Phê bình sinh thái đã thể hiện rằng tự nhiên cũng có địa vị của nó: “Mặc dù con người đã bỏ ra bao nhiêu nỗ lực để giữ cho mình cái địa vị thống trị, thì có phải tự nhiên chỉ mang một thân phận lệ thuộc hay không khi thực sự chúng ta đã và đang tiếp tục được nó nhắc nhở lại về một thứ địa vị thực sự thông qua mỗi trận động đất, mỗi lần núi lửa phun trào, những ngôi sao chổi vụt qua, cũng như việc không ai có thể dự đoán được một cách chính xác sự thay đổi thất thường của thời tiết” [48].
Trong văn học thế giới, từng có rất nhiều nhà văn viết về những trải nghiệm trước sự khắc nghiệt của tự nhiên. Có thể kể đến nhà văn tiêu biểu là
Jack London với những tác phẩm như: Tiếng gọi nơi hoang dã, Tình yêu cuộc sống, Nhóm lửa… Văn học thời kì sau cũng thể hiện sự khắc nghiệt của tự nhiên nhưng lại mang tính thời sự rất rõ khi vấn đề biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, động đất, sóng thần… ngày một gia tăng. Các nhà văn với trách nhiệm nghề nghiệp và thiên chức của mình đã không rời xa các vấn đề mang tính toàn cầu này.
Lũ lụt vẫn là thảm họa kinh hoàng của con người ở khắp nơi trên thế giới. Điều này đã được thể hiện trong các tác phẩm văn học từ xưa đến nay. Thần thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh trong kho tàng văn học dân tộc không chỉ là một câu chuyện về tình yêu mà còn phản ánh quy luật dâng nước lũ hằng năm. Ngay từ thời xưa, con người đã ý thức được sức mạnh và nỗi vất vả của con người khi đối mặt với sự khắc nghiệt của tự nhiên. Về sau này, truyện ngắn Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn cũng thể hiện nỗi khốn khổ của con người trước hiện tượng lũ lụt, đê vỡ.
Truyện ngắn Khi chúng tôi là lính của nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng thể hiện được sự khắc nghiệt của tự nhiên và những tổn thất đi kèm. Nước lũ dâng cao, bộ đội, dân quân đứng giăng hàng trên mặt đập chống lũ. “Vỡ đập… Có tiếng thét thất thanh. Mọi người nhốn nháo. Nước xoáy ùng ục rít ghê người. Chúng tôi theo trung đoàn phó rẽ người chạy lại chỗ đập vỡ. Dòng chảy xiết quá. Nước vọt qua kẽ những bó tre bịt chỗ vỡ réo ồ ồ” (tập
Đêm làng Trọng Nhân, tr.132). Truyện ngắn Tiếng lục lạc trong đêm cũng vẽ ra khung cảnh hỗn loạn của con người trong cơn lũ. “Nước ngập mênh mông, củi khô, cành cây tươi, rều rác, gà chết trôi lều bều trên sông Đáy. Rồi vỡ đê nước tràn vào làng Yên Hạ, làng chìm sâu dưới nước” (tập Mười ba bến nước, tr.45). Sau khi cơn lũ đi qua, mọi người vẫn chưa thể khắc phục ngay hậu quả, họ kể cho nhau nghe những câu chuyện kinh hoàng trong cơn lũ “Nhà nọ ở xóm trên, nước lụt mấp mép mái bằng, phải đưa cả người cả con
trâu nái lên sân thượng. Bây giờ, nước rút không tài nào đưa trâu xuống được, suốt ngày nó đóng móng cồng cộc, ỉa đái trên mái bằng… Người lại nói: Buổi sáng hôm bão tan, ở xã dưới, ông lão kéo vó bè kéo phải một người đàn bà chết ngồi” (tập Mười ba bến nước, tr.49).
Tự nhiên thể hiện sức mạnh của mình qua cơn lũ, lũ cuốn trôi tất cả, con người dường như bé nhỏ và bất lực trước sức mạnh của tự nhiên. “Bãi sông mênh mông nước phù sa, mọi ngày cói, lác mọc xanh rờn nay chỉ còn biển nước đỏ đục, cuồn cuộn chảy” (tập Người ở bến sông Châu, tr.168). Tất cả đang bị nước lũ cuốn băng đi, gặm dần, khoét mòn sự sống. Con người thì đói khát trong lũ lụt, có nhiều nơi, con người phải trèo lên các nóc nhà, dùng nón mê ra hiệu để trực thăng thả thức ăn xuống, vì không có chỗ đậu nên việc bắt thức ăn từ trực thăng rất khó, bụng thì đói mà nhìn những gói mì tôm lập lờ trôi đi chỗ khác. Sau khi cơn lũ đi qua, ngôi làng chỉ còn trơ nền đất cũ được phủ lớp đất đỏ mới (Khi cơn lũ đi qua). Ta có thể bắt gặp sự đồng điệu này trong tác phẩm Thập giá giữa rừng sâu của Nguyễn Khắc Phê, nước lũ hung dữ nhấn chìm tất cả, gây ra bi kịch cho con người. Có thể nói sáng tác của Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Khắc Phê… đã cảnh tỉnh con người về những thảm họa tự nhiên đang diễn ra ngày một hung bạo hơn.
Những gì đang diễn ra khiến tự nhiên bị tổn thương và tự nhiên cũng đang phản ứng lại với những hành vi của con người. Đó có thể là sự rời bỏ những nơi quen thuộc, chứa chan tình cảm giữa tự nhiên và con người như trong truyện ngắn Chim sâm cầm lại về. Khi con người cố tình tận diệt, săn bắt vô tội vạ chim sâm cầm để bán cho các nhà hàng đặc sản thì những mùa đông sau đó, chim sâm cầm không về. Động vật cũng có tình cảm, có cách nghĩ của mình, nhận ra nơi nguy hiểm, chúng không về nữa là lẽ tất nhiên.
Con người đã tự tay phá vỡ mối quan hệ gắn bó thân thiện với tự nhiên để trở thành những kẻ hủy hoại môi trường sống của nhiều loại động thực vật.
Truyện ngắn Chuyến đi săn cuối cùng của nhà văn Sương Nguyệt Minh đã phản ánh một hiện thực rằng con người đang đào núi, phá rừng kết hợp săn bắn theo kiểu tận diệt đã gieo rắc những nguy hiểm lên đời sống của động vật. Ngôi nhà xanh của chúng không còn, thức ăn ngày càng khan hiếm thì việc quay lại phá làng cũng là một hệ quả tất yếu kéo theo. “Nương ngô xanh đang độ bắp đọng sữa, có bắp trổ sớm, râu bắt đầu heo héo cũng bị vặt tóac bẹ, đạp gẫy rạp cây, bắp non bị gặm nham nhở rơi lỏng chỏng” (tập Đi qua đồng chiều, tr.9).
Phật giáo quan niệm giết hại động vật là tạo nghiệp cho mình. “Tất cả chúng sinh đều có ân với mình, làm sao có thể giết chúng để ăn? Giết hại sinh mệnh tức là tạo nghiệp ác, nhất định sẽ nhận lấy báo quả sinh tử”. Truyện ngắn của nhà văn Sương Nguyệt Minh đã thể hiện những cảnh báo về hành vi giết hại động vật. Trong truyện ngắn Nơi hoang dã đồng vọng, con người trở thành nạn nhân trước những hành động tàn sát, mua bán động vật hoang dã. Con người muốn ăn đặc sản, họ đổ xô tìm những món lạ như óc mèo, bao tử mèo, cáo, trăn… và chính họ phải đối mặt với những vấn đề sinh thái: chuột tràn lan, phá phách mọi thứ. Bởi những chú mèo diệt chuột đang nằm trong các cũi sắt chờ làm thức ăn cho con người. Bà chủ nhà hàng đặc sản ấy cũng phải trả giá cho những hành vi mua bán, giết chóc động vật hoang dã. Một đêm mưa gió, cây cối quật đổ bể nuôi rắn, rắn túa ra khắp vườn, cầu thang, giường ngủ, một con rắn răng còn sắc nhọn đã gặm vào bắp chân bà chủ. Bà chủ không chết nhưng bắp chân cứ teo dần. Có thể nói rằng “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã xây dựng các chi tiết mang tính ám ảnh cao, nhất là chi tiết Lài mang cơm cho bà chủ bị liệt, lần nào Lài cũng đầy ám ảnh với bầy chuột. “Từng con, từng con chuột chùi chũi dưới ống cống ngầm chui lên. Con nọ nối đuôi con kia lốc nhốc. Mũi đỏ, đít đỏ, lông xám, mốc thếch, lại có con cụt đuôi. Chúng ghếch mõm. Chúng thao láo
mắt nhìn chị. Chúng tản ra, dò dẫm trên nền cỏ đầy sương, bò trên bàn ăn, tìm những mẫu thịt, miếng xương còn sót lại… Lũ mèo trong chuồng ngơ ngẩn như điếc, như mù, như câm, mặc sức cho lũ chuột hoành hoành” (tập Đi qua đồng chiều, tr.119). Quy luật sinh thái đang bị phá hủy bởi nhu cầu hưởng thụ của con người. Khi trăn, cáo, mèo… trở thành thức ăn của con người thì chuột mặc sức tung hoành và dường như chúng không sợ cả con người, dám tấn công lại con người. Chính mẹ của Lài cũng bị rắn cắn chết khi cha Lài làm thợ bắt rắn chuyên nghiệp. Rắn xổng khỏi hom và cắn vào tay mẹ Lài khi bà vào bếp nấu ăn. Suốt những năm tháng sau đó, cha Lài lúc nào cũng buồn bã, đứa con gái bé nhỏ thì không hiểu vì sao lại mất mẹ. Ông không thể nào trả lời được câu hỏi của con: “Cha ơi. Mẹ con đâu? Mẹ con đâu?”. Con gái ông quá bé bỏng, ông không thể nào trả lời tàn nhẫn về sự thật với con. Đó là mất mát mà ông không thể nào bù đắp cho con mình suốt những năm ấu thơ và cả cuộc đời. Kết thúc tác phẩm, Lài mải miết vùng chạy cố vượt thoát khỏi nơi khủng khiếp như địa ngục ấy trong sự hoảng hốt, ám ảnh. Đến khi về với cha mình, Lại lại nhìn thấy đám mộng mạ mới gieo: Phân chuột,vỏ trấu, vết chân chuột chăm be bét mặt ruộng. Con người càng săn bắt mèo, rắn… bán cho các nhà hàng đặc sản thì hệ cân bằng sinh thái càng nhanh bị phá hủy.
Ông chủ trong tác phẩm Mùa trâu ăn sương trong lúc làm trâu đã bị trâu đá vào bộ phận sinh dục, chưa đã nó còn bổ móng lên sống lưng làm ông bị liệt và cấm khẩu. Từ đó, ông chủ sống như chiếc bóng mờ nhạt trong nhà, lê lết với đôi chân liệt, câm lặng. Chàng thạc sĩ tương lai cũng vì mưu sinh mà vào lò mổ làm thêm. Ngày gà gật, tối đến lại phụ mổ trâu, sáng hôm sau đến lớp máu me vẫn còn dính đầy trên áo. Kết cục chàng phải về quê trong đau buồn, tổn thất về sức khỏe và tinh thần. Vì có men rượu, không làm chủ được hành động, anh xin dùng búa bổ vào đầu con trâu, nhưng búa bị trượt xuống trán, con trâu lồng lộn theo phản ứng tự vệ vặc đầu húc, cái sừng đánh đúng
vào hạ bộ và bụng dưới của anh. Bố Chương trong Chim sâm cầm lại về cũng trả giá cho hành vi giết hại động vật hoang dã. Mải bắt chim sâm cầm đầu đỏ để bán cho nhà hàng đặc sản mà hắn đã bỏ thằng Cò, đứa con bị thọt chân từ bé, lại không biết nói trên thuyền giữa sông nước. Gần tối, hắn dạt vào bờ, trên tay vẫn cầm chim sâm cầm đầu đỏ. Còn thằng Cò, đứa con trai của hắn thì biến mất hoàn toàn. Bóng tối đã phủ lên cuộc đời hắn với những nỗi đau day dứt đến hết cả cuộc đời. Làm thế nào để tìm lại đứa con tội nghiệp của hắn, làm thế nào để quên đi những nỗi đau này? Vì cái lợi trước mắt mà hắn đã trả giá quá đắt.
Những trang viết của Sương Nguyệt Minh đã khắc sâu những bi kịch của con người khi trực tiếp hủy hoại môi trường sinh thái. Điều ấy cảnh báo con người về cách hành xử đối với tự nhiên. Con người cần phải tôn trọng tự nhiên, hài hòa với tự nhiên. Lão tử có lẽ là triết gia đầu tiên, cố gắng đi tìm nguyên nhân sâu xa sự sa đọa của con người. Ông chủ trương vô vi. Chữ vô không có nghĩa là hoàn toàn không, vô vi không phải là hoàn toàn không làm gì cả mà là đừng làm gì trái với luật của tự nhiên và vũ trụ. Ngày nay, đứng trước những nguy cơ sinh thái, con người cần cảnh tỉnh và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên.