5. Kết cấu luận văn
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý tài chính
Trong quá trình hoạt động và phát triển của mình các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập không thể tách khỏi sự vận động, thay đổi liên tục của nền Kinh tế. Do đó, công tác quản lý tài chính cũng chịu sự ảnh hưởng bởi những nhân tố khách quan và chủ quan, nó tác động đến quá trình phân phối, tạo lập và sử dụng nguồn lực tài chính, đó là:
1.1.4.1. Nhóm nhân tố khách quan
a. Cơ chế tài chính của Nhà nước
Cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước tạo ra môi trường pháp lý cho việc tạo lập và sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động của đơn vị. Nó được xây dựng dựa trên quan điểm định hướng về chính sách quản lý trong từng giai đoạn cụ thể của Nhà nước nhằm cụ thể hoá các chính sách đó. Cơ chế này sẽ vạch ra các khung pháp lý về mô hình quản lý tài chính, từ việc xây dựng các tiêu chuẩn, định mức, các quy định về lập dự toán, điều chỉnh dự toán, cấp phát kinh phí, kiểm tra, kiểm soát,... nhằm phát huy tối đa hiệu quả quản lý vĩ mô gắn với tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị. Do đó, nếu cơ chế tài chính phù hợp sẽ tạo điều kiện tăng cường và tập trung nguồn lực tài chính, đảm bảo sự linh hoạt, năng động và hữu hiệu của các nguồn lực tài chính, giúp cho đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước có tác động đến chương trình chi tiêu ngân sách quốc gia, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia. Vì vậy, cơ chế tài chính đó nếu được thiết lập phù hợp, hiệu quả sẽ đảm bảo cung ứng đủ nguồn kinh phí cho hoạt động chuyên môn, tránh được thất thoát, lãng phí các nguồn lực tài chính, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả, tiền đề vật chất cho việc thực hiện tốt các chương trình.
Thêm vào đó, cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước còn có vai trò như một cán cân công lý, đảm bảo sự công bằng, hợp lý trong việc tạo lập và phân
phối sử dụng các nguồn lực tài chính giữa các lĩnh vực khác nhau cũng như giữa các đơn vị trong cùng một lĩnh vực. Nhờ đó, các đơn vị dù hoạt động ở đâu, lĩnh vực nào cũng được quan tâm, tạo môi trường bình đẳng, tạo điều kiện phát triển tương xứng với yêu cầu của xã hội đối với lĩnh vực đó và tiềm lực kinh tế của quốc gia.
Tuy nhiên, cơ chế quản lý tài chính cũng có những tác động tiêu cực đối với hoạt động của các đơn vị:
Cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước vạch ra hành lang pháp lý cho đơn vị nhưng nếu các cơ chế này không phù hợp sẽ trở thành hàng rào trói buộc, cản trở đến quá trình tạo lập và sử dụng các nguồn lực tài chính của các đơn vị, ảnh hưởng xấu đến kết quả hoạt động chuyên môn của đơn vị. Nếu cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước sơ hở, lỏng lẻo có thể làm hao tổn NSNN, gây ra thất thoát, lãng phí các nguồn lực tài chính khác mà không đạt được các mục tiêu chính trị, xã hội đã định.
Để có một cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, khuyến khích các đơn vị nâng cao tự chủ tài chính, hành lang pháp lý của Nhà nước cần xác định rõ chu trình quản lý tài chính từ khâu lập dự toán, phê duyệt dự toán, thực hiện, quyết toán; xác định các nguồn thu đơn vị có được và được phép tổ chức thu; xác định cơ cấu chi, mức chi, trích lập và sử dụng các quỹ; cơ chế phân phối, sử dụng chênh lệch thu chi; cơ chế quản lý, sử dụng, khai thác tài sản,... trên cơ sở đó các đơn vị thực hiện tăng cường công tác quản lý tài chính.
b. Quy mô của đơn vị
Quy mô của mỗi đơn vị khác nhau sẽ điều chỉnh các quan hệ tài chính khác nhau. Các đơn vị có quy mô lớn, nguồn kinh phí nhiều, sẽ dễ dàng tiết kiệm các khoản chi phí để đầu tư cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực hoạt động. Mặt khác, sẽ thuận lợi trong việc điều tiết nguồn kinh phí tiết kiệm nhằm hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thêm thu nhập cải thiện đời sống và làm việc có hiệu quả hơn.
Ngược lại, các đơn vị có quy mô nhỏ, sẽ gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa các hình thức hoạt động và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính để hiện đại hóa cơ sở vật chất và triển khai nhiệm vụ trọng tâm.
c. Mối quan hệ, phân cấp quản lý giữa đơn vị trưc thuộc và các cơ quan quản lý quyết định trực tiếp cơ chế quản lý tài chính và quyền tự chủ của đơn vị
Việc xác định mối quan hệ và phân cấp rõ ràng cụ thể giữa Trung ương và Địa phương, giữa đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp và cơ quan quản lý, giảm sự can thiệp trực tiếp của các cơ quan chủ quản và các cơ quan quản lý có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền tự chủ của các đơn vị. Vì vậy, việc điều chỉnh nhiệm vụ giữa cơ quan cùng cấp và tăng cường phân cấp cho cơ quan cấp dưới là cần thiết, tạo điều kiện cho cơ chế quản lý tài chính được thực hiện đầy đủ và có hiệu quả.
1.1.4.2. Nhóm nhân tố chủ quan
a. Trình độ cán bộ quản lý
Con người là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến tính kịp thời, chính xác, hiệu quả của các quyết định quản lý nói chung và cơ chế quản lý tài chính nói riêng. Nếu đội ngũ cán bộ quản lý tài chính có năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu, có kinh nghiệm sẽ đưa công tác quản lý tài chính của đơn vị ngày càng đi vào nề nếp, cơ chế quản lý tài chính được phát huy có hiệu quả, góp phần đẩy mạnh các hoạt động sự nghiệp của đơn vị ngày càng phát triển. Ngược lại, đội ngũ cán bộ quản lý tài chính thiếu kinh nghiệm, hạn chế về chuyên môn sẽ dẫn đến công tác quản lý tài chính lỏng lẻo, dễ thất thoát, lãng phí. Do đó , công tác quản lý tài chính không được chuẩn hóa phù hợp với vai trò và vị trí của đơn vị sẽ làm cho cơ chế quản lý tài chính của đơn vị không phát huy có hiệu quả, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của đơn vị.
b. Hệ thống kiểm soát nội bộ trong đơn vị
Hệ thống kiểm soát nội bộ là các quy định, các thủ tục kiểm soát do đơn vị xây dựng và áp dụng đảm bảo cho việc tuân thủ pháp luật và các quy
định để kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa và phát hiện gian lận, sai sót nhằm tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đơn vị.
Đối với những đơn vị có hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ, hữu hiệu sẽ giúp cho công tác quản lý tài chính được thuận lợi, hệ thống kế toán được vận hành có hiệu quả, sẽ làm cho cơ chế quản lý tài chính của đơn vị được phát huy có hiệu quả, góp phần thúc đẩy các hoạt động của đơn vị ngày càng phát triển bền vững. Ngược lại, nếu đơn vị chưa chú trọng trong việc tạo lập hệ thống kiểm soát nội bộ thì sẽ không phát hiện kịp thời sai sót, không ngăn chặn hành vi gian lận, không kịp thời chấn chỉnh thì công tác quản lý tài chính sẽ kém hiệu lực, hiệu quả, dẫn đến cơ chế quản lý tài chính của đơn vị không phát huy hiệu quả, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của đơn vị.