Các yếu tố khách quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế công tác quản lý thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 88 - 91)

5. Kết cấu của luận văn

3.4.1. Các yếu tố khách quan

Chính sách pháp luật về thuế

Bất cứ chính sách nào cũng đều có tính hai mặt tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của một Quốc gia. Chính sách thuế nói chung và chính sách thuế tài nguyên nói riêng cũng không ngoại lệ. Chính sách thuế có tác động hai mặt đến nền kinh tế, bao gồm tác động tích cực và tác động tiêu cực.

Có thể thấy, thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu về giá tính thuế tài nguyên, chính sách pháp luật thuế tài nguyên đã góp phần tăng cường công tác quản lý cấp phép khai thác khoáng sản hiệu quả hơn, có quy hoạch khoáng sản rõ ràng, minh bạch. Nhờ có hệ thống chính sách pháp luật thuế tài nguyên, công tác thẩm tra, thẩm định dự án khai thác khoáng sản đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Vai trò của chính sách pháp luật về thuế tài nguyên được thể hiện rõ trong quá trình triển khai trong công tác quản lý thu thuế tài nguyên tại các

địa phương. Qua kết quả khảo sát 111 cán bộ, nhân viên thuế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên về mức độ ảnh hưởng của hệ thống chính sách luật thuế, trong đó có thuế tài nguyên được thể hiện ở Phụ lục 5 cho thấy, có 39.6% cán bộ đồng ý chính sách pháp luật thuế ảnh hưởng đến công tác quản lý thu thuế tài nguyên tại tỉnh Thái Nguyên ở mức độ trung bình, 48.7% cán bộ cho rằng tác động của chính sách pháp luật thuế ở mức mạnh và 11.7% tương đương với 8 cán bộ cho rằng mức ảnh hưởng của chính sách pháp luật thuế là rất ít đến công tác quản lý thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Như vậy, công tác quản lý thu thuế nói chung và quản lý thu thuế tài nguyên nói riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có đạt kết quả tốt hay không phụ thuộc một phần không nhỏ đến chính sách pháp luật thuế do Nhà nước và Chính phủ ban hành.

Có thế thấy, các quy định tại Luật thuế tài nguyên về cơ bản phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Tuy nhiên, do sự biến động nhanh của quá trình phát triển kinh tế - chính trị Việt Nam nói chung và tỉnh Thái nguyên nói riêng, chính sách về thuế tài nguyên đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Thực tế cho thấy, luật thuế tài nguyên đã được sửa đổi, bổ sung trong nhiều năm qua song cho tới nay, chính sách pháp luật thuế tài nguyên vẫn còn có những nội dung mâu thuẫn với Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, dẫn tới phải sửa đổi, bổ sung bằng các văn bản dưới luật. Hiện nay có 3 luật, 2 nghị định và 4 thông tư có liên quan đến thuế tài nguyên. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về thuế tài nguyên vẫn còn tồn tại nhiều bất cập liên quan đến người nộp thuế, sản lượng tính thuế, giá tính thuế, thuế suất và quản lý tài nguyên. Do đó, cần phải sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế tài nguyên để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Nhận thức của người nộp thuế

Qua kết quả ở Phụ lục 5 cho thấy, nhận thức của người nộp thuế có tác động lớn đến công tác quản lý thu thuế nói chung và thu thuế tài nguyên nói riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.Theo đánh giá của 111 cán bộ, nhân viên thuế tại tỉnh, ảnh hưởng của nhận thức người nộp thuế ở mức độ mạnh và rất mạnh là cao nhất, lần lượt có 38.7% cán bộ cho rằng nhận thức của người nộp thuế ảnh hưởng ở mức độ mạnh và 53.2% cán bộ, nhân viên thuế cho rằng người nộp thuế có tác động đến công tác quản lý thu thuế ở mức độ rất mạnh; không có cán bộ nào đánh giá thấp vai trò nhận thức của người nộp thuế đến công tác quản lý thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Luật thuế tài nguyên ban hành 2009 đã bổ sung một số trường hợp cụ thể thuộc đối tượng nộp thuế tài nguyên, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn có những trường hợp bất cập như là: Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 3, Luật thuế tài nguyên quy định, một trong những trường hợp cụ thể về người nộp thuế là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và nếu quy định này được thực hiện thì mâu thuẫn với Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước và Luật bảo vệ và phát triển rừng. Thông tư số 152/2015/TT – BTC hướng dẫn thì không mâu thuẫn với các luật trên nhưng nảy sinh vấn đề là khó quản lý, dẫn đến thất thu thuế khi hộ gia đình, cá nhân khai thác đất làm vật liệu xây dựng trong khuôn viên đất được giao sử dụng lâu dài bán cho các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng; hộ gia đình được giao đất, giao rừng được phép khai thác sản phẩm rừng tự nhiên trong phạm vi đất được bán ra…

Cũng theo Luật thuế tài nguyên 2009, các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân khai thác; điều này đồng nghĩa với việc tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế. Quy định này dẫn đến

tình trạng người thu mua có thể hoặc không cam kết chấp thuận bằng văn bản về kê khai nộp thuế thay cho các tổ chức, cá nhân khai thác nhỏ lẻ. Mặt khác, các tổ chức, cá nhân khai thác nhỏ lẻ cũng không kê khai nộp thuế với cơ quan thuế, điều này sẽ làm thất thu về thuế tài nguyên, đồng thời khiến cho cơ quan thuế khó quản lý.

Như vậy, có thể thấy ý thức chấp hành luật của người nộp thuế ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý thu thuế tài nguyên của cả nước nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Trên thực tế, các tổ chức, cá nhân khai thác nhỏ lẻ ở những nơi vùng sâu, vùng xa không thể kê khai nộp thuế với cơ quan thuế do sản lượng khai thác nhỏ, sự hiểu biết và ý thức về việc chấp hành pháp luật còn lơ là dẫn đến gây khó khăn trong công tác quản lý thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Để đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý thu thuế tài nguyên, cơ quan thuế trên địa bàn tỉnh cần phải tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của người nộp thuế khi khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý kinh tế công tác quản lý thu thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh thái nguyên (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)