- Tổ chức nội dung chương trình:
Tổ chức sản xuất nội dung là khâu rất quan trọng trong việc tổ chức sản xuất chương trình truyền hình thể thao trực tiếp, nó quyết định nhiều đến chất lượng của chương trình truyền hình thể thao trực tiếp. Để xây dựng nội dung một chương trình truyền hình trực tiếp, cần trải qua các bước sau:
+ Xác định mục tiêu, chủ đề, hình thức chương trình truyền hình thể thao trực tiếp.
Mỗi môn thể thao và địa điểm tổ chức trực tiếp sẽ có hình thức tổ chức sản xuất khác nhau, vì thế trước tiên phải xác định mục tiêu, chủ đề của chương trình sắp thực hiện. Ví dụ như tổ chức sản xuất chương trình bóng đá trực tiếp khác tổ chức sản xuất chương trình trực tiếp đua xe đạp, hay giải việt dã. Sau đó sẽ quyết định hình thức trực tiếp. Ví dụ như sẽ chỉ thực hiện trực tiếp ngoài hiện trường, hay kết hợp thực hiện trực tiếp giữa hiện trường và trường quay....
+ Lên kế hoạch về bố cục chương trình, xây dựng kịch bản.
Đây là sự sắp xếp, phân bổ các nội dung thành phần trong chương trình vào các vị trí xác định, để diễn biến của chương trình truyền hình thể thao trực tiếp không bị gián đoạn giúp khán giả theo dõi một cách thuận lợi, rõ nét, tiếp cận nội dung của cả chương trình, cả một trận đấu diễn ra.
Một trong những thế mạnh của THTT là đưa thông tin đến với công chúng khán giả nhanh nhất, cập nhật từng giờ, thậm chí là từng phút, từng giây. Truyền hình trực tiếp cũng chứng minh được tính báo chí của nó bằng sự nhanh chóng và thuyết phục. Những sự kiện được THTT sẽ mang nguyên vẹn giá trị thông tin của nó đến với công chúng.
Việc xây dựng một kịch bản chi tiết sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong công tác tổ chức thực hiện nhằm hạn chế đến mức tối thiểu nhất các sai sót, hạn chế có thể xảy ra trong quá trình truyền hình trực tiếp.
Tính lôgic của chương trình truyền hình thể thao trực tiếp cũng rất được chú trọng. Ê kíp thực hiện bố trí, sắp xếp, dàn dựng sao cho có “lớp” có “lang” tạo thành một chỉnh thể thống nhất.
- Tổ chức nhân sự thực hiện chương trình:
Nhân sự của một ekip thực hiện chương trình truyền hình thể thao trực tiếp có nhiều bộ phận như bộ phận kỹ thuật (âm thanh, ánh sáng, thiết kế,..), bộ phận sản xuất (nhà sản xuất, quản lý sản xuất, đạo diễn, quay phim, biên kịch dẫn chương trình), bộ phận thư ký, truyền dẫn phát sóng...
Một chương trình truyền hình nói chung, chương trình truyền hình thể thao trực tiếp nói riêng không phải là sản phẩm của cá nhân nào mà là sản phẩm của tập thể. Chính vì thế, để cho chương trình thực hiện tốt thì cần phân công phân nhiệm cụ thể từng thành viên trong êkip thực hiện.
• Nhân lực thực hiện chương trình truyền hình thể thao trực tiếp bao gồm:
+ Người viết kịch bản: Là người có nhiệm vụ: xây dựng kịch bản; liên hệ mời khách mời tham gia truyền hình thể thao trực tiếp; trao đổi với người dẫn chương trình và đạo diễn hình về nội dung kịch bản.
+ Đạo diễn: Đạo diễn là người được tín nhiệm phân công chịu trách nhiệm về chương trình, là người đưa ra những ý tưởng về nghệ thuật và quyết định toàn bộ về phần nội dung và hình ảnh sẽ thực hiện của chương trình.
+ Dẫn chương trình: người dẫn chương trình, bình luận viên, khách mời là những nhân tố đóng một vai trò quan trọng trong truyền hình thể thao trực tiếp. Chính vì thế trước khi vào chương trình, người dẫn chương trình, bình luận viên, khách mời phải xem kỹ và trao đổi nội dung kịch bản. Kịp thời xử lý những tình huống phát sinh (nếu có) nhất là về mặt nội dung theo sự chỉ đạo của Tổng đạo diễn.
+ Quay phim: Quay phim là người có thể đem đến cho khán giả những hình ảnh trung thực khái quát nhất, những khung hình đáng giá nhất, những cuộc tranh chấp gay cấn nhất.... khi thực hiện một chương trình truyền hình thể thao trực tiếp. Để làm được điều này người quay phim phải có năng lực sáng tạo và làm chủ các thiết bị.
+ Người tổ chức sản xuất: Người tổ chức sản xuất đứng ở vị trí trung gian giữa đạo diễn, giám đốc sản xuất và ê kíp thực hiện. Là người quản lý chung về nội dung và thời lượng của chương trình. Chức danh này có vai trò quan trọng quản lý thực hiện mọi mắt xích trong quá trình tổ chức sản xuất, có tầm
bao quát chung và nhắc nhở đạo diễn cùng ê kíp về lịch làm việc và tiến độ công việc phải hoàn thành khi truyền hình trực tiếp.
+ Nhóm phụ trách kỹ thuật: Các kỹ sư và kỹ thuật viên thuộc nhóm kỹ thuật, chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật tiền kỳ, truyền dẫn trong các chương trình truyền hình thể thao trực tiếp.
+ Giám đốc sản xuất: Là người chịu trách nhiệm chính của chương trình truyền hình trực tiếp và có toàn quyền trong việc quyết định nhân sự, cách sản xuất và chịu trách nhiệm về chất lượng cuối cùng của mỗi chương trình truyền hình thể thao trực tiếp.
Có thể thấy về nhân lực thực hiện chương trình truyền hình thể thao trực tiếp và nhân lực thực hiện chương trình truyền hình thể thao không trực tiếp (ghi hình, sau đó về dựng mới phát sóng) về cơ bản là giống nhau. Vì để sản xuất là một sản phẩm truyền hình cho dù có trực tiếp hay không thì các bước thực hiện đều không có gì khác biệt, vẫn phải tuân theo một qui trình tuần tự các bước. Chỉ có khác là chương trình truyền hình thể thao trực tiếp được duyệt ngay trên sóng và không thể khắc phục triệt để những sai sót, còn chương trình thể thao không trực tiếp có thể xử lý, biên tập lại, rút ngắn thời lượng, kiểm duyệt sau khi ghi hình, dựng hậu kỳ và trước khi phát sóng.
- Tổ chức phương tiện kỹ thuật:
Trong các loại hình báo chí, truyền hình có độ phụ thuộc vào máy móc, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật lớn nhất. Ngay từ khâu chuẩn bị sản xuất, người TCSX phải có kế hoạch cụ thể về việc sử dụng kỹ thuật, công nghệ, tính khả thi trong sử dụng các loại máy móc, thiết bị liên quan. Bởi, việc sử dụng hiệu quả các máy móc, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật này còn có tác dụng tối ưu hóa lợi ích kinh tế, tiết kiệm thời gian và tạo ra môi trường làm việc thuận lợi, sáng tạo và hiệu suất cao.
Đối với truyền hình trực tiếp thể thao, điều kiện kỹ thuật đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Sự kiện diễn ra có cuốn hút đến mức nào cũng trở nên vô
nghĩa khi nó không được chuyển tải đến công chúng do thiếu một thiết bị kỹ thuật nào đó hoặc do những sự cố về kỹ thuật bất ngờ xảy ra. Có thể nói, thiết bị kỹ thuật hiện đại là cầu nối, làm cho khoảng cách giữa truyền hình với cuộc sống gần hơn. Trong quá trình truyền hình thể thao trực tiếp, nhóm kỹ thuật được chia làm 2 bộ phận phụ trách công việc ở 2 địa điểm:
+ Nơi diễn ra sự kiện: có nhịệm vụ xử lý hình ảnh từ camera chuyển về xe truyền hình lưu động và từ xe truyền hình lưu động về Trung tâm kỹ thuật của đài truyền hình.
+ Trung tâm kỹ thuật truyền hình: tiếp nhận tín hiệu từ hiện trường chuyển về và đưa lên sóng.
Hệ thống máy móc, trang thiết bị kỹ thuật mang lại nhiều tiện ích cho quá trình sản xuất chương trình truyền hình. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho các hệ thống thiết bị hiện đại rất đắt đỏ. Cho nên việc thường xuyên đổi mới kỹ thuật, trang bị những máy móc hiện đại còn tùy thuộc vào tiềm lực kinh tế của mỗi kênh truyền hình, mỗi Đài truyền hình. Không phải cứ khi khoa học kỹ thuật phát minh ra máy móc, công nghệ mới về truyền hình là bất cứ một kênh nào cũng có thể tiếp cận được.
Về kỹ thuật thì giữa THTT và TH không trực tiếp cũng có nhiều điểm tương đồng và cũng có sự khác biệt. Tương đồng là khâu xử lý hình ảnh thanh, máy móc trang thiết bị tiền kỳ, tất cả đều phải chuẩn bị giống nhau. Nhưng khác ở chỗ là phần kỹ thuật truyền dẫn phát sóng. Ở chương trình TH không trực tiếp là không có phát sóng ngay thời điểm ghi hình, mà phần này sẽ thực hiện tại trung tâm phát sóng của Đài truyền hình khi chương trình đã qua phần hậu kỳ kiểm duyệt. Trong khi đó chương trình TH trực tiếp phát sóng song song khi ghi hình, không được phép chỉnh sửa vì không có phần xử lý hậu kỳ.
- Tổ chức tài chính:
Cùng với đội ngũ nhân lực và trang thiết bị kỹ thuật, một chương trình truyền hình thể thao trực tiếp không thể thực hiện được nếu như không có
hoặc hạn chế về kinh phí. Kinh phí để trang trải mua sắm, thuê mướn đạo cụ, chi trả thù lao cho khách mời, ê kíp thực hiện, … Sự hạn chế về kinh phí sẽ cản trở khả năng sáng tạo của ê kíp sản xuất chương trình, bởi vì chương trình truyền hình nói chung, hay chương trình truyền hình thể thao trực tiếp nói riêng đòi hỏi cao về nghiệp vụ truyền hình.
Trong bối cảnh tự chủ tài chính, các cơ quan báo chí nói chung và các Đài PT-TH đều phải phát huy nguồn lực (nhất là nguồn lực xã hội hóa) để phục vụ quá trình sản xuất. Như vậy, tổ chức tài chính chính là việc huy động, phân bổ nguồn kinh phí để phục vụ quá trình tổ chức sản xuất các chương trình một cách hiệu quả, góp phần thu hút khán giả và thu hút nguồn thu từ quảng cáo vào các chương trình, từ đó phục vụ trực tiếp cho quá trình sản xuất. Đây là quy trình khép kín, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, công đoạn nọ có tác động đến công đoạn kia và ngược lại.