Luật Doanh nghiệp không có quy định về thặng dư vốn mà chế định này được quy định rải rác trong các văn bản dưới luật. Cụ thể, tại Điều 67 của Thông tư 200/2014/TT-BTC, điểm h khoản 1 Điều này quy định rằng thặng dư vốn cổ phần phản ánh khoản chênh lệch giữa mệnh giá và giá phát hành cổ phiếu (kể cả các trường hợp tái phát hành cổ phiếu quỹ) và có thể là thặng dư dương (nếu giá phát hành cao hơn mệnh giá) hoặc thặng dư âm (nếu giá phát hành thấp hơn mệnh giá). Quy định tương tự về thặng dư vốn cũng được ghi nhận tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Thông tư 133/2016/TT-BTC. Như vậy, thặng dư vốn là khoản chênh lệch giữa mệnh giá và giá phát hành cổ phiếu. Thặng dư vốn được tính theo công thức sau: Thặng dư vốn cổ phần = (giá phát hành – mệnh giá) x số phát hành. Ví dụ: Đối với trường hợp công ty bán cổ phần với mệnh giá 15.000 VNĐ/cổ phần, cao hơn mệnh giá cổ phần là 5.000 VNĐ thì số phần dư ra được coi là thặng dư vốn của công ty. Thặng dư vốn được hình thành từ phát hành thêm cổ phần và khoản thặng dư này sẽ không được xem là vốn cổ phần (tức vốn điều lệ) (mặc dù nằm trong phạm trù vốn chủ sở hữu) cho tới khi được chuyển đổi thành cổ phần và kết chuyển vào vốn điều lệ của công ty.
Căn cứ điểm 3 phần I của Thông tư 19/2003/TT-BTC thì các khoản chênh lệch tăng do mua, bán cổ phiếu quỹ, chênh lệch do giá phát hành thêm cổ phiếu mới lớn hơn so với mệnh giá phải được hạch toán vào tài khoản thặng dư vốn, không hạch toán vào thu nhập tài chính của doanh nghiệp. Không tính thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thặng dư này.
Ngoài ra, theo điểm 1 và điểm 2 mục A phần II của Thông tư 19/2003/TT- BTC, cần lưu ý một số nội dung sau về thặng dư vốn cổ phần khi kết chuyển nguồn thặng dư vốn để bổ sung tăng vốn điều lệ như sau:
(i) Đối với khoản chênh lệch tăng giữa giá bán và giá vốn mua vào của cổ phiếu quỹ, công ty được sử dụng toàn bộ chênh lệch để tăng vốn điều lệ. Trường hợp chưa bán hết cổ phiếu quỹ thì công ty chỉ được sử dụng phần chênh lệch tăng giữa nguồn thặng dư vốn so với tổng giá vốn cổ phiếu quỹ chưa bán để bổ sung tăng vốn điều lệ. Nếu tổng giá vốn cổ phiếu quỹ chưa bán bằng hoặc lớn hơn nguồn thặng dư vốn thì công ty chưa được điều chỉnh tăng vốn điều lệ bằng nguồn vốn này.
Quy định này là quy định liên quan đến trường hợp thặng dư vốn được hình thành do CTCP thực hiện giao dịch cổ phiếu quỹ và tạo ra nguồn thặng dư vốn do chênh lệch tăng giữa giá bán và giá mua vào cổ phiếu quỹ. Như đã phân tích ở phần Cổ phiếu quỹ, quy định này hiện vẫn được áp dụng, tuy nhiên, chỉ còn được áp dụng đối với các công ty đại chúng đã mua cổ phiếu quỹ trước khi Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực mà chưa bán hết số cổ phiếu quỹ này. Điều kiện để tăng vốn điều lệ ở đây là tổng giá vốn cổ phiếu quỹ chưa bán phải nhỏ hơn nguồn thặng dư vốn hiện có do việc bán cổ phiếu quỹ hình thành nên.
(ii) Đối với khoản chênh lệch giữa giá bán với mệnh giá cổ phiếu được phát hành để thực hiện các dự án đầu tư thì CTCP chỉ được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ sau 3 năm kể từ khi dự án đầu tư đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. Và đối với khoản chênh lệch giữa giá bán với mệnh giá cổ phiếu được phát hành để cơ cấu lại nợ, bổ sung vốn kinh doanh thì CTCP chỉ được sử dụng để bổ sung tăng vốn điều lệ sau 1 năm kể từ thời điểm kết thúc đợt phát hành. Trong hai trường hợp này, pháp luật giới hạn thời hạn để công ty kết chuyển thặng dư vốn bổ sung vốn điều lệ tùy thuộc vào mục đích phát hành cổ phiếu. Mục đích phát hành cổ phiếu ở hai trường hợp là để thực hiện dự án đầu tư hoặc cơ cấu lại nợ, bổ sung vốn kinh doanh. Các doanh nghiệp phải thể hiện rõ mục đích phát hành cổ phiếu mới vì sẽ ảnh hưởng đến thời điểm và điều kiện được phép thực hiện việc tăng vốn điều lệ.
Tiếp theo, Thông tư 19/2003/TT-BTC cũng quy định về cách thức để tăng vốn điều lệ bằng nguồn thặng dư vốn, đó là chia cho các cổ đông hiện hữu dưới hình thức cổ phiếu theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của từng cổ đông với số lượng cổ phần dự kiến phát hành thêm được xác định bằng với nguồn vốn dự kiến dùng để tăng vốn điều lệ chia cho mệnh giá của một cổ phần. Để dễ hình dung, chẳng hạn công ty A có vốn điều lệ là 2 tỷ, mệnh giá cổ phần 10 nghìn đồng, gồm 200.000 cổ phần; A có được thặng dư vốn sau khi phát hành mới cổ phần là 2 tỷ và công ty muốn sử dụng 2 tỷ này để tăng vốn điều lệ lên 4 tỷ. Theo công thức nói trên, số lượng cổ phần dự kiến phát hành thêm là 2 tỷ chia cho 10 nghìn đồng, bằng 200.000 cổ phần mới. Có nghĩa là, công ty sẽ phải phát hành thêm 200.000 cổ phần mới không thu tiền cho mọi cổ đông theo tỷ lệ 1:1 (mỗi cổ phần cũ được phát không một cổ phần mới). Thủ tục tăng vốn điều lệ này thực chất là điều chỉnh lại số liệu về nguồn vốn trên kế toán và báo cáo tài chính. Thực chất, đây chỉ là việc chuyển đổi giữa các khoản mục tiêu trên bảng cân đối kế toán. Cụ thể là giảm thặng dư vốn sang tăng vốn điều lệ mà không làm thay đổi tổng nguồn vốn chủ sở hữu. Tổng số vốn (tài sản) công ty thực tế đang sử dụng không vì thế mà tăng thêm. Và nếu hiệu quả kinh doanh cũng không tăng thì tổng số lãi thu được cũng không thể tăng. Nhưng do số lượng cổ phần tăng gấp đôi, nên lãi chia cho mỗi cổ phần sẽ giảm một nửa. Tuy nhiên cổ tức
của cổ đông không giảm vì họ đã có số cổ phần tăng gấp đôi. “Về bản chất, thặng
dư vốn (theo định nghĩa trên) vẫn chỉ là nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu để chia thặng dư vốn cổ phần bằng cổ phiếu không phát sinh thu nhập của đơn vị phát hành cổ phiếu nên khi nhận được Khoản thu nhập bằng cổ phiếu này, doanh nghiệp được chia thặng dư vốn bằng cổ
phiếu không phải nộp thuế TNDN đối với Khoản thu nhập này”24.
Việc tăng vốn điều lệ bằng thặng dư vốn cũng chính là trả cổ tức bằng cổ phần. Theo quy định tại khoản 2 Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020, thì cổ tức trả
24 Công văn số 3628/TCT-CS ngày 5 tháng 9 năm 2007 của Tổng cục thuế về việc Thuế TNDN đối với Khoản thu nhập được chia từ thặng dư vốn cổ phần bằng cổ phiếu, https://vanbanphapluat.com/cong-van-so- 3628-tct-cs-ve-viec-thue-tndn-doi-voi-khoan-thu-nhap-duoc-chia-tu-thang-du-von-co-phan-bang-co-phieu- do-tong-cuc-thue-ban-hanh-59023.html, truy cập ngày 15/7/2021.
cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; b) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; c) Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn. Đồng thời, tiết đ điểm 2 phần I của Thông tư 19/2003/TT-BTC cũng quy định rằng trả cổ tức bằng cổ phiếu là việc CTCP sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế được tích luỹ (bao hàm cả nguồn ưu đãi miễn, giảm thuế của nhà nước) để bổ sung tăng vốn điều lệ, đồng thời tăng thêm cổ phiếu cho các cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của từng cổ đông trong doanh nghiệp (hay còn gọi là cổ phiếu thưởng). Như vậy, khi bổ sung tăng vốn điều lệ từ nguồn thặng dư vốn, công ty đã đồng thời đang thực hiện việc chia cổ tức bằng cổ phần cho các cổ đông.