Các nguyên tắc giải quyết KNTC hành chính

Một phần của tài liệu Đổi mới việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính của UBND quận từ thực tiễn quận gò vấp thành phố hồ chí minh (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 32 - 38)

Để bảo đảm cho việc giải quyết KNTC đúng đắn, đạt được mục đích, yêu cầu của vụ việc đề ra, quá trình giải quyết các cơ quan hành chính phải tuân thủ những nguyên tắc được xem xét sau đây:

1.4.1.1. Pháp chế

Nguyên tắc pháp chế thể hiện tập trung tại điều 4 Luật 2005: “Việc KNTC và giải quyết KNTC phải được thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, thực hiện theo quy định của pháp luật khi KNTC và giải quyết KNTC là một nguyên tắc bắt buộc được thể hiện ở những nội dung sau:

Thứ nhất, KNTC, giải quyết KNTC phải tuân theo thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật đã quy định.

+ Đối với công dân, tổ chức khi khiếu nại, phải gởi đơn hoặc trình bày với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng các thủ tục khiếu nại, đúng với thẩm quyền giải quyết hoặc phải tuân theo các quy định của pháp luật về chế định đại diện, chế định ủy quyền nếu thấy cần thiết [61, 271].

+ Đối với cơ quan nhà nước, khi giải quyết phải đúng thẩm quyền, đúng thời hiệu và đúng thời hạn. Đó là những yếu tố thuộc trình tự, thủ tục được quy định rất cụ thể trong Luật 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành [61, 272].

26

+ Cũng cần phải lưu ý rằng, ngoài việc phải tuân thủ theo quy định của Luật 2005, việc giải quyết KNTC cũng cần phải chú ý đến các quy định riêng trong mỗi lĩnh vực.

Thứ hai, giải quyết KNTC hành chính phải căn cứ vào chính sách, pháp luật, các quyết định của cấp thẩm quyền.

+ Văn bản pháp luật và chính sách của Nhà nước, quyết định của cấp thẩm quyền là căn cứ pháp lý để xem xét giải quyết. Quyết định của cấp thẩm quyền là căn cứ cụ thể để người bị hại xem xét đi đến quyết định KNTC. Nhưng đó cũng là các căn cứ để cơ quan giải quyết đối chiếu, xem xét mà đi đến bác bỏ hoặc thừa nhận nội dung KNTC và giải quyết khôi phục quyền, lợi ích của người khiếu nại nếu bị vi phạm.

+ Dựa trên căn cứ pháp luật và chính sách, có thể đi đến khẳng định về thẩm quyền, trách nhiệm của nơi ban hành quyết định bị khiếu nại; khẳng định về “tính đúng đắn” của quyết định; khẳng định hay bác bỏ nội dung điều chỉnh quan hệ hành chính mà quyết định đề cập đến…

+ Tương tự như vậy, ta có thể xem xét khía cạnh pháp lý trong hành vi “của người thừa hành công vụ, khi hành vi đó bị KNTC” [61, 273]. Chẳng hạn, cơ sở pháp lý của hành vi, hình thức, mức độ vi phạm, theo quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của CBCC.

Thứ ba, không một cơ quan, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào quyền KNTC của công dân [61, 273]. Để bảo đảm cho giải quyết đúng đắn, điều 16 Luật 2005 quy định:

+ Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền KNTC; đe dọa, trả thù, trù dập người KNTC; tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo, cố tình không giải quyết hoặc giải quyết KNTC trái pháp luật; bao che người bị KNTC; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết KNTC; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác KNTC sai sự thật; đe doạ, xúc phạm người có trách nhiệm giải quyết KNTC; lợi dụng việc KNTC để xuyên tạc, vu khống, gây rối trật tự.

+ Đồng thời tại điều 100 Luật 2005 cũng quy định chế tài đối với một số hành vi trên.

Thứ tư, các công dân, cơ quan, tổ chức phải chấp hành đầy đủ quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực.

27

+ Nội dung này thể hiện tập trung tại điều 8 Luật 2005. Việc chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực được nói rõ tại các quy định về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan có thẩm quyền giải quyết. “Theo những quy định này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu cơ quan, cá nhân nào có liên quan không chấp hành thì tùy theo mức độ và tính chất của hành vi mà bị xử lý theo quy định của pháp luật” [61, 274].

1.4.1.2. Chính xác, khách quan

Nguyên tắc chính xác, khách quan trong giải quyết KNTC thể hiện:

+ Đối với cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định và giải quyết khách quan, chính xác đó là nghĩa vụ, trách nhiệm, vì nó là đại diện cho công bằng xã hội, được ủy quyền của Nhà nước và các cơ quan cấp trên.

+ Khi xem xét, nhìn nhận, đánh giá và kết luận sự việc đòi hỏi không lệ thuộc vào ý muốn chủ quan, phiến diện của mỗi người, không cảm tình nể nang hoặc thành kiến cá nhân. Vì mỗi sự việc bao giờ cũng nằm trong bối cảnh không gian, thời gian cụ thể, có nguyên nhân và diễn biến khác nhau, do đó phải dựa trên cơ sở chứng cứ chính xác, khách quan, các cơ quan có thẩm quyền mới đủ cơ sở để xem xét kết luận và có những biện pháp xử lý đúng.

+ Để đảm bảo tính khách quan, khi xem xét một sự việc phải đánh giá toàn diện các yếu tố, các mặt có liên quan. Do đó, mỗi cán bộ được giao giải quyết vụ việc phải biết đi sâu vào tất cả các khía cạnh, phát hiện làm rõ nguyên nhân và quá trình diễn biến của sự việc để nhận xét và kết luận cho chính xác, chống tư tưởng bảo thủ, chủ quan, phiến diện một chiều [61, 296].

1.4.1.3. Dân chủ

Thực hiện quyền KNTC được coi là một hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp đã được pháp luật ghi nhận. Là một biện pháp khôi phục và bảo đảm “công bằng vốn có”. Điều đó phù hợp quan niệm chung về xã hội dân sự.

Nguyên tắc dân chủ trong giải quyết KNTC đòi hỏi các ý kiến, thỉnh thị của công dân phải được tôn trọng, lắng nghe. Cơ quan, người có thẩm quyền phải biết dựa vào quần chúng, tổ chức, dư luận lành mạnh để việc giải quyết đạt kết quả tốt. Đồng thời, qua đó sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục ý thức pháp luật cho công dân. Giải quyết, khôi phục, bảo vệ quyền, lợi ích cho công dân theo pháp luật, chính sách ban hành

28

trên cơ sở tham khảo các bên hữu quan, các thành phần có liên quan, có trách nhiệm là nhằm bảo đảm công bằng, dân chủ thực sự [61, 275].

1.4.1.4. Công bằng

Nguyên tắc công bằng đòi hỏi phải có sự bình đẳng giữa các bên. Giải quyết khiếu nại hành chính có ý nghĩa pháp lý sâu xa là khôi phục công bằng, bình đẳng trong quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Điều đó không dễ gì thực hiện được. Muốn đảm bảo công bằng thì cơ quan, người có thẩm quyền phải “coi chuẩn mực pháp luật ứng với điều kiện kinh tế, xã hội, dân trí cụ thể để xem xét giải quyết khiếu nại, lấy sự thật làm tiêu chí để giải quyết vấn đề” [61, 275].

Tính công bằng thể hiện, các bên đều được cơ quan có thẩm quyền giải quyết tôn trọng quyền và nghĩa vụ. Các bên đều có quyền chứng minh, đưa ra các chứng cứ, lý giải cho những việc làm đúng đắn của mình, đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết xem xét yêu cầu của mình.

Người tố cáo thực hiện quyền tố cáo chính là để phát hiện cho Nhà nước những hành vi trái pháp luật, thể hiện trách nhiệm của người công dân vì lợi ích chung. Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền phải tạo điều kiện thuận lợi để người tố cáo cung cấp, trình bày những thông tin cần thiết liên quan đến nội dung mà họ tố cáo, đồng thời phải có biện pháp bảo vệ cho người tố cáo khi họ bị trả thù, trù dập hoặc đe dọa trả thù, trù dập. Những trường hợp mà người tố cáo bị trù dập, các cơ quan nhà nước phải bảo vệ và có những biện pháp xử lý kịp thời. Nếu hành vi trả thù, trù dập có dấu hiệu tội phạm thì báo cho cơ quan điều tra.

Mặc dù là chủ thể của hành vi bị tố cáo, nhưng người bị tố cáo chưa phải là bị can, bị cáo. Hành vi của họ chỉ bị coi là vi phạm pháp luật khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi đã tiến hành thẩm tra, xác minh, kết luận. Để đảm bảo công bằng và khách quan, pháp luật quy định cho họ có những quyền và nghĩa vụ nhất định trong quá trình giải quyết tố cáo. Trong đó điều đáng chú ý là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần phải tạo điều kiện để họ giải trình, đưa ra bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật, không được có hành vi truy ép, truy bức đối với họ hoặc kết luận vụ việc một cách chủ quan vội vàng. Những lý lẽ giải trình hoặc các bằng chứng mà người tố cáo đưa ra phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đầy đủ, thận trọng. Sau khi đã có kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, nếu nội dung tố cáo là không đúng sự thật thì người bị tố cáo có

29

quyền được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra [62, 255].

1.4.1.5. Nhanh chóng, kịp thời

Giải quyết KNTC là một vấn đề phức tạp liên quan hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước và là vấn đề nhạy cảm mang tính xã hội sâu sắc. Do đó khi giải quyết KNTC phải bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời.

Nguyên tắc này đã được Luật 2005 quy định ở điều 5: “Cơ quan, tổ chức… tiếp nhận và giải quyết kịp thời đúng pháp luật…”

Thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tiếp nhận và giải quyết đơn bảo đảm thời gian mà pháp luật quy định như: giải quyết khiếu nại lần đầu là 30 ngày đối với vụ việc bình thường, 45 ngày đối với vụ việc phức tạp (điều 36 Luật 2005). Giải quyết khiếu nại lần thứ hai là 45 ngày đối với vụ việc bình thường, 60 ngày đối với vụ việc phức tạp (điều 43 Luật 2005). Tương tự như trên quy định giải quyết đơn tố cáo 60-90 ngày.

Việc giải quyết kịp thời, nhanh chóng, đúng thời gian là thể hiện mối quan tâm, thái độ tôn trọng; là thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước đối với công dân. Do vậy, tôi đồng tình với ý kiến của tác giả Nguyễn Huỳnh Đức: “Đặc biệt, khi phát sinh những vụ việc khiếu tố đông người, phức tạp, những vụ việc khiếu nại, tranh chấp về đất đai, giải tỏa đền bù thì phải tập trung giải quyết ngay từ cơ sở, không để khiếu kiện vượt cấp” [42, 17].

Thực hiện nguyên tắc kịp thời, nhanh chóng trong giải quyết KNTC là một trong những biện pháp quan trọng góp phần giữ vững an ninh trật tự, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước là thực hiện quan điểm “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc mở rộng và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong đó có quyền KNTC” [63].

1.4.1.6. Thể hiện bằng văn bản

Ngoài các nguyên tắc được nêu trên còn phải bảo đảm nguyên tắc thể hiện bằng văn bản kết quả giải quyết KNTC. Nguyên tắc này nhằm bảo đảm tính nhất quán và tính pháp lý của quá trình giải quyết KNTC.

Theo nguyên tắc này, khi thực hiện quyền khiếu nại, nội dung khiếu nại phải thể hiện bằng văn bản với thủ tục quy định đầy đủ. Việc thể hiện nội dung khiếu nại

30

bằng văn bản có thể do người khiếu nại trực tiếp thực hiện, trong một số trường hợp, có thể còn do cả nơi tiếp nhận khiếu nại thực hiện. Đây là yếu tố pháp lý ban đầu để làm căn cứ thụ lý, giải quyết vụ, việc khiếu nại.

Nguyên tắc thể hiện bằng văn bản đòi hỏi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong quá trình giải quyết KNTC, phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các văn bản, thủ tục theo quy định. Quá trình thụ lý, thu thập thông tin, thu thập đánh giá chứng cứ, vụ việc đều phải theo mẫu biểu, biên bản, báo cáo mang đầy đủ các yếu tố pháp lý.

Kết thúc việc giải quyết khiếu nại phải bằng quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Đây là quy định bắt buộc đối với quá trình giải quyết khiếu nại. Việc thay thế quyết định giải quyết khiếu nại bằng thông báo, biên bản cuộc họp hoặc các hình thức văn bản khác … là vi phạm quy định về thủ tục giải quyết khiếu nại đã được Luật 2005 quy định. Tình trạng vi phạm đó làm cho công tác thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại hành chính vốn đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn [62, 225].

Đối với việc giải quyết tố cáo, việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình xác minh, giải quyết tố cáo phải được ghi chép thành văn bản và lưu vào hồ sơ giải quyết tố cáo. Sau khi kết thúc việc xác minh, người được giao nhiệm vụ xác minh phải có văn bản kết luận về nội dung tố cáo và phải có những chứng cứ để chứng minh cho kết luận của mình. Người giải quyết tố cáo phải gửi văn bản kết luận vụ việc tố cáo, quyết định xử lý tố cáo cho cơ quan Thanh tra, cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp; thông báo cho người tố cáo kết quả giải quyết nếu họ có yêu cầu, trừ những nội dung thuộc danh mục bí mật Nhà nước.

Tóm lại, giải quyết KNTC hành chính là một vấn đề hệ trọng và phức tạp, đòi hỏi cơ quan nhà nước khi tiếp nhận đơn và giải quyết phải thận trọng, kỹ lưỡng để tránh kết luận sai, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, đời sống của công dân. Do đó cần phải áp dụng các nguyên tắc nêu trên vì đó chính “là những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo quá trình giải quyết từ khâu bắt đầu tiếp nhận đơn thư, thụ lý vụ, việc đến khâu ra văn bản giải quyết và đôn đốc theo dõi thi hành” [62, 226]. Trong đó, nguyên tắc thực hiện theo quy định của pháp luật, chính xác, khách quan là nguyên tắc bao trùm, chi phối các nguyên tắc còn lại. Thực tiễn cho thấy vận dụng các nguyên tắc cơ bản một cách tổng hợp, đan xen nhau để giải quyết KNTC hành chính sẽ đạt hiệu quả cao.

31

Một phần của tài liệu Đổi mới việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính của UBND quận từ thực tiễn quận gò vấp thành phố hồ chí minh (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 32 - 38)