Nhóm giải pháp cho cơ quan bảo hiểm xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh bắc giang (Trang 90 - 95)

5. Bố cục của luận văn

4.2.2. Nhóm giải pháp cho cơ quan bảo hiểm xã hội

a. Tổ chức dịch vụ BHXHTN

- BHXH cơ sở cần linh hoạt hơn trong khâu triển khai thực hiện, giảm thiểu tối đa thủ tục giấy tờ, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp để cung cấp giấy tờ tùy thân cho NLĐ chính xác đúng tên tuổi tránh tình trạng sau này chi trả, trợ cấp chế độ bị nhầm lẫn sai sót. Cần có sự linh hoạt trong việc cung cấp thông tin, chi trả BHXHTN cho NLĐ khi có phát sinh quyền lợi BHXH.

- Mỗi xã, thị trấn cần có từ 2 -3 điểm thu BHXHTN. Những điểm thu này phải là người của địa phương. Bởi hiện nay, lực lượng cán bộ BHXH huyện còn khá mỏng, khó triển khai được hoạt động tuyên truyền. Cán bộ BHXH này sẽ trực tiếp làm nhiệm vụ tháo gỡ vướng mắc và các thủ tục cho người dân tại cơ sở. Khi người dân có nhu cầu tham gia BHXHTN, thay vì họ phải tìm đến cơ quan BHXH để tìm hiểu thông tin, cách thức đóng góp thì cán bộ BHXH cần chủ động tiếp xúc cộng đồng dân cư để có thông tin từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ trong việc tham gia đóng góp.

- Cần tổ chức mạng lưới đại lý thu BHXHTN ở xã, phường, thị trấn, có thể sử dụng luôn mạng lưới thu BHYT tự nguyện hiện nay làm đại lý thu BHXHTN. Vì đại lý thu là những người cư trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn, là người gần đối tượng nhất, thường xuyên tiếp xúc với đối tượng, thuận lợi trong việc tuyên truyền trực tiếp và để cho đối tượng không phải đi lại xa khi muốn tham gia và đóng tiền BHXHTN theo định kỳ. Dành một khoản kinh phí hợp lý để chi hoa hồng cho các đại lý BHXHTN, hỗ trợ cho các đại lý trong việc thu BHXHTN.

Những xã, phường, thị trấn chưa tổ chức được đại lý thu BHXHTN, những đối tượng tham gia ở rất xa cơ quan BHXH, đặc biệt là với địa bàn miền núi đường xá đi lại khó khăn, việc đến cơ quan BHXH đóng tiền định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng rất không thuận tiện với người tham gia. Cơ quan BHXH huyện nên bố trí lịch thu tiền BHXHTN định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn. Cán bộ BHXHTN sẽ trực tiếp xuống thu tiền và thực hiện nộp tiền vào quỹ tiền mặt của cơ quan BHXH vào cuối ngày làm việc. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng tham gia BHXHTN đóng tiền dễ dàng hơn.

Đối với nơi chưa có hệ thống ngân hàng cấp xã, BHXH tỉnh phối hợp với ngân hàng chính sách, các ngân hàng thương mại... mở mạng lưới ở cấp xã, cơ quan BHXH, mở tài khoản giao dịch ở xã để người tham gia nộp tiền trực tiếp vào ngân hàng và sẽ xuất trình giấy nộp tiền với đại lý hoặc cơ quan BHXH huyện, thành phố để ghi nhận khoản đóng góp vào sổ BHXHTN của mình. Người tham gia có thể nộp tiền mặt trực tiếp cho đại lý thu BHXHTN hoặc cán bộ chuyên trách BHXH tại xã, cán bộ chuyên trách BHXH có trách nhiệm nộp vào tài khoản chuyên thu của BHXH huyện, thành phố.

b. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách BHXHTN * Thay đổi nội dung tuyên truyền về BHXHTN:

Nguyên nhân quan trọng của việc nhiều lao động không quan tâm hoặc không muốn tham gia BHXHTN là do khâu tuyên truyền còn yếu. Vì vậy, để giải quyết tốt vấn đề thì việc thay đổi nội dung, hình thức tuyên truyền qua các kênh truyền thông đòi hỏi phải được tiến hành một cách hiệu quả và đồng bộ. Việc thay đổi nội dung tuyên truyền thay vì các băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, sổ tay về BHXH cần nêu bật được những vấn đề:

- Nội dung tuyên truyền phải nhắm trực tiếp vào lợi ích mà người tham gia BHXHTN sẽ nhận được và những rủi ro mà NLĐ sẽ gặp phải nếu không tham gia BHXHTN. Để làm được việc này, đội ngũ làm công tác tuyên truyền phải thật sự năng động và tâm huyết vì họ là cầu nối giữa chính sách với người dân. Có như vậy, NLĐ mới có thể quan tâm, lắng nghe, nhận thức và tin cậy chính sách BHXHTN là chỗ dựa vững chắc khi họ không may gặp phải những rủi ro trong cuộc sống hay hết tuổi lao động. Từ đó có thể làm cho họ chuyển biến phần nào tâm lý, cách nghĩ như trước đây là chỉ lo trang trải cho những việc trước mắt hoặc chỉ tích lũy bằng hình thức phổ thông hiện nay.

- Nội dung tuyên truyền cần thay đổi để có thể truyền cảm hứng cho người tham gia để họ thấy rằng việc tham gia BHXH và nhận BHXH là một giá trị của bản thân mà những người khác không có, mang lại sự an tâm và tự tin trong cuộc sống. Bỡi lẽ, lâu nay đại đa số NLĐ chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể được gia nhập ngang hàng với những người làm việc trong các cơ quan Nhà nước hay các doanh

nghiệp khi về hưu. Qua đó, họ an tâm, tự tin hơn nhận thấy giá trị của mình được nâng lên, cảm thấy cuộc sống tuổi già có ý nghĩa vì không phải phụ thuộc nhiều vào con cái. Nhận thức được tính ASXH của BHXHTN, NLĐ sẽ có thái độ tích cực hơn với chính sách BHXHTN. Có như thế, NLĐ mới thấy được tham gia BHXHTN là việc cần thiết nên làm, là việc làm hoàn toàn đúng đắn và họ sẽ tin cậy vào các quyền lợi mà chính sách BHXHTN mang lại.

- Nội dung tuyên truyền không chỉ nhắm tới những người chưa tham gia hoặc có ý định tham gia BHXHTN, nội dung tuyên truyền còn phải nâng cao nhận thức về BHXH của người thân của NLĐ. Khi bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong gia đình hoặc những người đã và đang hưởng chế độ BHXH hiểu và nhận thức đầy đủ vấn đề cũng như tính thiết yếu của chính sách BHXH mà Nhà nước ban hành thì họ sẽ trở thành một kênh tuyên truyền hiệu quả đến tận NLĐ. Bởi chính họ là người biết cách truyền đạt và diễn giải vấn đề gần gũi nhất đến những người thân của họ. Do vậy, việc tuyên truyền về chính sách BHXHTN không chỉ tập trung tuyên truyền cho NLĐ mà cần thiết phải tuyên truyền vào đến tận các đơn vị có sử dụng lao động để NLĐ biết và nhận thức vấn đề, từ đó họ có sự đồng thuận về BHXHTN để rồi từ chính họ lại tuyên truyền cho những người thân của mình.

* Phát triển truyền thông về BHXHTN qua các phương tiện thông tin đại chúng

Là phương tiện truyền thông chủ lực, thời gian qua, truyền thanh, truyền hình và nhất là báo chí đã thể hiện được vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Do vậy, UBND tỉnh cần ra quy định cho các huyện, xã, phường, thị trấn giao nhiệm vụ cho đài truyền thanh ở các địa phương phải thường xuyên tuyên truyền về chính sách BHXHTN của Nhà nước, đưa ra những con số thống kê tình hình tham gia BHXHTN của NLĐ tại những địa phương, xã, phường. Chính sách BHXHTN thực sự đến được với người dân đặc biệt là ở nông thôn thì cần thiết phải xây dựng những chương trình truyền hình, truyền thanh, hoặc các bài báo viết phải thật sự thiết thực với nội dung ngắn gọn, đầy đủ, chính xác, ngôn từ dễ hiểu gần gũi với người dân, hình thức sinh động, lôi cuốn. Cần có các ấn phẩm tuyên truyền và nội dung quy định về BHXHTN để người dân được đọc.

* Phát triển truyền thông liên cá nhân

Tại địa phương, bằng hình thức truyền thông liên cá nhân, BHXH tỉnh nên chú trọng truyền thông thông qua những người cán bộ của hội, đội, đoàn thể mặt trận, tổ dân phố tại địa phương. Để công tác truyền thông BHXHTN tại địa phương đạt hiệu quả không thể phủ nhận vai trò của cán bộ hội trong việc vận động tuyên truyền người dân tại địa bàn, họ là những người gần gũi và tiếp xúc trực tiếp đi sâu đi sát cuộc sống của người lao động. Họ hiểu được những nhu cầu cũng như nguyện vọng của dân từ đó họ có cách tiếp cận dễ dàng hơn. Do vậy, đối với những đối tượng là những NLĐ có trình độ dân chí thấp, mức độ đọc hiểu hạn chế thì bằng cách truyền miệng có khi lại đạt kết quả cao hơn. Đây cũng là một giải pháp mà khi áp dụng sẽ thu được kết quả nếu như sự truyền miệng được thuyết phục.

* Phát triển truyền thông nhóm

Truyền thông nhóm là hình thức tiếp cận một nhóm người cùng chia sẻ những thông tin giữa người cung cấp và người tiếp nhận, đồng thời có sự phản hồi trực tiếp ngay trong cuộc nói chuyện, mang tính hai chiều. Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ của ngành BHXH, cũng như khi chưa thiết lập mạng lưới đại lý BHXHTN và chưa bố trí cán bộ phụ trách ở các xã, phường, thị trấn thì quá trình tập hợp người dân tham gia vào buổi truyền thông nhóm cần có sự vào cuộc của chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp ở địa phương. Để tổ chức thực hiện một cuộc truyền thông nhóm chuyên đề BHXHTN, cần kết hợp với Hội nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ và Liên minh HTX tỉnh về tuyên truyền, vận động NLĐ tham gia BHXHTN, mỗi ngành chủ động lồng ghép hoạt động của đơn vị mình để tuyên truyền chính sách BHXHTN phù hợp với từng địa bàn và từng đối tượng. Đối với truyền thông nhóm, người truyền đạt nội dung phải có khả năng thuyết phục và kỹ năng truyền đạt thông tin trước quần chúng, có sự am hiểu chính sách nhất định để giải đáp những thắc mắc, tư vấn kỹ lưỡng nội dung cho đối tượng hiểu rõ hơn về chính sách BHXHTN đến với tận NLĐ.

c. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan BHXH

- Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo khối lượng kiến thức vừa toàn diện, vừa chuyên sâu; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện tại trước mắt và yêu cầu phát triển của địa phương; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, bám

sát thực tiễn. Ngoài những kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành, cần trang bị thêm những kiến thức mới về kinh tế thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý, lãnh đạo, luật, ngoại ngữ, tin học…để khắc phục nguy cơ tụt hậu về tri thức và kỹ thuật trong điều kiện phát triển nền kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế.

- Gắn lý luận với thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa học với hành trong các nghiệp vụ BHXH. Gắn kết chặt chẽ việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng với việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thực tế, qua công việc để cán bộ được đào tạo, rèn luyện toàn diện và trưởng thành. Phải coi việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ qua thực tiễn thực hiện BHXHTN là một khâu và là phương thức đào tạo, bồi dưỡng.

- Tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với BHXH tỉnh, huyện trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên về công tác quản lý cán bộ. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phải thực hiện nghiêm túc quy chế quản lý học viên nhằm theo dõi, đánh giá ý thức, thái độ, kết quả học tập của học viên một cách khách quan, công bằng.

- Cán bộ cần tiếp tục học tập, đổi mới tác phong làm việc, phong cách phục vụ. Cơ quan BHXH địa phương là nơi cung cấp dịch vụ, mỗi cán bộ, nhân viên làm việc trong tổ chức này phải coi công việc của mình như một hoạt động dịch vụ, phải chủ động tìm kiếm, khai thác khách hàng đồng thời làm tốt công tác chăm sóc khách hàng. Có như vậy, mới chiếm được lòng tin của nhân dân, từ đó họ mới tự nguyện tham gia.

d. Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện BHXHTN

Việc ứng dụng CNTT để thay đổi quy trình tác nghiệp truyền thông, hướng tới văn phòng ít giấy tờ. Cơ quan BHXH tỉnh phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của các Bộ, ngành chức năng về công tác CNTT. Đồng thời xây dựng các văn bản quy định, kế hoạch, chương trình hướng dẫn, triển khai ứng dụng CNTT tới các đơn vị thuộc BHXH Bắc Giang. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng thiết bị CNTT trong toàn hệ thống, lập hồ sơ chi tiết thiết bị CNTT từ văn phòng tới BHXH các huyện, thành phố để có cơ sở theo dõi, quản lý chặt chẽ và hiệu quả theo quy định của ngành. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT trong công việc hàng ngày đối với cán bộ, công chức; coi đào tạo con người là nhân tố quyết định sự thành bại của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ của ngành.

e. Hàng năm tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện BHXHTN

Nhân rộng những cách làm hay, những điển hình trong thực hiện BHXHTN để các địa phương khác học tập. Đồng thời căn cứ kết quả thực hiện của từng tập thể, cá nhân để bình xét khen thưởng cho phù hợp, đúng với quy định; không nên chỉ căn cứ vào số người tham gia, số thu cao hay thấp để xét khen thưởng mà nên xem xét thêm về điệu kiện địa lý, trình độ dân trí, điều kiện kinh tế... để đánh giá kết quả đạt được của tập thể, cá nhân.

f. Tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong quá trình thực hiện BHXHTN cho NLĐ.

Trong hoạt động BHXHTN cho NLĐ, những hành vi tiêu cực xuất hiện như giả mạo giấy tờ để hưởng trợ cấp, sử dụng nguồn kinh phí có được từ việc đóng phí của NLĐ vào mục đích cá nhân... Những tiêu cực này đã làm cho quỹ BHXHTN bị thất thoát, làm giảm lòng tin của người dân vào chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách BHXHTN. Việc tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong quá trình thực hiện BHXHTN cho NLĐ vừa góp phần đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho NLĐ vừa hạn chế những tiêu cực, thất thoát cho quỹ BHXH, nâng cao hiệu quả quản lý.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh bắc giang (Trang 90 - 95)