Đối với lãnh đạo
Lãnh đạo công ty cần nhận thức được vị trí, vai trò của công tác văn thư đối với cơ quan mình. Mọi hoạt động có kết quả tốt đều có quá trình tương ứng của nó. Công tác văn thư khi nhìn tổng thể trong hoạt động của một công ty chỉ là một bộ phận. Nhưng bộ phận này lại vô cùng quan trọng và không thể thiếu ở bất kỳ công việc nào. Để nhận thức đúng và đủ về công tác văn thư, lãnh đạo công ty cần chú trọng xây dựng nội dung kiến thức về vấn đề này để từ có có cái nhìn khác, được nâng cao hơn và quan tâm nhiều hơn nữa tới công tác văn thư của công ty.
Muốn công tác văn thư đạt chất lượng thì vai trò quản lý rất quan trọng, việc định hướng, chỉ đạo phải đúng, sát thực tế sẽ mang lại hiệu quả cao. Trưởng phòng TCHC cần nghiên cứu sâu hơn các văn bản về công tác văn thư, học tập rút kinh nghiệm những phương pháp, cách làm hay của các cơ quan, ban, ngành để tham mưu cho giám đốc vận dụng trong công ty, sâu sắc hơn trong việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân viên văn thư. Khuyến khích, động viên, phân tích kịp thời để nhân viên văn thư hiểu rõ hơn vai trò, vị trí công tác mình đang
đảm nhiệm. Sự động viên khích lệ của Ban lãnh đạo công ty chính là nguồn động lực lớn lao, tiếp thêm sức mạnh, khích lệ khả năng sáng tạo, năng lực làm việc của nhân viên văn thư. Đây được xem như là một yếu tố đem lại thành công cho công ty. Theo dõi chặt chẽ công tác văn thư, quan tâm khen ngợi kịp thời để tạo cảm hứng làm việc, đồng thời thẳng thắn phê bình để rút kinh nghiệm.
Từ việc nâng cao sự nhận thức của lãnh đạo sẽ có hành động cụ thể như việc chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhân viên của mình. lãnh đạo nên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân viên làm công tác văn thư phát huy năng lực bản thân. Lãnh đạo cũng nên lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của nhân viên. Sự quan tâm, chú trọng đến công việc mà các cán bộ, nhân viên đang làm sẽ khiến cá nhân họ làm việc hăng hái, nhiệt tình hơn và chắc chắn công việc dù khó khăn đến đâu cũng sẽ được hoàn thành một cách tốt nhất.
Đối với nhân viên văn thư
Nhân viên văn thư phải tự đánh giá về hoạt động của công tác văn thư, yên tâm công tác, xem công tác mình đang đảm nhiệm là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình hoạt động của cơ quan, mà thiếu nó hoạt động của cơ quan sẽ bị đình trệ. Văn thư là nơi quản lý đầu vào, đầu ra các văn bản của một cơ quan, tổ chức. Muốn sản phẩm có chất lượng, đạt yêu cầu thì văn thư phải góp phần công sức của mình rất nhiều. Nhận thức được vai trò, vị trí của mình cùng vai trò, vị trí của công việc mình đang làm chính là tôn trọng chính mình và tôn trọng nghề nghiệp.
Đối với cán bộ, nhân viên trong công ty
Đối với cán bộ, nhân viên kiêm nhiệm làm công tác văn thư trong công ty, công tác này không phải công việc chuyên môn, không phải công việc chính thường ngày họ phải làm nhưng lại không khi nào thiếu trong quá trình giải quyết công việc của họ. Vì vậy, đã là công việc bắt buộc phải làm thì công việc nào cũng quan trọng như nhau. Mỗi cán bộ, nhân viên cần tự mình đánh giá, nhìn nhận lại công tác văn thư để có thể hoàn thành tốt nhất công việc của mình.
Mỗi người đều có sự phân công lao động riêng, mỗi nhiệm vụ đều có vị trí khác nhau. Những vị trí này liên kết với nhau thành một tổ chức có sức mạnh. Khi đã nhận thức đầy đủ về công tác văn thư thì văn thư cơ quan và toàn thể cán bộ, công chức sẽ nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ.