Nhóm nhân tố khách quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý ngân sách nhà nước tại huyện mường khương, tỉnh lào cai (Trang 80 - 83)

5. Kết cấu của luận văn

3.3.1. Nhóm nhân tố khách quan

a. Điều kiện kinh tế - xã hội

Cơ cấu kinh tế huyện Mường Khương chưa có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng Công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng chủ yếu mà vẫn là cơ cấu nông lâm thủy sản chiếm đa số. Tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện thể hiện hình sau đây:

ĐVT: %

Hình 3.5: Tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện Mường Khương giai đoạn 2017 - 2019

Tốc độ phát triển kinh tế năm 2017 đạt 6,47%, năm 2018 đạt 7,14% và năm 2019 đạt 7,54%, với tốc độ tăng hàng năm cho thấy huyện đã chú trọng trong chính sách thu hút mở rộng đầu tư nhưng tốc độ này chưa có sự đột phá lớn, huyện vẫn thực hiện các khoản chi cho an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, vật chất về giáo dục, đào tạo, y tế, thủy lợi, …Có thể thấy trong quá trình phát triển huyện đã tăng cường chi cho hoạt động thường xuyên như giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa thông tin, thể dục thể thao,…. kinh tế huyện đã phát triển làm cho quy mô chi tăng tương ứng, phù hợp với lộ trình phát triển kinh tế - xã hội huyện. Với quy mô thu chi tăng lên như vậy, làm cho tính phức tạp trong hoạt động này tăng lên, cơ cấu bộ máy tổ chức quản lý thu chi cần tăng cường thường xuyên, nhất là khâu lập dự toán thu chi qua KBNN cần bám sát mục tiêu phát triển huyện; khâu tổ chức thực hiện tránh sự chồng chéo, khâu kiểm tra cần minh bạch, công khai hơn. Chính vì vậy, cơ quan tài chính cấp huyện cần thực hiện chính sách quản lý số thu sao cho cao nhất và số chi sao cho tiết kiệm nhất, vẫn đảm bảo tính hiệu quả; phân bổ nguồn lực cần tuân thủ tuyệt đối quy định của Luật NSNN, chính sách phát triển KT-XH của huyện, của tỉnh và cơ quan KBNN huyện Mường Khương trong kiểm soát các nguồn thu - chi. Đây là nhân tố có tác động tích cực đến quản lý NSNN huyện Mường Khương.

b. Chính sách và thể chế kinh tế

Cơ chế quản lý ngân sách nhà nước thể hiện đó là: Huyện đã công khai, minh bạch NS, đặc biệt, xây dựng được những cơ chế, tiêu chí để người dân đánh giá và phản hồi về chất lượng các dịch vụ công nhằm điều chỉnh phân bổ NSNN cho hiệu quả hơn; áp dụng các cơ chế tham vấn rộng rãi trong quá trình ra quyết định chính sách ở các cấp cũng như đẩy mạnh sự tham gia giám sát của người dân đối với việc thực hiện các dự án đầu tư công. Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; thực hiện phân công tại điểm 2c Mục V phần phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 -

2020, Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và được phép của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2270/VPCP-KTTH ngày 09/8/2018 của Văn phòng Chính phủ về đánh giá phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Văn bản số 10966/BTC-NSNN về đánh giá, hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý NSNN và các nội dung khác liên quan đến quản lý NSNN ngày 10/9/2018.

Để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về hoàn thiện thể chế nhằm bảo đảm cho việc phát triển kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là cấp thực thi các chính sách vĩ mô, huyện Mường Khương luôn quan tâm đến công tác cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, Pháp Luật của Nhà nước bằng các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch cụ thể của huyện… để tổ chức thực hiện, trong đó, tập trung là cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đối với các thủ tục hành chính trong bộ thủ tục hành chính đối với các cơ quan hành chính Nhà nước. Đồng thời xúc tiến chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử và thành lập Trung tâm hành chính công của huyện với phương châm là tách dịch vụ hành chính công ra khỏi chức năng quản lý nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt tại chỗ. Ban hành Chỉ thị số 13-CT/HU ngày 28/4/2014 và có nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, thiết lập kỷ cương trong hoạt động công vụ, tạo chuyển biến tích cực trong đội ngũ của cán bộ, công chức và đảng viên; nhờ đó, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng cao rõ rệt, chất lượng công việc có sự chuyển biến, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhiệm vụ…

c. Cơ chế quản lý ngân sách nhà nước

- Công tác thu ngân sách: Ngay từ các năm UBND huyện đã xây dựng và ban hành kế hoạch thu tiền sử dụng đất chi tiết đến từng vị trí đấu giá đất của từng xã, thị trấn. Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành và vượt dự toán tỉnh và HĐND huyện giao, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND huyện luôn bám sát nhiệm vụ thu, chỉ đạo chi Cục thuế huyện chủ động phối hợp với Cục thuế tỉnh Lào Cai trong công tác quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp, thu kịp thời các khoản thuế phát sinh và các

khoản thuế được gia hạn năm trước sang năm sau và rà soát toàn bộ các nguồn thu trong năm nhằm hạn chế thấp nhất thất thu NSNN trên địa bàn huyện.

- Công tác chi ngân sách: Căn cứ Nghị quyết HĐND huyện, ngay từ đầu năm UBND huyện đã sớm triển khai chỉ tiêu kế hoạch nhà nước và dự toán ngân sách hàng năm cho các xã, thị trấn và các đơn vị thụ hưởng ngân sách huyện. Công tác chỉ đạo điều hành chi ngân sách thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và bám sát dự toán đã được HĐND thông qua. Ngân sách đảm bảo nguồn kinh phí chi thường xuyên và cơ bản đáp ứng kịp thời nguồn kinh phí chi cho đầu tư XDCB, các đơn vị dự toán sử dụng nguồn kinh phí được giao đúng mục đích và chấp hành nghiêm chế độ kế toán. Các ngành, các cấp và UBND các xã, thị trấn đã có nhiều lỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước về đầu tư XDCB, xử lý nợ đọng cơ bản. Công tác kiểm tra, thanh tra tài chính ngân sách được tăng cường. Qua đó phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, nâng cao kỷ luật tài chính ngân sách ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh đó, huyện đã hủy bỏ hệ thống định mức phân bổ ngân sách theo đầu người, chuyển từ cấp phát ngân sách dựa theo nguồn lực đầu vào sang hỗ trợ ngân sách theo mục tiêu và kết quả đầu ra và trao mạnh quyền tự quyết của đơn vị dự toán khi đã nhận được các nguồn tài chính hợp pháp. Như vậy có thể thấy được cơ chế quản lý NSNN tạo hành lang pháp lý và điều kiện giúp cho cơ quan QLNN địa phương về quản lý ngân sách thuận lợi và nâng cao hiệu quả quản lý.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế quản lý ngân sách nhà nước tại huyện mường khương, tỉnh lào cai (Trang 80 - 83)