Về hình thức góp vốn trong CTCP vẫn phải tuân theo các quy định chung về góp vốn được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020. Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rằng tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
Quy định trên đề cập đến việc góp vốn bằng tài sản thông qua việc liệt kê ra các dạng tài sản góp vốn. Như các quy định có tính chất liệt kê khác, điều luật này
cũng thêm cụm “tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam” để các
nhà sáng lập tự định nghĩa thông qua thỏa thuận và ghi nhận trong Điều lệ công ty. Theo quy định trên, có thể chia tài sản góp vốn vào doanh nghiệp thành các loại sau:
Góp vốn bằng tiền, bao gồm Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi: Đây
là các góp vốn phổ biến, thông dụng và đơn giản nhất. Tuy nhiên, một lưu ý cho các nhà đầu tư góp vốn bằng tiền vào công ty nói chung và CTCP nói riêng đó là doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn. Điều 3 của Thông tư số 09/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 29 tháng 01 năm 2015 hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31 tháng 12 năm 2013 về thanh toán bằng
tiền mặt quy định rằng: “1. Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác. 2. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau: a) Thanh toán bằng Séc; b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền; c) Các hình thức
thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành”. Như
vậy, khi nhà đầu tư (cổ đông) là doanh nghiệp hay công ty thì không được sử dụng tiền mặt để góp vốn vào CTCP. Tuy nhiên, quy định dẫn chiếu nói trên không đề cập đến cá nhân góp vốn vào doanh nghiệp. Trên thực tế, cơ quan thuế, cán bộ thuế đều nhắc nhở chủ CTCP phải góp vốn qua tài khoản ngân hàng vì việc góp vốn qua tài khoản ngân hàng giúp đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Nó giúp cơ quan thuế dễ kiểm soát và theo dõi tiến độ thanh toán việc góp vốn theo đúng thời hạn mà Luật Doanh nghiệp quy định, tránh trường hợp cổ đông, chủ sở hữu doanh nghiệp không góp nhưng vẫn hạch toán sổ sách là đã góp tiền mặt.
Góp vốn bằng tài sản hiện vật: Thực chất đây là góp vốn bằng quyền sở hữu
đối với vật đó. Vật đó có thể là bất động sản hữu hình hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, ví dụ như góp vốn bằng ngôi nhà, góp vốn bằng máy móc, thiết bị,… Trong các loại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, vàng là loại tài sản thường được sử dụng nhiều nhất. Việc góp vốn bằng tài sản hiện vật có phần phức tạp hơn là góp bằng tiền. Pháp luật kế toán cũng quy định rằng trường hợp nhận vốn góp bằng tài sản phi tiền tệ thì kế toán phải ghi nhận theo giá trị hợp lý của tài sản phi tiền tệ tại ngày góp vốn (khoản 2 Điều 50 của Thông tư 133/2016/TT-BTC và khoản 2 Điều 66 Thông tư 200/2014/TT-BTC).
Góp vốn bằng quyền tài sản: Việc góp vốn bằng quyền tài sản sẽ rất phức tạp
không chỉ vì khó trong việc tính toán định giá của nó bởi đây là loại tài sản vô hình, mà còn phức tạp trong việc phân loại quyền. Điều đó cắt nghĩa tại sao ở nước ta trong thực tế góp vốn bằng quyền tài sản để thành lập công ty rất hạn chế. Quyền tài
sản theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 là quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật. Liên hệ đến pháp luật về kế toán doanh nghiệp, đối với việc góp vốn bằng các tài sản vô hình này, bởi tính phức tạp của nó, các nhà làm luật quy định rằng việc nhận góp vốn chỉ được thực hiện khi có quy định cụ thể của pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép. Khi pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, các giao dịch góp vốn bằng nhãn hiệu, thương hiệu được kế toán như việc đi thuê tài sản hoặc nhượng quyền thương mại, theo đó: (1) Đối với bên góp vốn bằng thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại: Ghi nhận số tiền thu được từ việc cho bên kia sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại là doanh thu cho thuê tài sản vô hình, nhượng quyền thương mại, không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư vào đơn vị khác và thu nhập hoặc vốn chủ sở hữu tương ứng với giá trị khoản đầu tư; (2) Đối với bên nhận vốn góp bằng thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại: Không ghi nhận giá trị thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại và ghi tăng vốn chủ sở hữu tương ứng với giá trị thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại nhận vốn góp. Khoản tiền trả cho việc sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu, tên thương mại được ghi nhận là chi phí thuê tài sản, chi phí nhượng quyền thương mại (khoản 2 Điều 50 của Thông tư 133/2016/TT-BTC và khoản 2 Điều 66 Thông tư 200/2014/TT-BTC).
Ngoài ra, cũng có thể góp vốn bằng tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Tài sản khác này có lẽ là những tài sản không thuộc những tài sản kể trên và phải được phép lưu thông. Đây là quy định mở, có thể là khả năng của một cá nhân về một lĩnh vực nào đó mà công ty có nhu cầu cũng được coi là tài sản để góp vào công ty: góp vốn bằng tri thức, góp vốn bằng công việc…