Hệ thống các chỉ tiêu nghiên cứu chủ yếu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế tăng cường công tác quản lý tài chính tại sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh yên bái (Trang 38)

Chương 2 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.3. Hệ thống các chỉ tiêu nghiên cứu chủ yếu

- Chỉ tiêu đánh giá lập dự toán thu chi, thực hiện chấp hành dự toán thu chi, quyết toán thu chi.

- Giá trị về cơ cấu chi ngân sách cho các mục chi thường xuyên (%) - Giá trị về cơ cấu chi cho sự nghiệp, chi cho các chương trình dự án, chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia.

- Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả thu chi tài chính: Chênh lệch thu chi. - Các chỉ tiêu về nguồn nhân lực.

Chương 3

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TẠI SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

TỈNH YÊN BÁI 3.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

3.1.1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên

3.1.1.1. Vị trí địa lý

Yên Bái là tỉnh miền núi phía Tây Bắc bộ Việt Nam có tổng diện tích đất tự nhiên 6.887,67 km2 với 9 đơn vị hành chính: Thành phố Yên Bái, Thị xã Nghĩa Lộ và 7 huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên. Yên Bái có vị trí địa lý từ 21o24' đến 22o17' vĩ độ Bắc, 103o56' đến 105o03' kinh độ Đông.

- Phía Tây - Bắc giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu. - Phía Đông - Nam giáp tỉnh Phú Thọ.

- Phía Đông - Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang. - Phía Tây - Nam giáp tỉnh Sơn La.

Với vị trí địa lý như vậy, Yên Bái có những lợi thế để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nằm sâu trong nội địa, nhưng Yên Bái là đầu mối và trung điểm của một số tuyến giao thông quan trọng. Đây là một trong những cửa ngõ đi vào Tây Bắc và Đông Bắc. Yên Bái nằm ở khoảng giữa quốc lộ 2 nối Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng với cửa khẩu Lao Cai và từ đây qua Hà Khẩu sang thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Về mặt kinh tế, Yên Bái nằm trên trục đường của hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng qua cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuận tiện cho việc giao thương với các tỉnh trong nước và với Trung Quốc. Thực hiện công cuộc đổi mới, Yên Bái ngày càng khẳng định vị trí trung tâm của mình trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh miền núi phía bắc.

3.1.1.2. Đặc điểm địa hình

Yên Bái là vùng chuyển tiếp từ vùng núi cao Tây Bắc thuộc dãy núi Hoàng Liên - Púng Luông và dãy núi Con Voi xuống vùng đồi trung du Phú Thọ. Yên Bái cũng là vùng tiếp giáp giữa vùng núi Tây Bắc và vùng núi Đông Bắc, các dãy núi đều chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Độ cao bình quân toàn tỉnh là 600 m, nơi thấp nhất tại xã Minh Quân có cao độ 20 m, cao nhất là đỉnh Púng Luông có cao độ 2.986 m. Do mang đặc trưng địa hình miền núi nên đất đai của tỉnh Yên Bái có địa hình rất phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao, sông suối và thung lũng hẹp.

3.1.1.3. Khí hậu thời tiết

Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, hàng năm hình thành 2 mùa rõ rệt:

- Mùa mưa: Từ tháng 4 tới tháng 10, nhiệt độ trung bình 250c, tháng nóng nhất là tháng 7, có ngày nhiệt độ lên tới 370c - 380c. Lượng mưa trung chiếm 80 - 85 % lượng mưa cả năm, có số ngày mưa nhiều, cường độ lớn, đặc biệt trong các tháng 6, 7, 8 thường có mưa lớn kèm theo lốc xoáy, mưa đá, gây lũ quét, ngập lụt ở các triền sông, suối, làm hư hỏng các công trình thuỷ lợi, có thể gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống.

- Mùa khô: Từ tháng 11 tới tháng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình:180C, tháng lạnh nhất là tháng 1, nhiệt độ thấp nhất là 10C, lượng mưa mùa này quá ít không đủ cung cấp nước cho sản xuất, đời sống nên hay xảy ra hạn hán. Bên cạnh đó tình trạng sương muối, sương mù, ít ánh sáng mặt trời cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; đặc biệt ở 2 huyện vùng cao: Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Tóm lại, khí hậu của tỉnh Yên Bái rất đa dạng có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau thích hợp với việc phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi ở cả vùng nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới. Vì vậy, trong quy hoạch nông nghiệp và phát triển nông thôn cần chú ý bố trí phát triển cây con, thời vụ cho phù hợp.

3.1.1.4. Tài nguyên nước

a) Sông suối: Tỉnh Yên Bái có nền địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, lượng mưa tương đối lớn. Mạng lưới sông suối trong tỉnh Yên Bái khá dày đặc, phân bố khắp lãnh thổ rất thuận tiện cho việc xây dựng các công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt phục vụ cho sản xuất nông lâm nghiệp và sinh hoạt; góp phần điều hoà khí hậu, vận chuyển hàng hoá, phát triển chăn nuôi thủy cầm, thuỷ sản; các sông suối có độ dốc lớn nên có tiềm năng phát triển thuỷ điện nhất là ở các xã vùng cao. Bên cạnh những mặt tích cực thì về mùa mưa thường xảy ra lũ lụt, ngập úng khu vực ven sông và các phụ lưu lớn gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất nông nghiệp, tài sản của nhân dân và làm hư hại các công trình thuỷ lợi. Mùa kiệt, mực nước thấp phải dùng máy bơm để khai thác nguồn nước phục vụ cho sản xuất và đời sống. Bình quân hàng năm, Yên Bái đón nhận khoảng 13 tỷ m3 mưa từ các đỉnh núi đến các khe lạch nhỏ tập trung lại tạo thành 296 con suối.

b) Ao, hồ, đầm: Yên Bái có khoảng 23.000 ha ao hồ và đập chứa nước, trong đó có hồ Thác Bà có tổng diện tích 19.050 ha, ngoài tác dụng chính là hồ chứa nước của công trình thủy điện Thác Bà, hồ còn có tác dụng cấp nước sinh hoạt, điều tiết khí hậu, môi trường trong khu vực và có lợi thế lớn cho nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch.

Chất lượng nước sông suối, ao hồ đầm của Yên Bái nhìn chung tương đối tốt, ít bị ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu cho sản xuất và sinh hoạt.

3.1.1.5. Tài nguyên đất

Tài nguyên đất của tỉnh Yên Bái còn tương đối khá, đa số có tầng dày trên 70 cm, rất thích hợp cho nhóm cây trồng dài ngày như chè, cây ăn quả và các loại cây lâm nghiệp. Hạn chế chủ yếu cho việc khai thác tài nguyên đất ở Yên Bái là địa hình chia cắt, có tới trên 62% diện tích đất dốc trên 250.

3.1.1.6. Thảm thực vật

Ở Yên Bái hội tụ với sự đa dạng và phong phú nhiều loại cây trồng, có độ che phủ thảm thực vật đạt 63%. Các loại cây trồng thể hiện rõ lợi thế của

Yên Bái so với các tỉnh trung du miền núi khác như: chè, quế, nguyên liệu giấy, tre, luồng, cây ăn quả... đã hình thành vùng có tính chất tập trung. Sự đa dạng, phong phú về tập đoàn các loại cây trồng, là thế mạnh của Yên Bái trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.

3.1.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội

3.1.2.1. Tổng quát về đặc điểm kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái

Yên Bái là cửa ngõ miền Tây Bắc, nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có hệ thống giao thông tương đối đa dạng; Có tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua đã tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để Yên Bái tăng cường hội nhập và giao thương kinh tế thương mại, phát triển văn hóa xã hội không chỉ với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước mà còn cả trong giao thương kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các tỉnh phía Nam và Tây Nam của Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN.

Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế Yên Bái đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trong nông, lâm nghiệp và thủy sản, duy trì tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, tăng tỷ trọng của giá trị dịch vụ; hình thành các sản phẩm hàng hoá chiến lược với quy mô lớn và dần đến mức ổn định.

Tốc độ tăng trưởng (GDP) bình quân (Giá cố định 1994) của Yên Bái giai đoạn 2016 - 2019 đạt 11,33%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 24,54% xuống còn 22,9%; duy trì tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chỉ giảm từ 32,58% xuống 32,01%; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 42,88% lên 45,07%. Sự chuyển dịch trên là phù hợp với xu thế chung của cả nước; đã tác động tích cực cho nhiều ngành kinh tế phát triển trong đó có sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Trong 5 năm qua, văn hóa xã hội tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng: Hoạt động khoa học công nghệ được mở rộng, bám sát thực tiễn; trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đã xây dựng được các mô hình ứng dụng tiến bộ mới vào sản xuất. Giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển, mạng lưới

trường lớp được quy hoạch cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; đào tạo nghề cho trên 12.000 lượt người/năm, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2019 là 16,9%. Dịch vụ khám chữa bệnh được mở rộng, chất lượng nâng lên, tiêu chí quốc gia về y tế đạt trên 30%. Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em đạt kết quả tích cực. Đã hình thành mạng lưới dạy nghề 9/9 huyện, thị xã thành phố. Hàng năm tạo việc làm mới cho 17.500 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp toàn tỉnh xuống còn 0,82%, khu vực nông thôn 0,35%. Chính sách an sinh xã hội thực hiện tốt, công tác giảm nghèo thực hiện triệt để, giai đoạn 2016 - 2019 bình quân giảm 4%/năm

Hệ thống cơ sở hạ tầng ở Yên Bái đặc biệt là ở các vùng nông thôn những năm gần đây đã được cải thiện rõ rệt, hệ thống giao thông cơ bản thuận lợi đến các thôn bản, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã được cứng hóa. Nhiều công trình thủy lợi được nâng cấp, làm mới cơ bản đáp ứng tưới cho lúa. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng điện sinh hoạt (năm 2019 đạt 91,12%). Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của Yên Bái vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu phát triển của xã hội. Cần phải huy động nhiều nguồn vốn đầu tư cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng mà trước tiên cho các hạng mục: giao thông, điện, thuỷ lợi...

Có thể đánh giá Yên Bái là một trong các tỉnh có vị trí địa lý, kinh tế, xã hội quan trọng ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Sự phát triển kinh tế - xã hội của Yên Bái ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế chung của khu vực và cả nước. Những kết quả và kinh nghiệm đã đạt được trong quá trình tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và quốc tế trong những năm qua sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, giúp cho các ngành kinh tế của tỉnh phát triển trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

3.1.2.2. Đánh giá nguồn nhân lực

Theo nguồn số liệu thống kê năm 2019, dân số của tỉnh là 792.710 người; trong đó dân số nông thôn là 630.860 người, chiếm 79,58 % dân số toàn tỉnh. Lực lượng lao động toàn tỉnh có 512.463 người, trong đó lao động khu vực nông thôn là 412.881 người chiếm 80,57% lao động toàn tỉnh. Lao

động nông nghiệp khoảng trên 300.000 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân chung giai đoạn 2016 - 2019 là 1,08%, trong đó vùng nông thôn có tỷ lệ tăng là 0,8529%. Như vậy, lực lượng lao động khu vực nông thôn khá dồi dào, là yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế đặc biệt là ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, chất lượng lao động Yên Bái nói chung và ngành Nông nghiệp Yên Bái nói riêng còn thấp. Theo thống kê năm 2019, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo (ở thời điểm 1/7/2019) khu vực nông thôn chỉ đạt 9,3%, điều đó làm hạn chế khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Vì vậy, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn tới là cần phải quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ và chất lượng lao động.

3.1.3. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội

3.1.3.1. Các lợi thế

Vị trí địa lý của Yên Bái, là một yếu tố có lợi thế so sánh để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, là điểm trung gian chu chuyển hành hoá đi các tỉnh ở phía Đông, phía Bắc, phía Tây và phía Nam, qua đó sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh có thị trường tiêu thụ hàng hoá rộng lớn.

Nguồn lực tự nhiên của Yên Bái rất đa dạng và phong phú để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá. Khí hậu rất đa dạng, phù hợp với các loại cây trồng ở vùng nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới. Năng lượng bức xạ thực tế từ 80 - 100 kcal/m2/năm, thời gian chiếu sáng của mặt trời giao động từ 10- 13,5 h/ngày, với cường độ chiếu sáng lớn nên tổng nhiệt lượng từ 7.500-8.0000c/năm, biên độ nhiệt ngày đêm tương đối cao, đặc biệt có lượng mưa khá lớn từ 1.500 - 2.000 mm/năm. Đó là các yếu tố thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng, vật nuôi. Đa số có tầng dày lớp đất trên 70 cm, trong đó đất có tầng dày trên 100 cm chiếm trên 50% là một yếu tố rất quan trọng mà tỉnh Yên Bái có được để phát triển sản xuất nông, lâm

nghiệp. Theo số liệu thống kê năm 2019 diện tích đất chưa sử dụng là 46.334 ha (chiếm 6,73% diện tích tự nhiên toàn tỉnh), đây là quỹ đất bổ sung cho sản xuất nông, lâm nghiệp trong giai đoạn tới.

Sự đa dạng, phong phú về địa hình, tài nguyên và chế độ khí hậu đã tạo ra cho tỉnh sự đa dạng, phong phú của các loại cây trồng, vật nuôi, là cơ sở cho đầu tư sản xuất tập trung các loại hàng hoá có giá trị như: Lúa, ngô, chè, quế, măng tre Bát độ, cây ăn quả có múi, nhãn vải, các loại cây nguyên liệu, các sản phẩm thủy đặc sản: Tôm, cá, cá hồi, cá tầm, ba ba.

Về nguồn nhân lực: Yên Bái có 79,58% dân số ở nông thôn, đây là nguồn nhân lực dồi dào, là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Lực lượng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp của các cơ quan từ cấp tỉnh đến cơ sở đa số có trình độ đào tạo từ đại học trở lên đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của toàn tỉnh.

Phần lớn các sản phẩm chủ yếu như: lúa, ngô, chè, cây nguyên liệu, quế, cao su, cá nước ngọt, đều nằm trong các chương trình và dự án của quốc gia, ngành hàng ưu tiên do đó được hưởng các điều kiện thuận lợi về: vốn đầu tư, xúc tiến thương mại, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, các chương trình về đào tạo, khuyến nông..., các yếu tố nêu trên đã có những tác động tích cực giúp cho sản xuất phát triển và ổn định.

3.1.3.2. Các yếu tố hạn chế

- Trên 70% đất đai của Yên Bái là địa hình cao, dốc, độ chia cắt phức tạp và đa dạng là yếu tố hạn chế rất lớn cho việc giao lưu, vận chuyển hàng hoá và tổ chức sản xuất. Đặc biệt là sản xuất nông nghiệp lại gắn bó chặt chẽ với đất đai, con người trên từng địa bàn, đó là những khó khăn, trở ngại lớn trong việc chuyển đổi nền kinh tế lên sản xuất hàng hoá .

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế tăng cường công tác quản lý tài chính tại sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh yên bái (Trang 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)