Khái niệm về xây dựng nông thôn mới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố cấu thành sự hài lòng của nhân dân trong việc xây dựng huyện nông thôn mới tại huyện châu thành, tỉnh long an (Trang 25 - 29)

2.1.1.1. Khái niệm về nông thôn

Theo cách hiểu thông thường “Nông thôn” được dùng để chỉ vùng làng quê, nơi dân cư chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp.

Theo từ điển tiếng Việt (1994): “Nông thôn” được giải thích: “Nông thôn là nơi làng mạc sống bằng sản xuất nông nghiệp, khác với thành thị”. Từ điển Bách khoa Việt Nam (2003) cũng giải thích tương tự: “Nông thôn là phần lãnh thổ của một nước hay của một đơn vị hành chính nằm ngoài lãnh thổ đô thị, có môi trường tự nhiên, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, điều kiện sống khác biệt với thành thị và cư dân chủ yếu làm nông nghiệp”. Ý kiến của một số nhà khoa học quan niệm: “Nông thôn là một kiểu cộng đồng lãnh thổ - xã hội nhất định có tính cách lịch sử, hình thành trong quá trình phân công lao động xã hội. Nông thôn có đặc điểm là dân số không đông, mật độ dân số tương đối thấp, quy mô nhỏ, lao động nông nghiệp đóng vai trò đáng kể, phân hóa nghề nghiệp ít”.

Để nhận diện xã hội nông thôn truyền thống, người ta thường so sánh với xã hội đô thị để tìm ra nét khác biệt, nổi bật của đô thị và nông thôn. Nông thôn truyền thống thường có những đặc trưng cơ bản nổi bật là:

Thứ nhất, nông thôn là những vùng làng mạc, khác với thành thị, sinh thái nông thôn mang nhiều yếu tố tự nhiên như nhà, vườn, ao, ruộng,… thường gắn liền với điều kiện địa lý sẵn có, ít được cải tạo, nên còn hạn chế cho giao lưu kinh tế, văn hóa.

Thứ hai, kinh tế nông thôn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi là chính, ngoài ra còn có các nghề đánh bắt thủy sản, thủ công, chế biến lương thực, thực phẩm, buôn bán nhỏ theo hộ gia đình.

Thứ ba, nông thôn có lối sống đặc thù - lối sống nông thôn. Đó là lối sống của các cộng đồng xã hội được hình thành chủ yếu trên cơ sở của hoạt động lao động nông nghiệp.

Thứ tư, văn hóa nông thôn là một loại hình văn hóa đặc thù mang đậm nét dân gian, truyền thống văn hóa dân tộc.

Trong cuốn “Tài liệu nghiên cứu các Nghị quyết Hội nghị Trung ương bảy, khóa X” giải thích: “Nông thôn là khái niệm chỉ vùng, khu vực hành chính, phân biệt với thành phố, thị xã. Nông thôn là khu vực lãnh thổ rộng lớn nằm ngoài thành thị”.

Quyết định 491-QĐ/TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 “Về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM” chia nhỏ NTM theo các cấp hành chính: xã NTM, huyện NTM và tỉnh NTM. Trong đó, để đạt xã NTM, một địa phương phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn từ 5 lĩnh vực lớn, bao gồm 19 tiêu chí lớn và 39 tiêu chí nhỏ. Năm lĩnh vực lớn của một xã NTM là: quy hoạch, hạ tầng kinh tế - xã hội, kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hóa - xã hội - môi trường, và hệ thống chính trị. Trong mỗi lĩnh vực lớn này, NTM được cụ thể hóa bằng các tiêu chí nhỏ hơn. Ví dụ lĩnh vực văn hóa - xã hội - môi trường có 4 tiêu chí lớn cần đạt là giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường. Trong mỗi tiêu chí lớn, có thể có những tiêu chí hay chỉ báo nhỏ hơn, có thể đo lường và đánh giá được. Ví dụ, để được công nhận đạt chuẩn tiêu chí về y tế, một xã cần đạt được hai chỉ báo là tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế và y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Để một huyện đạt chuẩn huyện NTM, thì cần có 75% số xã trong huyện đạt NTM, và để một tỉnh đạt chuẩn tỉnh NTM thì cần có 80% số huyện trong tỉnh đạt NTM.

2.1.1.2 Khái niệm về xây dựng nông thôn mới

Nông thôn ở nước ta là một khu vực rộng lớn, môi trường sống của đông đảo dân cư, nơi bảo tồn, lưu giữ và phát huy những phong tục, tập quán, các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đây là địa bàn có dân số đông nhất ở nước ta hiện nay. Trải qua các giai đoạn cách mạng, dân cư nông thôn luôn là lực lượng hùng hậu đồng hành với cách mạng, gắn bó với Đảng, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Tuy nhiên, trong đời sống hiện nay, dân cư nông thôn lại đang gặp nhiều khó khăn và là bộ phận ít được hưởng lợi nhất từ các thành quả của cách mạng. Chính từ đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM nhằm cải thiện, nâng cao đời sống cho dân cư nông thôn, đặc biệt là nông dân.

Trong đó, trực tiếp và toàn diện nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” với trọng tâm là xây dựng NTM ở các địa phương trong cả nước hiện nay. Nghị quyết đề ra mục tiêu: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.

Sau gần tám năm thực hiện xây dựng NTM, xuất phát từ tình hình thực tiễn nông thôn nước ta, ngày 16/8/2016 Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”, Chương trình tiếp tục xác định: Xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.

Với mục tiêu trên, có thể hiểu xây dựng NTM bao gồm các nội dung cơ bản sau:

Một là, xây dựng “làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại”. Nông thôn mới phải với diện mạo khang trang; hạ tầng nông thôn, nhất là điện, đường, trường, trạm được đầu tư để phục vụ tốt nhất cho người dân; đảm bảo nước sạch được phục vụ đủ cho dân cư nông thôn; môi trường sinh thái ở nông thôn trong lành, cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn; con người sống có nghĩa tình, tôn trọng lẫn nhau, hành xử văn minh, tôn trọng kỷ cương phép nước.

Hai là, “sản xuất phải phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa”. Theo đó, NTM khác hẳn nông thôn truyền thống, không phải là nền sản xuất tự cấp, tự túc mà NTM là nơi sản xuất nông nghiệp có sử dụng máy móc, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại có năng suất, chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hóa, các

“đặc sản” của từng địa phương được phát huy tối đa nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn.

Ba là, “đời sống về vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn ngày càng được nâng cao”. Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, mục tiêu xây dựng NTM phải làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao hơn nhiều so với trước đây. Người dân nông thôn phải được sống trong những ngôi nhà vững chắc, khang trang hơn với đầy đủ tiện nghi phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và cả nhu cầu giải trí về mặt tinh thần; các phương tiện đi lại có đủ và ngày càng hiện đại hơn; mạng thông tin liên lạc được thông suốt; người dân có chỗ để học hành với chất lượng giáo dục đảm bảo, sức khỏe được quan tâm, chăm sóc tốt; khoảng cách về đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn và thành thị được thu hẹp tối đa.

Bốn là, môi trường nông thôn trong lành, “bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển”. Nông thôn mới phải là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa làng quê như yêu quê hương, đất nước; cần cù trong lao động sản xuất; đoàn kết, tương trợ giúp nhau trong cuộc sống, sản xuất, sinh hoạt; lối sống hòa đồng với xóm làng, hòa đồng với thiên nhiên; sống giản dị, mộc mạc nhưng thủy chung sâu đậm nghĩa tình. Cảnh quan nông thôn truyền thống cây đa, bến nước, sân đình, lũy tre làng,… được bảo vệ tốt. Sản phẩm ngành nghề nông thôn chứa đậm yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể của từng làng quê Việt Nam.

Năm là, “xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ”, hệ thống chính trị vững mạnh. Nông thôn mới là nơi mang lại cuộc sống bình yên cho người dân; tình hình an ninh, trật tự được an toàn; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút,…) giảm đến mức thấp nhất; an toàn giao thông được đảm bảo. Trong NTM, các vấn đề liên quan đến cuộc sống người dân nông thôn như về đất đai, qui hoạch, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; các khoản nghĩa vụ, các loại quỹ, các khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án các khoản huy động dân đóng góp; các loại phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác,… đều công khai cho dân biết, để dân bàn, dân làm và dân tham gia giám sát. Cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở nông thôn được kiện toàn vững mạnh và hoạt động có hiệu quả.

Theo nội dung các quy định của Chính phủ hiện nay, để đạt huyện NTM phải đảm bảo các điều kiện sau: có 100% số xã trong huyện đạt chuẩn NTM; có 09 tiêu chí đạt chuẩn theo quy định (Quyết định 1600/QĐ-TTg). Thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM khi có 100% số xã trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn NTM.

Theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg thì để các xã được công nhận đạt chuẩn NTM phải đảm bảo đạt được 19 tiêu chí. Căn cứ vào Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016- 2020, các địa phương xây dựng Bộ tiêu chí xã NTM cho phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố cấu thành sự hài lòng của nhân dân trong việc xây dựng huyện nông thôn mới tại huyện châu thành, tỉnh long an (Trang 25 - 29)