- Phương pháp phân tích – tổng hợp
7. Kết cấu của đề tài
2.1.3. Đặc điểm văn hoá – xã hội
Trên con đường khai phá và xây dựng Tây Nam Bộ hơn 300 năm về trước, người Việt đã mang theo một nền văn hoá người Việt ở Trung Bộ và Bắc Bộ. Trước điều kiện sống khắc nghiệt, con người đã có những cách ứng xử thích ứng với môi trường và hoàn cảnh sống mới, nhanh chóng nắm bắt được quy luật của tự nhiên, thích nghi với nó và bắt nó phải phục vụ con người.
Trong quá trình sinh sống, người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung vừa thích ứng với tự nhiên vừa cải tạo tự nhiên để có một đồng bằng trù phú như hôm nay. Từ đặc tính này, văn hoá được người Việt ở Tây Nam Bộ đã hình thành nên một vùng văn hoá đặc sắc và cũng mang tính động hơn.
Tây Nam Bộ với mênh mông sông nước, các cư dân Việt, Chăm, Hoa tới khai phá đã nhanh chóng hoà nhập với thiên nhiên và cuộc sống của cư dân bản địa Khmer. Đây là vùng văn hoá phong phú, dân tộc và tôn giáo cùng tồn tại và phát triển đan xen nhau trong suốt quá trình lịch sử. Với các dân tộc hiện đang sinh sống như: Việt, Hoa, Khmer, Chăm…thì cư dân người Việt và văn hoá của người Việt đã thật sự trở thành nền tảng căn bản của toàn vùng. Sự chung sống hoà bình cùng đoàn kết chiến đấu với thiên nhiên, với kẻ thù xâm lược bảo vệ quê hương đã hình thành nên một vùng văn hoá riêng bên cạnh bản sắc văn hoá chung của dân tộc Việt Nam.
Mặt khác, quá trình giao lưu tiếp biến giữa các dân tộc với nhau trên cơ sở kinh tế hàng hoá đã tạo nên những sự biến đổi, giao thoa về văn hoá, những nhân tố mới bên cạnh truyền thống văn hoá của mỗi dân tộc.
Chính sự giao thoa và cùng với những biến đổi, những yếu tố mới đã hình thành nên cả văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần, từ công cụ sản xuất, ăn, mặc, ở, đi lại…đến sự ra đời và phát triển tới ngày nay của các tôn giáo địa phương.
Trong quá trình di dân mỗi dân tộc đã đem đến vùng đất này những dấu ấn văn hoá và sự tín ngưỡng riêng. Song, với sự chung sống, lao động giữa các tộc người, đã diễn ra sự giao lưu văn hoá làm phong thêm về đời sống của cộng đồng dân cư nơi đây. Tuy nhiên những nét văn hoá đặc sắc của từng tộc người ở Tây Nam Bộ cho đến bây giờ vẫn được gìn giữ và bảo tồn.
Về lĩnh vực tôn giáo và tín ngưỡng thì mỗi tộc người lại có nhu cầu về tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Người Việt theo nhiều tôn giáo (một bộ phận là Phật tử, một số thì là Công giáo, một số theo Phật giáo Hoà Hảo, Tin Lành hoặc Cao Đài hay Tứ Ân hiếu nghĩa…), người Khmer theo Phật giáo Nam Tông, người Chăm theo Hồi Giáo, còn người Hoa thì lại tham gia các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền thống.
Nói chung trong mối quan hệ cái chung và cái riêng, môi trường và điều kiện tự nhiên của miền Tây Nam Bộ đã bổ sung vào nền văn hoá Việt Nam một nét đặc trưng văn hoá của mình đó là yếu tố sông nước. Truyền thống văn hoá lúa nước ở Tây Nam Bộ được hoàn chỉnh cũng bởi chính yếu tố sông nước.
Cư dân ở Tây Nam Bộ được phân bổ phổ biến dọc theo các con sông, con kênh, rạch. Giao thông đường thuỷ là phương tiện khá phổ biến, nó đã tạo điều kiện cho phát triển thương mại, chợ nổi được hình thành trên các
trục giao thông thuỷ ở các tỉnh như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long…đã nối liền Tây Nam Bộ rộng lớn tạo cho cả vùng này một sự đồng nhất cao trong văn hoá.
Môi trường sông nước ở Tây Nam Bộ đã tạo nên một vùng văn hoá đặc trưng mà không giống như những vùng khác về cách ăn, ở, đi lại... Ăn thì họ khoái món cá lóc nướng trui, thích canh chua, ưa ăn mắm, thường dùng nước cốt dừa để chế biến món ăn; còn nhà ở thường được làm bằng các loại cây nhỏ như tràm, đước và lợp bằng lá dừa nước; họ quen đi lại, di chuyển theo cách sống của môi trường sông nước nên thường dùng xuồng, ghe, tàu, bè, phà…Ở Tây Nam Bộ thì sông nước, xuồng ghe có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là phương tiện vận chuyển tiện dụng cho tất cả mọi người, vừa là phương tiện mưu sinh và phương tiện cư trú của một số lớn cư dân làm nghề đò ngang, đò dọc, buôn bán và nuôi cá trên sông. Hình ảnh dòng sông, con đò (xuồng, ghe) vì vậy đã trở nên phổ biến đến mức trở thành một hình tượng, một biểu tượng của không gian Tây Nam Bộ. Nói chung, cho đến nay ở miền Tây Nam Bộ thì giao thông đường thuỷ vẫn rất thông dụng và thuận lợi, mặc dù giao thông đường bộ đã được cải thiện nhiều.
Văn hoá Tây Nam Bộ được hình thành và phát triển theo quy luật kế thừa và giao lưu giữa các tộc người với nhau đã làm nên những truyền thống quý báu cho vùng đất này, tạo được những tiềm lực lớn về kinh tế - văn hoá - xã hội. Nền văn hoá ở đây là một phức thể văn hoá nông nghiệp (lúa nước, miệt vườn…), còn một bộ phận là của một phức thể văn hoá công - nông nghiệp, dựa trên sự phát triển của kinh tế hàng hoá và sự kết hợp đan xen giữa những yếu tố truyền thống văn hoá dân tộc với những yếu tố văn hoá hiện đại.
Trong thực tiễn - lịch sử thì người dân ở Tây Nam Bộ có đầu óc thực tế, năng động trung thực khảng khái trong cuộc sống, cần cù sáng tạo trong lao động lấy thực tiễn làm thước đo chân lý, ít giáo điều…khai thác tự nhiên trong sự hài hoà với tự nhiên nên tính cách con người nơi đây ưa phóng khoáng, cởi mở, hào hiệp, bao dung, bộc trực… tín ngưỡng, tôn giáo hết sức phong phú và đa dạng, sớm tiếp cận và đi đầu trong quá trình giao lưu hội nhập với văn hoá phương Tây.
Trong cách ứng xử với tự nhiên, người Việt ở Tây Nam Bộ vẫn giữ được nếp sống hoà nhã. Tuy nhiên dưới điều kiện tự nhiên và khí hậu khác họ đã chọn cho mình một cách sống phù hợp với điều kiện, môi trường sống của mình. Sinh hoạt và sản xuất ở Tây Nam Bộ luôn gắn bó với những đổi thay và biến động của con nước, của dòng sông và thuỷ triều. Những biểu hiện của văn minh sông nước thể hiện rõ trong phương thức lao động, trong nhịp sống sinh hoạt, trong tín ngưỡng, trong phong tục và ngôn ngữ.
Trong lối ứng xử với xã hội người Việt ở Tây Nam Bộ vẫn giữ được sự mềm dẻo, hiền hoà của con người gốc nông nghiệp. Họ thích ứng với môi trường linh hoạt hơn, ít câu nệ và đa dạng trong sinh hoạt hàng ngày, thiết lập những quan hệ được quy định bởi điều kiện sống.
Trong giao tiếp con người ở Tây Nam Bộ bộc trực, chất phác, thẳng thắn ít nói từ văn hoa hay rào trước đón sau, mà họ rất hiếu khách, xử sự với người không suy tính thiệt hơn và đồng thời họ cũng đòi hỏi người khác phải xử sự như thế với họ.
Sống lâu trong môi trường kinh tế hàng hoá nên người dân có khả năng thích ứng cao, nhạy bén có bản lĩnh vượt thoát những thử thách trong đời sống và hoạt động kinh tế.
Trong điều kiện kinh tế - xã hội mới, việc tiếp xúc và giao lưu văn hoá được mở rộng, nên văn hoá ở miền Tây Nam Bộ đã có những nét mới của văn hoá đô thị công thương nghiệp, quan hệ hàng hoá – tiền tệ đã thêm vào phức thể văn hoá nông nghiệp thương phẩm.
Ở Tây Nam Bộ đang diễn ra quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá giữa văn hoá vùng, văn hoá dân tộc và văn hoá nước ngoài, mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế, tiếp thu những cái hay, cái tiến bộ trong văn hoá của các dân tộc khác.
Ở Tây Nam Bộ, bên cạnh cái phức thể văn hoá nông nghiệp – nông thôn của vùng thì trong quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá và quá trình đô thị hoá ngày càng phát triển và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn hoá đô thị như những trung tâm văn hoá văn minh của vùng đang trong quá trình kết hợp, tiếp thu biến đổi hài hoà giữa văn hoá nông thôn và văn hoá đô thị.