Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn

Một phần của tài liệu Pháp luật về tạo lập vốn chủ sở hữu của công ty cổ phần (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 37 - 38)

Như đã phân tích ở trên, tài sản góp vốn có thể là nhiều loại tài sản khác nhau nên việc chuyển quyền sở hữu tài sản cũng phải theo các quy chế pháp lý khác nhau tương ứng với từng loại tài sản.

Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định những nguyên tắc mang tính chất tổng quát về chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn tại công ty nói chung, CTCP nói riêng. Theo đó, đối với các tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ. Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản. Khoản 2 Điều này cũng quy định các nội dung cần có đối với một biên bản giao nhận tài sản góp vốn.

Ngoài ra, theo khoản 13 Điều 14 của Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 31 tháng 12 năm 2013 hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và

Nghị định số 209/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng thì trường hợp cá nhân, tổ chức góp vốn bằng tài sản vào CTCP thì chứng từ đối với tài sản góp vốn bao gồm: Biên bản chứng nhận góp vốn; Biên bản giao nhận tài sản.

Thời hạn tối đa để các cổ đông thanh toán nghĩa vụ góp vốn của mình là 90 ngày, kể từ ngày CTCP được cấp GCNĐKDN. Theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020 thì trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. HĐQT chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.

Ngoài ra, tài sản cố định vô hình còn được quy định tại Thông tư 45/2013/TT- BTC của Bộ Tài chính ngày 25 tháng 4 năm 2013 hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Theo đó, tại điểm b khoản 2 Điều 6 của Thông tư này, tài sản cố định vô hình bao gồm quyền sử dụng đất (theo điểm đ khoản 2 Điều 4 Thông tư), quyền phát hành, …, các bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý,…. Tuy nhiên, để các tài sản kể trên được ghi nhận là tài sản cố định vô hình thì phải thỏa mãn cả ba điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư 45/2013/TT-BTC, theo đó, mọi chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra thỏa mãn đồng thời ba tiêu chí là (i) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó; (ii) Có thời gian sử dụng trên 01 năm trở lên; (iii) Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) trở lên mà không hình thành tài sản cố định hữu hình được coi là tài sản cố định vô hình. Căn cứ theo Thông tư này, việc hạch toán các tài sản vô hình như bản quyền, quyền khai thác tài sản, thương hiệu, nhãn hiệu,… của doanh nghiệp nhận góp vốn có thể được thực hiện như hạch toán các tài sản góp vốn khác. Cụ thể là ghi tăng tài sản cố định vô hình và ghi tăng nguồn vốn kinh doanh.

Một phần của tài liệu Pháp luật về tạo lập vốn chủ sở hữu của công ty cổ phần (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 37 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)