Cái nhìn phản lãng mạn về nông thôn và nỗi bất an đô thị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề sinh thái trong văn xuôi sương nguyệt minh (Trang 54 - 62)

Ngoài chiến tranh thì qúa trình đô thị hóa, các giá trị văn hóa truyền thống bị băng hoại cũng thể hiện nguy cơ sinh thái. Loài người đang đầy lo âu vì sự tàn phá môi trường sinh thái và loài người càng lo âu hơn, cảnh giác hơn đối với sự phá hoại nặng nề hơn, đó là sự xuống cấp, sự ô nhiễm, sự biến dạng và tha hóa của môi trường xã hội của con người. Văn học Việt Nam từ thời trung đại đến nay luôn có môtip quen thuộc: khi con người cảm thấy có điều gì bất ổn, hoặc muốn tìm sự bình yên trong tâm hồn… đều quay về với thiên nhiên để quên đi mọi muộn phiền. Thơ điền viên của các nhà Nho ở ẩn; thơ lãng mạn quay lưng với đô thị, khuynh hướng ngược về ngoại ô trốn chạy

nền văn minh kĩ trị…, đều tìm đến người bạn thiên nhiên – chỗ dựa thanh sạch và bình yên của con người. Thế nhưng, các sáng tác của các nhà văn Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Đặng Nhật Minh, Đoàn Lê, Hồ Thị Ngọc Hoài… đã cho chúng ta cái nhìn: nông thôn không còn là chốn ẩn giật yên bình nữa mà đang dần bị mất đi bởi sự đói nghèo, thất học và bị ô hợp bởi những trào lưu của quá trình đô thị hóa… Chính vì vậy, con người cũng trong trạng thái bất ổn với những nguy cơ sinh thái.

Sự đói nghèo, thất học ở nông thôn thể hiện rất nhiều trong sáng tác của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Nỗi nghèo khó này kéo dài từ trong quá khứ với những cảnh đời khác nhau. Nhân vật Bần trong truyện ngắn Trần gian biến cải là đứa bé ăn mày, mồ côi bố mẹ, vừa làm lụng vừa nuôi em. Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh của những ngày cơ cực xin ăn vẫn hiển hiện rất rõ. Cái đói còn dữ dội hơn qua lời của chú Viện “Dân bây giờ sướng nhiều không như thuở trước toàn ăn bo bo. Khốn nạn! Được ăn bo bo còn là may chứ có vụ giáp hạt nhai rau má bụng cứ sôi ong õng. Đi ngoài cứt xanh lè. Chó đến ngửi lại bỏ chứ không thèm ăn. Nghĩ mà phát khiếp” (tập Đi qua đồng chiều, tr.240). Những từ khẩu ngữ trên càng hiện thực tính chất khắc nghiệt của những ngày đói chỉ biết ăn rau má qua ngày. Nỗi khổ đó vẫn còn ám ảnh chú Viện đến tận ngày hôm nay. Lệ Hằng trong truyện ngắn Bản kháng án bằng văn cũng nhớ về những ngày đói quắt, đói quay. “Dì Hảo hốc hác, gầy mòn. Tôi bụng đói dỉu dả, bước đi không vững mỗi lần tan học. Em Quang cố nhai, cố ngắc, nước mắt rơi lã chã xuống bát bo bo. Dì Hảo thở dài lo bữa sau đã hết” (tập Đêm làng Trọng Nhân, tr.107). Dường như cái đói đã trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ trong những trang viết của nhà văn. Trong truyện ngắn Mây bay cuối đường, nỗi niềm này được thể hiện rất rõ “Ngày ba tháng tám, đồng đất làng tôi chỉ một màu trắng… Mẹ tôi đong gạo nấu cơm, ngần ngừ, đắn đo rồi bốc một nắm bớt lại. Ngày mỗi ngày, nồi cơm độn sắn

khoai nhiều hơn” (tập Người ở bến sông Châu, tr.262). Đó là nỗi lo thường trực hằng ngày, khi mà cái đói, cái nghèo không buông tha họ. Người cha chỉ biết oán trách trời đất, người mẹ thực tế hơn, mỗi bữa đong gạo nấu cơm bớt lại một nắm, vậy mà, nồi cơm độn khoai ngày càng nhiều hơn.

Có thể nói không ngoa rằng, Sương Nguyệt Minh chính là nhà văn của đồng quê. Những trang viết của ông chân thật mà thấm vị man mát buồn, mang phong vị miền quê “Làng tôi nghèo, dường như nhà nào cũng nén vại cà. Cơm thì bữa nguyên bữa độn, lúc cháo lúc rau và cà thì nén quanh năm… Nhà quê thiếu thốn đủ thứ, đến cái vung, cái nẹp đậy vại cà cũng hiếm” (tập

Dị hương, tr.212). Bất chợt, ta nhận ra điểm tương đồng trong sáng tác của nhà văn Sương Nguyệt Minh và Thạch Lam. Hẳn người đọc không thể nào quên hình ảnh buổi chiều muộn, những đứa trẻ con nhà nghèo đi nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre, những gì còn sót lại của phiên chợ tàn. Đằng sau những trang viết ấy là tấm lòng yêu thương vô bờ bến dành cho những người dân nghèo, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn đói khổ.

Đói khổ đi kèm với thất học và cuộc sống càng thêm tăm tối. Họ không thoát ra khỏi lối suy nghĩ đã ăn sâu vào bao thế hệ. Trong truyện ngắn Đi qua đồng chiều, Na ao ước được đi học đại học, đã bao đêm Na thầm mong mình vào đại học như mấy chị ở làng, được ra thủ đô học, được bay nhảy ở chân trời xa. Na thích làm thơ và giấu mọi người, tự làm những bài thơ bâng quơ cho mình. Nếu được học tiếp, Na có thể trở thành một cô giáo hay một nhà nghiên cứu văn học… Nhưng tất cả chỉ dừng ở đó khi cha Na kiên quyết không cho Na học lên. Ông khăng khăng giữ chặt lấy quan niệm của mình “Học nhiều chỉ tổ xí xớn theo giai. Đứng núi nọ trông núi kia làm gì. Tao không thể nuôi báo cô mày mãi. Lấy chồng đi cho xong chuyện” (tập Đi qua đồng chiều, tr.259). Chân trời của Na dừng lại ở đó, trở thành một kẻ thất học, một cô gái quê chỉ biết đến ruộng đồng.

Cùng với những thay đổi trong môi trường sống, các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm… với những hình thức, phương thức hoạt động “hiện đại” gắn với các loại hình dịch vụ mới… đang từ thành phố tràn về nông thôn và đang nảy nở ngay ở một số vùng nông thôn đang đô thị hóa. Những trang viết của nhà văn Sương Nguyệt Minh đã vẽ nên một bức tranh đa dạng về cuộc sống nông thôn mới. Trong truyện ngắn Động làng, khi trở về, Tâm nhận thấy ngôi nhà cổ gắn bó với bao thế hệ cũng là nơi thờ cúng ông bà đã trở thành nơi trai gái hát hò, tệ hơn là ngôi nhà đã bị bán đi. Tâm chợt nghĩ sẽ có những chuyện gì xảy ra trong đó khi rượu bia vào, lại ngồi bên gái trẻ đẹp, lại được nhạc kích động? Tâm đã thể hiện nỗi niềm trăn trở của mình qua câu chuyện với người mẹ già: “Dân làng mình học theo cái mới cũng nhanh thật, bu nhỉ?”. Đó là những cảm nhận của người con xa quê trở về, có cái gì mới mẻ, lạ lẫm với những đổi thay, lại cảm thấy tiếc nuối vì những tháng ngày yên bình đã qua, những âu lo về những sinh hoạt hằng ngày xa lạ, vợ chồng, con cái cãi nhau, nếp sống của gia đình bị đảo lộn… Bằng con mắt nhìn tinh tế của mình, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã tái hiện những vấn đề về cuộc sống của con người hiện đại qua những trang văn giàu cảm xúc, biết chắt lọc những vấn đề nổi cộm hằng ngày.

“Giống như ngọn lửa thần bốc lên từ những cành khô, tài năng bắt nguồn từ những tình cảm mạnh mẽ nhất của con người” (Raxun Gazatop). Phải là một người yêu cuộc sống tha thiết, luôn day dứt trước những điều chưa đẹp của cuộc đời, nhà văn Sương Nguyệt Minh mới có những trang viết có độ đằm và sâu đến vậy. Dường như những thay đổi trong môi trường sống không chỉ ở nông thôn với quá trình đô thị hóa mà nó còn hiện diện ở những vùng núi cao với những bản làng chìm trong sương mù. Nghèo đói, thuốc phiện, buôn lậu… là một trong những vấn đề lớn ở những vùng núi cao này. Trong truyện ngắn Lửa cháy trong rừng hoang, những vấn đề này hiện lên rất

sinh động qua cuộc sống và số phận của các nhân vật. Những điều xấu bắt đầu từ khi mụ Dơi ở phố huyện dọn về. Mụ mở quán hàng bia rượu – ka ra ô kê tại bản Cói Nhợi. Con trai con gái trong bản bỏ đi xim vào quán của mụ Dơi uống rượu, bia, hát hò, hết tiền thì xúc cả lúa, ngô, đỗ tương đi hát. Cắm mặt vào màn hình có cả những đứa con gái ăn mặc như cởi truồng, uốn éo, hát theo. Không chỉ vậy, người dân làng lại thường xuyên hút thuốc phiện và không ý thức được tác hại của nó. Bản thân già làng cũng thấy việc hút thuốc phiện là không vi phạm luật làng và đó là chuyện của nhà nước “Làng ta không có luật tục xử người hút thuốc phiện. Việc ấy là của nhà nước, của bố vợ mày” (tập Mười ba bến nước, tr.61). Thiếu hiểu biết dẫn đến những hành vi phạm tội. Và đối với Sáng – một người dân bản được cử đi học và quay về phục vụ dân làng, việc ngăn chặn những điều xấu trên không hề đơn giản khi cơn lốc hàng hóa ở bên kia biên giới và dưới xuôi tràn tới làm nghiêng ngả đất trời. Kết thúc truyện ngắn, mặc dù bắt được mụ Dơi nhưng người đọc vẫn cứ thấy bất an, liệu “lửa có còn cháy trong rừng hoang nữa hay không?”

Những trang viết của nhà văn Sương Nguyệt Minh thể hiện sự giải huyền thoại về nông thôn, những vẻ đẹp đã tiêu vong dần, chỉ còn lại nông thôn đói nghèo, thất học và đầy sự ô hợp của thành thị. Đô thị hóa làm thay đổi nông thôn nhưng đô thị hóa cũng làm mất đi những vẻ đẹp yên bình vốn có. Cơn gió đô thị lướt qua các miền quê khiến người đọc không khỏi âu lo về sự đổi thay theo hướng bất lợi. Những người nông dân quen làm lụng, gắn bó với đất đai ông bà tổ tiên bỗng biếng nhác, chỉ chăm chăm vào các thú vui mới, đồng tiền làm biến đổi bản chất của con người. Con người trở nên mất gốc rễ trước sự xâm thực của thành thị.

Trên hết là sự đan xen, giằng co, đấu tranh giữa những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc biệt về tinh thần, đạo lí, phép ứng xử trong truyền thống lâu đời của dân tộc với những biểu hiện xấu xa, ngang ngược của lối sống vị kỉ, thực

dụng, vì tiền, phi tình nghĩa đang nảy nở và phát triển rất mạnh. Tình nghĩa vốn là đạo lý cao quý của dân tộc ta và đã đi vào thơ văn thật nhuần nhụy, thấm đẫm tình yêu thương. Vậy mà bây giờ khi các tệ nạn diễn ra nhan nhản hằng ngày, chồng bỏ vợ, những đôi lứa yêu nhau phụ tình lại trở thành phổ biến. Trong truyện ngắn Động làng, chị gái của Tâm mở quán ka ra ô kê trong nhà, cuối cùng lại chính tay mình phá vỡ hạnh phúc gia đình. Anh Thà, anh rể Tâm đã bỏ vợ theo gái, còn bán cả ngôi nhà của ông bà cho anh Ké lặc, chị gái Tâm đau khổ rồi cũng cuốn vào vòng mưu sinh, buôn bán các hàng hiếm: ba ba, ốc… cho người thành thị. Mỗi lần chở hàng sớm để giao cho các nhà hàng đặc sản chị lại ngóng trông chồng rồi đứng khóc. Còn anh Thà thì sau bao ngày phụ vợ lại trở về trong bộ dạng tóc tai bù xù, râu ria không cạo lởm chởm… Khi trở về, Tâm còn chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng khác: con gái chú Dõng là Đào đã nhẹ dạ cả tin, trao trinh tiết cho thằng họ Sở, con gái mới lớn lên ngu ngơ mà thằng kia lại khôn ranh, thạo đời. Khi cái bụng ễnh lên thì nó cao chạy xa bay, không nhận cái thai của mình, Đào uất rồi xin mẹ lên bệnh viện làm cô vắc đẻ non, sức yếu, Đào chết ngay trên bàn đẻ. Khổ thân Đào và đứa trẻ vô tội. Đó là những nỗi đau có thật đang diễn ra trong những ngôi nhà ngỡ như bình yên ở nông thôn.

Trong truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh, ta có thể bắt gặp nhiều nhân vật phụ nữ bị phụ tình và những éo le, ngang trái trong cuộc đời. Phải chăng, đó cũng là nỗi niềm trăn trở của nhà văn về lối sống thực dụng, lãng quên những yêu thương, sống gấp gáp trong những toan tính, bon chen. Có lẽ truyện ngắn Mây bay cuối đường đã nói lên được điều này một cách sâu sắc nhất. Nổi bật là Gấm – nhân vật xuất hiện từ đầu đến cuối truyện. Gấm là cô gái thôn quê hiền lành, gắn bó với đồng ruộng. Tâm hồn của Gấm cũng trong trẻo như cây cối, như dòng nước ở làng Sơn Hạ. Gấm yêu thương Toàn thật lòng và trao cho Toàn đời con gái của mình. Rồi Toàn lên thành phố và

có cuộc sống mới. Ngày ra đi, Toàn “mặc quần bò mốc Thái, áo phông trắng Sài Gòn có dòng chữ in nghiêng I love you, tay đeo đồng hồ Quắc mới cứng” (tập Đi qua đồng chiều, tr.150) còn Gấm mặc cái quần phin đen, áo cánh màu gụ, tóc buộc dỏng đuôi gà. Toàn hối hả đi về phía thành thị. Chỉ có Gấm vẫn sống trong những mong đợi về ngày xưa. Lời hứa sẽ về đón Gấm lên thành phố chìm vào quên lãng, chỉ còn lại những mơ ước có chàng hoàng tử về làng rước cô Tấm vào cung của Gấm, nhưng tất cả cũng chỉ là giấc mơ mà thôi. Gấm vẫn đối mặt với cái thai đang lớn lên từng ngày và sự thật là Toàn không quay về đón mình. Chính vì vậy mà nỗi đau càng trở nên thấm thía, sâu sắc hơn. Chị gái của Gấm cũng từng nói “Mày ở nhà đỡ đần cha thay tao. Tao đi cũng là vạn bất đắc dĩ. Ở làng Sơn Hạ này thì cô Tấm vẫn chỉ là cô Tấm thôi. Chẳng bao giờ thành hoàng hậu đâu” (tập Đi qua dồng chiều, tr.153). Cũng trong truyện ngắn này, không chỉ có Gấm là nạn nhân của những đổi thay lòng người mà Sang cũng là nhân vật nếm trải những nỗi đau trong cuộc sống. Vợ anh Sang cũng bỏ làng lên thành phố, lên được một năm thì cha của anh Sang mất, nhưng chẳng ai biết chị ở đâu để mà báo tin. Hết một trăm ngày của bố, anh Sang đi tìm vợ. Nhưng giữa chốn xô bồ nhộn nhịp ấy, Sang không tìm thấy vợ. Anh quay về trong rầu rĩ, cũng chẳng dám gặp mặt dân làng. Chẳng biết vợ anh có thấu chăng nỗi lòng của mình? Kết thúc tác phẩm, vợ Sang quay về với cái bụng bầu, Gấm cũng giật mình mà nhìn nhanh xuống cái bụng mình. Số phận của những người phụ nữ, người ở lại làng và người ra khỏi làng, cuối cùng cũng quẩn quanh trong những bế tắc, tù đọng, mỏi mòn.

Con người trốn khỏi nông thôn với mong muốn thoát khỏi sự bế tắc, tù đọng của cuộc đời như vợ anh Sang, chị gái Gấm, Toàn… trong Mây bay cuối đường. Cuối truyện Đi qua đồng chiều, Hương (em họ của Thăng) đã rời quê lên thủ đô học ôn với mong ước thoát khỏi cuộc sống chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhân vật Lăng (Giếng cạn) bỏ làng ra đi vì

nhiều lẽ, vì làm lụng vất vả mà vẫn cứ nghèo khổ, vì sự bạc tình của Bống chị... Cả Toàn, chị gái, vợ anh Sang, những thanh niên nam nữ theo chị Gái trong Mây bay cuối đường, Lăng trong Giếng cạn, Hương trong Đi qua đồng chiều… đều rời bỏ, chạy trốn khỏi nông thôn với mong muốn thoát khỏi cuộc sống nghèo đói, tù túng, quẩn quanh. Nhưng mấy ai sẽ thành công ở con đường phía trước? Ai sẽ không trụ nổi với nhịp sống hối hả chốn thành thị? Ai sẽ bị biến chất trước những ô hợp của thành thị? Đó là cả một vấn đề nhức nhối được đặt ra trong sáng tác của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Nhân vật chính trong truyện ngắn Tha phương đã thể hiện suy nghĩ của mình về vấn đề này: “Bây giờ, người nông thôn, sơn cước cố nhoai ra thị tứ, thị trấn; thị xã, thành phố. Người thành phố, thủ đô nước mình cứ muốn sang Niu Yooc, Luân Đôn, Pa ri hưởng lạc hoặc kiếm sống” (tập Chợ tình, tr.111). Những trang viết của Sương Nguyệt Minh đã đem lại cái nhìn khác, phá vỡ cái nhìn phiến diện, một chiều về nông thôn, giúp chúng ta cảm nhận được một phần gương mặt của xã hội Việt Nam đương đại.

Trong bài giảng Ecocriticism tại Viện Văn học vào tháng 3 năm 2011, Karen Thornber khẳng định: “văn chương có sự ảnh hưởng quan trọng đến sự hiểu biết về biến đổi môi trường trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề sinh thái trong văn xuôi sương nguyệt minh (Trang 54 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)