Công tác đào tạo giáo viên và cán bộ giáo dục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục cách mạng kiên giang 1945 1975 (Trang 54)

1930 – 1945

2.2.3 Công tác đào tạo giáo viên và cán bộ giáo dục

Song song với việc biên soạn chương trình giáo khoa thì công tác xây dựng một đội ngũ giáo viên là một khâu rất quan trọng. Đầu năm 1948, Sở đã mở một lớp sư phạm gọi là Sư phạm cấp tốc tại Tân Bằng (Bạc Liêu). Mục đích lớp là đào tạo cấp tốc một số giáo viên là cán bộ tối thiểu cho phong trào giáo dục ở các tỉnh. Lớp học tập hợp được 50 học viên từ khu thuộc Nam Bộ (khu 7,8,9) có trình độ văn hóa từ lớp nhất đến tốt nghiệp trường Sư phạm Sài Gòn cũ. Trong thời gian 3 tháng học viên được bồi dưỡng, tập huấn về một số vấn đề cơ bản của sư phạm và chính trị, rồi trở về tỉnh nhà làm nòng cốt cho phong trào giáo dục, giúp các Ty mới thành lập củng cố bộ máy, phát triển phong trào chống nạn mù chữ và phong trào giáo dục phổ thông [34, tr.14].

Bên cạnh việc đào tạo giáo viên cấp tốc để đáp ứng yêu cầu cấp thiết lúc bấy giờ của ngành giáo dục Nam Bộ, Viện Văn hóa kháng chiến Nam Bộ mở lớp đào tạo giáo viên trung học cho các trường trung học kháng chiến và trung học bình dân, lấy tên lớp là Sư phạm văn hóa đặc biệt Phan Chu Trinh, mở trên bờ sông Thới Bình.

Sau lớp Sư phạm cấp tốc đầu tiên khi bộ máy của Sở được tăng cường, năm 1949 Sở mở trường Sư phạm Nam Bộ ở Rạch Tắt (Cái Tàu), quy mô lớn hơn, vừa có phần lý thuyết sư phạm và thực hành, vừa có phần bổ túc văn

hóa cho giáo sinh. Mục đích là đào tạo giáo viên có năng lực dạy đến lớp nhất tiểu học hoặc bổ sung bộ máy chỉ đạo của Ty. Trường Sư phạm mở được 2 khóa, mỗi khóa 6 tháng và đào tạo được 250 giáo viên tiểu học [34, tr.15].

2.2.4. Phong trào Bình dân học vụ và xóa nạn mù chữ

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, được sự giúp đỡ chỉ đạo của chính quyền cách mạng, các lớp học xoá mù chữ hình thành và phát triển. Chữ quốc ngữ được truyền bá khêu gợi lòng yêu nước, truyền thống ham học hỏi của nhân dân.

Đầu năm 1947, cơ sở kháng chiến bước đầu được củng cố, Uỷ ban hành chính Nam Bộ quyết định thành lập Ban Bình dân học vụ trực thuộc ban Văn hóa- xã hội của Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ. Ở các tỉnh cũng thành lập Tiểu ban Bình dân học vụ trực thuộc Ban Văn hóa - xã hội Ủy ban kháng chiến hành chánh tỉnh. Từ đó, phong trào Bình dân học vụ được củng cố và ngày càng phát triển mạnh mẽ [34, tr.33].

Để tăng cường cán bộ có trình độ năng lực tổ chức quản lý và chỉ đạo ngành học, chuẩn bị cho chiến dịch toàn dân thi đua xóa mù chữ. Năm 1948, Sở Giáo dục Nam Bộ mở 2 lớp đào tạo cán bộ, giáo viên bình dân học vụ.

Lớp đầu tiên Mở tại Rạch Rít ở chợ Lớn (cách Sài Gòn 10km đường chim bay), có 54 học viên của các tỉnh miền Đông thuộc khu 7.

Lớp thứ hai được tổ chức ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, gồm 120 học viên của các tỉnh miền Trung và miền Tây thuộc khu 8 và 9 Nam Bộ.

Các học viên 2 lớp này về sau là cán bộ nòng cốt của nhành bình dân học vụ. Sau khi số học viên được huấn luyện trở về, các Ty Giáo dục đã tổ chức nhiều lớp tập huấn ngắn ngày (từ

12 đến 15 ngày) đào tạo cán bộ chuyên trách và giáo viên bình dân học vụ cho các huyện trong tỉnh và sau đó là cho các xã, ấp trong huyện.

Sở Giáo dục còn tổ chức 2 khóa Sư phạm tiểu học bình dân nhằm đào tạo cán bộ, giáo viên cho nhành bình dân học vụ.

Tháng 7/1949, Sở mở khóa Sư phạm tiểu học bình dân (khóa Hồ Văn Long) tại Rạch Ông Bường, xã Khánh An, huyện Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu do Hoàng Minh Viễn phụ trách. Khóa này có 82 học viên.

Tháng 8/1950, Sở mở khóa Sư phạm tiểu học bình dân thứ hai tại trường Sư phạm tiểu học Nam Bộ đóng ở Rạch Tắc, xã Nguyễn Phích, huyện Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu do Giáo sư Nguyễn Văn Chì làm Hiệu trưởng. Khóa này có 124 học viên của các tỉnh toàn Nam Bộ, trong đó có 14 học viên nữ [34, tr.34].

Phong trào Bình dân học vụ trong những năm đầu kháng chiến ở Nam Bộ diễn ra sôi nổi, cùng với sự năng nổ, nhiệt tình của cán bộ, giáo viên Bình dân học vụ đã thu hút mọi sự ủng hộ của nhân dân. Nhân dân sẵn sàng cho mượn nhà cửa, bàn ghế, dầu đèn để mở lớp. Nhiều nhà hảo tâm góp tiền để in sách vần quốc ngữ, mua tập vở, phấn bút cho các lớp Bình dân học vụ.

2.2.5. Phong trào Bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ, thanh niên công nông nông

Song song với phong trào Bình dân học vụ để xóa mù chữ cho nhân dân thì phong trào bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ, thanh niên công nông cũng được Đảng chỉ đạo, quan tâm. Đảng có chủ trương tích cực bồi dưỡng cán bộ công nông, mạnh dạn đưa nông dân vào các vị trí lãnh đạo then chốt của chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở, tìm mọi cách tổ chức để nông dân học văn hóa để đủ năng lực lãnh đạo.

Giữa năm 1949, Sở Giáo dục tổ chức 3 trường trung học phổ thông kháng chiến, lấy tên là: trường Trung học Thái Văn Lung, Nguyễn Văn Tố và Huỳnh Phan Hộ với đối tượng học sinh là lực lượng thanh niên tham gia kháng chiến có trình độ văn hóa sơ học, hoặc tương đương, nhằm đào tạo cán bộ trẻ có năng lực, tăng cường đội ngũ cán bộ kháng chiến. Sở đã chỉ đạo xây dựng trường Trung học Bình dân Nguyễn Công Mỹ. Cơ sở trường được xây dựng tại Rạch Chệt, xã Nguyễn Phích, huyện Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu do Giáo sư Nguyễn Minh Nghĩa làm Hiệu trưởng và Hoàng Viễn làm Phó Hiệu trưởng [34, tr.38].

Đối tượng chiêu sinh của trường là cán bộ, đảng viên có quá trình tham gia công tác kháng chiến trong các cơ quan quân, dân, chính, Đảng toàn Nam Bộ, có trình độ học lực hết bậc tiểu học trở lên. Chương trình học gồm có 8 môn: Chính trị, Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa, Sinh Vật… nhưng nội dung có tinh giảm, thiết thực. Các môn khoa học xã hội được đề cao hơn và gắn với yêu cầu nâng cao trình độ chính trị của học viên. Các môn khoa học tự nhiên được ứng dụng vào sản xuất, chiến đấu và cải thiện đời sống. Mục đích nhằm nhanh chóng nâng cao trình độ văn hóa và năng lực lãnh đạo của cán bộ kháng chiến.

Từ giữa năm 1949 đến 6/1952, trường mở liên tiếp 3 khóa (1, 2, 3), bồi dưỡng chính trị, văn hóa, khoa học cho hơn 350 học viên đạt trình độ văn hóa bậc trung học phổ thông cơ sở (tương đương lớp 7, 8) [34, tr.38].

Trong 2 năm (7/1952 đến 7/1954) trường mở thêm 2 khóa học (4 và 5), bồi dưỡng chính trị, văn hóa, khoa học cho hơn 350 học viên đạt trình độ văn hóa bậc trung học phổ thông cơ sở (tương đương lớp 7, 8) [34, tr.39].

Như vậy, từ ngày thành lập đến năm 1954 trường Trung học Bình dân Nguyễn Công Mỹ đã mở được 5 khóa đào tạo, bồi dưỡng chính trị, văn hóa, khoa học bản cho gần 600 cán bộ, đảng viên của các ngành quân, dân, những

cán bộ cốt cán của Nam Bộ. Góp phần đắc lực vào sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và trong công cuộc xây dựng đất nước sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

2.3. Giáo dục cách mạng Kiên Giang 1945-1954

2.3.1. Bối cảnh ra đời của nền giáo dục cách mạng Kiên Giang

Trong chính sách ngu dân, hạn chế giáo dục của thực dân Pháp, đại đa số nhân dân Việt Nam không biết chữ, cả chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Trong lúc đó, từ đầu thế kỷ 20, chữ Hán và chữ Nôm đã không còn được trọng dụng nên cũng không còn mấy người theo học. Đến năm 1945, hầu hết các làng đều có trường học, nhưng chỉ dạy đến bậc sơ học và số học sinh cũng không được bao nhiêu. Nhiều gia đình, nhiều xóm muốn cho con em học chữ phải mời thầy về dạy. Số thầy giáo dạy từ này gần giống như thầy đồ ngày xưa, không có đồng lương cố định, chỉ ăn cơm của gia đình học sinh và nhận quà biếu vào dịp lễ, tết.

Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước, chính quyền cách mạng được thành lập. Ở Nam Bộ chính quyền cách mạng được hình thành, chính phủ cách mạng đã có chủ trương xây dựng một nền văn hóa mới, coi trọng việc “trồng người”, phát triển giáo dục phổ thông để phục vụ cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc.

Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn, bộ máy chính quyền cách mạng đã được thành lập tại Nam Bộ từ cấp xứ đến tỉnh, huyện, xã để chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Nhưng không lâu sau, ngày 23/9/1945 thực dân Pháp quay lại xâm lược Nam Bộ, buộc nhân dân Nam Bộ phải cầm súng đứng lên kháng chiến. Bộ máy kháng chiến rút về nông thôn để lãnh đạo nhân dân kháng chiến lâu dài.

Hơn một năm sau, đáp lới kêu gọi toàn dân kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946, nhân dân Nam Bộ đã giành được nhiều thắng

lợi, giải phóng nhiều vùng và khống chế một số đường chiến lược. Trước những chuyển biến thuận lợi đó, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ tháng 8/1947 đã ra quyết định thành lập Sở Giáo dục Nam Bộ và Viện Văn Hóa Kháng chiến Nam Bộ, với nhiệm vụ “quét sạch tàn tích văn hóa nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp, xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam mà trước mắt là thanh toán nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân, phát triển giáo dục phổ thông bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những công dân tốt, người lao động tốt, người cán bộ phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến, xây dựng đất nước” [28, tr.67].

Trên địa bàn Kiên Giang, trừ thị xã Rạch Giá và thị xã Hà Tiên, phần lớn nông dân trong nông thôn là tá điền, là “tay rìu” nghèo khổ, cơm không đủ no, áo không đủ ấm nên ít quan tâm đến việc cho con em đi học chữ. “Lấy táo đong lúa, không ai lấy táo đong chữ” là quan niệm phổ biến. Nhiều gia đình mang nặng tư tưởng phong kiến, không cho con gái học chữ “sợ viết thơ cho con trai”.

Trong bối cảnh lịch sử cực kỳ nghiêm trọng, giặc ngoài đang cố hết sức chống phá cách mạng Việt Nam. Ngày 31/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh Chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ thông qua chương trình hành động cấp bách gồm 6 điểm:

- Tăng gia sản xuất để cứu đói. - Chống nạn mù chữ.

- Tổ chức tổng tuyển cử.

- Phát động toàn dân thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. - Xóa bỏ thuế thân, thuế nợ, thuế đò, cấm hút thuốc phiện. - Tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết.

Hồ Chủ Tịch đặt việc “Chống nạn mù chữ” là công việc cấp bách và : “Nạn dốt là một trong những phương pháp thâm độc mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90% đồng bào ta còn mù chữ. Thế mà chỉ cần học 3 tháng là có thể đọc được, viết được tiếng nước ta. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở chiến dịch chống nan mù chữ” [26, tr.40].

Hồ Chủ Tịch ra “Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học”, trong đó nhấn mạnh… “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”. Chính phủ đã hạn trong một năm tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ quốc ngữ. Chính phủ đã lập một nhà Bình dân học vụ để trông nôm việc học của dân chúng.

Quốc dân Việt Nam

Muốn giữ vững nền độc lập

Muốn làm cho dân giàu nước mạnh

Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ [26, tr40].

Ngay trong những ngày đầu độc lập, Đảng, Chính phủ đã có quan điểm đúng đắn về giáo dục, trước hết là làm cho người dân Việt Nam phải biết chữ quốc ngữ. Quan điểm đó đã chỉ đạo phong trào Bình dân học vụ trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.Trên quan điểm đó, các trường phổ thông trong vùng giải phóng đã đào tạo một lớp người yêu nước, phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

Trong vùng địch tạm chiếm, Tỉnh ủy Rạch Giá và Hà Tiên vận động thầy và trò trong trường học của thực dân phát huy chủ nghĩa yêu nước, dân tộc, tiếp thu kiến thức văn hóa và khoa học để phục vụ đất nước. Vận động thầy trò tham gia kháng chiến, ủng hộ kháng chiến. Và “một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí” [27, tr.28]. Để xóa bỏ nạn dốt, thực hiện chủ trương của Đảng, Đảng bộ hai tỉnh đã phát động phong trào “ Bình dân học vụ”, động viên mọi người học chữ “Quốc ngữ chữ nước ta”; khuyết kích “ người đã biết chữ hãy dạy cho người chưa biết chữ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học” [27, tr.29]. Người mù chữ đi học mà hãnh diện không mặc cảm. Từ thành thị đến khắp thôn quê hải đảo xa xôi, ngày cũng như đêm, già cũng như trẻ, gái cũng như trai…khắc phục khó khăn trong đời sống hằng ngày, tích cực tham gia phong trào chống dốt để được tiến bộ [17, tr.17].

2.3.2. Hệ thống trường lớp và tình hình giáo dục

Sau cách mạng tháng Tám, hầu hết giáo viên và học sinh Sài Gòn, quân dân miền Nam bắt tay vào cuộc kháng chiến (23/9/1945), Ủy ban kháng chiến 2 tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên được thành lập, chuẩn bị chống thực dân Pháp tái xâm lược. Không khí chiến tranh, tinh thần bảo vệ Tổ quốc đã làm giảm nhẹ đi việc chăm lo các mặt khác.

Các trường học phổ thông đã có từ trước ở Nam Bộ lần lượt khai giảng năm học 1945-1946, năm học đầu tiên dưới chế độ mới. Còn ở Kiên Giang ngày khai giảng năm học 1945 – 1946 không được thực hiện. Trường tiểu học Hà Tiên được trưng dụng làm nơi huấn luyện quân sự; Trường Nam, Nữ tiểu học Rạch Giá được Thanh niên Tiền phong sử dụng để tổ chức trại huấn luyện “Lam Sơn”.

Đến khi giặc Pháp có những hoạt động quân sự thăm dò trên biên giới, nhân dân Hà Tiên phải sơ tán qua Tô Châu, trường Hà Tiên cũng được

dời qua Rạch Núi, Thuận Yên, tỉnh Hà Tiên lấy cơ sở trường Thuận Yên làm trường tiểu học của tỉnh, một số giáo viên ở các làng cũng rút về đây tham gia vào hoạt động của trường. Trường Dương Hòa, Hòn Chông và Giang Thành ngưng hoạt động.

Trường tiểu học tỉnh lỵ Rạch Giá không khai giảng được, đến năm 1947, tỉnh Rạch Giá đã hình thành vùng giải phóng ở khu vực phía Nam sông Cái Lớn, các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành đều có vùng giải phóng lõm, giặc Pháp chỉ còn kiểm soát nổi tỉnh lỵ, quận lỵ và xung quanh một số đồn bót. Tỉnh Hà Tiên đã có khu giải phóng Hòa Điền, Phú Mỹ, Vĩnh Điều; huyện Phú Quốc có khu Cửa Cạn, Dương Tơ, vùng rừng núi Bắc đảo. Chính quyền cách mạng của 2 tỉnh đã được củng cố lại và đi vào hoạt động có nề nếp [21, tr.48].

Vào tháng 2/1947, tỉnh ủy Rạch Giá mở cuộc hội nghị khoáng đại (Hội nghị mở rộng) nhận định, đánh giá tình hình kháng chiến, đề ra một số chủ trương, trong đó về văn hóa xã hội đã ghi:

- Mở rộng công tác Bình dân học vụ, vận động phong trào chống dốt và xây dựng nếp sống mới trong vùng giải phóng.

- Thành lập Ty Y tế, Ty giáo dục, Ty Thông tin, Phòng Thương binh xã hội [17, tr.19].

Ủy ban kháng chiến của tỉnh Rạch Giá lúc đầu chưa thành lập được Ty

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giáo dục cách mạng kiên giang 1945 1975 (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)