Kết hợp giữa giáo dục gia đình, nhà trường, đoàn thể với xã hộ

Một phần của tài liệu LUẬN văn giáo dục chủ nghĩa yêu nước hồ chí minh cho thanh niên tỉnh thanh hoá trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Trang 132 - 137)

với xã hội

Để không ngừng nâng cao chất lượng và công tác giáo dục nói chung, giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh nói riêng một trong những giải pháp cơ bản không thể thiếu đó là kết hợp giữa giáo dục gia đình, nhà trường, đoàn thể và xã hội thành một quá trình thống nhất, liên tục và hoàn chỉnh. Quá trình kết hợp này sẽ tạo nên sự thống nhất trong tư tưởng và trong hành động đối với việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên.

Với vị trí chức năng riêng của mình, mỗi lực lượng mỗi môi trường (gia đình, nhà trường, đoàn thể và xã hội) đều có vai trò, vị trí quan trọng riêng. Nếu ta buông lỏng hay xem nhẹ bất kỳ một yếu tố nào sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên và kết quả đạt được sẽ không cao.

Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi gia đình tốt là những tế bào tốt của xã hội, cần phải tạo ra một môi trường lành mạnh, có văn hoá ngay từ trong gia đình và cả ngoài xã hội để thanh niên tự thể hiện và khẳng định mình. Gia đình là môi trường hết sức quan trọng ảnh hưởng rất lớn tới tư tưởng, đạo đức, lối sống nhân cách của các em. Tất cả mọi lời nói, cử chỉ, việc làm của cha mẹ và những người

trong gia đình đều có ảnh hưởng đến con cái. Hiện nay, nhiều gia đình mải làm ăn, lo kinh tế không có thời gian để ý đến con cái dẫn đến sự thiếu thốn tình cảm, thiếu sự giáo dục, quan tâm của cha mẹ, giao phó trách nhiệm giáo dục lại cho nhà trường mà không nhận thức rõ được vai trò, chức năng của gia đình. Thế mạnh của gia đình là sự gắn bó, quan tâm, chăm sóc đến từng thành viên của mình, biết được mặt mạnh mặt yếu của từng người, có thể tìm ra được phương pháp hữu hiệu, thích hợp mang sức mạnh cảm hoá to lớn, tác động đến đối tượng cần giáo dục mà nhà trường và xã hội không thể có được.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã chỉ rõ: Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc [14, tr.103-104].

Giáo dục gia đình giữ vai trò tối quan trọng trong những chặng đường đầu tiên của đời người. Sau này con người phát triển như thế nào tùy thuộc vào môi trường và các quan hệ mà nó tham gia. Trong quan niệm ấy, giáo dục gia đình vẫn là bước khởi đầu của chiến lược con người. Từ thực trạng về vấn đề giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh của gia đình hiện nay, Đảng, Nhà nước cần có chiến lược lâu dài, toàn diện về gia đình, đánh giá đúng đắn vị trí, chức năng và vai trò của gia đình hiện nay, thật sự quan tâm đến

cuộc sống của từng gia đình đặc biệt là chức năng giáo dục truyền thống dân tộc nói chung và chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh nói riêng.

Bên cạnh gia đình, vai trò quản lý, giáo dục của nhà trường và các đoàn thể xã hội trước hết là đoàn thanh niên đối với việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên cũng không kém phần quan trọng. Bởi nhà trường là môi trường giáo dục chuyên nghiệp, có nền nếp kỷ cương, kỷ luật, là nơi trang bị cho sinh viên, học sinh những kiến thức cơ bản, chính thống và cũng là nơi giáo dục cho thanh niên lý tưởng sống, rèn luyện cho thanh niên những phẩm chất đạo đức cần thiết của công dân, tạo dựng cho họ những ước mơ hoài bão lớn lao đồng thời cũng là cơ sở để họ biến những ước mơ đó thành hiện thực. Do vậy, môi trường giáo dục hợp lý sẽ đem lại hiệu quả cao trong giáo dục nói chung và giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh nói riêng.

Để công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh trong nhà trường đạt hiệu quả cao thì thầy giáo, cô giáo phải là những tấm gương sáng về lòng yêu nước để sinh viên, học sinh noi theo. Hồ Chí Minh đã dạy: Một tấm gương sáng còn có giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền. Đồng thời, người thầy biết tìm các hình thức dạy học phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của thanh niên. Việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên không chỉ bằng sách vở, câu chữ mà phải liên kết các hình thức hoạt động khác nhau như: lao động, sinh hoạt, dã ngoại, giao lưu văn hoá... Thông qua

những hoạt động như vậy giúp thanh niên hiểu thêm nhiều vấn đề trong cuộc sống, trong lao động và trong học tập, hiểu thêm những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước. Trang bị cho họ một thế giới quan và phương pháp luận khoa học để họ tự giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống của họ.

Quá trình giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh không những chịu sự chi phối của gia đình, nhà trường mà môi trường xã hội là mảnh đất không kém phần quan trọng để nuôi dưỡng hình thành tinh thần yêu nước của mỗi người. Xã hội giữ vai trò hết sức to lớn trong việc hình thành nhân cách, lối sống của thanh niên, là môi trường rộng lớn mà ở đó có các cá nhân, các đoàn thể, các mối quan hệ giao tiếp với nhau trong lao động học tập và sinh hoạt. Do vậy, đối với xã hội, trực tiếp là Nhà nước cần có những định hướng toàn diện về mọi mặt kinh tế, tư tưởng, văn hoá, đạo đức, pháp luật, hệ thống chính sách, chế độ đãi ngộ đối với công tác thanh niên.

Các đoàn thể xã hội, đặc biệt là đoàn thanh niên, là tổ chức góp phần không nhỏ vào quá trình giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên cũng như giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống... cho họ. Thông qua các hoạt động khác nhau như tham quan, du lịch, sinh hoạt chính trị, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, hay các phong trào do Trung ương đoàn phát động như: Thanh niên tình nguyện, thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Những hoạt động trên sẽ giúp thanh niên thể hiện tài

năng, trí tuệ và bản lĩnh của mình cũng như giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh một cách sâu sắc nhất.

Thanh niên ngày nay được sống trong môi trường văn hoá phong phú và đa dạng, đang được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin trong nước và quốc tế bằng nhiều kênh khác nhau, được giao lưu học hỏi với nhiều nền văn hoá khác nhau. Điều đó có tác động to lớn đến đời sống văn hoá, tinh thần và lối sống của thanh niên, họ là những người hết sức nhạy cảm, dễ tiếp thu cái mới và quên đi những giá trị truyền thống của dân tộc. Do vậy, gia đình, nhà trường, đặc biệt là đoàn thanh niên cần phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, các đơn vị vũ trang nhân dân tổ chức tìm hiểu truyền thống quê hương, đất nước, bằng các hoạt động cụ thể... để thanh niên tham gia. Đây là những hoạt động bổ ích, giúp thanh niên tự rèn luyện, nâng cao ý thức và nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng. Qua đó chúng ta có thể kết hợp giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên một cách thiết thực nhất.

Như vậy, kết hợp giữa giáo dục gia đình, nhà trường, đoàn thể với xã hội là một trong những giải pháp quan trọng đối với việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho thanh niên. Đây là giải pháp cần được đặc biệt quan tâm, nhằm nâng cao chất lượng sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh nói riêng.

Một phần của tài liệu LUẬN văn giáo dục chủ nghĩa yêu nước hồ chí minh cho thanh niên tỉnh thanh hoá trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Trang 132 - 137)