Yêu nước thì phải gắn liền với thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Một phần của tài liệu LUẬN văn giáo dục chủ nghĩa yêu nước hồ chí minh cho thanh niên tỉnh thanh hoá trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Trang 64 - 72)

bảo vệ Tổ quốc

Sinh thời Hồ Chí Minh rất chăm lo tới công tác thi đua đồng thời là tấm gương mẫu mực trong mọi phong trào thi đua do chính Người khởi sướng.

Xuất phát từ quan điểm coi quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nên thi đua là phát huy nội lực của toàn dân, thi đua là quy tụ sức mạnh của dân

tộc. Thi đua là một đặc trưng nổi bật của sự vận động phát triển trong một xã hội mà nhân dân lao động làm chủ. Thi đua là khơi dậy trong mỗi cá nhân, mỗi tập thể và toàn xã hội tính chủ động, tích cực, sáng tạo.

Thi đua là khơi dậy lòng tự tin, trí tiến thủ, lòng hăng say, sự quả quyết, lòng dũng cảm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám vượt qua khó khăn gian khổ....nhằm cùng nhau đua sức, đua tài, thực hiện những nhiệm vụ cách mạng, vì lợi ích thiết thân của từng cá nhân và cả cộng đồng.

Với mục đích đưa dân tộc đến bến bờ tự do, ấm no và hạnh phúc, Hồ Chí Minh đã dày công tìm kiếm con đường và biện pháp làm cho tinh thần yêu nước của cả dân tộc được bộc ra trong hành động và được huy động vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Con đường và biện pháp ấy là thi đua yêu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào thi đua yêu nước năm 1948 lúc mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang gay go quyết liệt, để nhằm động viên, cổ vũ toàn bộ tinh thần và lực lượng của cả nước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Người chỉ rõ:

Nhân dân ta thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm để cải thiện đời sống tinh thần và vật chất của quân và dân, cung cấp đầy đủ cho kháng chiến chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Quân đội ta thi đua giết giặc lập công để tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chuẩn bị chuyển sang tổng phản

công để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, hoàn thành dân chủ mới tiến lên chủ nghĩa xã hội" [39, tr.469]. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rõ "lực lượng của dân, tinh thần của dân: là vô cùng to lớn, là cội nguồn sức mạnh của đất nước và phải được tổ chức, lãnh đạo, động viên và cổ vũ. Quan điểm " Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất" [39, tr.473], đã trở thành phong trào cách mạng trong toàn nhân dân, một phong trào tự giác gắn với bổn phận, trách nhiệm của mỗi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt sĩ, nông, công, thương , binh, già, trẻ, trai, gái... Trên tất cả các mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Người viết: "Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thi đua" [39, tr.476].

Bộ đội thi đua giết giặc lập công, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc, các cháu thiếu niên nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn, đồng bào, phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp, trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh, nhân viên chính phủ thi đua tận tụy với công việc phụng sự nhân dân, mỗi người Việt Nam yêu nước, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến, kiến quốc tùy theo khả năng, sức lực, công việc của mình làm cho thi đua ái quốc trở nên sôi nổi, ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân. Đối với kiều bào ta ở nước ngoài, Người kêu gọi phát huy tinh thần yêu nước, giương cao

ngọn cờ đại đoàn kết, tích cực góp phần của cải, trí tuệ của mình vào sự nghiệp chung của dân tộc, kháng chiến thành công, kiến quốc thắng lợi.

Hồ Chí Minh chỉ rõ "Dưới chế độ tư bản, thực dân và phong kiến quyết không thể có phong trào thi đua yêu nước,....Chỉ có dưới chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, dưới chế độ mà nhân dân lao động làm chủ nước nhà, thì mới có phong trào thi đua" [42, tr.198]. Thi đua của chúng ta là "Thi đua với tinh thần giác ngộ xã hội chủ nghĩa". Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà còn làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới.

Thi đua góp phần cải tạo con người, là một cách tốt nhất, rất thiết thực để làm cho con người tiến bộ. Thi đua làm hạn chế mặt xấu và làm tăng mặt tốt, mặt tích cực trong mỗi con người. " Yêu nước thì phải thi đua, thi đua tức là yêu nước ", " Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực ". Thi đua yêu nước là lợi cho mình, lợi cho gia đình mình và lợi cho làng cho nước, cho dân tộc. Người nói "Tất cả mọi ngành muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội muốn làm cho dân giàu, nước mạnh thì phải thi đua".

Nhưng thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững, nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người và phải có kế hoạch tỷ mỷ, nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng đúng mức. Thi đua không phải cái gì cao xa, khác lạ.

Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Thi đua chính là "Những công việc hàng ngày" và "Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua". "Mọi việc điều có thi đua". Phong trào thi đua phải được tổ chức tốt, có trọng tâm, trọng điểm, có những mục tiêu riêng để đáp ứng nhiệm vụ chính trị cho từng thời gian, từng giai đoạn của cách mạng, sát hợp hoàn cảnh của từng nơi, tránh rập khuôn, máy móc làm theo chỉ thị một cách cứng nhắc, thiếu linh hoạt, thiếu tính lịch sự cụ thể với từng nơi, từng lúc, từng đơn vị.

Trong quá trình thi đua, Hồ Chí Minh rất coi trọng việc rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm, gom góp sáng kiến. Người nói "Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi" [39, tr.471]. Để thi đua yêu nước có kết quả cao, Người cũng rất quan tâm đến khen thưởng. Người viết "Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch". Để có một vụ thu hoạch thắng lợi thì khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc. Có làm được như vậy thì khen thưởng mới có tác dụng động viên, khen thưởng mới thể hiện chức năng "Đòn bẩy" của mình. Khen thưởng là sự công nhận thành tích đạt được, mức độ khen thưởng là thể hiện mức độ của thành tích, của công lao đóng góp của cá nhân và tập thể. Không phải khen thưởng để mà khen thưởng mà vấn đề ở đây là vì cái sắp tới mà khen cái đã làm.

Kháng chiến của ta là trường kỳ, toàn dân và toàn diện. Do vậy thi đua cũng phải trường kỳ, toàn dân, toàn diện mà không phải

nhất thời trong từng việc, ở từng đợt. Người viết "Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công" [38, tr.658], và " Tất cả mọi việc ích lợi cho dân sinh quốc kế, quan hệ với kháng chiến kiến quốc, ta đều phải thi đua. Thi đua phải là toàn dân toàn diện" [38, tr.659-660].

Hồ Chí Minh quan niệm về thi đua yêu nước không phải bó hẹp trong một cơ quan, một địa phương, một ngành, một nước mà còn mở rộng ra trên phạm vi quốc tế và mang tinh thần quốc tế. Người viết "Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà lại làm cho nhân dân đoàn kết với nhân dân lao động thế giới" [39, tr.474].

Hồ Chí Minh còn chỉ rõ rằng trong thi đua chúng ta tiêu diệt nhiều sinh lực đế quốc Pháp và Mỹ, tức là ta thiết thực góp phần vào công việc giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới.

Nhằm không ngừng đẩy mạnh, phát triển phong trào thi đua rộng khắp hơn nữa, Người luôn căn dặn "Chúng ta phải chống bệnh quan liêu, chống nạn tham ô, lãng phí. Vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm nó chậm tiến, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những phong trào thi đua" [39, tr.475] và "Phải gắn liền tinh thần thi đua với tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế. Tuyệt đối chớ tự kiêu, tự mãn chớ xa rời quần chúng. Phải luôn nhớ rằng thành tích là thành tích tập thể, chứ không phải thành tích và anh hùng cá nhân. Đó là vinh dự chung

của dân tộc, chứ không phải là vinh dự riêng của từng cá nhân" [39, tr.476].

Hồ Chí Minh chỉ rõ thi đua là nhằm mục đích "Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, và tiến lên chủ nghĩa xã hội". Thi đua yêu nước không ngừng tạo ra khí thế và tinh thần dân tộc cao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn đẩy cao tầm vị thế của đất nước và niềm tự hào của dân tộc giữa cộng đồng thế giới. Phong trào thi đua mà Hồ Chí Minh phát động và lãnh đạo là biểu hiện tập trung của ý thức yêu nước thâm nhập vào quần chúng biến thành sức mạnh của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là biểu hiện rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của toàn thể dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Ngày nay trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và nhà nước ta chủ trương nhân rộng phong trào thi đua yêu nước hơn nữa trong toàn dân nhằm tạo ra nguồn động lực mới thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Như vậy, có thể khẳng định rằng những thành quả to lớn của cách mạng Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng như trong công cuộc đổi mới hiện nay gắn liền với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước trên phạm vi cả nước. Việc thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tốt đã nhân lên gấp bội sức mạnh tinh thần của dân tộc ta, trở thành lực lượng vật chất mạnh mẽ góp phần đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, làm thất

bại mọi âm mưu và hành động "diễn biến hoà bình" và hoạt động lật đổ của các thế lực thù địch. Thi đua yêu nước đã góp phần động viên các tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Từ những điều trình bày ở chương 1, ta thấy: chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã có bước nhảy vọt về chất trở thành chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là chủ nghĩa yêu nước xuất hiện trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam bằng con đường cách mạng vô sản và xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh thực sự là tài sản tinh thần to lớn mà Người đã để lại cho toàn Đảng và toàn dân ta. Ngày nay chúng ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phấn đấu vì mục tiêu dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Phát huy chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng hiện nay là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết cần được các ngành các cấp đặc biệt quan tâm, trong đó giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên phải được ưu tiên hàng đầu vì đây là lực lượng đông đảo nhất kế thừa sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên tỉnh Thanh Hoá trong thời kỳ hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN văn giáo dục chủ nghĩa yêu nước hồ chí minh cho thanh niên tỉnh thanh hoá trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Trang 64 - 72)