Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý các khoản thu NSNN từ đất đai

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế tăng cường quản lý các khoản thu NSNN từ đất đai trên địa bàn huyện văn yên, tỉnh yên bái (Trang 36 - 41)

5. Kết cấu của luận văn

1.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý các khoản thu NSNN từ đất đai

1.1.5.1. Yếu tố khách quan a) Chính sách pháp luật

Pháp luật là công cụ quản lý không thể thiếu được của một Nhà nước. Từ xưa đến nay, Nhà nước nào cũng luôn thực hiện quyền cai trị của mình trước hết bằng pháp luật. Nhà nước dùng pháp luật tác động vào ý chí con người để điều chỉnh hành vi của con người, qua đó Nhà nước bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa những người sử dụng đất. Nhờ những điều khoản bắt buộc, thông qua các chính sách miễn giảm, thưởng, phạt cho phép Nhà nước thực hiện được sự bình đẳng cũng như giải quyết tốt mối quan hệ về lợi ích trong lĩnh vực đất đai giữa những người sử dụng đất. Trong hệ thống pháp luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có các công cụ pháp luật liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quản lý đất đai cụ thể như: Hiến pháp, Luật đất đai, Luật dân sự, các pháp lệnh, các nghị định, các quyết định, các thông tư, các chỉ thị, các nghị quyết của Nhà nước, của Chính phủ, của các bộ, các ngành có liên quan đến đất đai một cách trực tiếp hoặc gián tiếp và các văn bản quản lý của các cấp, các ngành ở chính quyền địa phương. Nhà nước có những chính sách phù hợp với từng thời kỳ phát triển, biến đổi của nền kinh tế.

Đối với quản lý các khoản thu từ đất, chính sách pháp luật từng thời kỳ có ảnh hưởng không hề nhỏ, đặc biệt là nguồn thu ngân sách. Chính sách pháp luật phải đảm bảo sự công bằng. Những chính sách pháp luật được xây dựng

nhằm hướng đến con người, xã hội và phải đáp ứng yêu cầu của toàn thể nhân dân. Việc đánh thuế sẽ gây ra nhiều phản ứng của người dân nếu chính sách thuế và pháp luật thuế để ra không đảm bảo sự công bằng. Ngoài ra chính sách pháp luật thuế cũng phải đảm bảo tính ổn định và phù hợp. Chính sách pháp luật là cơ sở cho việc tính thuế, thu nộp thuế. Chính sách phải có tính ổn định trong một khoảng thời gian nào đó. Sự thay đổi trong chính sách phải có sự phù hợp với từng thời kỳ, tình hình kinh tế. Sự thay đổi chính sách pháp luật thuế đột ngột mà không phù hợp sẽ khiến người nộp thuế không thể thích ứng, bởi chính sách ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh của họ.

Đặc biệt đối với các khoản thu từ đất, giá đất là một trong những yếu tố tiên quyết ảnh hưởng trực tiếp đến người nộp thuế cũng như nguồn thu NSNN từ đất đai. Bởi giá đất là căn cứ đầu tiên để tính các khoản thu từ đất. Luật đất đai 2003 quy định: Giá đất do Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định công bố công khai vào ngày 1 tháng 1 hàng năm được sử dụng làm căn cứ để tính tiền sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; đơn giá thuê đất; tính tiền sử dụng đất khi giao đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, khi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, khi hợp thức hoá quyền sử dụng đất; tính giá trị quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, tính lệ phí trước bạ, tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước.

Ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai năm 2013, đã khắc phục, giải quyết được những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật đất đai năm 2003. Luật Đất đai năm 2013 tại Điều 113 quy định: Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất

cho phù hợp. Căn cứ vào khung giá đất do Chính phủ ban hành, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01/01 của năm đầu kỳ. Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.

Khoản 3 Điều 114 quy định: UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Căn cứ kết quả tư vấn giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình UBND cùng cấp quyết định. Hội đồng thẩm định giá đất gồm Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại điện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất.

b) Yếu tố văn hoá - xã hội

Đây cũng là một yếu tố có tác động lớn đến công tác quản lý các khoản thu từ đất. Các nhân tố ảnh hưởng thuộc yếu tố này thường được nhắc đến, bao gồm: những quan niệm, tư tưởng, đạo đức của cộng đồng về đất đai, về hệ thống chính sách (chính sách thu liên quan đến đất đai, chính sách điều chỉnh cơ cấu đầu tư, chính sách hỗ trợ,...), sự ổn định chính trị - xã hội và các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển trong lĩnh vực đất đai của Nhà nước; Thêm vào đó, các yếu tố như: Đặc điểm khu dân cư, cơ cấu dân cư, giới tính, độ tuổi, mật độ dân số, sự gia tăng dân số, trình độ nhận thức, tâm lý và các tập quán của người dân, dịch vụ giáo dục, y tế, trình độ năng lực của các chủ thể kinh doanh, trình độ đầu tư... cũng có những tác động nhất định đến chính sách thu

liên quan đến đất đai. Một khu vực mật độ dân số đột nhiên tăng cao thì giá trị bất động sản nơi đó sẽ tăng lên do cân bằng cung cầu bị phá vỡ. Về tín ngưỡng: Luật tục của mỗi địa phương đều có những quan niệm và quy định rõ về quyền sử dụng đất của các thành viên.

c) Yếu tố khoa học - công nghệ

Khoa học - công nghệ là công cụ quan trọng trong việc quản lý thuế nói chung và quản lý các khoản thu từ đất nói riêng, làm tăng tính hiệu quả trong giao dịch giữa cơ quan thuế và NNT, giảm chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế. Với sự hỗ trợ của khoa học - công nghệ hiện đại, các dữ liệu trên quản lý thuế được máy tính đối chiếu và xử lý tự động, giảm tối đa việc thực hiện thủ công giúp cơ quan thuế phát hiện các gian lận hoặc không tuân thủ đúng quy định pháp luật về thuế của NNT; Yếu tố khoa học - công nghệ giúp cho cơ quan thuế quản lý được hệ thống thông tin thu, nộp thuế, từ đó có sự kiểm tra, giám sát tới từng NNT và kịp thời xử lý các sai phạm của NNT.

d) Công tác tuyên truyền

Công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế là một nội dung quan trọng, là khâu đột phá của toàn bộ lộ trình cải cách và hiện đại hóa ngành thuế trong giai đoạn hiện nay, và cũng có vai trò không nhỏ đối với việc quản lý các khoản thu từ đất. Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế. Công tác tuyên truyền cung cấp, hướng dẫn cho người nộp thuế các thông tin, hiểu biết về nội dung các chính sách thuế, các quy trình nghiệp vụ, các thủ tục về thuế ….làm cho người nộp thuế hiểu rõ và có cơ sở chấp hành các nghĩa vụ về thuế một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời. Thông qua công tác tuyên truyền, người nộp thuế nắm được thông tin về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình đối với các khoản thu NSNN, trong đó có các khoản thu từ đất, từ đó kịp thời chấp hành, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu thuế cũng như đảm bảo quyền lợi của chính người nộp thuế.

e) Yếu tố kinh tế

Kinh tế là tổng hợp các mối quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính của các chủ thể kinh tế xã hội. Yếu tố kinh tế rất quan trọng, cho phép thực hiện quyền bình đẳng giữa các đối tượng sử dụng đất và kết hợp hài hòa giữa các lợi ích, do vậy, các đối tượng sử dụng đất đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Sự vận hành của một xã hội nói chung, cũng như một chính sách thuế nói riêng bao giờ cũng gắn liền với bối cảnh kinh tế nhất định. Bối cảnh kinh tế đó được nhìn nhận thông qua hàng loạt các chi tiêu kinh tế vĩ mô như: tốc độ tăng trưởng, chỉ số giá cả, tỷ giá ngoại tệ, chỉ số chứng khoán. Mỗi sự thay đổi của yếu tố này sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới chính sách thu, trong đó có chính sách thu liên quan đến đất đai.

1.1.5.2. Yếu tố chủ quan

a) Năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý

Năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới quản lý các khoản thu từ đất. Nguồn thu từ đất là nguồn thu mang tính thường xuyên. Cán bộ quản lý tiếp xúc trực tiếp với người dân đến nộp thuế. Vì vậy đòi hỏi cán bộ quản lý phải có trình độ chuyên môn, hiểu biết sâu sắc về chế độ, chính sách đảm bảo giải thích chính xác cho người nộp thuế cũng như tính thuế đúng, thu đúng, thu đủ, không để thất thu ngân sách nhà nước.

b) Công tác phối hợp giữa cơ quan thuế và các ngành, các cấp

Đối với công tác quản lý các khoản thu từ đất, có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, ban ngành. Trong đó, mối quan hệ mật thiết hơn cả là giữa cơ quan thuế, cơ quan tài nguyên môi trường và cơ quan tài chính. Đối với các khoản thu từ đất, sự phối hợp giữa các cơ quan này có ảnh hưởng rất lớn. Để có căn cứ thu thuế, thì cần có các thông tin từ các cơ quan này chuyển sang do tài nguyên là cơ quan quản lý đất đai, cũng như tài chính là cơ quan quản lý về giá cả. Do đó UBND các cấp thường xuyên có các văn bản quy định rõ về cơ chế phối hợp

giữa ba cơ quan này với nhau. Ngoài ra, đối với công tác quản lý các khoản thu từ đất tại cấp chi cục thuế cũng cần sự phối hợp từ UBND các xã, ban quản lý các làng nghề trên địa bàn, ... để đảm bảo tính sâu sát, cũng như nắm bắt được tình hình cụ thể của từng địa bàn xã, từ đó có kế hoạch thu cho phù hợp với địa phương, đảm bảo tiến độ, hiệu quả thu ngân sách.

c) Tổ chức, cá nhân sử dụng đất

Một trong các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý các khoản thu từ đất nữa đó chính là nhóm nhân tố thuộc về tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Có thể nói nhóm nhân tố này ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý các khoản thu từ đất.

Đầu tiên là khả năng sử dụng đất có hiệu quả hay không của người sử dụng đất. Nếu người sử dụng đất khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất thì họ sẽ có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật về đất đai cũng như thực hiện các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai. Điều này sẽ giúp cơ quan thuế thực hiện tốt hơn trong công tác quản lý các khoản thu từ đất.

Thứ hai, phải nói đến ý thức chấp hành pháp luật cũng như trình độ hiểu biết pháp luật về đất đai của người sử dụng đất. Trình độ hiểu biết pháp luật tác động không nhỏ tới ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của người sử dụng đất. Nếu người dân không hiểu biết pháp luật sẽ dẫn đến tình trạng thắc mắc, khiếu nại, cũng có thể hiểu sai ý nghĩa của pháp luật đất đai, từ đó dẫn đến không chấp hành pháp luật về đất đai. Điều này vừa làm mất thời gian của cả người nộp thuế cũng như cơ quan thuế, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả quản lý các khoản thu từ đất, đôi khi cũng gây thiệt hại đến chính quyền lợi của người sử dụng đất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế tăng cường quản lý các khoản thu NSNN từ đất đai trên địa bàn huyện văn yên, tỉnh yên bái (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)