Lựa chọn phương pháp đào tạo

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ HOÀN THIỆN CÔNG tác đào tạo NGUỒN NHÂN lực tại cục THỐNG kê QUẢNG NAM (Trang 30 - 36)

2. Xác định vấn đề “chưa biết làm” hay “không muốn làm”

1.2.4.2. Lựa chọn phương pháp đào tạo

Để các nội dung đào tạo đạt hiệu quả kinh tế cao cũng như giúp học viên nắm bắt được kiến thức, kỹ năng trong công việc việc lựa chọn phương pháp đào tạo thích hợp có vai trò rất quan trọng. Nếu lựa chọn đúng phương pháp sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian đào tạo cho tổ chức và cán bộ viên chức trong khi đó chất lượng học viên sau khóa học vẫn được đảm bảo, đáp ứng mục tiêu đề ra. Có nhiều phương pháp có thể sử dụng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Với mỗi phương pháp lại có cách thức thực hiện và những ưu nhược điểm riêng. Do đó tổ chức cần xem xét lựa chọn phương pháp cho phù hợp với mình.

* Đào tạo tại nơi làm việc

Đào tạo tại nơi làm việc là hình thức đào tạo học viên cách thức thực hiện công việc ngay trong quá trình làm việc. Thông thường tất cả mọi người, từ nhân viên thư ký hành chính đến giám đốc tổ chức đều ít nhiều nhận được sự đào tạo tại nơi làm việc khi họ tham gia thực hiện công việc của tổ chức.

Nhiều chuyên gia cho rằng đó là hình thức chung nhất, phổ biến rộng rãi nhất và thiết thực nhất để đào tạo nhân viên những kỹ năng cơ bản phù hợp và cần thiết cho việc thực hiện công việc. Việc đào tạo thường xuyên do các nhân viên lành nghề và các giảng viên hướng dẫn thực hiện.

Các dạng đào tạo nơi làm việc bao gồm:

Kèm cặp, hướng dẫn tại chỗ

Đây là hình thức phổ biến nhất. Cách thức tổ chức đơn giản nhất để cho học viên quan sát, ghi nhớ, học tập và làm theo cách người hướng dẫn đã chỉ dẫn. Thường được áp dụng để đào tạo nhân viên vận hành máy, nhân viên bán hàng hoặc đào tạo các quản trị gia của tổ chức.

Ưu điểm của phương pháp này: Đơn giản, có thể đào tạo nhiều người cùng một lúc; it tốn kém, thời gian đào tạo ngắn. Học viên trong quá trình học tập tạo ra sản phẩm, không cần các phương tiện học tập chuyên biệt như phòng học, đội ngũ cán bộ giảng dạy riêng; học viên học được ngay cách giải quyết các vấn đề thực tiễn và mau chóng có các thông tin phản hồi về kết quả học tập, thực hiện công việc của học viên.

Nhược điểm của phương pháp kèm này: Người hướng dẫn (nhân viên lành nghề) có thể cảm thấy nhân viên mới là mối nguy hiểm đối với vấn đề công ăn việc làm của họ và phần trách nhiệm thêm về mặt đào tạo có thể sẽ là bất lợi đối với họ. Ngoài ra do người hướng dẫn thường ít có kinh nghiệm sư phạm nên sự hướng dẫn của họ có thể không theo trình tự từ dễ đến khó, không theo quy trình công nghệ. Học viên tiếp thu hạn chế về mặt lý luận và đôi khi còn học được cả thói quen xấu trong việc thực hiện của người hướng dẫn.

Luân phiên thay đổi công việc

Học viên được luân phiên chuyển từ công việc của phòng ban này sang công việc của phòng ban khác, từ phân xưởng này sang phân xưởng khác,

được học cách thực hiện những công việc có thể hoàn toàn khác nhau về nội dung và phương pháp. Khi đó, học viên sẽ nắm được nhiều kỹ năng thực hiện các công việc khác nhau, hiểu được cách thức phối hợp thực hiện công việc của các bộ phận khác nhau trong tổ chức. Phương pháp này có thể áp dụng để đào tạo cả các quản trị gia lẫn công nhân kỹ thuật và các cán bộ chuyên môn.

Ưu điểm của phương pháp này: Học viên được đào tạo đa kỹ năng, tránh được tình trạng trì trệ, dễ dàng thích ứng với các công việc khác nhau. Tổ chức có thể bố trí lao động linh hoạt, nhân viên có khả năng thăng tiến cao hơn; giúp học viên phát hiện ra các điểm mạnh, điểm yếu của mình và có kế hoạch đầu tư phát triển nghề nghiệp phù hợp.

Nhược điểm của phương pháp này: Thời gian ở lại một công việc hay một vị trí làm việc quá ngắn; học viên có thể chưa hiểu biết đầy đủ về một công việc.

Đào tạo theo kiểu học nghề

Đào tạo theo kiểu học nghề là người có kinh nghiệm hơn sẽ thực hiện đào tạo. Hầu hết các thợ thủ công, thợ hàn, thợ mộc đều được đào tạo thông qua chương trình học nghề. Người dạy nghề chủ yếu nêu cách thức thực hiện để người học bắt chước. Người dạy có thể là các trưởng bộ phận, giám sát… Tham gia, phản hồi chuyển giao công việc được chú trọng trong phương pháp đào tạo này. Phương pháp đào tạo này có ưu điểm: Không can thiệp tới việc thực hiện công việc thực tế; học viên được trang bị một lượng khá lớn các kiến thức và kỹ năng. Bên cạnh đó, có một số nhược điểm như: Chi phí cao; tốn nhiều thời gian; có thể không liên quan trực tiếp tới công việc.

* Đào tạo ngoài nơi làm việc

Đào tạo bài giảng

Đào tạo theo phương pháp bài giảng là học viên được nghe lý thuyết trước khi thực hiện các bước thực hành.

Ưu điểm của phương pháp này là nhanh chóng và đơn giản khi cung cấp kiến thức cho một nhóm lớn học viên. Phương pháp đào tạo theo bài giảng được sử dụng như một phần trong nội dung đào tạo và thường được phối hợp với phần yêu cầu thực hành các kỹ năng mới.

Phương pháp đào tạo theo bài giảng thường được áp dụng trong các hình thức đào tạo ở các trường đào tạo chính quy, thường được áp dụng đối với việc đào tạo nghề tương đối phức tạp và thời gian đào tạo lâu.

Đào tạo nghe nhìn

Đào tạo theo phương pháp nghe nhìn là cung cấp thông tin cho học viên bằng các kỹ thuật nghe nhìn như phim băng hình, radio... Phương pháp đào tạo này rất có hiệu quả và được áp dụng rộng rãi nhất trong các trường hợp sau đây: Khi cần thiết phải minh họa về cách thức thực hiện các phần công việc khác nhau không phụ thuộc vào trình tự thời gian; khi cần phải minh họa cho các sự việc hiện tượng khó diễn tả đơn thuần bằng lời nói trong bài giảng; khi quá trình đào tạo thực hiện ở phạm vi rộng và sẽ rất tốn kém cho việc chuyển học viên từ địa điểm này sang địa điểm khác.

Phương pháp hội thảo

Phương pháp này được tổ chức dưới dạng giảng bài hay hội nghị bên ngoài, có thể được tổ chức riêng hay kết hợp với các nội dung đào tạo khác.

Học viên sẽ học các kiến thức, kinh nghiệm cần thiết thông qua việc thảo luận từng chủ đề trong từng buổi.

Phương pháp này khá đơn giản dễ tổ chức, không cần nhiều trang bị, tuy nhiên phạm vi tổ chức hẹp và tốn thời gian.

Đào tạo mô phỏng

Phương pháp đào tạo mô phỏng là cho học viên thực hành trên những trang thiết bị kỹ thuật ngoài nơi làm việc.

cần đặt học viên vào nơi làm việc thực tế, đặc biệt trong các trường hợp công việc đào tạo đòi hỏi chi phí lớn hoặc quá nguy hiểm.

Phương pháp này thường được thực hành trong phòng thực nghiệm có các trang thiết bị kỹ thuật giống hoặc mô phỏng như nơi làm việc thực tế.

Đào tạo có máy tính hỗ trợ (Học theo chương trình hoá)

Ưu điểm của phương pháp này là: Cung cấp các thông tin chỉ dẫn cho các cá nhân học tập theo tốc độ của cá nhân. Học viên tiếp thu kiến thức mới dễ dàng, thuận lợi. Học viên có thể sử dụng máy tính bất cứ lúc nào họ muốn và nhận được ngay các thông tin phản hồi đối với các dữ kiện mới đưa vào.

Phương pháp đào tạo có máy tính hỗ trợ cung cấp các số liệu tính toán đánh giá thực hiện các bài kiểm tra trắc nghiệm dựa vào đó người hướng dẫn có thể biết được điểm yếu và phương pháp khắc phục cho từng học viên trong quá trình đào tạo. Phương pháp đào tạo này dễ dàng hỗ trợ cho việc tiếp thu, thực hành các kỹ thuật, công nghệ mới cần thiết cho học viên.

Nghiên cứu tình huống

Phương pháp này thường áp dụng để đào tạo và nâng cao năng lực quản trị. Trong phương pháp này học viên được nghiên cứu các tình huống về tổ chức, quản lý đã xảy ra và mỗi người tự phân tích các tình huống, dự đoán vấn đề và trình bày các giải pháp của mình với các học viên khác trong nhóm hoặc trong lớp. Thông qua thảo luận, học viên tìm hiểu được nhiều cách tiếp cận, quan điểm và cách giải quyết các vấn đề phức tạp trong tổ chức.

Phương pháp này có ưu điểm: Tạo khả năng lớn nhất để mọi người tham gia, phát biểu các quan điểm khác nhau và đề ra quyết định; giúp cho học viên làm quen với cách phân tích, giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Trò chơi quản trị

Trong các trò chơi quản trị sử dụng máy tính, các thành viên được chia thành một số nhóm, mỗi nhóm thường có từ 4 đến 7 học viên. Mỗi nhóm

đóng vai các thành viên trong Ban Giám đốc của một tổ chức. Các tổ chức này cạnh tranh với nhau trong thị trường mô phỏng giống như trong thực tế.

Ưu điểm của trò chơi quản trị: Trò chơi thường sinh động vì tính cạnh tranh, hấp dẫn của nó. Học viên học được cách phán đoán những gì của môi trường cạnh tranh sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức; học viên có cơ hội phát triển khả năng giải quyết vấn đề, đề ra chiến lược và chính sách hoạt động phù hợp cho tổ chức; học viên được phát triển khả năng thủ lĩnh và khuyến khích khả năng hợp tác, làm việc tập thể.

Nhược điểm: Đòi hỏi chi phí cao; học viên chỉ có thể lựa chọn một trong số các phương án cho trước.

Phương pháp đóng vai

Phương pháp này thường được áp dụng đối với một nhóm nhỏ. Mục đích của phương pháp là tạo ra tình huống giống như thật và yêu cầu học viên phải đóng vai một nhân vật nào đó trong tình huống. Việc thực hiện các bài tập nhập vai thường gây ra các cuộc thảo luận, tranh cãi giữa các thành viên tham gia. Phương pháp này thường rất thú vị, không tốn kém và bổ ích trong việc phát triển nhiều kỹ năng mới và giúp học viên nhạy cảm với tình cảm của người khác.

Phương pháp mô hình mẫu

Phương pháp này thường được dùng để huấn luyện cho các quản trị gia cách thức điều khiển, quản lý nhân viên; các nhà quản trị và các nhân viên về cách giao tiếp, thiết lập mối quan hệ, sửa các thói quen xấu trong công việc…

Trong phương pháp này học viên sẽ được xem các mô hình mẫu trong phim, video về cách thức thực hiện một vấn đề cần nghiên cứu, như cách thức nhà lãnh đạo bắt tay, chào hỏi nhân viên, cách thức phê bình cấp dưới…. Học viên làm theo mẫu chỉ dẫn và người hướng dẫn sẽ cung cấp các thông tin phản hồi về cách thức thực hiện của học viên.

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ HOÀN THIỆN CÔNG tác đào tạo NGUỒN NHÂN lực tại cục THỐNG kê QUẢNG NAM (Trang 30 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(110 trang)
w