Góp vốn điều lệ

Một phần của tài liệu Pháp luật về tạo lập vốn chủ sở hữu của công ty cổ phần (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 29 - 32)

Khi thành lập công ty, các cổ đông sáng lập kêu gọi mọi người mua cổ phần. Dựa trên cơ sở mệnh giá cổ phần, pháp luật xác định vốn điều lệ của CTCP. Dưới góc độ kinh tế, góp vốn là góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, phần vốn góp này trở thành tài sản của công ty, nhờ vậy CTCP mới tiến hành được các hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo được quyền lợi cho các đối tác của mình. Dưới phương diện pháp lý, góp vốn là nghĩa vụ pháp lý quan trọng của các cổ đông, khi các cổ đông cam kết góp, họ đã tự ràng buộc mình trở thành con nợ của công ty do chính họ tạo lập và công ty là pháp nhân trở thành chủ nợ của chính người chủ

của mình. “Hành vi góp vốn để đổi lấy quyền lợi từ công ty khác với hành vi mua

bán tài sản, cho thuê tài sản. Nếu như hành vi bán tài sản, hay cho thuê tài sản thì người bán hay người cho thuê tài sản khi chuyển giao tài sản đó sẽ nhận được ngay số tiền bán hoặc tiền cho thuê tài sản khi chuyển giao tài sản đó. Còn hành vi góp vốn khi chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho công ty, thì người góp vốn sẽ nhận được “quyền lợi” từ công ty. Quyền lợi đó vừa có tính hữu hình vừa có tính vô hình và có thể chuyển đổi thành tiền, thông qua hoạt động của công ty bằng hình thức trả cổ tức, cùng với các quyền lợi khác như quyền được tham gia quản lý công ty,

quyền được biết thông tin về hoạt động của công ty…”6.

6 Trường Đại học Luật Hà Nội (2017), Giáo trình Luật Thương mại Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp, trang 178.

Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các nghĩa vụ của cổ đông khi đăng ký góp vốn vào công ty tại thời điểm công ty được thành lập. Khoản 1 Điều này quy định rằng các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp GCNĐKDN, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Quy định này cho thấy, thời hạn tối đa để các cổ đông thanh toán nghĩa vụ góp vốn của mình là 90 ngày, kể từ ngày công ty được thành lập về mặt pháp lý (tức được cấp GCNĐKDN). Trong một số trường hợp, luật quy định thời hạn nói trên có thể được thay đổi, nhưng chỉ thay đổi theo hướng ngắn hơn 90 ngày. Có thể nhận thấy quy định này nhằm mục đích bảo đảm sự an toàn vốn cho công ty tại thời điểm thành lập, tránh việc các cổ đông cố tình kéo dài thời hạn góp vốn khiến công ty xuất hiện tình trạng vốn ảo. Các cổ đông sáng lập, các nhà đầu tư là các chủ thể vẫn có thời gian để chuẩn bị vốn và góp vốn vào công ty tại thời điểm trước khi công ty được thành lập. Do vậy, khi công ty đã thành lập, thời hạn 90 ngày là thời hạn các nhà làm luật đã tính toán và cho phép đây là thời gian tối đa để góp vốn.

Quy định tại Điều 113 này cũng tạo ra nhiều ý nghĩa về mặt pháp lý khác. Khoản 2 Điều 113 quy định rằng: Trong thời hạn từ ngày công ty được cấp GCNĐKDN đến ngày cuối cùng phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua quy định tại khoản 1 Điều này, số phiếu biểu quyết của các cổ đông được tính theo số cổ phần phổ thông đã được đăng ký mua, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Ta hiểu rằng, trong khoảng thời gian 90 ngày kể từ ngày công ty được thành lập, các cổ đông sẽ được tính là con nợ của công ty cho đến khi họ thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua. Đồng thời, trong khoảng thời gian này, giá trị thật của công ty chưa hẳn đã cân bằng với số vốn điều lệ của công ty tại thời điểm đó, thường là sẽ thấp hơn, vì cổ đông chưa góp đủ vốn. Tuy nhiên, các cổ đông được hưởng một quyền lợi đó là số phiếu biểu quyết của họ được tính theo số cổ phần phổ thông mà họ đã đăng ký mua (trừ trường hợp Điều lệ công ty không quy định như vậy). Quy định này có ý nghĩa lớn về mặt quản lý công ty đối với những cổ

đông đã đăng ký mua cổ phần với số lượng lớn, chi phối hoặc có khả năng chi phối các quyết định của công ty.

Tuy vậy, quy định tại các khoản tiếp theo của Điều 113 (khoản 3 và khoản 4) cũng đồng thời đưa ra nghĩa vụ của cổ đông và cách thức xử lý khi cổ đông đã đăng ký mua nhưng chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn luật định. Xét về mặt tư cách pháp lý, cổ đông thanh toán đầy đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn luật định trở thành cổ đông của công ty kể từ thời điểm đã thanh toán việc mua cổ phần và các thông tin về cổ đông này được ghi nhận vào sổ đăng ký cổ đông. Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác; cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị (HĐQT) được quyền bán. Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác. Điểm d khoản 3 Điều 113 quy định rằng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều này, công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập. Như vậy, CTCP sẽ vẫn có thêm 30 ngày tiếp theo để điều chỉnh số vốn điều lệ. Thời hạn tổng cộng là 120 ngày để công ty góp vốn và điều chỉnh (nếu có) để số vốn điều lệ phản ánh giá trị thực góp của các cổ đông công ty.

Tiếp theo, khoản 4 Điều này quy định thành viên HĐQT, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 3 Điều này. Có thể thấy rằng, trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm thành lập CTCP, các cổ đông mặc dù chưa góp đủ vốn nhưng vẫn nhận được quyền tương ứng với số vốn đã đăng ký mua. Ngược lại, họ cũng sẽ phải chịu nghĩa vụ pháp lý tương đương phát sinh từ

những nghĩa vụ tài chính do những quyết định của mình dựa trên số vốn đã đăng ký mua.

Vậy trong trường hợp CTCP vi phạm các quy định nói trên thì sẽ bị xử lý như thế nào? Nghị định số 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 6 năm 2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư trả lời cho câu hỏi này. Theo đó, tại Điều 28 quy định rằng nếu CTCP không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Một phần của tài liệu Pháp luật về tạo lập vốn chủ sở hữu của công ty cổ phần (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)