Thời gian tâm lí

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề sinh thái trong văn xuôi sương nguyệt minh (Trang 88 - 95)

Thời gian tâm lí là sự sắp xếp thời gian không theo trật tự biên niên, không phản ánh đúng nhịp độ của thời gian lịch sử mà diễn biến của dòng thời gian phụ thuộc vào tâm lí, tình cảm, suy nghĩ của nhân vật. Thời gian tâm lý giúp người đọc hiểu hơn về tâm trạng của nhân vật. Trong tác phẩm của

Sương Nguyệt Minh, ta nhận ra dòng thời gian tâm lí khá phổ biến. Khi tìm hiểu thời gian tâm lí, ta hiểu hơn về phong cách của nhà văn. Đó chính là tài năng của một nhà văn luôn trăn trở và có ý thức trách nhiệm trước những vấn đề của cuộc sống.

Trong Đêm làng Trọng Nhân, Tường quay trở về nhà sau những năm tháng chiến tranh ác liệt ở chiến trường. Khuôn mặt anh bị thương, biến dạng. Khi thằng bé con anh Hạo dẫn đến ngõ vào nhà, anh vẫn không nhận ra vì tâm trí anh trôi về miền kí ức. Anh nhớ đêm nằm bên vợ, Thương đã thủ thỉ chỉ mong anh lành lặn trở về. Khi thằng bé con anh Hạo lên tiếng, anh mới nhận ra mình đã đi qua ngõ vào nhà mấy bước chân. Chỉ trong khoảng ngắn từ ngõ vào nhà, anh lại trôi vào dòng suy nghĩ riêng. “Những con đom đóm lập lòe, lập lòe bay khắp mặt ao, trong vườn ngoài ngõ kéo tuổi thơ anh trở lại” (tập

Đêm làng Trọng Nhân, tr.139). Anh trôi vào dòng suy nghĩ, gặp lại mẹ anh sẽ như thế nào? Anh mường tượng đến các tình huống xảy ra. “Anh sẽ chạy nhanh đến ôm chầm mẹ. Không! Anh sẽ hiu hiu nhắm mắt, hai tay đưa về trước đi dò dẫm trong sân. Cũng không! Nhìn thấy, mẹ anh sẽ ngã mất, phải rồi! Anh sẽ gập một chân lại, mặc quần rồi chống gậy tập tễnh vào nhà. “Ôi! Con tôi!” Mẹ kêu lên” (tập Đêm làng Trọng Nhân, tr.139). Mẹ sẽ nấu các món anh thích, lúc nào mẹ cũng lo con đói. Anh cũng nghĩ về khoảnh khắc gặp bố, anh sẽ đứng nghiêm chào bố, bố anh sẽ cười rạng rỡ. Còn Thương, vợ anh nữa, anh sẽ đứng ở cửa buồng. Không, anh sẽ nằm sẵn vào giường úp mặt vào trong. Thương sẽ nhận ra mùi hương quen thuộc của anh, khoảnh khắc ấy, thời gian như ngừng trôi, không gian như đặc lại, mây đứng im và chim cũng ngừng bay. Nhưng rồi Thương sẽ nhận ra khuôn mặt bị biến dạng của anh và nhìn anh trân trân… Tất cả đã đưa Tường vào dòng tâm tưởng riêng. Anh cứ để mặc những suy nghĩ, những dằn vặt cuốn xoáy trong lòng mình. Cả đêm ở nhà mình nhưng Tường lại không yên giấc, Tường mơ màng thấy

mình cheo leo trên một cây cầu, phía dưới là dòng sông màu mận chín, phía trước là đồng cỏ xanh ngút ngát, anh ngoái đầu nhưng không nhìn được phía sau. Anh gần Thương trong gang tấc nhưng không dám nhận. Tường cảm nhận trong đau đớn, anh bắt gặp mình trong gương: nham nhở, gồ ghề, méo mó, mất cảm giác… Đó cũng chính là bi kịch của người lính bước ra khỏi chiến tranh. Có những nỗi đau mà thời gian không thể nào vá lành được.

Câu chuyện về cuộc đời nhân vật Lệ Hằng trong truyện ngắn Bản kháng án bằng văn cũng không được kể theo trật tự thời gian thông thường mà theo dòng hồi ức thấm đẫm tâm trạng của nhân vật. Trong phòng giam, Lệ Hằng đã nghĩ về những ngày đói dỉu dả, hốc hác, gầy mòn của những ngày khốn khó. Cha bận việc quân ngũ, đi quanh năm suốt tháng , chị em Lệ Hằng ở với dì Hảo. Dẫu đó là những ngày đói kém, nhưng có lẽ là những ngày êm ấm hạnh phúc nhất trong gia đình Lệ Hằng. Rồi đổi mới, kinh tế mới tràn đến, gia đình của cô cũng bị cuốn vào vòng xoáy kim tiền. Dì Hảo đi suốt ngày, ít khi về, dì mang tiền về nhiều hơn. Cuộc sống của chị em Hằng cũng thay đổi, cô bắt đầu đi vũ trường thâu đêm, đi picnic, áo quần đắt tiền, nước hoa thượng hạng, tất cả đã đưa cô vào thế giới khác. Chỉ đến khi cô có bầu với Đê Vít Can và bị hắn rủ bỏ như một tàu lá úa, cuộc sống cô chuyển qua trang khác. Cha cô bất lực trước bi kịch của gia đình, trước sự thay đổi của dì Hảo, ông bỏ về làng Hạ, Lệ Hằng chạy theo nước mắt nhạt nhòa. Khi Hằng quay trở về, cô chứng kiến cảnh tượng ê chề: Đê Vít Can đang nằm trên bụng dì Hảo. Những uất ức dồn nén, Lệ Hằng đã đâm hắn gục ngay tại chỗ. Dì Hảo vùng chạy ra ngoài, trong cơn hoảng loạn, dì đã rơi xuống cầu thang. Dòng hồi tưởng như một cuốn phim quay chậm, đang quay rõ những cảnh đời oái ăm trong cuộc sống hiện đại. Kết thúc tác phẩm, Lệ Hằng quay trở lại hiện tại và mong muốn quan tòa hiểu rõ hành vi của mình. Cô không sợ chết nhưng cô muốn sống. Những ngày trong trại giam, Hằng đi tìm ẩn số của cuộc đời. Bắt

đầu từ đâu, gia đình cô lại tan vỡ, mỗi người có cuộc sống riêng. Cô đã trượt ngã dần trên đường đời như thế nào. Chính cách viết của nhà văn đã khơi gợi khả năng đồng sáng tạo của người đọc. Có người sẽ đồng tình với hành động bộc phát của Lệ Hằng, có người sẽ xót xa cho cô, lên án tên Đê Vít Can… Mỗi người đọc sẽ tự suy nghĩ về cách sống để tránh những điều hối tiếc trong cuộc đời.

Truyện ngắn Tha phương mở đầu bằng tâm trạng mong muốn đi khỏi thôn quê của nhân vật, anh luôn băn khoăn về con đường đi phía trước, có lúc chán học muốn đi kiếm tiền. Cuối cùng anh vẫn chọn con đường vào đại học. Ngay năm đầu đại học, Xâng đã có những rung động đầu đời với cô nàng lớp trưởng. Từ đó, anh được sống trong “vương quốc ánh sáng và tình yêu” của nàng. Nhưng Xâng vẫn cảm nhận những bất an trong lòng, anh không thể hiểu hết người yêu, khi tan trường, nàng luôn mất hút vào thế giới đông đúc bên ngoài. Xâng nhận ra người yêu không còn dấu vết đồng quê mà đã in bóng dáng thị thành. Cho đến khi nàng nói lên mong muốn làm giàu và rời xa Xâng mãi mãi, không một dấu vết, lúc đó Xâng biết đã mất nàng, tìm nàng như mò kim đáy biển giữa đất Hà Nội mênh mông. Tốt nghiệp ra trường, Xâng nghĩ về ngày tháng cha mẹ đã vất vả nuôi anh ăn học đại học. Mỗi năm tiêu tốn gần ba tấn thóc, cha mẹ anh đã còng người để lo cho anh. Chính vì vậy, mặc dù chưa xin được việc nhưng Xâng quyết tâm làm thêm để cha mẹ không phải lo nghĩ cho anh. Có những lúc Xâng cũng day dứt vì không biết người yêu giờ này đang ở đâu và làm gì? Rồi Xâng cuốn vào những ngày làm việc nặng nhọc để kiếm tiền, làm cửu vạn khổ cực mà tiền lương cũng rất thấp. Tình cờ, Xâng gặp một người làm lớn cỡ vụ trưởng, có ý mến và muốn giúp đỡ Xâng làm thạc sỹ, tiến sỹ nếu yêu thương con gái ông. Xâng “dâng đầy mặc cảm lẫn tự trọng. Buồn tê tái, vẫn cố cười – nụ cười buốt giá giữa ngày hè nóng bỏng” (tập Chợ Tình, tr.122). Khi gặp cô con gái ông vụ trưởng,

Xâng “thương thì thương thật nhưng lòng không cảm thấy thăng hoa, trái tim không run rẩy, rung động. Tôi chợt nhớ đến nàng. Cô gái này mà đứng bên cạnh nàng thì vẻ đẹp của nàng sẽ tăng lên gấp bội” (tập Chợ Tình, tr.123). Anh đã từ chối lời đề nghị của ông vụ trưởng và tiếp tục vác cát đánh hồ khuân gạch. Nhưng oái ăm thay, người tình bé nhỏ của ông chủ nơi Xâng làm, người được đám thợ xây truyền tai nhau rất đẹp, rất quý phái, là bông hoa đẹp trong tủ kính của ông chủ, được yêu chiều hết mực lại là người yêu của Xâng. Khi gặp lại nàng, Xâng lặng người, mê mẩn, “gương mặt xinh xắn, mũi cao dọc dừa. mắt to tròn và lông mi đen dày cong. Dáng thanh thoát, cặp giò thẳng dài thấp thoáng trong bộ váy mỏng trắng tinh…” (tập Chợ Tình, tr.125). Nàng đến để phát lương cho đám thợ, ai cũng vui mừng khi cầm tiền, riêng Xâng cảm thấy “vô vàn tia nắng lung linh, nhảy nhót trong mắt. Vui. Buồn. Đau thắt lòng” (tập Chợ Tình, tr.125). Truyện dẫn dắt người đọc từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác. Dòng thời gian tâm trạng cứ tuôn chảy theo mạch cảm xúc của nhân vật. Không chỉ có tâm trạng của Xâng đang cuộn sóng mà gã chủ thầu dường như cũng hiểu được ánh mắt của Xâng, hắn chiếu đôi mắt sắc rọi vào trí óc và trái tim loạn nhịp của Xâng. Diễn biến phía sau hoàn toàn là cảm xúc của Xâng. “Bỗng tôi xây xẩm mặt mày. Ngẫu nhiên. Tình cờ. Hay số phận sắp đặt đến mức cười ra nước mắt thế này. Nàng bay biến đi đâu từ ấy? Nàng bỏ rơi tôi bơ vơ” (tập Chợ Tình, tr.126). Sự trái ngược giữa nàng và Xâng cũng được tiếp nối bằng dòng tâm trạng. “Nàng thanh sạch, thơm tho, kiêu sa. Tôi lấm láp, thô mộc. Nghẹn ngào. Giận hờn. Tủi thân. Tôi cảm thấy mình nhỏ bé giữa cõi đời mênh mông. Nàng nhìn tôi. Tôi nhìn nàng. Tôi đọc được cái nhìn ái ngại từ đôi mắt bồ câu tôi đã từng hôn. Hai mi tôi cụp xuống. Tôi muốn tìm lỗ nẻ chui tọt xuống làm thân con sâu cái kiến còn đỡ khổ nhục hơn là nhìn nàng” (tập Chợ Tình, tr.126). Kết thúc tác phẩm, dù người yêu cũ mong muốn Xâng chờ đợi mười,

mười một năm…, nàng sẽ nuôi Xâng ăn học thì Xâng vẫn quyết vào Nam. Xâng cảm thấy thương nàng, thương cả tên chủ thầu nhưng không thương mình. Anh ra đi tìm miền đất mới.

Trong tiểu thuyết Miền hoang, dòng thời gian tâm lí thể hiện rất rõ. Có lúc là tâm lí của nhân vật Tùng khi bị đám tàn quân Pol Pot bắt làm tù binh. Tùng lạc mất phương hướng, không biết ngày tháng và cảm thấy hoang mang, sợ hãi. “Ngày thứ ba, ngày thứ bốn, hay đã qua một tuần bị làm tù binh, tôi cũng không nhớ nữa. Cảm giác vô thời gian cùng với nỗi hoang mang khủng khiếp, khiến có lúc tôi hoảng loạn” (Miền hoang, tr.173). Tùng lê lết chống chọi với cái đói, cái khát và cái man rợ của đám tàn quân Pol Pot. Có những lúc cái đói hành hạ anh, Tùng hồi tưởng lại tầm giờ này mẹ anh đã dọn cơm. Rồi Tùng lại mơ có đĩa bánh tôm Hồ Tây. Lại nhớ về khoảng thời gian bên bạn bè cùng khu phố. Cái Thùy sẽ kể công đoạn làm bánh, bọn bạn nghe xong không kìm được lòng. Rồi cả bọn cùng thưởng thức món bánh. Những kí ức tươi xanh ấy mới như ngày hôm qua. Giữa hiện thực khắc nghiệt của rừng Miên, Tùng cứ trôi miên man vào những yên bình ấy. Có lúc Tùng lại nhớ đại đội trưởng Du. Trong đầu óc non nớt của một sinh viên sử học mới nhập ngũ, Tùng vẫn còn mơ hồ về chính trị. Tùng đã được học chính trị, các bài học đầu tiên thú vị và giàu ý nghĩa từ đại đội trưởng Du. Nhưng hiện thực vẫn hiện hữu, đói khát, sự man rợ của đám tàn quân Pôn Pôt, mất phương hướng khiến Tùng dường như đang trở thành người rừng. Có lúc dòng thời gian tâm lí thể hiện qua dòng tâm trạng của cô y tá câm Sa Ly. Đó là nỗi tủi hổ khi lạc trong rừng cùng ba người đàn ông, ký ức đau đớn khi bị những tên lính áo đen hiếp và ký ức khi được quân tình nguyện Việt Nam cứu khỏi đuối nước đan xen nhau. Có những lúc, cô mường tượng về tương lai của bốn người: họ sẽ trở thành người rừng, sống hoang dã, ba người đàn ông sẽ tranh giành quyền lực để tồn tại cùng cô, con cái lớn lên buộc phải lấy nhau để duy trì nòi giống…

Có lúc ký ức về những ngày hạnh phúc bên cha mẹ trở về. Rồi ký ức cha mẹ bị bắn giết hành hạ tâm hồn cô. Sa Ly như ngọn cỏ mong manh bị dập vùi bởi bão táp của chiến tranh. Nhưng sự tồn tại của cô y tá câm đã giữ được sự ấm áp của tình người, cô thấu hiểu, sẻ chia những nỗi đau đớn mà Tùng đang trải qua. Cô sẵn sàng chia sẻ thức ăn, nước uống, vỗ về Tùng những lúc cơn sốt rừng hành hạ.

Ngoài ra, trong thiên tiểu thuyết này, dòng thời gian tâm trạng của tên lính áo đen Rô và tên chỉ huy bị thương Lục Thum cũng hiện lên rất rõ (tiết 9, tiết 18, tiết 12, tiết 34). Đặc biệt tâm trạng và bi kịch phía đối phương thông qua nhân vật Lục Thum. Ở tiết 12, Lục Thum nhớ về những ngày hắn được quân tình nguyện Việt Nam huấn luyện. So với đám học viên trẻ măng hồn nhiên, trong sáng, Lục Thum đã thể hiện sự man rợ và xảo quyệt của mình. Cách nhìn, cách suy nghĩ của Lục Thum không giống mọi người, hắn sẵn sàng giết chết, thậm chí ăn thịt đồng loại để tồn tại. Ở tiết 34, hắn lại tuyệt vọng khi nghĩ đến việc ba người còn lại sẽ bỏ hắn lại bởi việc bị thương khiến hắn trở thành gánh nặng . “Chỉ còn mình ta. Vậy là tan, là rã đám. Ta nghĩ đến hoàn cảnh thê thảm này thế nào cũng xảy ra” (Miền hoang, tr.267). Một mình hắn chống chọi với bầy sói và kiên quyết không dùng viên đạn nào. Phải chăng, với hắn, bầy sói kia không đáng sợ bằng chính đồng loại, những người sẵn sàng vứt bỏ hắn bất cứ lúc nào. Chỉ có đạn dược và vũ khí mới giúp hắn chứng tỏ quyền uy và sức mạnh. Thông qua dòng thời gian tâm lí trong tiểu thuyết Miền hoang, các vấn đề sinh thái được thể hiện sâu sắc. Chiến tranh hủy hoại môi trường, gieo rắc cái chết kinh hoàng cho loài người. Miền hoang

đi sâu vào những mất mát và tổn thương bên trong tâm hồn con người, khiến người đọc hiểu sâu hơn về bản chất của chiến tranh. Điều đó đã thể hiện tài năng của nhà văn Sương Nguyệt Minh khi viết về đề tài này. Vương Tâm trong bài viết Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Dấn thân và bùng nổ đã thể hiện

được sự độc đáo trong bút pháp và những thông điệp mà tác phẩm Miền hoang gợi ra: “Tác giả đã có nhiều tìm tòi nghệ thuật biểu hiện tâm lí nhân vật, với con mắt tinh tế, khi soi sáng số phận và tính cách đối kháng của những nhân vật đầy phức tạp. Họ sống trong một hoàn cảnh trớ trêu, phải dựa vào nhau, khi bị lạc trong một miền rừng núi, hoang vu. Mỗi người là một câu chuyện, với những số phận đưa đẩy họ vào cuộc chiến. Nhà văn Sương Nguyệt Minh qua tác phẩm muốn truyền đạt ý tưởng, khi niềm tin và khát vọng được sống trong hòa bình, yên lành, văn minh sẽ trở thành nguồn sức mạnh giúp con người vươn tới một tương lai tươi sáng”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề sinh thái trong văn xuôi sương nguyệt minh (Trang 88 - 95)