3.3.2.1 Thiết kế mẫu
a. Phương pháp chọn mẫu
Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng phương pháp chọn mẫu phi xác suất với phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Lý do vì phương pháp này thường được dùng trong nghiên cứu khám phá, đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nghiên cứu (Nguyễn Đình Thọ 2013). Tác giả tiến hành phát Phiếu khảo sát cho người lao động đang làm việc tại Công ty Thuốc lá Long An thông qua Lãnh đạo chuyên môn của các đơn vị và phòng ban Khối quản lý.
b. Kích thước mẫu
Thiết kế mẫu nghiên cứu: Đối tượng thu thập thông tin là người lao động đang làm việc tại Công ty Thuốc lá Long An và có hợp đồng lao động với kỳ hạn từ 12
tháng trở lên. Có nhiều công thức kinh nghiệm để tính kích cỡ mẫu khảo sát cho phù hợp.
Kích thước mẫu phụ thuộc vào phương pháp phân tích, nghiên cứu này có sử dụng phân tích nhân tố khám phá EFA (Exploratory Factor Analysis). Kích thước mẫu ít nhất bằng 4 hay 5 lần số lượng biến được đưa vào phân tích nhân tố (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc 2008, tập 2, trang 31).
Một công thức kinh nghiệm thường được dùng để tính kích thước mẫu tối thiểu cần thiết là n≥50+8p với p là số biến độc lập trong mô hình (Green 1991, trích bởi Nguyễn Đình Thọ 2013, trang 521).
Để sử dụng EFA chúng ta cần kích thước mẫu lớn. Trong EFA, kích thước mẫu thường xác định dựa vào (1) kích thước tối thiểu, (2) số lượng biến được đưa vào phân tích. (Hair và cộng sự 2006, trích bởi Nguyễn Đình Thọ 2013, trang 415) mẫu tối thiểu là 50 tốt nhất là 100 và tỷ lệ biến quan sát (Observations) / biến đo lượng (Items) là 5:1 và tốt nhất là 10:1 trở lên. Dựa vào tổng số biến quan sát trong mô hình là 31. Tác giả chọn mẫu thuận tiện với kích thước là 300 > (n=31x5=155) có dự phòng những bảng câu hỏi trả lời không đạt yêu cầu.
Đối với đề tài này, việc xác định kích thước mẫu của nghiên cứu định lượng được thực hiện là 250 là phù hợp.
3.3.2.2 Thiết kế bảng câu hỏi
Theo (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc 2008, tập 2, trang 13), thang đo do (Rennis Likert 1932) giới thiệu là một trong những hình thức đo lường được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu kinh tế xã hội. Likert đã đưa ra loại thang đo 5 mức độ phổ biến trong nghiên cứu định lượng.
Thang đo chính thức được đề xuất trong mô hình nghiên cứu là: (1) Đặc điểm công việc, (2) Đào tạo, phát triển và thăng tiến, (3) Chính sách khen thưởng, (4) Vai trò trách nhiệm, (5) Chính sách lương, phúc lợi, (6) Mối quan hệ trong làm việc.
Bảng câu hỏi phỏng vấn người lao động gồm 2 phần:
Phần 1 là phần yếu tố cá nhân: Thu thập thông tin cá nhân của người lao động để có thể tiến hành các phép kiểm định bổ trợ khác.
Nhóm giới tính: Nghiên cứu kiểm tra sự khác nhau của nhóm giới tính tác động lên mối quan hệ giữa các nhân tố.
Nhóm tuổi: Ở mỗi nhóm tuổi, tâm lý khác nhau dẫn đến động lực làm việc có thể khác nhau. Tác giả chia độ tuổi thành 4 nhóm: Dưới 25 tuổi, từ 25 đến dưới 35 tuổi, từ 35 đến dưới 45 tuổi và từ 45 tuổi trở lên.
Phần 2 là phần chính: Bao gồm các câu hỏi về các nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của người lao động. Mỗi câu hỏi được đo lường bằng thang đo Likert 5 mức độ tương ứng như sau: mức 1 là Rất không đồng ý với phát biểu, mức 2 không đồng ý, mức 3 bình thường, mức 4 đồng ý và mức 5 rất đồng ý với phát biểu. Bảng khảo sát chính thức được đề cập chi tiết tại phụ lục 1.
3.3.2.3 Phương pháp thu thập dữ liệu
Thông tin mẫu nghiên cứu được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn người lao động với bảng câu hỏi soạn sẵn. Tác giả gửi trực tiếp Phiếu khảo sát đến người lao động đang làm việc tại Công ty Thuốc lá Long An bằng câu hỏi giấy.
Kết quả khảo sát, sau khi loại bỏ các Phiếu khảo sát không hợp lệ, tác giả đưa dữ liệu vào phần mềm SPSS 22.0 để xử lý.