3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
3.5.1. Giải pháp về quy hoạch
Thành phố Đà Nẵng cần rà soát, bổ sung và ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch; hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề đề xuất cho Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù để quản lý và phát triển đô thị Đà Nẵng, thành phố du lịch trọng điểm, nhằm phát huy tối đa lợi thế của mình. Ban hành đầy đủ hệ thống khung pháp lý về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư trong việc thực hiện các dự án xây dựng đô thị, đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Cần có chiến lược, lộ trình quy hoạch đô thị, rà soát lại quy hoạch tổng thể nhằm bảo đảm phát triển các đô thị trên địa bàn thành phố bền vững. Điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, các điểm dân cư nông thôn, đảm bảo công tác quy hoạch phải luôn đi trước một bước. Đô thị hoá tự phát, thiếu khoa học, thiếu định hướng…sẽ làm nảy sinh và để lại nhiều hậu quả tiêu cực, lâu dài, cản trở sự phát triển và đi lên của đất nước.
Công tác quản lý quy hoạch cần đặc biệt coi trọng, thực hiện tốt quy định về công bố, công khai rộng rãi các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố cũng như quận để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện; đồng thời, làm căn cứ để kêu gọi đầu tư xây dựng. Tăng cường công tác quản lý đất đai theo quy hoạch được duyệt, hạn chế điều chỉnh quy hoạch. Nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, trật tự đô thị.
Chú trọng các nội dung quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu đô thị trên địa bàn quận, các khu tái định cư, khu dân cư, nhất là ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông công cộng, các phương tiện giao thông tiên tiến, không gây ô nhiễn môi trường. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách phát triển và xem việc phát triển phương tiện vận tải công cộng là giải pháp trọng tâm để giảm nguy cơ ùn tắc giao thông.
Đầu tư xây dựng các công trình cấp thoát nước, xử lý nước thải và vệ sinh môi trường cũng cần phải được đặc biệt coi trọng. Bởi, hiện tượng ngập úng tại một số đô thị cũng là nguyên nhân gây ách tắc giao thông và gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, văn minh đô thị.
Xây dựng cơ chế, các giải pháp để huy động nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (vốn ODA, FDI...); tranh thủ tối đa các nguồn vốn của Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương, tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước địa phương; Đa dạng hóa các hình thức đầu tư từ các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau theo các hình thức, như: BOT, BT, PPP... Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Chính phủ đã quyết định giảm tổng mức đầu tư từ hơn 40% GDP trước đây xuống còn 34% năm 2012 và 30% năm 2013. Trong tương lai, vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng cũng sẽ phải giảm xuống còn 8 - 9% GDP.