Thực trạng KNTC hành chính của công dân trên các lĩnh vực của quận Gò Vấp

Một phần của tài liệu Đổi mới việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính của UBND quận từ thực tiễn quận gò vấp thành phố hồ chí minh (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 51 - 54)

GÒ VẤP MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN

2.2.Thực trạng KNTC hành chính của công dân trên các lĩnh vực của quận Gò Vấp

45

Trong những năm qua, Gò Vấp là một quận có tốc độ đô thị hoá nhanh, tốc độ phát triển dân số cơ học tăng cao, bình quân từ 8-11%/năm. Do đó, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng và mở rộng đô thị được tăng cường. Nhiều dự án, công trình phúc lợi xã hội được triển khai đồng loạt. Việc thu hồi đất, bồi thường giải tỏa để thực hiện dự án đã làm phát sinh mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân. Xuất phát từ quyền lợi kinh tế chưa được đảm bảo đầy đủ nên đã phát sinh khiếu kiện ở một bộ phận dân cư có nhà đất nằm trong diện giải tỏa. Một số vụ việc điển hình như: 26 hộ dân trong dự án công viên Văn hóa Gò Vấp xin xem xét xóa quy hoạch treo, 92 hộ tiểu thương trong dự án siêu thị văn hóa Văn Lang khiếu nại xin được tái bố trí để kinh doanh, 06 hộ khiếu nại việc quy hoạch xây dựng trường phổ thông trung học Trần Hưng Đạo, 10 hộ khiếu nại về việc thay đổi quy hoạch đường Dương Quảng Hàm, 23 hộ dân trong dự án xây dựng trường Đại học dân lập Văn Lang khiếu nại việc thu hồi đất, giá và chính sách bồi thường… [8].

Bên cạnh các dự án phục vụ lợi ích công cộng, các khiếu nại trên lĩnh vực xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở trong các dự án xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn quận cũng là một trong những vấn đề bức xúc của công dân và của chính quyền cấp quận. Vào năm 1999 theo sự cho phép của UBND Thành phố tại công văn số 695/CV-UB-QLĐT ngày 22/02/1999, công văn số 4081/UB- QLĐT ngày 28/9/1999 và công văn số 13679/KTST-TH ngày 11/11/1999 của Kiến trúc sư trưởng thành phố về việc thực hiện thí điểm sử dụng đất xây dựng nhà ở lẻ, đến nay trên địa bàn quận Gò Vấp có tổng số 124 dự án, nhưng chỉ một số dự án triển khai thực hiện đúng theo thủ tục và đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Hầu hết các dự án không tuân theo các quy định như: chỉ ký thỏa thuận tại phòng Quản lý đô thị quận, không tiếp tục đến Kiến trúc sư trưởng thành phố để duyệt tổng mặt bằng và việc đầu tư cơ sở hạ tầng không đạt yêu cầu; còn sai sót, tự ý sang nhượng trái phép và người nhận chuyển nhượng tiếp tục xây dựng trái phép không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở dẫn đến đơn thư khiếu nại ở lĩnh vực này tăng cao [2].

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nảy sinh một số vụ việc khiếu nại kéo dài thuộc lĩnh vực nhà ở là do từ sau khi có Nghị quyết số 23/2003/QH11 (NQ23) ngày 26/11/2003 của Quốc hội và Nghị quyết số 755/NQ-UBTVQH11 (NQ755) của Ủy

46

ban Thường vụ Quốc hội ngày 02/04/2005 quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01/07/1991.

Tại điều 1 của NQ23 quy định: “Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01/07/1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất”.

NQ755 thể hiện chính sách tháo gỡ đối với những trường hợp cụ thể mà nhà, đất đã được Nhà nước quản lý, trưng mua, trưng dụng. Chẳng hạn điều 4 quy định: nếu nhà đất trong diện quản lý mà Nhà nước chưa có văn bản quản lý, chưa bố trí sử dụng thì không thực hiện việc quản lý theo quy định của các chính sách trước đây, việc công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật. Điều 6 quy định: đối với nhà đất mà Nhà nước đã trưng mua nhưng chưa thanh toán tiền hoặc đã thanh toán một phần cho chủ sở hữu thì Nhà nước thực hiện thanh toán cho chủ sở hữu hoặc người đại diện hợp pháp của họ theo quy định. Điều 7 quy định: trường hợp đã trưng dụng nhưng không thuộc diện cải tạo, quản lý thì được tiếp tục sử dụng và công nhận sở hữu.

Tuy nhiên, người dân hiểu chưa hết nội dung của hai nghị quyết nên gửi đơn khiếu nại mong được đòi lại nhà mà Nhà nước đã quản lý. Ví dụ, vụ việc bà Thái Liêng (cư trú tại 147 Lý Nam Đế phường 7 quận 11) khiếu nại xin lại cơ sở ép dầu Sanh Long và trại chăn nuôi tại số 32/2 Nguyễn Văn Lượng, phường 10, Gò Vấp. Cơ sở ép dầu Sanh Long và trại chăn nuôi (diện tích 8.690 m2) đã được UBND quận Gò Vấp quản lý và bố trí cho các đơn vị sử dụng năm 1984, tuy nhiên đến năm 1995 mới có quyết định xác lập sở hữu nhà nước của UBND thành phố. Việc quản lý trên cơ sở mua lại đất và tài sản sản gắn liền với đất của bà Thái Thị Muồi (một trong những đồng thừa kế của gia tộc bà Thái Liêng) nhưng hiện nay chứng từ, hồ sơ mua bán, thanh toán đã thất lạc. Qua vụ việc khiếu nại cho thấy, nếu căn cứ điều 1 của NQ23 thì bác đơn khiếu nại của bà Thái Liêng. Tuy nhiên, Nhà nước đã quản lý và bố trí sử dụng trên cơ sở mua lại của gia tộc họ Thái nhưng chứng từ đã thất lạc, do đó căn cứ điều 7 NQ755 thì phải thanh toán tiền cho bà Thái Liêng đối với phần được thừa kế.

47

Vụ việc khiếu nại kéo dài từ năm 2003 cho đến nay UBND thành phố vẫn đang giải quyết [7].

Ngoài ra, những khiếu nại, tranh chấp về đất đai ở quận Gò Vấp cũng khá phức tạp, nguyên nhân là do tình trạng lấn chiếm đất đai diễn ra phổ biến, việc chuyển nhượng trao tay trong nhân dân không tuân theo quy định của pháp luật, hoặc do không thống nhất quan điểm giữa các cơ quan nhà nước làm cho vụ việc kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Như trường hợp khiếu nại của bà Trương Thị Nguyên, liên quan đến việc mua bán đất bằng giấy tay, sau đó xây dựng nhà không phép và phát sinh khiếu nại. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ quận đến Thành phố đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại nhưng bà Nguyên vẫn không đồng ý và khiếu nại tiếp đến Văn phòng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ chỉ đạo UBND Thành phố phúc tra lại nội dung đơn khiếu nại của bà Nguyên. UBND Thành phố thụ lý giải quyết và do không đồng quan điểm với cách giải quyết trước đó nên đã ban hành quyết định thu hồi các quyết định đã giải quyết trước đây của UBND quận Gò Vấp và UBND Thành phố, giao UBND quận Gò Vấp giải quyết lại từ đầu. Do đó, vụ việc kéo dài từ năm 1997 đến nay vẫn chưa kết thúc [3].

Từ đó cho thấy, qua quá trình phát triển kinh tế xã hội, quận Gò Vấp từ một quận ven đã vươn lên thành một quận đô thị. Quá trình phát triển đó giúp cho “diện mạo” của quận thay đổi, mang lại lợi ích cho đa số nhân dân, cho cộng đồng. Vì vậy, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của một số ít công dân là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật luôn thay đổi cho phù hợp với thực tiễn và cũng không thể không nhận thấy những công tác quản lý của cơ quan hành chính nhà nước còn nhiều thiếu sót.

Một phần của tài liệu Đổi mới việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính của UBND quận từ thực tiễn quận gò vấp thành phố hồ chí minh (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 51 - 54)