1930 – 1945
2.3.2. Hệ thống trường lớp và tình hình giáo dục
Sau cách mạng tháng Tám, hầu hết giáo viên và học sinh Sài Gòn, quân dân miền Nam bắt tay vào cuộc kháng chiến (23/9/1945), Ủy ban kháng chiến 2 tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên được thành lập, chuẩn bị chống thực dân Pháp tái xâm lược. Không khí chiến tranh, tinh thần bảo vệ Tổ quốc đã làm giảm nhẹ đi việc chăm lo các mặt khác.
Các trường học phổ thông đã có từ trước ở Nam Bộ lần lượt khai giảng năm học 1945-1946, năm học đầu tiên dưới chế độ mới. Còn ở Kiên Giang ngày khai giảng năm học 1945 – 1946 không được thực hiện. Trường tiểu học Hà Tiên được trưng dụng làm nơi huấn luyện quân sự; Trường Nam, Nữ tiểu học Rạch Giá được Thanh niên Tiền phong sử dụng để tổ chức trại huấn luyện “Lam Sơn”.
Đến khi giặc Pháp có những hoạt động quân sự thăm dò trên biên giới, nhân dân Hà Tiên phải sơ tán qua Tô Châu, trường Hà Tiên cũng được
dời qua Rạch Núi, Thuận Yên, tỉnh Hà Tiên lấy cơ sở trường Thuận Yên làm trường tiểu học của tỉnh, một số giáo viên ở các làng cũng rút về đây tham gia vào hoạt động của trường. Trường Dương Hòa, Hòn Chông và Giang Thành ngưng hoạt động.
Trường tiểu học tỉnh lỵ Rạch Giá không khai giảng được, đến năm 1947, tỉnh Rạch Giá đã hình thành vùng giải phóng ở khu vực phía Nam sông Cái Lớn, các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành đều có vùng giải phóng lõm, giặc Pháp chỉ còn kiểm soát nổi tỉnh lỵ, quận lỵ và xung quanh một số đồn bót. Tỉnh Hà Tiên đã có khu giải phóng Hòa Điền, Phú Mỹ, Vĩnh Điều; huyện Phú Quốc có khu Cửa Cạn, Dương Tơ, vùng rừng núi Bắc đảo. Chính quyền cách mạng của 2 tỉnh đã được củng cố lại và đi vào hoạt động có nề nếp [21, tr.48].
Vào tháng 2/1947, tỉnh ủy Rạch Giá mở cuộc hội nghị khoáng đại (Hội nghị mở rộng) nhận định, đánh giá tình hình kháng chiến, đề ra một số chủ trương, trong đó về văn hóa xã hội đã ghi:
- Mở rộng công tác Bình dân học vụ, vận động phong trào chống dốt và xây dựng nếp sống mới trong vùng giải phóng.
- Thành lập Ty Y tế, Ty giáo dục, Ty Thông tin, Phòng Thương binh xã hội [17, tr.19].
Ủy ban kháng chiến của tỉnh Rạch Giá lúc đầu chưa thành lập được Ty giáo dục, chỉ tổ chức Phòng Bình dân học vụ do ông Trương Tự Phát làm Trưởng phòng thuộc Ban xã hội của Ủy ban.
Ban Bình dân học vụ đóng tại Cạnh Đền xã Vĩnh Phong, huyện Hồng Dân (nay là huyện Vĩnh Thuận).
Từ đó, phong trào Bình dân học vụ được phát động một cách mạnh mẽ, hệ thống dạy và học phát triển đến từng xóm ấp. Cùng với một số biện pháp
hành chánh đi kèm theo, gần như tất cả nhân dân trong vùng giải phóng đều đi học bình dân học vụ.
Đến năm 1948, Ty giáo dục mới chính thức được thành lập do Trương Văn Trọng làm Trưởng ty, Ban Bình dân học vụ nằm trong Ty giáo dục. Sau một thời gian ngắn, Trương Văn Trọng nghỉ vì tuổi cao, Trần Văn Hoài thay làm trưởng ty.
Tại tỉnh Hà Tiên, từ sau giặc Pháp tái chiếm, phong trào Bình dân học vụ tạm ngưng. Trường tiểu học Hà Tiên đóng ở Thuận Yên chuẩn bị giải tán, nhiều học sinh và một số giáo viên trở về trường cũ ở trong thị trấn tiếp tục dạy và học theo chương trình của nền giáo dục thực dân. Cả thầy Trương Văn Vinh cũng trở về Hà Tiên dạy học.
Sau thỏa hiệp án 14/9/1946, nhiều công thức, trí thức, giáo viên, học sinh bỏ thành ra chiến khu tham gia kháng chiến. Lúc này, Hà Tiên chưa có ban Bình Dân học vụ, tỉnh chỉ có ban đời sống gồm cả y tế và giáo dục do đồng chí Cao Trọng Giảng phụ trách, chưa có phong trào sôi nổi.
Đến năm 1947, thầy giáo Trương Văn Vinh được lệnh trở lại chiến khu làm tổng thư ký thay cho thầy Nguyễn Ngọc Lầu. Đầu năm 1948, Ty giáo dục Hà Tiên được thành lập, thầy Trương Văn Vinh làm trưởng ty, thầy Phạm Văn Ngà làm thanh tra viên (sau đó gọi là kiểm soát viên) [21, tr.52].
Từ sau khi thành lập Ty giáo dục, thầy Phạm Văn Ngà, Nguyễn Văn Lý và thầy giáo Thơm được cử đi học lớp sư phạm ở Nam bộ 3 tháng, sau đó về mở lớp sư phạm của tỉnh Hà Tiên. Tất cả các xã đều có cử người đến học để về địa phương mở lớp dạy học. Lớp có gần 100 giáo sinh (học viện) [21, tr.55].
Đến đầu năm 1948, ty Giáo dục tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên có 2 bộ phận : Tiểu học vụ và Bình dân học vụ.
Về tiểu học vụ
Năm 1948, tỉnh Rạch Giá, Ty Giáo dục được thành lập, lo việc giáo dục và biên soạn sách giáo khoa. Tỉnh mở 1 trường tiểu học tại xã Hồ Văn Tốt (xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ) và trường nội trú Lý Tự Trọng, thu nhận hàng trăm học sinh là con em cán bộ. Phong trào chống nạn mù chữ diễn ra sôi nỗi, tận thôn xóm. Tỉnh có 1 trường tiểu học ở kinh 14 xã Vĩnh Thuận và 51 trường làng với gần 15.000 học sinh và 250 thầy cô giáo, in rất nhiều sách cho các đoàn thể phục vụ công tác bình dân học vụ. Ở nhiều nơi trong tỉnh, tại các đầu cầu, các ngã ba, ngã tư, đường bộ cũng như sông, rạch, đường vô chợ,…đều có băng cờ, biểu ngữ tuyên truyền, vận động chống dốt; có bảng để ghi chữ; ai không đọc được không cho đi qua. Qua phong trào chống dốt trong năm, toàn thể Thanh niên Cứu quốc ở ba làng Lương Tâm (Long Mỹ), Hòa Thạnh Lợi (Châu Thành) và Vĩnh Thuận (Hồng Vân) đều biết đọc biết viết, tuy có lúc chưa đều nhưng phong trào này được duy trì suốt trong cuộc kháng chiến [17, tr.97].
Tỉnh Hà Tiên có các trường ở xã Thuận Yên, Dương Hòa, Bình An, Phú Mỹ, Lung Lớn, Hòa Điền. Huyện Phú Quốc có trường ở Cửa Dương, Hàm Ninh. Hệ thống trường lớp ở tỉnh Hà Tiên ít, mỗi xã chỉ được 1 trường, một số học sinh ít do “dân chúng nghèo lo ăn hơn lo học”.
Hệ thống trường lớp phổ thông ở các làng, tỉnh Rạch Giá có trường nội trú gọi là trường tiểu học Rạch Giá đóng ở Ngăn Trâu; tỉnh Hà Tiên có trường nội trú ở Hòn Chông (xã Bình An). Riêng xã Vĩnh Thuận mở trường “Công – Thú – Đời” tại kinh III.
Về Bình dân học vụ
Bình dân học vụ là một phong trào lớn được toàn dân trong 2 tỉnh tham gia. Cùng với việc tuyên truyền phát động, chính quyền còn có những biện pháp hành chánh đối với những người thiếu tự giác. Từng lúc tỉnh phát động những đợt dạy và học, chỉ đạo thanh toán nạn mù chữ ở từng địa phương. Tất cả các xóm, ấp đều có tổ chức các điểm dạy và học.
Hệ thống giáo dục được xây dựng rộng khắp từ năm 1948, cả tiểu học vụ và bình dân học vụ được giữ vững đến ngày ký hiệp định Geneve. Ở Rạch Giá, bộ máy giáo dục được tổ chức từ tỉnh đến tận xã. Tỉnh có văn phòng Ty, Phòng tiểu học vụ, Phòng Bình dân học vụ, Ban ấn loát… Trong năm 1949, tuy chưa có xã nào xóa xong nạn mù chữ nhưng do tỉnh có tổ chức được nhiều Đoàn giáo dục xung phong xuống xã, ấp nên gây được phong trào hiếu học trong dân chúng. Ở tỉnh có lớp Nhất, ở huyện có lớp Nhì, ở xã có lớp Ba… Các Hội phụ huynh được thành lập ở xã, ấp và các trường học. (Thời gian này tổ chức được 35 Hội ở xã, 399 Hội ở các trường và 124 Hội ở ấp) [17, tr.144]. Nhưng, tổ chức Ty giáo dục lại có sự biến động. Do yêu cầu phân chia lại chiến trường, cuối 1950, tỉnh Hà Tiên sáp nhập với tỉnh Long Châu Hậu để lập tỉnh Long Châu Hà. Lê Văn Tùng, nguyên Trưởng Ty giáo dục Rạch Giá được rút về Khu một thời gian rồi phân công làm Trưởng ty giáo dục Long Châu Hà, Phạm Văn Ngà, trưởng ty giáo dục Hà Tiên làm Phó ty [21, tr.58].
Ở Giồng Riềng, người phụ trách huyện gọi là kiểm soát viên, như trưởng phòng, ở mỗi làng đều có ủy viên kháng chiến hành chánh phụ trách giáo dục. Cán bộ giáo viên thiếu và trong kháng chiến bước đầu chưa có kinh nghiệm nhưng Đảng bộ và chính quyền rất quan tâm đến lời dạy của Hồ Chí Minh : “Thi đua, thi đua trừ dốt”. Các đoàn thể cứu quốc Nông, Thanh, Phụ, vận động hội viên tích cực tham gia phong trào bình dân học vụ, vần quốc
ngữ A,B,C được viết tay in bột phổ biến rộng rãi, người biết chữ dạy người chưa biết, xóm làng dấy lên một cao trào quyết tâm để biết đọc biết viết. Chính quyền còn bắt buộc mọi người phải học, dùng thơ ca động viên khuyến khích, treo ở chợ Thác Lác và ngã ba, ngã tư sông rạch như:
“Anh kia ăn mặc bảnh bao
Anh không biết chữ ai thèm lấy anh”. [44, tr. 56] Nam nữ thanh niên đến chợ bị chặn lại buộc đánh vần các chữ trên bảng, đánh vần được cho đi thẳng vào, không được thì đi vòng phía sau. Nam nữ thanh niên vì lòng tự trọng mà cố gắng học, trong vòng vài ba tháng thì biết đọc, một số viết được rành rẽ.
Từ cuối năm 1949, các xã Ngọc Chúc, Thuận Hòa, Hòa Hưng, dài kinh xáng từ Bảy Ngàn đến Ông Dèo (Giồng Riềng) có các cơ quan TY Giao Thông, Ty Giáo Dục, Phụ Nữ tỉnh, Thanh Niên tỉnh, Ty Thông Tin, Ty Y tế. Kinh Mười Thước vào Long Nia có nhà in chữ chì in báo và cơ quan Tuyên Huấn Tỉnh ủy. Ngã Cũ có ủy ban kháng chiến hành chánh và Tỉnh ủy, Ty Công an, Ty Kinh tế Tài chánh, từ Chợ Mới dọc sông Cái Bé, Cái Đuốc lớn có các trường tiểu học nội trú của tỉnh, Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ, Trường Thiếu Sinh Quân của Khu [44, tr.59]. Trên thực tế các xã của Giồng Riềng đã trở thành trung tâm văn hóa chính trị của tỉnh Cần Thơ, là một vùng giải phóng tương đối ổn định.
Sau cách mạng tháng Tám 1945, Gò Quao cũng như nhiều nơi khác vận động thực hành tiết kiệm “nhường cơm sẻ áo” tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong nhân dân. Mặt khác, chủ trương khui kho lúa của địa chủ và tay sai cho dân cày nghèo. Phong trào bình dân học vụ diễn ra sôi nổi, động viên mọi người học “Quốc ngữ chữ nước ta”; khuyến khích người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ…người chưa biết chữ gắng sức mà học” khắp thôn quê, già trẻ gái trai khắc phục khó khăn trong đời sống hàng ngày, tích cực tham
gia phong trào chống dốt để được tiến bộ. Nhiều người có chút đỉnh chữ nghĩa tự nguyện đứng ra dạy học [42, tr.58].
Ở An Biên, trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ An Biên đẩy mạnh phong trào kháng chiến kiến quốc mạnh mẽ và rộng khắp huyện. Xây dựng mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài, nhất là tăng cường lãnh đạo, xây dựng các lực lượng võ trang, tích cực sản xuất…tăng cường công tác bình dân học vụ để chống dốt. Giáo dục chánh trị, học tập văn hóa, nâng cao tinh thần bình đẳng, dân chủ làm cho nhân dân tự thấy trách nhiệm của mình là một thành viên trong công cuộc kháng chiến, là những hội viên, đảng viên của chánh quyền các mạng nhân dân. Xây dựng đời sống mới, văn hóa mới, phong trào xóa mù chữ, xóa mê tín dị đoan, cờ bạc trộm cướp, vùng nông thôn giải phóng bình yên, ấm no hạnh phúc. Người dân An Biên triệt để tin yêu Hồ Chí Minh, luôn nghe theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, tích cực tham gia các đoàn thể kháng chiến, tích cực thi đua trừ đói, trừ dốt, trừ quân ngoại xâm…Giáo dục cán bộ, phát triển đảng viên, phát triển các đoàn thể kháng chiến ở An Biên bấy giờ là một phong trào rộng lớn và vững chắc [43, tr.75].
Phong trào Bình dân học vụ trong những ngày đầu cách mạng tháng Tám diễn ra sôi nổi, hưởng ứng tốt lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch“ diệt giặc dốt”. Hiệu quả của phong trào như một bước đột phá hết sức quan trọng và ý nghĩa lớn lao. Thành trì của giặc dốt được thực dân Pháp xây dựng gần 80 năm đã bị phá vỡ từng mảng. Chữ quốc ngữ có bước phát triển vượt bậc trở nên địa vị độc tôn trong ngành giáo dục, cả trong văn bản hành chính và đời sống kinh tế, xã hội của đất nước Việt Nam. Phong trào Bình dân học vụ đã phục vụ đắc lực cho công cuộc bầu cử Quốc hội chung của Việt Nam sau cách mạng tháng Tám. Đó cũng là thành tích của nhân dân Kiên Giang và
ngành giáo dục Kiên Giang trong những ngày cách mạng tháng Tám oai hùng.