Không gian núi rừng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề sinh thái trong văn xuôi sương nguyệt minh (Trang 78 - 83)

Ngoài không gian sông nước thì người đọc có thể nhận ra không gian núi đồi trùng điệp trong tác phẩm của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Đó là những dãy núi mờ xa trong khói lam chiều gợi nỗi nhớ da diết đối với những người xa quê. Trong truyện ngắn Mây bay cuối đường, hình ảnh núi đồi trong hoàng hôn gợi vẻ đẹp mê đắm lòng người. “Hoàng hôn đã màu cỏ úa trùm lên đỉnh núi con Rùa và dãy Tam Điệp. Xa xa nữa là núi Ngọc Mỹ Nhân mờ nhòa trong hoàng hôn đang lụi dần” (tập Người ở bến sông Châu, tr.254). Cuộc sống của người dân quê gắn bó với núi đồi, sinh hoạt theo dòng chảy của thiên nhiên. Họ cảm nhận được gió núi thổi rười rượi trên mặt đầm đang thẫm dần. Âm thanh của tiếng mõ trâu lốc cốc lẫn tiếng sáo réo rắt từ chân núi vọng đến. Đứng trước khung cảnh thiên nhiên này vào buổi hoàng hôn, tâm trạng nhân vật trôi miên man vào nhiều dòng hồi ức.

Không gian núi rừng trong sáng tác của nhà văn Sương Nguyệt Minh còn gợi lên những khoảnh khắc lãng mạn, những phút giây nồng ấm trong tình cảm đôi lứa. Nhân vật người chồng trong truyện ngắn Đêm thánh vô cùng

sau chuỗi ngày mỏi mệt với cuộc sống hiện tại đã hồi tưởng về những ngày yêu nhau, cùng nhau lang thang trên những con phố đêm đến nhà thờ xứ đạo. Đặc biệt là đêm giáng sinh ở Sa Pa mù sương “Khi sương mù như tấm voan mỏng nhẹ trắng đục trùm lên nhà thờ đá cổ Sa Pa rêu phong, tôi vẫn nhận ra màu xám bạc và vẻ trầm tư đến cô độc” (tập Dị Hương, tr.77). Thiên nhiên như cô gái với vẻ đẹp kiêu sa, diễm lệ, người đọc vừa muốn đến gần lại vừa muốn lùi ra xa để chiêm ngưỡng.

Đó là khi phiên chợ tình đến, con người vượt qua đèo cao, dốc đứng để đến với nhau. “Và đá chất chồng đá. Đá ngờm ngợp đá. Đá chặn đứng trước mặt. Đá chắn sau lưng. Đá bủa vây bốn bề. Đâu đâu cũng chỉ là đá” [Tập Chợ tình, trang 33]. Nhân vật Páo tìm thấy cây sa mộc nơi hò hẹn Seo Say, gốc cây chất chứa bao nhiêu kỉ niệm trong những phiên chợ tình trước, thời gian, mưa rừng, gió núi đã xóa sạch những dấu vết bàn tay, hơi ấm, sợi tóc của Seo Say. Chỉ còn những vết khứa lên thân cây làm kỉ niệm ba lần gặp gỡ ở chợ tình. Bao đôi lứa yêu nhau ngời ngời hạnh phúc, đắm say với men tình yêu, để hết phiên chợ tình, đường ai nấy về và mong chờ phiên chợ tình kế tiếp. “Yêu nhau dường ấy, ngày mai lúc mờ sáng anh sẽ quay vết chân về, thủng thỉnh trèo dốc quanh co cao vút. Liệu em có lòng tốt, đem vật quý gì tặng anh để chống rét” (tập Chợ tình, tr.38).

Đó là khi con người say đắm nhau, tự nhiên như hơi thở của núi rừng. Con trai, con gái bản Cón Nhợi mười lăm, mười sáu tuổi là được đi đến nhà xim. Các bà mẹ dấm dúi ấn vào tay con gái nắm lá rừng, vậy là yên tâm về cái bụng của con mình. “Con trai, con gái đi xim đến lúc thấy hơi thở là của nhau, vị ngon ngọt đầu lưỡi là của nhau, trời lộn xuống đất, đất ngồi lên trời thì tách đàn, dụi tắt đuốc, rủ nhau vào lùm cây. Tay chân quấn quýt xoắn vào nhau, mùi thịt da quyện vào hơi thở nồng nàn át cả mùi cỏ ngai ngái tỏa ra tức tưởi vì bị giẫm đạp, chà xát” (tập Mười ba bến nước, tr.56). Để rồi sáng hôm sau,

con trai mặt mày hớn hở vác rìu, vác nỏ vào rừng. Con gái đôi má ửng hồng, thỉnh thoảng lại cười khi xay ngô, giã gạo, đi nương, để rồi tối đến í ới gọi bạn tình.

Không gian núi rừng đậm chất vùng miền. Đó là những dãy núi cao sừng sững, dài dằng dặc, trùng điệp của người Mông. Đứng từ thung lũng này nhìn lên chỉ thấy nhà nhà nhỏ như tổ chim đậu chênh vênh trên sườn núi. Sự mênh mông của núi rừng và dòng thời gian xóa nhòa bao dấu vết khiến bao nhiêu năm trôi qua, ông Pù trong Tiếng sét trên triền núi vẫn chưa tìm được mộ chôn mẹ và em mình bị giặc bắn, giết. “Triền núi một màu cỏ gianh áy vàng. Gió cuối ngày đuổi nhau chạy dàn dạt quất vào hốc đá” (tập Chợ Tình, tr.179). Cây đào cổ thụ nơi ngày xưa bọn giặc treo em Vừ lên bắn cũng không còn nữa. Lần nào cũng vậy, lão Xá đến thông báo với ông Pù sẽ dẫn ông đi tìm mộ mẹ và em, bất kể ngày nắng tháng năm cỏ gianh khô quắt hay ngày mưa rét, cả những đêm hắn không ngủ được đến gọi ông, ông đều đi theo hắn. Để rồi lần nào cũng thất vọng, đau khổ. Bởi chính lão Xá, người bên kia chiến tuyến đang bị giày vò bởi quá khứ đầy tội ác và nỗi ám ảnh chiến tranh.

Đặc biệt là núi rừng Tam Điệp in bóng rất nhiều trong sáng tác của nhà văn. Có khi vào buổi sáng sớm. “Sương sớm tràn ra đồi Dâu, ùa vào trại Chuối như khói bay là là mặt đất và lập lềnh ngang gối chân. Chỉ một lúc nữa, đồng cỏ và cả dãy Tam Điệp kia cũng nhập nhòa sương trắng” (tập Đi qua đồng chiều, tr.75). Ở vùng bán sơn địa ấy, chập tối và mờ sáng thường hay có sương giăng. Mùa đông thì hầu như tối nào cũng mù sương, sương giăng trắng suốt đêm. Bức tranh vùng quê bán sơn địa của nhà văn còn hấp dẫn bởi cách vừa dẫn dắt câu chuyện lại vừa tả cảnh. “Chúng tôi trèo qua eo Bát vào thung Dâu. Eo Bát dốc ngoằn ngoèo, đất vàng sậm lẫn sỏi và đá lớp. Đỉnh eo Bát có một dòng nước nhỏ, lúc nào cũng chảy róc rách xuống đầm Vực” (tập

còn hiện lên bởi những chóp nhà dưới chân đồi Bạch Bát và chân núi Lò Vôi, làng Sơn Hạ nhỏ bé, giấu mình, im lìm trong vùng đất bán sơn địa heo hút. Đặc biệt còn những quả núi mồ côi giống hình con rùa, con mèo, con voi, con hổ… nằm rải rác trên cánh đồng chiêm trũng Gia Viễn, Yên Mô.

Có khi là những buổi chiều “rừng Tam Điệp âm âm u u hoang dã” (tập

Mười ba bến nước, tr.273). Đi dọc bờ suối Yên Ca ra đầm Vạc, có thể bắt gặp cá đầu xanh nhiều vô kể từ trong khe Nước bơi ra kiếm hạt mã tiền ăn. Đặc biệt vào mùa cua lột, nhiều con bấy dậy, mềm yếu bò nhẩn nha, giữ mình. Đọc tác phẩm của nhà văn, ta cảm nhận một hệ sinh thái đa dạng với cuộc sống của nhiều sinh vật. Có thể thấy sự gắn bó tha thiết của nhà văn với quê hương và sự am hiểu về mảnh đất nơi mình sinh ra.

Có thể nói rằng, không gian rừng núi đặc biệt đậm đặc trong tiểu thuyết

Miền Hoang của nhà văn. Đó là rừng hoang vào buổi sớm tinh mơ đẹp lộng lẫy. “Ánh sáng ban mai chiếu xiên qua kẽ lá. Những giọt sương nặng trĩu chưa muốn lìa cành lá bắt sáng long lanh như hạt cườm. Rừng nháo nhác tiếng chim chích chòe cãi nhau, tiếng công gù gù đâu đó xa gần. Bình minh đẹp lạ lùng” (Miền hoang, tr.130). Rừng còn mang đặc trưng riêng của người Miên bởi cây thốt nốt. Có những lúc rừng cằn cỗi, cây lá không xanh tươi như đang chịu đựng âm thầm với thiên nhiên khắc nghiệt. Qua đôi mắt của Tùng, khu rừng có những lúc tươi sáng như một nàng tiên xinh xắn, cũng có lúc đượm buồn bởi người lính đang lạc giữa rừng già và không biết tương lai phía trước của mình như thế nào. “Mỗi buổi chiều khi hoàng hôn đỏ ối buông nhìn cây lá thốt nốt đen xám in lên nền trời vàng vọt, buồn nẫu ruột” (Miền hoang, tr.179).

Rừng Miên hoang dã đầy rẫy những hiểm nguy vây quanh. Đó là cánh rừng đầy thú dữ. Tiếng thú gầm hoang dã ở đâu đó xa xa vọng lại “Kh’la... Kh’la… Kh’la” ám ảnh mạnh những người còn lạc trong rừng. Không thể

không kể đến đàn chim kên kên dày đặc trên bầu trời, đi tìm những xác chết ươn thối để rỉa mồi. Chúng đánh hơi xác chết rất giỏi. Đó là tình cảnh của Tùng, người tù binh Việt Nam, cô y tá câm, tên lính áo đen và viên chỉ huy Lục Thum khi rơi vào giữa bầy sói hoang dã. “Hàng chục cặp mắt như bi ve bắt đèn sáng xanh man dại. Lũ chó sói nằm soài ra, vẫn còn thở hộc hộc và le lưỡi dài đỏ loét” (Miền hoang, tr.345).

Cũng có lúc rừng hoang làm dịu lòng người với dòng nước suối trong leo lẻo loang sóng rồi tĩnh lặng. Tùng và đám tàn quân Pon Pot vụp mặt xuống nước để cảm nhận sự mát mẻ của dòng suối và cảm thấy thư thả, dễ chịu sau những ngày lê lết trong rừng vào mùa khô. “Tùng tì tay xuống bờ đất rồi vục mặt xuống nước uống ừng ực như chưa bao giờ được uống. Mặt ngửa lên nhìn những vòm lá lao xao tối đen bên khoảng trống bầu trời mờ mờ sáng. Tùng lại thấy dễ chịu, dịu lòng” (Miền hoang, tr.404-405). Chiến tranh đã đẩy con người vào những tình huống oái ăm, khi những thử thách vượt ngưỡng sự chịu đựng của con người.

Ngoài ra, yếu tố kì ảo được Sương Nguyệt Minh sử dụng trong việc thể hiện một không gian “sex” mang đầy chất nghệ thuật trong truyện ngắn Dị hương. “Hai đầu dây võng thay nhau giật cục thân cây. Có lúc hai ngọn vít chụm vào nhau rồi bật mở trở ra. Chim chóc đang ngủ ban đêm bị đánh thức bay tán loạn. Voi, gấu, hổ, lợn lòi ở khu rừng bên cạnh vểnh tai nghe và nhăn mũi hít ngửi, động rồ chạy đi tìm đồng loại khác giống. Cả một vùng non ngàn rộn rã bước chân thú và tiếng kêu van vỉ gọi bạn tình, ầm ĩ như động rừng” (tập Dị hương, tr.33). Rõ ràng, giá trị của Dị hương không chỉ ở bút pháp mà còn khả năng tưởng tượng bay bổng của người cầm bút. Chính vì vậy, trong bài viết Nhà văn Sương Nguyệt Minh: “sex” với Dị Hương, Minh Minh đã có những đánh giá rất hay về truyện ngắn này: “Dị hương có cách

miêu tả tính dục dữ dội và cuồng nhiệt, đắm say mà gợi cảm của con người quyện hòa cùng thiên nhiên tuyệt đẹp”.

Các nhà phê bình văn học đã chỉ ra không gian nghệ thuật trong cả truyện ngắn và tiểu thuyết của nhà văn đều đi từ không gian thực tại trần trụi đến không gian truyền kì và ngược lại. Không gian truyền kì giúp ta khám phá nhân vật dưới nhiều góc độ khác nhau, thậm chí là nơi sâu kín nhất, thuộc về tâm linh của họ. Bởi giấc mộng kì ảo là nơi họ có thể bộc lộ mọi day dứt, suy tư, khát vọng ẩn ức, qua đó hình tượng nhân vật hiện lên chân thật, sinh động và giàu sức ám ảnh. Chính điều ấy đã tạo thành phong cách nghệ thuật độc đáo của nhà văn. Thông qua không gian sông nước và không gian núi rừng trong sáng tác của nhà văn, chúng ta nhận ra sự gắn bó sâu sắc giữa thiên nhiên và con người. Bên cạnh đó, ta cũng nhận ra bi kịch của con người khi tách rời tự nhiên. Quan trọng hơn, thông qua những trang văn về sông nước và núi rừng của nhà văn, ta cảm nhận được sự quan trọng của thiên nhiên trong đời sống con người. Phải là một người yêu quê hương tha thiết, Sương Nguyệt Minh mới viết nên những trang văn thấm đẫm hồn quê đến vậy.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề sinh thái trong văn xuôi sương nguyệt minh (Trang 78 - 83)