lá khô. Tạp nham đủ loại… Công trường thủy lợi gồm các con mương hiển hiện, nhưng bờ sạt lở, chỗ còn sâu chỗ lấp đầy. Những cái cống xi măng bị sập.

Nhà lán đổ nát, ải mục đang biến dần thành đất… Đổ nát hết rồi. Tanh bành hết rồi” (Miền hoang, tr.505-506). Người ta xây dựng lên nhưng rồi chiến tranh đã phá hủy tất cả. Những mảnh đất xanh tươi trước kia trở thành những cánh đồng chết. Sự hoang tàn đó đến trong đôi mắt những người bảo vệ hòa bình và cả những người ở chiến tuyến bên kia. Tất cả đều nhận ra sự đổ nát của cảnh vật. Chắc hẳn trong phút giây ấy, họ đã nhận rõ tính chất tàn bạo của chiến tranh.

Những người lính đã từng chiến đấu ở các chiến trường bị rải chất độc, bản thân họ gánh chịu hậu quả và điều cay đắng là thế hệ con cháu họ cũng bị ảnh hưởng và không biết đến khi nào những bi kịch ấy mới chấm dứt. Sáng tác của nhà văn đã thể hiện con người nạn nhân trong chiến tranh và sau chiến tranh. Trong tác phẩm Mười ba bến nước, bi kịch này rất rõ rệt. Nhân vật người vợ ở nhà chờ đợi chồng với biết bao đau khổ, thậm chí là những dị nghị vì nghi ngờ không chung thủy. Cứ ngỡ khi người chồng quay về, tất cả những đau khổ trước kia sẽ không còn, cuộc sống hạnh phúc sẽ rộng đón hai người. Thế nhưng bi kịch xảy ra khi người vợ sinh con lần thứ nhất là “Cục thịt đỏ hỏn chỉ có cái miệng tròn tối om, há ra ngậm vào như cá mắc cạn ngáp lúc sắp chết…” (tập Mười ba bến nước, tr.146). Người vợ đau khổ không ra khỏi nhà và thường xuyên mộng mị. Bi kịch vẫn không dừng tại đó, sinh lần thứ ba, thứ tư vẫn ra cục thịt đỏ hon hỏn, lần thứ năm lại là một bọc có nhiều cục thịt đỏ. Người đàn bà đó trải qua bao lần sinh đẻ, mang nặng, đẻ đau nhưng chưa được ngày nào hưởng niềm hạnh phúc hân hoan mừng con chào đời mẹ tròn con vuông. Bản thân người phụ nữ ấy không hiểu tại sao cuộc đời mình lại ra cơ sự này? Chỉ khi bác sĩ khám bệnh cả hai vợ chồng mới vỡ lẽ người chồng bị nhiễm chất độc da cam, chửa đẻ trăm lần thì trăm lần cũng là quái thai, dị dạng. Vị bác sĩ còn chỉ vào một tấm ảnh và giải thích: “Đây là trường hợp cha bị nhiễm chất độc màu da cam vẫn đẻ con lành lặn, bình thường

nhưng đến khi đứa con gái lấy chồng thì lại sinh ra một chùm cục thịt như chum vải chín đỏ. Cái hậu quả này nặng nề lắm, chẳng bao giờ mới hết” (tập

Mười ba bến nước, tr.164).

Tiếng lục lạc trong đêm cũng góp thêm tiếng nói phê phán chiến tranh hủy hoại môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người. Nhân vật Tâm cũng là một người lính ở chiến trường ác liệt nhiều năm. Sau khi rời khỏi cuộc chiến, mong muốn một cuộc sống yên bình, thế nhưng người vợ đến lúc trở dạ lại sinh ra một đứa bé không lành lặn. “Khổ thân! Đứa bé không có hai chân, chú Tâm ạ. Cháu lại bị ngạt nên mất từ trong bụng mẹ” (tập Người ở bến sông Châu, tr.305). Người cha nghe tan nát cả cõi lòng và nhận ra đây chính là hậu quả của những chuyến hành quân qua các cánh rừng trụi lá ở Trường Sơn dạo trước. Nhân vật người cha khuỵu xuống trước những đau khổ của số phận, của chiến tranh đem lại. Có thể bắt gặp sự đồng điệu này trong tác phẩm Người còn sót lại của rừng cười của Võ Thị Hảo, Ngọa Sinh của Võ Thị Xuân Hà. Chiến tranh không chỉ lấy đi những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp nhất của con người mà còn cướp đi quyền làm cha, làm mẹ, quyền sống một cuộc đời bình thường. Những trang viết của Sương Nguyệt Minh, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà… về đề tài này đã chạm đến những vấn đề rất sâu của văn học sinh thái. Phải có trái tim ấm nóng, giàu lòng yêu thương và đặc biệt có nhiều trăn trở sau khi bước ra khỏi cuộc chiến, Sương Nguyệt Minh mới viết được những tác phẩm xoáy sâu vào bi kịch sau chiến tranh.

Nhiều nhà văn viết về đề tài chiến tranh, đặc biệt các nhà văn trưởng thành từ cuối cuộc kháng chiến chông Mĩ đã không ngừng nỗ lực, tự đổi mới chính mình, đáp ứng nhu cầu xã hội và minh chứng cho một quy luật không thể né tránh của mảng văn học viết về chiến tranh sau chiến tranh. Đó là sự đào sâu mới, đó là khả năng phân tích, bình giá và mổ xẻ hiện thực đa chiều của chiến tranh, đó là phân tích mối quan hệ cực kì phức tạp giữa số phận

từng con người với biến cố chiến tranh, đó là năng lực khám phá và đặt ra những vấn đề nóng bỏng sau chiến tranh. Nỗi đau của những con người bị chiến tranh hủy hoại luôn luôn mời gọi nhiều cái nhìn mang tính nhân văn của người sáng tạo, vì nó tiềm ẩn những nỗi đau nhưng dường như chưa được soi thấu hết. Hơn ai hết, là một nhà văn quân đội từng trải qua cuộc chiến, Sương Nguyệt Minh đã đi sâu vào vấn đề: chiến tranh hủy hoại thân thể và tạo ra những bi kịch đớn đau cho con người. Đó là nỗi đau của Tường trong truyện ngắn Đêm làng Trọng Nhân. Vết thương làm khuôn mặt anh biến đổi ghê gớm, cả những người hàng xóm gần gũi với anh cũng hoảng sợ khi nhìn thấy Tường “Cô bé ngước nhìn lên và giật mình… Bát nước chè xanh trên tay cô bé sóng sánh, tướt trên nắp hộp kẹo bột” (tập Đêm làng Trọng Nhân, tr.135). Anh đau khổ, quay trở về nhà mà phải đóng giả làm bạn của mình. Trong giấc ngủ mơ, người bố gọi tên Tường, cảm nhận những đau khổ ấy nhưng Tường vẫn không thể đối diện với bố. Tường đang ở rất gần vợ, vậy mà phải kìm nén sóng yêu thương dâng trào trong lòng. Tường hiểu những tủi nhục mà vợ đang trải qua, cả những khao khát yêu thương… Thế nhưng Tường bắt gặp mình trong gương: nham nhở, gồ ghề, méo mó, mất cảm giác. Một khuôn mặt bị biến dạng. Bản thân Tường cũng không dám nhìn trực tiếp vào. Tường quyết định ra đi khi chưa gặp mẹ, quyết định là kẻ trốn chạy. Đó là nỗi khổ của những nạn nhân chiến tranh, bước ra khỏi chiến tranh khi hình hài, vóc dáng bị hủy hoại đến nỗi người thân không nhận ra. Chọn điểm nhìn trần thuật thông qua nhân vật Tường, tác giả Sương Nguyệt Minh giúp ta nhận ra bi kịch của người lính, cảm nhận những nỗi đau mà gia đình họ gánh chịu. Từ đó càng hiểu rõ vẻ đẹp của con người Việt Nam, đó là tấm lòng vị tha, biết nghĩ cho người khác hơn mình, dẫu mình phải dằn vặt trong đau khổ.

Khai thác đề tài này, Sương Nguyệt Minh đã soi chiếu hiện thực dưới những góc nhìn khác nhau. Lê Mãnh trong Nanh Sấu là một đạo diễn tài ba,

dưới bàn tay ông cả chục diễn viên trở thành những gương mặt sáng giá. Hiện tại là thế nhưng cuộc đời Mãnh cũng đầy những bi kịch kinh hoàng. Hơn hai mươi năm trước, Mãnh trong tổ đặc công nước có nhiệm vụ ráp mìn vào vỏ tàu rồi bơi về tập kết ở Cồn Lu để chờ người đằng mình đón đi. Trong khi làm nhiệm vụ, Mãnh bị cá sấu ngậm lúc nào không biết. Chiến đấu với cá sấu, Mãnh bị vô số vết thương và cơ thể Mãnh đầy vết sẹo. Giờ đây khi đã là một đạo diễn tài ba, biết bao người phụ nữ đã đi qua đời ông, thế nhưng Lê Mãnh vẫn chưa có hạnh phúc thật sự. Đặc biệt, chi tiết ở cuối truyện “Lê Mãnh nằm nghiêng cứng đờ. Xương cụt ông bị chọc chọc choét máu. Cái nanh sấu trắng vấy máu tươi rơi xuống nền nhà. Giang chột dạ, sờ lên cổ. Cô nhìn ông đạo diễn nhắm nghiền mắt…” (tập Đêm làng Trọng Nhân, tr.84) đầy ám ảnh đối với người đọc. Đó cũng là một biểu hiện của bi kịch sau chiến tranh khi cơ thể không lành lặn và mặc cảm về sự khiếm khuyết ấy. Ở đây, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã khai thác thêm một khía cạnh: dù con người ấy có thành đạt trong hiện tại nhưng nỗi đau trong quá khứ vẫn hiện diện trên thân thể họ. Có thể đó chính là lí do cho lối sống có phần buông thả với phụ nữ của Lê Mãnh. Chi tiết kết thúc ở cuối truyện đầy ám ảnh, dường như bi kịch nỗi đau của chiến tranh vẫn còn hiện diện nơi này…

Những ám ảnh về quá khứ chiến tranh không chỉ đến với những người đứng về phía chính nghĩa cầm súng bảo vệ quê hương mà đến cả những người phía bên kia chiến tuyến. Cũng trong tác phẩm Tiếng sét trên triền núi, nhân vật Xá chứng kiến cái chết của bà Sùng và Vừ. Đứng trong hàng ngũ của địch, Xá chứng kiến tất cả tính chất tàn bạo của chiến tranh. Khi chứng kiến cảnh giặc hành hình bà Sùng và được giao nhiệm vụ chôn xác bà, Xá run rẩy, lóng ngóng cầm tay bà Sùng kéo lên lại tuột. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề sinh thái trong văn xuôi sương nguyệt minh (Trang 44 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)