Sự hủy diệt tự nhiên của con ngườ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề sinh thái trong văn xuôi sương nguyệt minh (Trang 33 - 39)

Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, sự bùng nổ dân số… thì các nhu cầu của cuộc sống phàm tục ở con người càng gia tăng. Con người vừa cải tạo tự nhiên theo hướng tích cực vừa tàn phá tự nhiên một cách vô tội vạ. Hẳn mỗi người chúng ta phải giật mình trước những con số thống kê về diện tích đất rừng bị phá, lũ lụt, sạt lỡ, hạn hán… hằng năm? Phải chăng mẹ thiên nhiên cũng đang phẫn nộ với những hành vi ngang ngược, cố chấp của con người? Thế nhưng con người dường như vẫn chưa nhận thức hết hành vi hủy hoại môi trường sống của mình. Đây đó trong cuộc sống vẫn có những người bất chấp tất cả vì lợi ích riêng của cá nhân. Cùng với các ngành khoa học khác, văn học cũng góp phần thay đổi nhận thức của con người về cách ứng xử đối với thiên nhiên – người bạn đồng hành không thể thiếu cho sự tồn tại và phát triển của con người. Văn xuôi Sương Nguyệt Minh, bên cạnh những bức tranh cuộc sống với muôn nẻo số phận con người còn thể hiện nỗi niềm của thiên nhiên bị tàn phá và những bi kịch phía sau ấy.

Có thể thấy rất rõ hành động săn bắn theo kiểu tận diệt được đề cập đến trong rất nhiều tác phẩm của Sương Nguyệt Minh. Tiêu biểu là truyện ngắn

Chim sâm cầm lại về. Chim sâm cầm vốn rất quen thuộc với cuộc sống của những người dân làng. Cứ đến mùa chim sâm cầm lại bay về đậu trên cành cây, ngọn tre, mặt hồ. Chim sâm cầm chắc khỏe, bơi lội, kiếm ăn, ngụp lặn không biết mệt, người và chim sống thân tình, gần gũi. Nhưng rồi làng mọc lên nhiều nhà hàng đặc sản, người trong làng đổ xô tìm chim sâm cầm để bán lấy tiền, người nơi khác tập trung về để thưởng thức đặc sản. “Người giàu

thường hay sợ chết. Người giàu tuổi còn trẻ chết thì tiếc lắm, chết để vợ đẹp cho ai, tiền bạc của nả cho ai và chơi bời chưa được là bao. Người giàu càng nhiều tuổi chết lại càng tiếc hơn, tiếc vì thời gian hưởng thụ quá ngắn. Vậy nên bồi bổ và kéo dài tuổi thọ là mục tiêu hàng đầu của các ông chủ mới phất… Chim sâm cầm quý nhất ở đôi chân, đôi chân màu lục ánh chì. Chân sâm cầm cắt rời ra rửa sạch, sấy khô rồi ngâm rượu đủ một trăm ngày hoặc càng lâu càng tốt” (tập Đi qua đồng chiều, tr.142). Ta có thể nhận thấy giọng triết lí của nhà văn Sương Nguyệt Minh trong đoạn văn trên, đời sống càng khá giả, nhu cầu con người càng tăng cao, con người càng sợ chết và tìm mọi cách để kéo dài tuổi thọ của mình. Vậy là người dân làng đổ xô đi bắt sâm cầm. Bản thân nhân vật chính đã có sự thay đổi lớn, từ những cuộc đi săn chỉ để giải trí trở thành những cuộc đi săn để kiếm tiền với quan niệm “Con người là chúa tể của muôn loài. Voi, báo, hổ gấu, trăn rắn … rồi chim chóc đến cỏ cây cũng chỉ để phục vụ con người. Với lại mình không bắn, người khác cũng bắn” (tập Đi qua đồng chiều, tr.140). Con người càng săn bắt, chim sâm cầm càng sợ hãi không quay về, các nhà hàng đặc sản thì sốt ruột nên tăng giá mạnh khi thu mua vào. Nhân vật chính bất chấp tất cả, hắn xách súng săn đi tìm chim sâm cầm, quyết tâm truy đuổi, bắt sống để có giá cao. Dường như lúc này, đồng tiền có giá trị hơn cả tình cảm gắn bó giữa con vật hiền lành với con người, hơn cả môi trường sinh thái đang ngày càng xuống cấp. Việc mọi người kéo đến bắt chim sâm cầm đã phá hủy môi trường sống, tận diệt loài vật này.

Nơi hoang dã đồng vọng cũng lên án hành vi săn bắn dã man, tách động vật khỏi môi trường sống của chúng. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng có cách tận hưởng cuộc sống về đủ mọi mặt. Đôi khi, chính cách tận hưởng của họ khiến ta nghi ngờ về lối sống hiện đại ấy. “Chát. Dùi đục phang mạnh. Miếng chỏm đầu con mèo trắng bay khỏi lưỡi tràng bạt sáng

loáng. Eo. Mèo trắng vẫn kịp gào lên một tiếng. Rồi nước đái nó tức thì bắn vọt vào mặt ông chủ. Thân mèo co rút, giật giật… Bốn vị cầm bốn thìa múc. Mỗi lần thìa thọc vào óc con mèo, chân nó lại co lên” (tập Mười ba bến nước, tr.196). Dường như việc hưởng thụ miếng ăn đặc sản có sức hấp dẫn đến nỗi họ xem hành vi ấy là bình thường mà không có chút ghê tay. Và chính con Miêu cũng cảm thấy ghê rợn với hành vi con người đối xử với đồng loại “Dường như nó sợ quá vãi đái hoặc phản ứng bản năng tức thì với sự dã man của con người với đồng loại nó” (tập Mười ba bến nước, tr.196). Họ săn bắt mèo và chế biến đủ mọi kiểu để phục vụ nhu cầu của con người. Đặc biệt trong truyện có chi tiết khi nhân vật Lài cầu xin tha cho con Miêu “Miêu và con mèo hoang quay đầu lại nhìn hai người ở trong lều. Mắt chúng rực lên như có lửa rồi lại dịu dần, trong veo. Ánh mắt như mách bảo: Dù đồng loại hay khác loại, đừng làm ác với nhau thì sẽ chung sống được” (tập Mười ba bến nước, tr.210). Theo bản năng, những con vật ấy đã nhận rõ những hành vi xâm hại đến sự sống của chúng. Rõ ràng ánh mắt rực lửa là ánh mắt phản ứng lại hành vi của con người. Thế giới của chúng là thế giới hoang dã, con người cần phải tôn trọng điều đó.

Nhà văn còn đem đến một khía cạnh rất nhân văn khi lên án hành vi tách động vật khỏi cuộc sống hoang dã và kiếm lợi nhuận từ chúng. Trong truyện ngắn Một trò đời, Trang gặp lại người yêu cũ, bây giờ đã là một nghệ sĩ xiếc thú. Anh dẫn ra sân khấu một đàn khỉ mười con. Những con khỉ với trang phục sặc sỡ trông rất ngộ. Điều bất ngờ là con Lục Lạc, một con khỉ đực lông đen nhánh đeo lục lạc đã quá già rồi, khụ khị như một ông cụ vẫn còn biểu diễn. Nó bị tách khỏi môi trường hoang dã để làm nhiệm vụ xiếc khỉ. Cái roi mềm và những chiếc kẹo là vũ khí để sai khiến những chú khỉ ấy. Hồi ức của Trang như một cuốn phim quay chậm. Con Lục Lạc vốn có cuộc sống riêng tư, nó đã từng phải lòng con khỉ cái của ông thầy mo. Hôm nào nó cũng

trốn thoát để đến với khỉ cái. Hình phạt đối với nó là bị nhốt trong lồng sắt. Thế nhưng, động vật có tiếng nói rất riêng, khi Lục Lạc bị nhốt, con khỉ của thầy mo đến tìm bạn tình. Trước tình cảnh đó, Lục Lạc chỉ biết phản ứng bằng cách đập đầu vào lồng sắt, đầu be bét máu, hai bàn tay xước sát. Khỉ cái của thầy mo thì nhai lá đắp vào các vết thương của con Lục Lạc. Cuối cùng, khi Hoan ôm con Lục Lạc rời khỏi đảo khỉ, con khỉ cái của thầy mo mất bạn tình. Hằng ngày, chúng phải biểu diễn theo ý của người nghệ sĩ. Sau khi biểu diễn, chúng cầm mũ đến từng người xem. Để rồi cuối buổi, nghệ sĩ Hoan lại móc từng đồng tiền trong tay Lục Lạc, bực dọc, cáu kỉnh khi dân tỉnh lẻ nghèo, chỉ cho những đồng tiền lẻ. Chứng kiến cảnh đó, Trang ngậm ngùi, những hình ảnh của Lục Lạc, của Hoan mờ nhòe trong mắt.

Trong hai truyện ngắn Mùa trâu ăn sươngÁnh trăng trong lò mổ, ta cảm giác như con người đang trở thành những người hành quyết động vật. Người đọc không khỏi rùng mình khi đọc đến những dòng văn này: “Bốn con trâu đã ăn sương, vừa hạ thủ một con. Đầu trâu cắt rời ra, mõm chổng lên trời, hai mắt mở thao láo đầy uất ức. Đám đồ tể đang phanh da róc thịt” (tập Dị Hương, tr.129). Bản thân chị chủ của lò mổ thích làm thơ, thích in thơ ở Tạp chí văn nghệ tỉnh nhà nhưng thơ chị cũng đậm màu giết mổ súc vật. Cái hay trong tác phẩm của nhà văn Sương Nguyệt Minh còn thể hiện ở sự cảnh báo: cảnh giết mổ ấy theo cả vào trong những sinh hoạt hằng ngày của nhân vật: Chị chủ trong Mùa trâu ăn sương thích làm thơ nhưng thơ ngập mùi xẻ trâu; nhân vật ông chủ trong Ánh trăng trong lò mổ lại mang cả tiếng thở hô… ộc… hô… ộc như trong lò mổ heo vào trong giường ngủ với vợ. Đặc biệt, ông chủ lò mổ đó muốn biến lò mổ heo thành một môi trường văn hóa nghệ thuật. “Sẽ có cả cải lương, bài chòi, chèo, quan họ, nhưng cũng có nhạc cổ điển. Tiếng nhạc sẽ đầy ắp từ trang trại nuôi heo vào trong phòng ngủ của tôi đến tận lò sát sinh” (tập Dị hương, tr.228). Đó chính là bi kịch của những

nhân vật này, họ cố chạy theo sự hào nhoáng, cố gắng đánh bóng mình nhưng cuối cùng cũng chỉ nhận lại những ê chề mà thôi.

Không chỉ vậy, sáng tác của nhà văn còn thể hiện thái độ đau xót trước lễ hội đâm trâu của người đồng bào. Tác giả miêu tả khung cảnh lễ hội đâm trâu thật chi tiết. Đó là cảnh những chàng trai lưng trần, đóng khố, buộc khăn che trán, vai sát bên vai. Tay họ cầm dùi đánh cồng, chiêng. Các cô gái mặc sắc phục dân tộc thêu hình lá cây, nhà rông cách điệu. Họ múa, hát, ngợi ca con người. Cứ xong một điệu hát, lại thấy một mũi lao phóng vút vào con trâu. “Nó lồng lên rồi lại đứng xuống, toãi chân ra. Mình mẩy con trâu đẫm máu. Hai mắt đỏ đòng đọc và nước mắt nó cứ trào ra… Nó không biết nó đang là vật tế hiến thần linh” (tập Người ở bến sông Châu, tr.211). Và có một điều đáng lo ngại rằng, theo ông Trưởng bản, ngày xưa chỉ làm lễ khi mùa đi săn đã kết thúc mà phải bắn được nhiều thú hoặc khi lúa thóc đã vào níp lúc ăn tết xong ra giêng, hai. Còn bây giờ “những nhà khá giả ốm đau khỏi bệnh hay được mùa mía bán cho chính phủ cũng mời bản làm lễ đâm trâu” (tập

Người ở bến sông Châu, tr.212).

Nhà văn cũng chỉ ra rằng, tách động vật ra khỏi môi trường hoang dã bằng hành vi săn bắn chính là tội ác. Trong truyện ngắn Chuyến đi săn cuối cùng, Mại là con của thợ săn chuyên nghiệp, tường nhà anh treo nhiều loại móng vuốt, sừng, da thú… Mỗi lưu vật là cuộc đời một con thú. Anh được thừa hưởng cái nỏ săn cha để lại và chỉ khi truy đuổi đến cùng những con khỉ phá rẫy ngô của mình, Mại đã nhận ra hành vi ấy là vô nhân đạo. Khi anh bắn vào khỉ đực, khỉ cái đã rút mũi tên và nhai lá thuốc đắp vào bả vai khỉ đực, nó biết nặn sữa cho khỉ đực uống. Khi nhìn thấy Mại cầm nỏ săn săm săm bước đến, khỉ cái đứng hẳn lên che chắn cho khỉ đực bị thương và tay phải quơ vội khỉ con quặt về phía sau. Dù là động vật hoang dã, chúng vẫn có cuộc sống của mình, có tình cảm, có tiếng nói riêng. Đó cũng là một gia đình nhỏ trong

bầy khỉ rừng. Chúng biết tổ chức và bảo vệ cuộc sống của mình. Đối với khỉ cái, khỉ đực và khỉ con chính là sự sống. Bởi vậy, nó sẵn sàng hy sinh mình để bảo vệ chồng con. Hành vi săn bắt của con người đã phá hủy cuộc sống của động vật. Hành vi đó cần được lên án và con người cần thay đổi cách mình đối xử với thiên nhiên.

Ngoài săn bắn thì quá trình đô thị hóa kéo theo hệ quả đào núi, lấp sông… cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài động vật. Điều này được thể hiện rất tinh tế trong sáng tác của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Cách viết cuả Sương Nguyệt Minh độc đáo ở điểm: ta càng đọc kĩ, càng nhận thấy nhiều lớp ý nghĩa ẩn giấu bên trong những trang chữ. Sự tác động tiêu cực của con người được thể hiện khéo léo trong tâm trạng các nhân vật. Đó có thể là sự tiếc nuối vì làng quê không còn những cảnh yên bình, không còn những điều quen thuộc gần gũi với thiên nhiên, là nỗi bồi hồi lẫn cả sự cô đơn của con người… Truyện ngắn Động làng đã miêu tả được những tác động tiêu cực ấy. Vốn lớn lên đã quen với đất làng nâu sậm, đồng Cỏ lẫn đầm Vạc mênh mông, núi Tam Điệp im lìm mặc mây bay gió thổi ngàn năm… Vậy mà ngày trở về, Tâm ngỡ ngàng đến mức không nhận ra ngôi nhà của chính mình “ngỡ ngàng không nhận ra ngôi nhà của mình in đẫm kỉ niệm tuổi ấu thơ. Đâu rồi cây sung nằm vươn mình che một góc ao sâu. Đâu rồi bè lục bình nở hoa tím ngắt nhởn nhơ trên mặt nước in bóng trời xanh cùng với các tảng mây trôi. Mãi mãi chẳng còn đêm đêm không ngủ ngồi trên bờ nhìn cá mè ngóng trăng và giật mình nghe sung chín rụng dưới góc ao. Người ta lấp ao, nhà tôi ra mặt đường” (tập Đi qua đồng chiều, tr.89). Nếu ngày trước, muôn thú còn đa dạng, con người dễ dàng bắt gặp những hình ảnh chúng băng qua đường hay xuất hiện trên những thân cây… thì bây giờ, hình ảnh ấy rất khó để tìm lại “Từ ngày bạt núi mở rộng dốc Sây, công trường nổ mìn xay đá, thú rừng lánh sang mạng tây nam dãy Tam Điệp hết…”

(tập Đi qua đồng chiều, tr.7). Điều đó có nghĩa như con người đang đánh rơi những kí ức tốt đẹp, những hình ảnh nên thơ và sẽ đối mặt với những khoảng trống trong tâm hồn mình.

Ta thường thấy, văn học truyền thống thường đề cao những con người với khát vọng chinh phục, cải tạo tự nhiên. Thế nhưng, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã chỉ ra rằng con người chính là những tội đồ hủy hoại, tàn phá tự nhiên, chỉ quan tâm đến lợi ích vật chất, con người tham vọng trở thành bá chủ tự nhiên, kéo theo đó là những hệ lụy sinh thái kéo dài. Trong bài viết

Ngày tháng tốt đẹp của nhân loại không còn nhiều nữa, nhà văn Mạc Ngôn đã chỉ ra dục vọng của con người là cái động không đáy, không sao lấp đầy được, con người đang điên cuồng cướp đoạt mọi thứ từ trái đất “Nhưng đến tận hôm nay, tôi cảm thấy nhân loại đang đứng trước nguy hiểm lớn nhất, bởi vì khoa học kỹ thuật của nhân loại ngày càng tiên tiến thì dục vọng của con người ta ngày càng bành trướng thêm…”. Sáng tác của Sương Nguyệt Minh vì vậy mang tính cảnh báo về sự xâm lấn các bối cảnh cư ngụ mà con người làm nên; phá hủy sự cân bằng sinh thái đồng thời cảnh báo về những hiểm họa môi trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề sinh thái trong văn xuôi sương nguyệt minh (Trang 33 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)