Nhóm các nhân tố về chính sách pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh bắc giang (Trang 72 - 76)

5. Bố cục của luận văn

3.3.2. Nhóm các nhân tố về chính sách pháp luật

Những yếu tố về chính sách BHXHTN có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, mở rộng phạm vi BHXH cho NLĐ. Bên cạnh những vấn đề như việc ban hành, quản lý, cơ chế vận hành, nội dung chính sách cần thực sự phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của người dân, có như vậy chính sách BHXHTN mới có tính khả thi

cao trong quá trình triển khai, thực hiện. Ngoài ra, vấn đề về thủ tục tham gia, thủ tục hưởng, mức đóng, mức hưởng là vấn đề nội tại của chính sách lại có tính tiên quyết đến sự tham gia BHXHTN của NLĐ. Do đó để phân tích ảnh hưởng của chính sách đến kết quả thực hiện BHXHTN của NLĐ, luận văn tập trung phân tích đánh giá của người tham gia BHXHTN về chế độ của BHXHTN, mức đóng, mức hưởng; thủ tục tham gia và những kiến nghị đối với chính sách và việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXHTN.

Kết quả điều tra những người đang tham gia BHXHTN tại Thành phố Bắc Giang, huyện Tân Yên và huyện Yên Dũng, là 03 đơn vị có số lượng người tham gia BHXHTN lớn nhất trong toàn tỉnh được thể hiện ở bảng 3.16. Trong số những người tham gia phỏng vấn có cả đại diện cho NLĐ ở thành phố (thành phố Bắc Giang), có cả đại diện cho NLĐ ở khu vực nông thôn (huyện Tân Yên và huyện Yên Dũng). Trong tổng số 388 phiếu điều tra phỏng vấn, có 370 phiếu hợp lệ và có thể sử dụng để phân tích, 18 phiếu không hợp lệ được loại ra khỏi kết quả điều tra.

Về mức đóng BHXHTN: Trong tổng số 370 người được điều tra, 301 người (81,35%) cho rằng mức đóng BHXHTN hiện nay ở mức trung bình, có thể chấp nhận được, trong khi đó 55 người (14,86%) cho rằng mức đóng hiện nay vẫn cao và chỉ có 14 người (3,78%) cho rằng mức đóng hiện nay là thấp. Điều này là hoàn toàn phù hợp với số liệu thống kê của BHXH tỉnh (Bảng 3.11) với phần lớn người tham gia BHXHTN (khoảng 80%) tập trung đóng ở mức phí trung bình từ 260.000 đồng/tháng đến 650.000 đồng/tháng, nên họ đánh giá mức đóng là ở mức vừa phải.

Về các mức hưởng BHXHTN theo các chế độ hưu trí, tử tuất và trợ cấp 1 lần: 209 người (78,38%) cho rằng mức hưởng BHXHTN hiện nay ở mức trung bình, trong khi đó 16 người (4,32%) cho rằng mức hưởng BHXHTN là cao và có 64 người (17,3%) cho rằng mức hưởng BHXHTN hiện nay là thấp. Vì phần lớn những người đang tham gia BHXHTN vẫn đang trong quá trình đóng, nên các mức chi trả hiện tại cho các chế độ BHXHTN thực sự chưa ảnh hưởng, tác động nhiều đến những người tham gia nên việc đánh giá các mức hưởng BHXHTN là dựa theo hiểu biết và cảm nhận của người tham gia BHXHTN nhiều hơn là những tác động thực tế của các chế độ chi trả.

Về phương thức đóng BHXHTN: Với chính sách linh hoạt về phương thức đóng như hiện nay (hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 1 lần cho nhiều năm về sau, 1 lần cho những năm còn thiếu) có thể thấy đa số người đang tham gia BHXHTN cảm thấy hài lòng với các phương thức này. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 329 người (88,92%) đánh giá các phương thức đóng BHXHTN hiện nay là phù hợp, và chỉ có 41 người (11,08%) cho rằng chưa phù hợp.

Bảng 3.16. Ý kiến đánh giá của NLĐ về chính sách BHXHTN hiện nay

Nội dung Số ý kiến Tỷ lệ (%)

1. Mức đóng BHXHTN

- Cao 55 14,86

- Trung bình 301 81,35

- Thấp 14 3,78

2. Mức thụ hưởng (hưu trí, tử tuất, trợ cấp 1 lần)

- Cao 16 4,32 - Trung bình 290 78,38 - Thấp 64 17,30 3. Phương thức đóng - Phù hợp 329 88,92 - Chưa phù hợp 41 11,08 4. Thời gian đóng - Phù hợp 271 73,24 - Chưa phù hợp 99 26,76 5. Địa điểm đóng phí - Thuận lợi 303 81,89 - Khó khăn 67 18,11 6. Mức độ hấp dẫn của chính sách

- Tiếp tục tham gia 347 93,78

Về thời gian đóng BHXHTN: Chỉ có 271 người (73,24%) cho rằng những quy định về thời gian đóng BHXHTN hiện nay là phù hợp, còn lại 99 người (26,76%) cho rằng chưa phù hợp. Lý giải cho điều này, một số người cho rằng thời gian đóng BHXHTN là quá dài, nếu tham gia đóng đủ 20 năm mới được hưởng mức lương hưu như vậy thì họ không tham gia mà gửi tiết kiệm sẽ có lợi hơn.

Về địa điểm đóng phí BHXHTN: Có thể nói các đại lý thu BHXHTN hiện nay là cánh tay nối dài của BHXH tỉnh tới người dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia BHXHTN. Việc bố trí các đại lý thu đến tận xã, thôn,… với gần 500 cán bộ thu BHXHTN, cũng không khó để thấy rằng có tới 303 người (81,89%) tham gia khảo sát cho rằng địa điểm đóng phí là thuận lợi đối với họ, chỉ có 67 người (18,11%) cho rằng họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại đóng phí. Số ý kiến này chủ yếu rơi vào những người đang tham gia BHXHTN ở các khu vực miền núi, nơi mà điều kiện đi lại còn gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù vẫn còn một số đánh giá chưa tích cực về các chính sách pháp luật về BHXHTN hiện nay, nhưng khi được hỏi về khả năng tiếp tục tham gia BHXHTN thì 347 người (93,78%) khẳng định tiếp tục tham gia BHXHTN, chỉ có 23 người (6,22%) có chút lưỡng lự do họ không chắc chắn về các khoản thu nhập trong tương lai.

Về kiến nghị của người tham gia BHXHTN đối với các chính sách hiện nay của BHXHTN, rất nhiều người trong số được phỏng vấn có đề cập đến việc bổ sung các chế độ khác như ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vào các chế độ hiện tại của BHXHTN.

Việc thiết kế 2 chế độ hưu trí và tử tuất trong chính sách pháp luật về BHXHTN đã đáp ứng nhu cầu của tuyệt đối đại đa số NLĐ thuộc đối tượng tham gia. Vì cả hai chế độ này trực tiếp góp phần ổn định cuộc sống gia đình của NLĐ khi họ về già hoặc bị tử vong. Hơn nữa, chế độ hưu trí và tử tuất của BHXHTN về cơ bản được quy định tương tự như chế độ hưu trí và tử tuất của BHXH bắt buộc, do đó đã tạo sự liên thông giữa BHXHTN và BHXH bắt buộc. Chính việc quy định này đã giúp cho NLĐ dễ dàng tham gia và chuyển đổi từ loại hình BHXH bắt buộc sang BHXHTN. Đồng thời, rất phù hợp với đặc điểm của thị trường lao động hiện nay.

Theo kết quả điều tra thấy đa số ý kiến hỏi kể cả NLĐ, cán bộ làm công tác BHXH và cơ quan BHXH đều đồng ý với việc phương án đề xuất cần có thêm các chế độ ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp để NLĐ thấy rõ hơn cả lợi ích trước mắt và lâu dài khi tham gia BHXHTN.

Xét về mặt tâm lý thì đại đa số NLĐ thuộc diện tham gia BHXHTN ở nước ta đều hướng tới lợi ích trước mắt. Nếu chỉ thực hiện 2 chế độ hưu trí và tử tuất thì quyền lợi mà BHXH mang lại còn khá lâu sau họ mới nhận được, ít nhất 20 năm sau khi đóng góp. Vì thế, nên nghiên cứu triển khai tiếp các chế độ ốm đau, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với người tham gia BHXHTN. Những chế độ này đều có mức đóng góp thấp, nhưng khi có quyền lợi thì việc san sẻ rủi ro, san sẻ tài chính thể hiện trực tiếp và rõ hơn. Cho dù mức đóng góp hàng tháng vào quỹ BHXH có tăng nhưng lợi ích mang lại cho NLĐ là rất lớn và thể hiện rất rõ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh bắc giang (Trang 72 - 76)