Thời gian hiện thực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề sinh thái trong văn xuôi sương nguyệt minh (Trang 84 - 88)

Hướng ngòi bút của mình vào “cái hằng ngày”, Sương Nguyệt Minh đã mở ra thời gian hiện thực. Gắn với đời sống ở thôn quê là thời gian sinh hoạt hằng ngày, nhịp sống quen thuộc ngày này qua ngày khác. Sang trong truyện

Đi trên đồng năn trở về quê vào những ngày giáp Tết theo thư của anh cả gọi về kịp lễ khánh thành mộ cụ Tổ. Sang nhận thấy cuộc sống vẫn còn khốn khó của nhiều gia đình. Hằng ngày họ đánh dậm, đun riu trên đồng năn ở làng, lam lũ kiếm sống nhưng cái nghèo đói vẫn bám riết họ. Sau khi đóng góp xây mộ cụ Tổ, sáng hôm ấy anh rời làng sớm. Lúc anh thức dậy thì vợ chồng anh cả đã dậy từ rất lâu rồi. Họ bắt đầu công việc hằng ngày: chị dâu lúi húi lội dưới ao cạn hái rau răm, anh cả ngồi trên bờ bó từng bó và đặt vào quang gánh. Anh lái xe chạy chầm chậm ra khỏi làng. “Làng xao xác tiếng gà gáy. Tiếng lộc cộc đập móng trâu đòi ra khỏi chuồng lẫn tiếng người đi chợ sớm nói khao khao trong sương đục. Làng tôi lam lũ nhọc nhằn quá” (tập Đi qua đồng chiều, tr.49). Hình ảnh anh cu Bần lóp ngóp đội đun riu từ sáng sớm để có tiền ăn Tết làm Sang xốn xang, thêm thương những người dân đói khổ.

Cuộc sống của con người trôi đi đều đặn, đôi khi nhàm chán. Trong truyện ngắn Mây bay cuối đường, những cô con gái làng Sơn Hạ vẫn thường tắm nước đầm Vực để nước da trắng hồng nhưng bùn đất, nước chua váng ở đồng cỏ làm rám đen từ đầu gối xuống bàn chân, còn ngón tay thì tù lại, đầy dấu nứt nẻ. Bởi hằng ngày họ phải làm các công việc cắt cỏ, cấy lúa, chèo thuyền… Thế thì bàn tay chẳng bao giờ thành búp măng được. Gấm là cô gái quê xinh đẹp, chăm chỉ nhưng suốt ngày cũng chỉ quanh quẩn với công việc đồng áng. Ngày này sang ngày khác trôi đi trong nghèo khó, đơn điệu. Gấm cũng muốn thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ ở làng, muốn ra phố như chị Gái và bao thanh niên trong làng. Nhưng Toàn – người yêu Gấm không quay về đón cô như hẹn ước. Gấm cũng không thể để cha già lại một mình, lại nặng lòng với quê hương ruộng đồng, vì vậy lần nào cũng chạy trốn không thành.

Cùng mạch cảm hứng, Na trong tác phẩm Đi qua đồng chiều không được đi học đại học như các bạn cùng trang lứa. Cuộc sống cứ trôi đều đều như vậy. “Lại một buổi chiều. Một buổi chiều nữa đi qua. Tôi đánh xe trâu về đến cầu Lồng, dừng lại xem bọn trẻ con cắt cỏ, chăn bò đánh chắt đánh chuyền. Những đuôi tóc hoe vàng vì cháy nắng, những gương mặt sạm gió, những đôi mắt trong veo ngơ ngác” (tập Đi qua đồng chiều, tr.276). Khung trời của Na chỉ dừng lại ở đó. Chính vì vậy, cuối truyện, Na nhìn theo cái Hương bạn mình ra Hà Nội học ôn để thi vào đại học, nhìn Thăng rời khỏi làng với bao nhiêu tâm trạng xen kẽ nhau. Hình ảnh Na đánh xe trâu về trong hoàng hôn đỏ ối và gió thổi miên man khắp cánh đồng chiều gợi cảm giác buồn khó tả đối với người đọc.

Đọc tác phẩm của nhà văn, ta cảm nhận những khoảng thời gian sinh hoạt của người thôn quê theo vụ mùa. “Tháng năm âm lịch. Cuối vụ gặt. Nước lấp xấp, đồng chiều trơ gốc rạ. Thỉnh thoảng sót lại một vài đám ruộng nhà ai đó chưa gặt, lúa trĩu bông vàng suộm. Tiếng dế nỉ non và tiếng chẫu

chuộc nhảy tõm xuống nước. Muồm muỗm, cào cào, châu chấu nhiều vô kể, đậu xúm xít hai bên bờ cỏ, có con xòe áo khoác xanh, áo cánh đỏ làm dáng” (tập Đi qua đồng chiều, tr.254). Sương Nguyệt Minh quả thật là một nghệ sĩ của đồng quê. Những câu văn như đưa ta trở về những kí ức tuổi thơ tươi đẹp khi hòa mình vào cánh đồng, tha hồ ngụp lặn những trò chơi bất tận ở đó. Nhịp sống ở làng quê sôi động lên khi có luồng gió kinh tế thổi vào. Chị Gái trong Mây bay cuối đường sau mười năm rời quê lên phố bỗng quay trở về. Chị đánh xe tải chở đầy hàng hóa về làng. Chị Gái ào về rồi chị Gái lại đi. Theo xe tải của chị là mấy chục thanh niên trong làng. Chị lấy người cho công ty trách nhiệm hữu hạn của chị ở thành phố. Chị đã mang làn gió của thành thị về chốn quê nhà, khuấy động ý nghĩ rời khỏi làng của biết bao thanh niên trai trẻ. Có thể thấy điều này rất rõ trong truyện ngắn Động làng. Làng Sơn Hạ vốn nên thơ bởi đầm Cỏ lẫn đầm Vạc mênh mông, núi Tam Điệp im lìm mặc mây bay gió thổi. Thế rồi người ta đầu tư làm đường từ thị xã qua làng, men theo bờ đầm Vạc đến núi Ngọc núi Vàng vào hang Dơi. Người ta xây khu du lịch sinh thái ở đầm Vạc và hang Dơi. Thế là người thành thị đổ về. Nhà chị gái của Tâm thì mở karaôkê. Gần đấy thì thêm quầy bưu điện, nhiều ki ốt phân bón, xi măng, sắt thép… Chiều tối người ta lại mang rau cỏ, thịt lợn ra bán sôi động hẳn lên. “Bây giờ, làng bỗng dưng thành phố làng. Hàng hóa, đồ ăn… cái gì cũng có” (tập Đi qua đồng chiều, tr.107). Người dân làng thì học theo cái mới rất nhanh. Cuộc sống trở nên nhộn nhịp hẳn.

Trong truyện ngắn Cha tôi, những người trong gia đình bị cuốn theo nhịp thời gian hối hả chốn thành thị. Người mẹ lúc nào cũng bận tối mắt tối mũi với cửa hàng mỹ phẩm Hàn Quốc. Bà chẳng để ý gì đến con với phương châm khoán trắng cho gia sư. Chính vì vậy, cậu con trai út được tự do sống theo ý thích, suốt ngày đàn đúm, chơi bời với bạn bè. Chỉ mới học cấp 3, nhưng cậu bé đã đánh mất ba xe cuốc, cắm ở quán hai con Dream. Cô con gái

đầu gần ba mươi tuổi nhưng không biết bếp núc, đi làm ở một doanh nghiệp và suốt ngày ăn cơm tiệm. Ai cũng hối hả với cuộc sống của mình. Và người cha, người chồng trong gia đình ấy cảm thấy xa lạ với cách sống của gia đình mình. Vốn là một người lính mấy chục năm trong quân ngũ, người cha ấy thấy xa lạ với căn bếp không lúc nào đỏ lửa. Ông sốt ruột, lo lắng khi cô con gái không tính chuyện chồng con. Người cha thường xuyên kể chuyện ngày xưa, những ngày chỉ có bo bo với cháo rau má, năm hết tết đến mới có tí thịt mỡ bôi mép… Ông hoàn toàn xa lạ với nhịp sống hối hả của gia đình mình.

Nhưng cũng có khi thời gian trôi qua thật nặng nề vì cách sống của con người đô thị. Người cha trong truyện ngắn Tuổi thơ con ở đâu? cảm nhận thời gian thật nặng nề. Vợ chồng anh ly hôn, đứa con trai ở với mẹ, đứa con gái ở với bố. Người mẹ có bạn trai mới, vì tức tối, vì nhiều lẽ, người cha đã vung tay bốp vào mặt con, thằng bé bất tỉnh. Những ngày con trai nằm trong bệnh viện là những ngày anh đối mặt với sự chất vấn lương tâm. Anh đã không để ý đến sở thích của con, cả anh và vợ đều ép con ăn những món con không thích. Anh chị bắt con học cả sáng, chiều, tối, ngày nghỉ cũng phải đi học… Trong giấc mơ, con anh đến tìm và thể hiện những khao khát trẻ thơ của mình. Thời gian nặng nề trôi qua. Mỗi khoảnh khắc, anh thấy mình thật tệ, thật đáng trách. Anh nghĩ về những việc đã làm với con mình và hối hận không nguôi. Đứa con trai bé bỏng của anh đang nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, nó phải gánh chịu hậu quả cuộc hôn nhân đổ vỡ của vợ chồng anh. Thế giới tuổi thơ của con anh chật hẹp và bị đóng khung bởi sự ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình của hai vợ chồng.

Nhịp sống ở đô thị dù có hối hả, gấp gáp đến đâu đôi lúc cũng rơi vào nhàm chán, vô vị. Nhân vật chính trong truyện ngắn Đêm thánh vô cùng vừa trải qua một chuyến bay kinh hoàng tưởng chừng như sắp đến với cõi chết. Vậy mà khi trở về nhà, mọi việc vẫn diễn ra đều đặn hằng ngày. Cô bé giúp

việc xới cơm, con gái đang so đũa. Con trai bé ngồi vào mâm nhưng mắt vẫn dán vào cuốn truyện tranh. Cả người vợ và hai đứa con đều giục anh ăn cơm vì những lí do riêng. Vợ giục chồng ăn cơm vì các con đang đợi. Cô con gái lớn muốn kết thúc bữa cơm nhanh để còn đi chơi giáng sinh. Cậu con trai thì muốn nhanh có thời gian để chơi game. Mọi thứ vẫn ổn nhưng sao anh thấy nặng lòng. Không ai hỏi han anh đi đường xá thế nào. Người chồng thậm chí còn nghĩ rằng sao vợ mình không trách mình hoặc coi thường mình là thằng đàn ông vô tích sự hay kém hấp dẫn để mình còn ân hận, mặc cảm, sợ hãi. Cuộc sống vẫn diễn ra theo trật tự hằng ngày, thế nhưng nhân vật chính cảm thấy nhàm chán, cảm thấy lạc loài ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Thông qua thời gian hiện thực ta nhận thấy môi trường xã hội có vai trò vô cùng quan trọng với con người. Yếu tố môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người, nếu không biết dung hòa thì con người sẽ cô đơn, bất an trước cuộc sống hiện đại. Văn học sinh thái truy tìm nguồn gốc của nguy cơ sinh thái. Phê phán mặt trái văn minh là một nội dung quan trọng của khuynh hướng văn học sinh thái. Thông qua các tác phẩm, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã chỉ ra nông thôn không còn là nơi chốn yên bình nữa, kinh tế thị trường đã làm nhịp sống con người hiện đại trôi đi quá nhanh, thiếu chiều sâu. Tôi chợt nhớ đến câu nói của Will Durant “Chuẩn mực đạo đức tự biến đổi phù hợp với điều kiện môi trường”. Phải chăng đã đến lúc con người cần suy nghĩ lại cách hành xử với những biến động của cuộc sống hiện đại để có cuộc sống tươi đẹp hơn?

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề sinh thái trong văn xuôi sương nguyệt minh (Trang 84 - 88)