Cũng như các Luật Doanh nghiệp trước đây, Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định bắt buộc CTCP phải trích lập quỹ. Tuy nhiên, các luật chuyên ngành có thể quy định công ty nói chung hay CTCP nói riêng hoạt động trong một ngành nghề nhất định phải trích lập các quỹ dự trữ thì các quỹ đó có tính chất bắt buộc và chỉ được sử dụng cho các mục đích nhất định theo quy định của pháp luật, ví dụ như
Luật Các tổ chức tín dụng,… “Nhưng kể cả trong trường hợp không bắt buộc phải
trích lập các quỹ dự trữ, thực tiễn doanh nghiệp cho thấy các CTCP cũng vẫn thường trích lập một hoặc một số quỹ dự trữ; tuy nhiên trong các trường hợp này, các quỹ đó được trích lập theo các điều kiện và sử dụng cho các mục đích do điều
lệ công ty quy định hoặc theo quyết định của ĐHĐCĐ”25. Mục đích của các quỹ này
là nhằm tạo điều kiện cho công ty chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô, phát triển thị trường, công nghệ và dự phòng những rủi ro, tổn thất có thể xảy ra trong tương lai. Có thể kể đến một số quỹ thường được tạo lập
trong CTCP như: quỹ đầu tư phát triển, các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi.
Quỹ đầu tư phát triển: Quỹ này được dùng để bổ sung vốn điều lệ của Công ty; sử dụng cho các mục đích mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư theo chiều sâu, mua sắm, xây dựng tài sản cố định, cải tiến và đổi mới dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ, mua cổ phiếu, góp cổ phần, nghiên cứu khoa học, trích nộp lên cấp trên để hình thành quỹ phát triển,… Hiện nay, không có văn bản pháp luật cụ thể quy định về quỹ đầu tư phát triển trong CTCP. Tuy nhiên, việc phân phối lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước được thực hiện trong một số điều tại Điều 31 của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, và được hướng dẫn bởi Nghị định 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13 tháng 10 năm 2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Theo đó, áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước, Điều 31 của Nghị định này quy định lợi nhuận sau khi bù đắp lỗ năm trước, trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì phần còn lại sẽ được phân phối theo thứ tự: 1. Chia lãi cho các bên góp vốn, 2. Bù đắp khoản lỗ của các năm trước đã hết hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế, 3. Trích phần lợi nhuận còn lại cho các quỹ đặc thù (nếu có), trích tối đa 30% vào quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp, sau đó mới trích các quỹ khác như quỹ khen thưởng, phúc lợi người lao động trong công ty, quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên. Điều 32 cũng quy định về việc quản lý và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp nhà nước. Tương tự như thế, tác giả cho rằng về nguyên tắc, việc sử dụng và quản lý quỹ của doanh nghiệp thông thường cũng sẽ phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đảm bảo sự minh bạch. Theo quy định của pháp luật kế toán, quỹ này được ghi nhận vào tài khoản 414 theo nguyên tắc được quy định tại Điều 70 Thông tư 200/2014/TT-BTC.
Quỹ khen thưởng được dùng để thưởng cuối năm hoặc thường kỳ trên cơ sở năng suất lao động và thành tích công tác của mỗi cán bộ, công nhân viên trong công ty; thưởng đột xuất cho những cá nhân, tập thể trong công ty; thưởng cho
những cá nhân và đơn vị ngoài công ty có đóng góp nhiều cho hoạt động kinh doanh, công tác quản lý của công ty. Quỹ phúc lợi được dùng để đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa các công trình phúc lợi của công ty; chi cho các hoạt động phúc lợi công cộng của tập thể công nhân viên công ty, phúc lợi xã hội; góp một phần vốn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi chung trong ngành, hoặc với các đơn vị khác theo hợp đồng; ngoài ra có thể sử dụng một phần quỹ phúc lợi để trợ cấp khó khăn đột xuất cho những người lao động kể cả những trường hợp về hưu, về mất sức, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, hoặc làm công tác từ thiện xã hội. Việc sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi do HĐQT hoặc Giám đốc (đối với Công ty không có HĐQT) quyết định sau khi tham khảo ý kiến của công đoàn công ty. Các quỹ này được phân vào mục Các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu, tài khoản 418 theo pháp luật kế toán.
Trước đây, pháp luật có quy định về Quỹ dự phòng tài chính. Đây là quỹ được dùng để bù đắp những tổn thất, thiệt hại về tài sản, công nợ không đòi được xảy ra trong quá trình kinh doanh; bù đắp khoản lỗ của công ty theo quyết định của HĐQT hoặc đại diện chủ sở hữu; ngoài ra một phần sẽ trích nộp lên đơn vị cấp trên (nếu có) theo tỷ lệ quy định. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 70 của Thông tư 200/20214/TT-BTC thì doanh nghiệp không tiếp tục trích Quỹ dự phòng tài chính. Chủ sở hữu doanh nghiệp ra quyết định chuyển số dư Quỹ dự phòng tài chính vào Quỹ đầu tư phát triển.
Việc sử dụng các quỹ nói trên phải thực hiện công khai theo quy chế công khai tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở và quy định của pháp luật. Công ty chỉ được chi các quỹ khen thưởng, phúc lợi sau khi thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn phải trả. Tùy vào ngành nghề kinh doanh của công ty, nếu quy định pháp luật điều chỉnh việc xây dựng và quản lý các quỹ này thì quy chế tổ chức quỹ sẽ tuân theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không có quy định của pháp luật điều chỉnh thì doanh nghiệp sẽ thực hiện tùy nghi, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng doanh nghiệp đó.