Đôi điều về tỉnh Thanh Hoá

Một phần của tài liệu LUẬN văn giáo dục chủ nghĩa yêu nước hồ chí minh cho thanh niên tỉnh thanh hoá trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Trang 84 - 89)

Tỉnh Thanh Hoá, phía Bắc tiếp giáp với 3 tỉnh: Sơn La, Hoà Bình, Ninh Bình, phía Nam giáp với tỉnh Nghệ An, phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), phía Đông là vịnh Bắc Bộ với chiều dài bờ biển là 102 km.

Toạ độ địa lý : 19018 đến 200 vĩ độ Bắc

104022 đến 106004 kinh độ đông.

ở vị trí địa lý này Thanh Hoá nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Khí hậu có 2 mùa rõ rệt, mùa nóng trùng với mùa mưa và mùa lạnh trùng với mùa khô. Nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 23-240C. Lượng mưa trung bình năm từ 1.600 - 1.800mm. Lượng mưa lớn, ánh sáng dồi dào là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông, lâm, ngư nghiệp.

Diện tích tự nhiên của tỉnh là 11.168km2, gồm miền núi, vùng cao - biên giới, vùng đồng bằng và vùng biển, xếp thứ 6 về diện tích trong cả nước. Thanh Hoá nằm ở cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ và Nam Bộ bằng quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 15A nối liền Thanh Hoá với các tỉnh Tây Bắc, quốc lộ 10 nối Thanh Hoá với các tỉnh duyên hải Bắc Bộ còn quốc lộ 217 nối thông Thanh Hoá với nước bạn Lào. Trong lịch sử, Thanh Hoá đã từng là căn cứ địa vững chắc, là kho nhân tài, vật lực phục vụ các cuộc kháng chiến chống xâm lược.

Điều kiện tự nhiên của Thanh Hoá có nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

Đồi núi chiếm diện tích lớn làm cho Thanh Hoá là tỉnh có tiềm năng về kinh tế lâm nghiệp, dồi dào lâm sản, tài nguyên rừng phong phú.

Bờ biển Thanh Hoá dài, có nhiều bãi cát đẹp, rộng, sạch, thềm lục địa nông, rộng, bằng phẳng với nhiều loại hải sản ngon và quý. Do đó, Thanh Hoá là tỉnh có thế mạnh về khai thác du lịch và phát triển kinh tế biển.

Đồng bằng Thanh Hoá rộng 2.900 km2, rộng nhất miền Trung, thứ ba của cả nước chủ yếu được bồi đắp bằng phù sa của sông. Tuy nhiên, đất đai ở đây không được bằng phẳng, ít có cánh đồng thẳng cánh cò bay mà cao, thấp khác nhau.

Cuộc đấu tranh giữa con người và thiên nhiên ở Thanh Hoá luôn diễn ra gay gắt. Con người xứ Thanh luôn phải vật lộn với thiên tai để chế ngự những khó khăn gây ra, đồng thời khai thác và sử dụng các nguồn lực do thiên nhiên ưu đãi. Chính cuộc đấu tranh gian khổ giữa con người với tự nhiên đã góp phần hun đúc nên tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó, ý chí tự lực, tự cường, tình yêu con người với con người, con người với thiên nhiên... Chính môi trường tự nhiên đã góp phần tạo nên ý chí, bản lĩnh nghị lực và nhiều phẩm chất tốt đẹp cũng như những mặt còn hạn chế của con người và tuổi trẻ xứ Thanh. Con người xứ Thanh sống thân thiện, cởi mở, chan hoà, đó là điều kiện để tiếp thu những cái mới, cái hay, cái đẹp trong quá trình giao lưu, hội nhập. Đồng

thời, nó cũng dễ bị tác động, tập nhiễm những cái xấu, cái lạ và rất dễ thay đổi do những tác động khác nhau.

Thanh Hoá đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử trong tiến trình phát triển của dân tộc. Di chỉ Núi Đọ tiêu biểu cho sơ kỳ đồ đá cũ, di chỉ Hoa Lộc tiêu biểu cho sơ kỳ thời đại đồng thau và nhiều di chỉ thuộc nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ, đặc trưng cho hậu kỳ thời đại đồ đồng và sơ kỳ thời đại đồ sắt của Việt Nam. Chiều sâu và tính liên tục đó của lịch sử nói lên rằng, Thanh Hoá đã là một bộ phận lâu đời của đất nước ta. Khoảng 30 vạn năm về trước, nơi đây đã là địa bàn cư trú của người Việt cổ.

Thanh Hoá nổi tiếng trong lịch sử về "địa lợi, nhân hoà", "địa linh, nhân kiệt". Niềm tự hào lớn nhất của Thanh Hoá là người xứ Thanh với những "trai anh hùng, gái đảm đang", với truyền thống "người châu ái phóng khoáng và chuộng điều nghĩa". Lịch sử lưu danh các anh hùng dân tộc như: Triệu Thị Trinh, Lê Hoàn, Lê Lợi, Hồ Quý Ly, Dương Đình Nghệ. Các học giả nổi tiếng như Lê Văn Hưu, Nhữ Bá Sĩ, Đào Duy Từ, Nguyễn Sư Lộ, Trần án Triêm, Lê Huy Du... là những con người đã phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của quê hương Thanh Hoá và để các thế hệ sau tiếp tục giữ gìn phát huy bằng các thành tích xuất sắc trong lao động, học tập và chiến đấu. Những công trình thủy lợi khổng lồ như hệ thống thủy lợi Bái Thượng, hệ thống đê sông Chu và sông Mã biểu hiện tinh thần lao động cần cù, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần chịu khó chịu khổ, nghị lực kiên cường của hàng triệu người con Thanh

Hoá trong khai hoang, cải tạo tự nhiên, trong đấu tranh chống lũ lụt, hạn hán.

Trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thanh Hoá dốc lòng, dốc sức cùng với nhân dân cả nước đấu tranh giành lại độc lập cho nước nhà. Những chiến công của người Thanh Hoá một thời bom đạn được ghi lại bằng những danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lực lượng công an nhân dân, Anh hùng lao động của tập thể và cá nhân như: Bùi Văn Bịn, Bùi Xuân Trúc, Lê Xuân Xinh, Nguyễn Nho Bồng, Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Xuân Trạc,...

Trong kháng chiến chống Mỹ nhân dân trong tỉnh luôn dốc sức dốc lòng cho tiền tuyến với khẩu hiệu "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Thanh Hoá có những đội dân quân Hàm Rồng - Nam Ngạn, đội nữ du kích Hoa Lộc, đội lão dân quân Hoằng Trường đã làm kẻ thù khiếp sợ. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Thanh Hoá, đến tháng 10 năm 2005, Đảng và Nhà nước đã tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 58 đơn vị 84 cá nhân và danh hiệu Anh hùng lao động cho 8 đơn vị, 16 cá nhân. Tính đến ngày 6 tháng 3 năm 2005 toàn tỉnh có 1.384 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 43.505 liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Trong giai đoạn hoà bình thống nhất, những người con của quê hương Thanh Hoá đem tài năng và sức lực của mình góp phần

làm giàu mạnh quê hương, đất nước và được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới như: Lê Văn Tam - Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn...

Thanh Hoá còn là kho tàng văn hoá dân gian quý báu với điệu hò sông Mã, hát trống quân, múa Đông Anh, Xuân Pá Pồn Pông...

Những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử hào hùng gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Về di sản văn hoá có Núi Đọ Đông Sơn (tiêu biểu là trống đồng Đông Sơn). Về di tích lịch sử có kinh thành cổ Lam Kinh (Thọ Xuân), thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành), chiến khu Ba Đình (Nga Sơn), chiến khu Nam Ngạn - Hàm Rồng... Đền thờ các vị anh hùng dân tộc như: đền thờ Bà Triệu (Hậu Lộc), đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân), đền thờ Dương Đình Nghệ, Lê Văn Hưu (Thiệu Hoá), đền thờ Chu Văn Lương, Trần Khát Chân... Những danh thắng như: núi Vọng Phu với truyền thuyết người đàn bà chung thủy chờ chồng đến hoá đá, núi Rồng nằm trên dãy núi Ngũ Hoa Phong với 99 ngọn núi, núi Ngọc hay còn gọi là núi Châu Phong, Biển Sầm Sơn một trong những bãi biển đẹp của đất nước, Vườn quốc gia Bến En, các hang động nổi tiếng như động Bích Đào, động Từ Thức, động Tiên Sơn, bãi chim Tiến Nông, hang cá thần Cầm Lương, bán đảo Nghi Sơn, hồ Sông Mực... là niềm tự hào của con người nơi đây. Tất cả những truyền

thống tốt đẹp, những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mà cha ông chúng ta đã dày công xây dựng, gìn giữ cho đến ngày nay vẫn được nhân dân Thanh Hoá phát huy tới cao độ, tạo nên sức mạnh và điểm tựa vững chắc, là động lực khích lệ tuổi trẻ Thanh Hoá trong hoà bình bằng tài năng, sức lực của mình vững vàng chiếm lĩnh những đỉnh cao về khoa học, công nghệ, văn hoá, đạo đức, cùng nhau chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng quê hương Thanh Hoá giàu mạnh.

Dân số của Thanh Hoá là 3,7 triệu người (2006), có các dân tộc anh em cùng chung sống như Kinh, Mường, Thái, H'mông, Dao, Khơ mú, Tày... Mật độ dân số trung bình: 325,5 người/km2. Tỉnh Thanh Hoá có 24 huyện, 1 thành phố Thanh Hoá, 2 thị xã (Bỉm Sơn và Sầm Sơn), 582 xã, 30 thị trấn, 18 phường, trong đó 220 xã thuộc miền núi (có 205 xã thuộc vùng núi cao).

Với tiềm năng đa dạng và phong phú về con người, đất đai, khoáng sản, khí hậu... những yếu tố đó là điều kiện thuận lợi để Thanh Hoá phát triển du lịch, dịch vụ và một nền sản xuất hàng hoá đa dạng với những ngành mũi nhọn đặc thù, phát triển mạnh kinh tế, mở rộng giao lưu trong nước và quốc tế. Đời sống của nhân dân Thanh Hoá ngày càng được cải thiện.

Những điều vừa nêu trên là những điều kiện thuận lợi và những khó khăn thử thách cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một phần của tài liệu LUẬN văn giáo dục chủ nghĩa yêu nước hồ chí minh cho thanh niên tỉnh thanh hoá trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Trang 84 - 89)