7. Bố cục của luận văn
3.2.2. Giải pháp về công tác quy hoạch, chỉ đạo thực hiện chính sách
Trong công cuộc XDNTM, công tác quy hoạch, chỉ đạo là công việc mang tính tiền đề, có tầm quan trọng trước mắt cũng như lâu dài đối với việc thực hiện XDNTM. Đây là được coi là giải pháp cơ bản nhằm giúp hoạch định phát triển các không gian trên địa phương một cách toàn diện, đáp ứng tốt các yêu cầu của Đảng và Chính phủ về xây dựng tam nông: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là việc xây dựng nông nghiệp,
nông thôn”. Nội dung giải pháp cần:
Một là, tiến hành rà soát lại các phương án quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết
(nhất là các xã đã hoàn thành tiêu chí số 1 trong Bộ tiêu chí) để phát hiện những điểm bất cập trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Không để tình trạng không ăn khớp giữa quy hoạch và thực hiện quy hoạch; tình trạng sao chép, chắp vá, đối phó trong công tác quy hoạch. Ban chỉ đạo NTM các cấp phải có chế tài đối với các xã làm đối phó trong quy hoạch, không thực hiện đúng các quy trình đưa ra nhất là các địa phương “quy hoạch
một đằng, làm một nẻo”; có chế tài buộc các xã điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm phù hợp với
các quy định chung và tính đặc thù của tình hình thực tiễn địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét lại chất lượng quy hoạch của các địa phương, đối với những địa phương có chất lượng quy hoạch kém, làm đối phó thì buộc phải tiến hành lại để bảo đảm chất lượng.
Hai là, tăng cường chỉ đạo và quán triệt đến các địa phương (cấp huyện, xã) về ý
nghĩa, mục tiêu của công tác quy hoạch trong XDNTM, giúp cán bộ (và những người trực tiếp chỉ đạo, triển khai NTM) hiểu được quy hoạch là điều kiện tiên quyết và phải bảo đảm tính định hướng (đi trước), tính toàn diện, tính hài hòa, tính đồng bộ, tính liên kết, tính chiến lược, tính khoa học, tính cưỡng bức (nhiều địa phương quy hoạch là để đối phó, thậm chí để “hoàn thành tiêu chí quy hoạch” nhưng trong quá trình thực hiện nông thôn mới thì
không đoái hoài gì đến các “tờ giấy” hay “bản đồ” quy hoạch). Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ nhận thức hết sức đơn giản và ấu trĩ như “làm xong một tờ bản đồ, một phương án” và hội đủ chữ ký của những người có thẩm quyền thì xem như công tác quy hoạch đã “đạt”. Điều này hết sức nguy hiểm. Để khắc phục tình trạng này, cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đối tượng cán bộ liên quan, từ đó có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch.
Ba là, xác định phạm vi không gian quy hoạch trùng lắp: Trước khi quy hoạch cần
xác định rõ những xã vừa nằm trong quy hoạch NTM, vừa nằm trong quy hoạch vùng đô thị để thực hiện các nội dung quy hoạch (nhất là về sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật) sao cho phù hợp. Công tác lập quy hoạch XDNTM liên quan chủ yếu đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất. Theo tổng kết từ các báo cáo của các địa phương, cho đến nay tỷ lệ số xã trên toàn quốc được phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM đã được nâng lên 98,4%. Công tác quản lý thực hiện XDNTM theo quy hoạch trên địa bàn cả nước còn rất ít kinh nghiệm so với quản lý xây dựng theo quy hoạch ở khu vực đô thị. Hiện nay trong khu vực NT, việc quản lý xây dựng theo quy hoạch chỉ diễn ra đối với khu vực xây dựng có dự án (chủ yếu đối với xây dựng công trình công cộng xã). Các công cụ giúp cho quản lý thực hiện XDNTM theo quy hoạch như công bố quy hoạch, cắm mốc quy hoạch, quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch được thực hiện rất hạn chế. Sau khi các đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM được phê duyệt chỉ có công bố quy hoạch được thực hiện ở tất cả các xã. Về quy định quản lý thực hiện XDNTM theo quy hoạch được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng NT.
Bốn là, trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, ngoài các cấp có thẩm quyền theo
quy định, phải có sự tham gia của các chuyên gia (độc lập) và của người dân. Công tác quy hoạch không chỉ cần “quyết tâm chính trị” mà còn bảo đảm tính khoa học (và có sự thẩm định của những chuyên gia về từng lĩnh vực liên quan). Bởi quy hoạch là công việc khó và liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự. Hơn nữa, có thể lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực thực hiện: Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có 16 Viện quy hoạch xây dựng thuộc TW và thành phố, có 47 Trung tâm quy hoạch xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng các địa phương và khoảng hơn 200 Cty tư vấn, nhưng thực tế đánh giá chỉ có khoảng 10%-15% tham gia công tác lập quy hoạch XDNTM, vì thế cần cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn đơn vị tư vấn thế kế quy hoạch.
Năm là, thực hiện dân chủ, có cơ chế để người dân tham gia ý kiến, bày tỏ ý chí, nguyện vọng vào đề án quy hoạch, nhằm đảm bảo khi tổ chức thực hiện quy hoạch tạo được sự đồng thuận, sự tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, đất đai của nhân dân cho
XDNTM. Trong quá trình lập quy hoạch cần có sự tập trung, dân chủ, lấy ý kiến đông đảo các bên và quần chúng nhân dân, việc lập quy hoạch phải thống nhất, đảm bảo cân đối, hài hòa, khách quan, khoa học, tránh lãng phí. Đặc biệt việc quy hoạch CSHT kỹ thuật cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng nhằm khai thác những lợi thế vùng và lợi thế địa phương.
Sáu là, phát huy tính chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, Chính quyền địa phương trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chính sách XDNTM một cách thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả, theo đó cần:
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ và các tổ chức cơ sở Đảng, thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức là nhân tố quyết định, đảm bảo thực hiện thành công định hướng và mục tiêu của quy hoạch.
- Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong tuyền truyền, vận động quần chúng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Kiện toàn, củng cố hệ thống chính quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của các tổ chức chính trị xã hội. Thường xuyên bổ sung, điều chỉnh, chuẩn hóa các văn bản pháp quy. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “1 cửa”, “1 cửa liên thông”, để cung cấp dịch vụ hành chính công ngày càng tốt hơn cho nhân dân. Triệt để loại bỏ tệ nạn cửa quyền, sách nhiễu, thiếu tinh thần trách nhiệm trong bộ máy quản lý của xã và các tổ chức KT - XH của nhà nước. Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện bộ máy, tinh giản biên chế, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước các cấp để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới. Kiên quyết phòng và chống tham nhũng trên tất cả các phương diện, các địa bàn và lĩnh vực.