1930 – 1945
2.3.3. Tổ chức dạy học
Năm học đầu tiên của tỉnh Hà Tiên chỉ còn có 1 trường, thầy trò Hà Tiên tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, tổ chức bình dân học vụ, tập quân sự và hoạt động thể dục thể thao. Các buổi lên lớp thì tập hát những bài ca cách mạng như Quốc ca, lên đàng, tiếng gọi sinh viên… Hần như không có học văn hóa. Hoạt động của trường chỉ kéo dài được cho đến khi Pháp tái chiếm Hà Tiên (20/1/1946) rồi giải tán.
Trong khi hoạt động giáo dục phổ thông bị hạn chế do tình hình thì phong trào bình dân học vụ lại được phát triển hết sức rầm rộ.
Ủy ban nhân dân 2 tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên chỉ đạo cho các quận, làng trong tỉnh tích cực phát động phong trào bình dân học vụ.
Các đoàn thể động viên đoàn, hội viên của mình tham gia học bình dân học vụ.
Trên tinh thần “Người biết dạy người chưa biết”, mọi người đều phấn khởi dạy và học. Tiếng đánh vần vang khắp xóm ấp. Trẻ, già, trai, gái chưa biết chữ đều tham gia học bình dân phục vụ. Nhân dân trong tỉnh đi học bình dân học vụ trên tinh thần “diệt giặc”. Trong nông thôn Rạch Giá, Hà Tiên có rất nhiều người chưa biết chữ, nhưng người lớn tuổi đi học phấn đấu để có thể tự mình viết phiếu bầu quốc hội đầu tiên.
Tất cả các xóm, ấp đều có tổ chức các điểm dạy và học, ban đầu tổ chức lớp tập trung, sau đó tổ chức các điểm lẻ tẻ, đơn vị bộ đội, trại giáo hóa cũng tổ chức dạy bình dân học vụ.
*Tình hình giáo dục chữ Khmer và chữ Hoa
Sau những ngày sôi động của cuộc Cách mạng tháng Tám và chống thực dân Pháp tái xâm lược, đến năm 1947 vùng giải phóng được hình thành
và phát triển. Việc dạy và học chữ Khmer và Hoa cũng được Đảng và mặt trận Việt Minh quan tâm chỉ đạo.
-Về chữ Khmer: Đồng bào dân tộc Khmer vốn có tập quán cho con vào chùa tu để học chữ và học kinh kệ, tu rèn đạo đức. Do đó, trong 9 năm chống Pháp, Tỉnh ủy và ủy ban kháng chiến – hành chánh vẫn chủ trương duy trì, vừa tôn trọng tự do tính ngưỡng vừa tạo điều kiện cho con em Khmer học chữ. Tuy nhiên, chương trình cũng chỉ dạy cho trẻ em biết đọc,biết viết để học kinh kệ.
-Về học chữ Hoa: Học chữ Hoa là yêu cầu bức thiết của đồng bào dân tộc Hoa. Trong điều kiện kháng chiến, Ty giáo dục chưa thể tổ chức một cách hoàn chỉnh hệ thống dạy chữ Hoa. Trong vùng giải phóng lại không có những bang, hội như ở chợ để tổ chức trường, lớp và mời giáo viên về dạy, học vẫn phải ra chợ Rạch Giá hoặc Cần Thơ để học chữ.
Trước tình hình đó hội Giải Liên (Hoa kiều giải phóng liên hiệp hội) vận động nhân dân cất trường dạy chữ.
Ở Hà Tiên vào năm 1947, để thiết thực phục vụ cho công tác bình dân học vụ. Ty Giáo dục mở lớp huấn luyện cấp tốc cho giáo viên bình dân học vụ tại núi Trầu (Xã Hòa Điền), có trên 30 học viên [21, tr.55]. Công tác giáo dục của tỉnh Hà Tiên bắt đầu phát triển mạnh.
Ở Giồng Riềng, sau bình dân học vụ có các lớp cho trẻ em mới vào học. Từ năm 1949 đến năm 1951, một số xã của Giồng Riềng giao về Cần Thơ có lớp ba, lớp nhì, lớp nhứt hết bậc tiểu học. Ty giáo dục Cần Thơ tổ chức các trường nội trú lớp nhứt A, B, C và lớp nhì từ Chợ Mới dài theo sông Cái Bé đến Cái Đuốc. Quận Giồng Riềng có một thời là trung tâm giáo dục của tỉnh Cần Thơ [44, tr.56].
Năm 1949, Huyện ủy Gò Quao phân công Lê Kế Liêm và Trần Hinh xuống Vĩnh Hòa Hưng (Chùa Cao Đài Minh Đức - Bà Lớn) mở lớp chính trị
cơ sở và bồi dưỡng phát triển Đảng, mỗi lớp có từ 50-100 học viên, nội dung là chương trình cơ sở miền ngược, học chính trị, công tác đoàn thể, văn học, quân sự [42, tr.91].
Ở An Biên từ năm 1948 trở về sau, công tác giáo dục, đào tạo từ chỗ lẻ tẻ đến mở các lớp huấn luyện, tập huấn cấp tốc để đáp ứng như cầu chính trị của địa phưong cho tương ứng với thời điểm. Huyện mở lớp đào tạo cán bộ cấp tổ đảng. Chọn những cán bộ có triển vọng đưa lên trên dự các lớp dài hạn. Chủ yếu là giáo dục chủ nghĩa cộng sản, tập huấn công tác tổ chức đoàn thể, phương pháp vận động quần chúng, rèn luyện quan điểm giai cấp công nhân, lập trường kháng chiến [43, tr.81].
Từ năm 1950, ở An Biên Đảng bộ và nhân dân nô nức phấn khởi tin chiến thắng từ các chiến trường gửi về. Phong trào tiếp tế, chăm sóc bộ đội rất sôi nổi. Nhà nào cũng có “hũ gạo nuôi quân”, “con gà cứu quốc”, “cây chuối kháng chiến”. Các ban “Tiếp tế”, các Hội “Mẹ chiến sĩ” được thành lập, hoạt động rất có hiệu quả. Chị em phụ nữ có phong trào thăm nuôi, chăm sóc bộ đội, đăng ký lấy chồng thương binh. Bộ đội đóng quân nơi đâu đều quan hệ mật thiết với nhân dân. Ngoài giờ tập dợt, học hành các chiến sĩ, cán bộ đều lao vào công việc đồng án, vườn tược dọn dẹp quét tước, sửa nhà, bồi lộ và làm mọi công tác xã hội giúp dân. Đêm đêm các chiến sĩ tham gia xay lúa, giã gạo, hướng dẫn thanh niên, thiếu nhi ca hát những bài kháng chiến, dạy bổ túc văn hóa cho những người lớn tuổi nơi mình đóng quân. Tình nghĩa quân dân khắng khít như các với nước, thương yêu nhau như ruột thịt [42, tr.82].
Vào năm 1950, trên địa bàn Rạch Giá và Hà Tiên, thực dân Pháp kiểm soát trên phạm vi rộng, nhưng nhu cầu học tập của học sinh rất cao. Đáp ứng theo yêu cầu của nhân dân, trường Trung học tỉnh Rạch Giá được thành lập nhưng chỉ có 2 lớp Đệ thất (lớp 6), mượn cơ sở của trường nam Tiểu học. Đến
niên khóa 1952-1953, số học sinh lớp Đệ lục (lớp 7) phải đóng học phí như là trường bán công (Theo tư liệu của thầy Giang Minh Đoán).
Tháng 7/1951, thực hiện chủ trương của Trung ương Cục. Tỉnh Rạch Giá bị chia và sáp nhập vào các tỉnh khác. Huyện Hồng Dân và An Biên nhập vào tỉnh Bạc Liêu; 2 xã Long Tân và Long Phú của huyện Long Mỹ nhập vào tỉnh Sóc Trăng; các huyện Châu Thành, Long Mỹ, Gò Quao, Giồng Riềng và thị xã Rạch Giá vào tỉnh Cần Thơ. Tỉnh Rạch Giá không còn.
Mặc dù có sự sáp nhập, chia, tách ở cấp tỉnh, nhưng hệ thống giáo dục ở xã, ấp vẫn giữ vững và hoạt động đều đặn cho dến kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.