Kết hợp giáo dục truyền thống, chính trị, tư tưởng, đạo đức cho người học trong phạm vi mục tiêu chương trình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chất lượng giảng viên trường đại học nội vụ hà nội (Trang 30 - 34)

IV. NĂNG LỰC GIẢNG DẠY Tiêu chí 13 Giảng bài, truyền đạt

46. Kết hợp giáo dục truyền thống, chính trị, tư tưởng, đạo đức cho người học trong phạm vi mục tiêu chương trình

đức cho người học trong phạm vi mục tiêu chương trình đào tạo.

Nguồn: Tác giả tổng hợp qua nghiên cứu lý thuyết

Việc xây dựng các tiêu chí, thang đo trên một cách cụ thể, chi tiết sẽ giúp cho tác giả có cơ sở để xây dựng phiếu khảo sát nhằm thu thập dữ liệu sơ cấp một cách thuận lợi, phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài. Với mỗi chỉ báo trên, tác giả thiết kế thang đo 5 mức độ và tiến hành khảo sát theo quy trình bài bản: 1 - Rất không đồng ý; 2 - Không đồng ý; 3 - Không ý kiến; 4 - Đồng ý; 5 - Rất đồng ý (Phụ lục 1).

1.3. Yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giảng viên

Có nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng đến chất lượng giảng viên được nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra và phân tích khá rõ, bao gồm: Yếu tố cá nhân (giới tính, tuổi tác, điều kiện gia đình, sự chủ động học tập, rèn luyện của giảng viên …), yếu tố tổ chức (tuyển dụng giảng viên, sử dụng giảng viên, đãi ngộ giảng viên, đặc điểm công việc chuyên môn và môi trường làm việc,…), yếu tố xã hội (mức độ coi trọng của xã hội đối với chuyên ngành của giảng viên, quan điểm xã hội đối với nghề nghiệp,…)[24][58][60]. Trong đề tài luận văn, tác giả tập trung phân tích ba yếu tố cơ bản, có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến chất lượng giảng viên, gồm: Sự chủ động học tập, rèn luyện của giảng viên; môi trường làm việc và đặc điểm công việc chuyên môn của giảng viên; chính sách tạo động lực làm việc đối với giảng viên. Sự lựa chọn nghiên cứu các yếu tố này thể hiện ở cả phương diện chủ quan (yếu tố cá nhân giảng viên) và khách quan (yếu tố tổ chức), được kế thừa chủ yếu từ công trình nghiên cứu trước[24] và được nhấn mạnh là những yếu tố có tác động mạnh nhất[60].

1.3.1. Sự chủ động học tập, rèn luyện của giảng viên

Sự chủ động học tập nâng cao trình độ, tích luỹ thêm kiến thức chuyên ngành và sự chủ động rèn luyện kỹ năng, phương pháp giảng dạy là những yếu tố có tác động mạnh đến năng lực thực thi nhiệm vụ của giảng viên. Điều này là bởi vì:

- Thứ nhất, lao động của giảng viên là lao động trí tuệ, theo đó, điều kiện tiền đề để một cá nhân trở thành giảng viên là phải trải qua một quá trình tích luỹ kiến thức chuyên ngành một cách bài bản và ở cấp độ đào tạo bậc cao. Tuy nhiên, theo quy luật, xã hội vận động không ngừng, các kiến thức chuyên ngành sẽ thay đổi theo hướng mở rộng, đòi hỏi những người lao động trí tuệ như giảng viên phải luôn có sự cập nhật kiến thức của chuyên ngành đã được đào tạo, bên cạnh đó, cũng cần cập nhật, tích luỹ thêm những kiến thức xã hội khác nhằm bổ trợ cho công việc giảng dạy chuyên môn.

Việc cập nhật kiến thức có thể được thực hiện bằng hình thức tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chính thức tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc chủ động học tập nâng cao trình độ, tích luỹ kiến thức chuyên môn. Trên thực tế, việc tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chính thức tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được quy định một cách bài bản theo bậc đào tạo hoặc chương trình bồi dưỡng gắn với vị trí việc làm và bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố như: Quy chế hoạt động của cơ quan, tiêu chuẩn đối tượng tham gia, thời gian công tác, công việc đảm nhận, v.v., còn việc giảng viên chủ động học tập nâng cao trình độ, tích luỹ kiến thức chuyên môn thường không bị chi phối bởi tất cả những yếu tố trên, được thực hiện một cách thuận lợi hơn, nhất là trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Sự chủ động học tập của giảng viên thường được thực hiện qua việc chủ động cập nhật văn bản, chính sách liên quan đến chuyên ngành giảng dạy; chủ động tìm kiếm và tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến việc cập nhật, bổ sung kiến thức chuyên ngành,… Qua việc chủ động học tập, giảng viên vừa có sự mở rộng kiến thức chuyên ngành, vừa phát triển kiến thức chuyên sâu theo môn học hoặc chuyên đề giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi nhiệm vụ giảng dạy của giảng viên.

- Thứ hai, hoạt động nghề nghiệp của giảng viên mang tính chất truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng thực hành, cho nên, bên cạnh việc chủ động học tập tích luỹ kiến thức để truyền đạt cho người học, giảng viên cần phải tích cực rèn luyện kỹ năng, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu để luôn có được sự thành thục các kỹ năng nghề nghiệp của mình. Điều đó có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng lớn đến năng lực thực thi nhiệm vụ của giảng viên, theo đó, việc chủ động rèn luyện để thành thục các kỹ năng nghề nghiệp của giảng viên được thực hiện thường xuyên, sẽ giúp cho giảng viên luôn có sự tự tin, chủ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao.

Thực tế cho thấy, không chỉ đối với giảng viên, mà đối với các chức danh nghề nghiệp khác, việc thành thục các kỹ năng nghề nghiệp đòi hỏi cả một quá trình làm việc thực tế với sự lặp lại nhiều lần kết hợp với sự chủ động tự đánh giá, rút kinh nghiệm của chủ thể: Chủ động đánh giá, rút kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy theo các bậc đào tạo, hệ đào tạo, chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Trong khi đó, giảng viên là người truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ đối với người học, cho nên vấn đề rèn luyện để thành thục cách kỹ năng thực hành, phương pháp truyền đạt, nghiên cứu vừa là yêu cầu cơ bản nhưng cũng là yêu cầu cao đối với giảng viên. Việc rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp của giảng viên bao gồm rèn luyện kỹ năng truyền đạt kiến thức (phương pháp giảng dạy) và rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học (phương pháp nghiên cứu khoa học). Để làm được tốt điều này, giảng viên cần có sự chủ động tìm kiếm, tham gia các chương trình, hội thi liên quan đến việc nâng cao năng lực giảng dạy, kiến thức chuyên ngành; chủ động tìm kiếm, hợp tác trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; chủ động tìm kiếm, đăng ký, tham gia tuyển chọn đề tài nghiên cứu khoa học; chủ động đăng ký chủ trì, tham gia biên soạn giáo trình, tập bài giảng; chủ động nghiên cứu, xuất bản ấn phẩm khoa học phục vụ giảng dạy (sách tham khảo, sách chuyên khảo, bài báo khoa học,…). Tất cả những hoạt động đó được thực hiện một cách có kế hoạch, sẽ mang lại nhiều kết quả tốt, không chỉ là nâng cao năng lực chuyên môn mà còn khẳng định được uy tín của giảng viên.

1.3.2. Môi trường làm việc và đặc điểm công việc chuyên môn của giảng viên

Môi trường làm việc của giảng viên là nơi thực hiện hoạt động nghiệp vụ và sinh hoạt chuyên môn của giảng viên, bao gồm các hoạt động nghiệp vụ được thực hiện trên lớp và các hoạt động trao đổi chuyên môn tại đơn vị bộ phận nơi giảng viên công tác, có ảnh hưởng mang tính thường xuyên và trực tiếp đến năng lực thực thi nhiệm vụ của họ.

Việc giảng dạy trên lớp của giảng viên được tiến thành theo năm học với định mức giờ chuẩn, theo đó nếu định mức giờ chuẩn được đảm bảo theo quy định, cùng với đó là cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho hoạt động chuyên môn của cơ sở đào tạo được đáp ứng tốt, sẽ tạo môi trường tốt để cho giảng viên thực hành nghề nghiệp một cách ổn định và nâng cao tay nghề (kỹ năng nghề nghiệp). Ngoài việc giảng dạy trên lớp, truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng đối với với người học theo kế hoạch thì vấn đề tiếp xúc, trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp có cùng chuyên ngành trong đơn vị công tác là việc làm cần thiết và cần được thực thiện một cách định kỳ, thường xuyên. Tại các cơ sở đào tạo ở Việt Nam hiện nay, theo quy định của pháp luật, giảng viên được bố trí công tác tại tổ bộ môn theo môn học mà mình giảng dạy và đây là môi trường sinh hoạt chuyên môn chính thức của giảng viên. Thông thường, một giảng viên được sinh hoạt định kỳ hoặc thường xuyên sinh hoạt chuyên

môn (theo môn học, chuyên đề giảng dạy hoặc theo lĩnh vực nghiên cứu), họ sẽ có sự trau dồi kiến thức chuyên môn, sự chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, tạo nên sự thống nhất kiến thức chuyên môn giữa các giảng viên trong tổ bộ môn và sự thành thục kỹ năng nghề nghiệp cho riêng mình.

Ngoài môi trường làm việc thì đặc điểm công việc chuyên môn của giảng viên cũng là yếu tố có tác động ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực thực thi nhiệm vụ của họ. Công việc chuyên môn chính của giảng viên là giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thế nhưng mỗi môn học lại có những đặc điểm, vị trí và dung lượng khác khau trong chương trình đào tạo, hoặc cùng một môn học nhưng lại được thiết kế khác nhau theo ngành đào tạo và bậc đào tạo. Đối với môn học đại cương hoặc môn cơ sở ngành của nhiều ngành học, giảng viên sẽ có nhiều cơ hội thực hành nghề nghiệp với tần suất giảng dạy cao, đồng thời có sự điều chỉnh linh hoạt về phương pháp giảng dạy theo sự đa dạng của nội dung của môn học và đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho giảng viên, nhất là đối với giảng viên mới vào nghề, góp phần nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của họ. Đối với môn học chuyên ngành, nhất là những chuyên ngành hẹp và đặt trong bối cảnh các cơ sở đào tạo đa ngành với số lượng người học theo đầu ngành ít, thì cơ hội thực hành nghề nghiệp của giảng viên cũng sẽ ít, tức là tần suất giảng dạy thấp, thậm chí chỉ được giảng dạy một lần trong năm học. Điều này ảnh hưởng không tốt đến quá trình tác nghiệp và sự trưởng thành của giảng viên, nhất là giảng viên mới vào nghề, theo đó họ phải mất nhiều năm với sự nỗ lực rất lớn để đạt được sự thành thục kỹ năng giảng dạy đối với môn học được phân công đảm nhận.

1.3.3. Chính sách tạo động lực làm việc đối với giảng viên

Chính sách tạo động lực làm việc là yếu tố có tác động ảnh hưởng đến năng lực thực thi nhiệm vụ của giảng viên, theo đó, khi giảng viên được tạo động lực làm việc (chế độ lương, thưởng hợp lý, tương xứng với lao động trí tuệ của họ; chế độ khen thưởng công bằng, kịp thời; có cơ hội học tập, nghiên cứu phát triển chuyên môn, nghề nghiệp,...) họ sẽ làm việc với tinh thần tự giác, hăng say, phát huy được tối đa nội lực và sự sáng tạo của mình để phục vụ tốt cho nhà trường. Ngược lại, nếu kém động lực làm việc hoặc không có động lực làm việc, họ sẽ thờ ơ với công việc, làm việc một cách đối phó, không phát huy được sự sáng tạo, ảnh hưởng đế hiệu suất và sự trưởng thành nghề nghiệp của họ.

Thực tế những năm gần đây, giữa nhiều cơ sở đào tạo ở Việt Nam đang có sự cạnh tranh về năng lực đội ngũ giảng viên. Các cơ sở đào tạo nào có chính sách đối với giảng viên tốt, sẽ tạo được động lực làm việc cho giảng viên để học ra sức công hiến cho tập thể, đồng thời vừa thu hút được những giảng viên giỏi từ bên ngoài, lại vừa giữ chân được những giảng viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm đang công tác tại

đơn vị. Đây là vấn đề sẽ còn tiếp diễn, thậm chí ngày càng gay gắt trong thời gian tới do có sự cạnh tranh để tồn tại, phát triển cũng như xếp hạng cơ sở đào tạo nhằm thu hút người học và khẳng định thương hiệu của mỗi cơ sở đào tạo ở Việt Nam.

Ngoài ra, còn một số yếu tố khác cũng có tác động ảnh hưởng nhất định đối với năng lực thực thi nhiệm vụ của giảng viên như: Yếu tố hội nhập quốc tế, yếu tố môi trường văn hóa trường học, v.v. Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu đề tài, tác giả tập trung phân tích một số yếu tố tác động trực tiếp nêu trên để làm cơ sở phân tích ưu điểm, hạn chế và chỉ ra nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế về năng lực thực thi nhiệm vụ của giảng viên tại địa bàn khảo sát.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chất lượng giảng viên trường đại học nội vụ hà nội (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)