Xây dựng NTM trước hết cần tập trung vào sản xuất phát triển kinh tế, làm thay đổi căn bản và toàn diện đời sống của nông dân theo hướng ngày càng tốt hơn. Đây mới là vấn đề cốt lõi, chiều sâu của chương trình XDNTM. Từ chỗ xuất phát điểm của nền nông nghiệp nước ta còn ở trình độ thấp, qui mô sản xuất nhỏ bé, hiệu quả kinh tế chưa cao, khả năng cạnh tranh hạn chế. Cho nên, trong tổ chức sản xuất, ưu tiên hàng đầu là phải đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp gắn với đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, từng bước xóa bỏ lối sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phân tán và cá thể tồn tại lâu dài trong tập quán sản xuất của nông dân. Thông qua phát huy vai trò chủ thể của nông dân để “Đồng khởi khởi nghiệp” trong tổ chức sản xuất và đổi mới các hình thức sản xuất cần hướng vào ba nội dung chủ yếu sau:
Một là, vai trò chủ thể của nông dân trong nỗ lực tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái đặc thù vùng miền, địa bàn để phát huy lợi thế so sánh làm cho thu nhập trong từng nông hộ ngày càng cao hơn, nâng cao mức sống và phát triển bền vững.
Hai là, vai trò chủ thể nông dân (nhất là đối với các hộ nghèo và cận nghèo) thể hiện qua sự quyết tâm trong lao động sản xuất, “vượt lên chính mình” để từng bước tự XĐGN, thoát nghèo bền vững, quyết tâm không tái nghèo từng bước nâng lên khá giả.
Ba là, vai trò chủ thể nông dân trong tích cực tham gia, gắn bó và liên kết với nhau hình thành nên các tổ hợp tác, nhất là HTX để đưa hoạt động sản xuất của nông dân có hiệu quả hơn. Chỉ khi tham gia vào các tổ chức này nông dân mới có được nhiều lợi ích thiết thực vì “cái gì xã viên không thể làm được thì hợp tác xã làm” (Theo Nguyễn Thiện Nhân, 2015).